A - Căn Bản Của Sự Tin Vào Bói Dịch
Bói Dịch cũng như bói Thái ất, bói mai rùa, chân gà, bài Tây, bã café v.v. đặt ra cho chúng ta một vấn đề tiên quyết, là việc bói có một căn bản hữu lý nào không, hay chỉ là mê tín dị đoan ? Lẽ tự nhiên, chúng ta không thể làm một cuộc thí nghiệm khoa học nào để chứng minh rằng nó là đúng. Chúng ta chỉ có thể suy luận đại khái như sau:
1. Óc ta là một bộ máy phát điện và thu điện thô sơ, chỉ khi nào bị xúc động hoặc chú ý mãnh liệt mới mong nhận được những luồng điện của vũ trụ siêu hình, có tần số đặc biệt. Một thí dụ thô sơ: mắt và tai ta không thể thu được những luồng điện vô tuyến, phải nhờ máy vô tuyến chuyển những luồng điện đó thành những rung động có tần số hợp với mắt và tai ta, thì ta mới thấy và nghe được. Vậy chúng ta có quyền nghĩ rằng những luồng sóng điện của vũ trụ siêu hình có tần số đặc biệt, khác tần số của những luồng sóng vô tuyến, nên cả óc ta và máy vô tuyến điện cũng không thể thu nhận được. Óc chúng ta chỉ có thể thu nhận được chúng trong vài trường hợp đặc biệt như khi bị xúc động mạnh, hoặc tập trung tư tưởng vào một vấn đề.
2. Trên đây mới chỉ tạm giải được một nửa vấn đề là: Sự thông cảm với vũ trụ siêu hình không phải là một sự bất khả tuyệt đối. Còn một nửa vấn đề là : Giả thử ta có thể thông cảm với vũ trụ lúc ta đương bói thì cũng chỉ biết được những việc đang xẩy ra ở ngay lúc đó, chứ làm sao biết được những việc chưa xẩy ra, sẽ xẩy ra trong tương lai? Đặt vấn đề tới đây, chúng tôi liên tưởng đến một câu của một khoa học gia mà chúng tôi quên mất tên. Viết rằng: Nếu giờ phút này ta biết được khối lượng, tốc độ và chuyển vận (mass, vitesse et direction) của mọi vật trong vũ trụ, và biết cách giải quyết phương trình của triệu triệu vật đó, thì ta có thể tính toán sự việc sẽ xẩy ra trong giây phút sau, giờ sau, năm sau, v . v . Lẽ tự nhiên, ngay phương trình của ba vật (equation des trois corps) đã khó khăn vô cùng, huống hồ phương trình của triệu triệu vật trong vũ trụ ? Nhưng dù không giải quyết nổi bằng toán học, chúng ta vẫn còn hy vọng giải quyết nó bằng linh tính trực giác trong một lúc xuất thần. Vì thật ra vũ trụ, như Einstein đã nói, là một continuum espace-temps, gồm đủ nơi xa nơi gần, quá khứ, hiện tại và tương lai là một. Cái đáng trách là bộ óc quá thô sơ của chúng ta không nắm được cái continuum đó, chứ không phải là tại bản thể của nó không thể nắm được. Có những bậc thánh hiền như Phục Hy, Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử, Nostradamus, Trạng Trình đã cho chúng ta chìa khóa để vào trong cõi huyền bí đó. Vào được hay không là tùy khả năng của ta, không phải là một bất khả tuyệt đối.
3. Vậy khi bói ta phải:
- thành tâm trịnh trọng đặt câu hỏi. Nếu không ăn chay cầu nguyện trong ba ngày đêm như cổ nhân đã làm, thì ít nhất củng phải tắm rửa sạch sẽ, rồi vào một tĩnh thất, thắp hương trước bàn thờ, rồi tĩnh tọa cầu nguyện xin thần minh trả lời câu hỏi.
- nên đặt câu hỏi rất minh bạch, dứt khoát, có thế trả lời bằng Có hay Không, chứ không nên đặt vấn đề lung tung. Ví dụ nên hỏi: “Tôi có nên nhận việc ở hãng A không?”, chứ không nên hỏi:”Tôi nên làm việc ở hãng nào?”
- nếu câu hỏi có liên quan đến thời gian, thì nên đặt rõ: “Tôi sẽ có việc làm trong một tháng không?”, chứ không nên đặt vấn đề lung tung: “Bao giờ tôi sẽ có việc làm?”
B - Bói Bằng Cỏ Thi.
Không có cỏ thi thì ta có thể tạm dùng 50 ống hút nước ngọt cũng được, đựng vào một cái hộp đựng sạch sẽ. Lối bói này khó khăn nhất. Phải tập trước cho thuần thục rồi mới bói cho khỏi lầm. Có những bước sau đây:
a)
1- Mở hộp đựng cỏ thi, để nó xuống bàn và để quyển kinh Dịch lên trên. Đứng trước quyển sách xá ba vái.
2- Nắm lại đám cỏ thi, rút ra một cái và để nó lại vào trong hộp. Cái cỏ đó không tham gia vào việc bói. ý nghĩa của nó là cái bản thể Một của vũ trụ chưa hiện-tượng-hóa thành vạn thù.
3- Đặt lại 49 cái thành một đống trên bàn trước mặt, và thành khẩn đặt vấn đề, khiến tâm tư mình rung động hòa hợp với những luồng sóng siêu hình của càn khôn vũ trụ .
4- Dùng ngón tay cái bàn tay phải, chia đống đó thành hai đống một cách tự nhiên, không tính toán, không ước lượng, trong khi vẫn chú tâm vào vấn đề đặt ra.
5- Từ đống bên phải, với tay phải, lấy ra một cái, và đặt nó vào giữa khe ngón út và ngón tay đeo nhẫn của bàn tay trái.
6- Bây giờ chú ý vào đống bên trái. Với tay phải, lấy ra từng 4 cái gạt những nhóm đó sang bên trái, cho đến khi còn lại là 4 hay dưới, nghĩa là khi số còn lại là 4, hoặc 3, hoặc 2, hoặc 1.
7- Đặt số còn lại đó vào giữa ngón tay đeo nhẫn và ngón giữa của bàn tay trái.
8- Bây giờ lại chú ý đến đống cỏ bên phải. Lại gạt từng nhóm 4 cái cho tới khi số còn lại là 4 hoặc dưới.
9- Đặt số còn lại đó vào khe giữa ngón tay majeur và ngón tay chỏ của bàn tay trái.
10-Tom góp cả hai đống đã bị gạt bên trái và bên phải thành một đống.
Ta sẽ thấy bàn tay trái đang kẹp một tổng số cỏ là 5 (1+1+3), (1+3+1), (1+2+2) hoặc 9 (1+4+4). Tại sao vậy?
Vì bắt đầu ta có 49 cái, 1 cái đã để vào ngón tay út và ngón tay đeo nhẫn. Còn lại 48 cái, trừ những cái đã bị gạt ra (là 40 hay 44), thì còn lại là 8 hoặc 4. Vậy 1 cộng với 4 là 5, hoặc 1 cộng với 8 là 9. Ta cẩn thận đặt số 5 hoặc số 9 đó ra một chỗ.
b) Và lấy lại đống cỏ bị gạt ra (bước 10 của giai đoạn a) là 40 hoặc 44. Ta lại làm như trên, và bắt đầu bằng bước 3, nghĩa là:
1- Đặt đống 44 hoặc 40 làm một đống ở trước mặt;
2- Dùng tay phải, chia đống đó làm 2 đống một cách tự nhiên;
3- Dùng tay phải, lấy ra ở đống bên phải 1 cái, và đặt nó vào khe giữa ngón tay út và ngón tay đeo nhẫn của vàn tay trái.
4- Đống bên trái, gạt từng nhóm 4 cái một, cho đến khi số còn lại là 4 hoặc ít hơn;
5- Đặt số còn lại đó vào khe giữa ngón tay đeo nhẫn và ngón tay majeur của bàn tay trái.
6- Đống bên phải, gạt từng nhóm bốn cái một, cho đến khi số còn lại là 4 hoặc ít hơn;
7- Đặt số còn lại đó vào khe giữa ngón tay giữa và ngón tay trỏ của bàn tay trái.
8- Tom góp hai đống đã bị gạt bên trái và bên phải làm một.
Bàn tay trái đang kẹp một tổng số cỏ là 4 (1+1+2), (1+2+1), hoặc 8 (1+4+3), (1+3+4). Tại sao? Vì khởi đầu ta có 40 hoặc 44, 1 cái đã để vào khe giữa ngón tay út và ngón tay đeo nhẫn, còn lại 39 hoặc 43. Trừ những cái đã gạt ra là 32 hoặc 36, thì số còn lại phải là 3 hoặc 7. Cộng với 1 thành 4 hoặc 8. Ta lại cẩn thận đặt số 4 hoặc 8 đó ra một chỗ, cạnh số 5 hoặc 9 lần trước.
c) Ta lại làm công việc trên một lần thứ ba nữa. Bất tất nhắc lại các bước đi, chỉ cần biết rằng số còn lại này sẽ là 4 hoặc 8. Tại sao?
Vì lần này số khởi đầu là 40 hoặc 44 trừ đi 4 hoặc 8, còn lại 32, 36, hoặc 40. Một cái để vào giữa ngón tay út và ngón tay đeo nhẫn, còn lại 31, 35 hoặc 39. Bỏ đi các nhóm 4 gạt ra, số còn lại phải là 3 hoặc 7. Cộng với 1 thành 4 hoặc 8.
d) Như vậy ta đã hoàn thành hào Sơ, hào dưới cùng quẻ.
Lần thứ nhất ta được 5 hoặc 9, lần thứ hai và thứ ba được 4 hoặc 8. Bây giờ ta kết hợp các số đó theo mọi cách:
5+4+4 là thái dương 13
9+8+8 là thái âm 25
5+8+8
9+8+4 là thiếu dương 21
9+4+8
5+4+8
5+8+4 là thiếu âm 17
9+4+4
Cách bói các hào nhị, tam, tứ, ngũ, thượng, cũng làm như vậy:
Bắt đầu bằng 49 cái để được số 5 hoặc 9
Bắt đầu bằng 40 hoặc 44 để được số 4 hoặc 8
Bắt đầu bằng 32, 36 hoặc 40 để được 4 hoặc 8.
Và làm xong tất cả 6 lần như thế, thì ta sẽ được 6 hào quẻ.
C - Bói Bằng 3 Đồng Tiền :
Nên dùng 3 đồng trinh cũ, mặt ngửa có chữ, mặt xấp không chữ. Nếu không có tiền trinh cũ, thì đành dùng 3 đồng quarters, và lấy mặt có ghi giá trị của nó làm mặt ngửa.
Cách này giản dị hơn cách bói cỏ thi, theo mấy bước sau đây:
1- Lắc nhẹ ba đồng tiền trong hai bàn tay, rồi vứt cả ba xuống bàn.
2- Ghi mỗi đồng rơi xuống ngửa hay xấp. Ngửa thì tính là 2 (vì 2 là số chẵn, số âm); xấp thì tính là 3 (vì 3 là số lẻ, số dương). Như vậy:
Nếu cả ba đều ngửa, thì 2 x 3 = 6, là số hào thái âm
Nếu cả ba đều xấp, thì 3 x 3 = 9, là số hào thái dương
Nếu hai ngửa một xấp, thì 2 + 2 + 3 = 7, là số hào thiếu dương
Nếu một ngửa hai xấp, thì 2 + 3 + 3 = 8, là số hào thiếu âm
Thế là ta được hào Sơ. Muốn được năm hào trên, ta cũng lần lượt làm như trên.
D - Bói Dùng 6 Que :
Mỗi que dài chừng 8 inch, rộng 1 inch, và dầy 1/8 inch. Hai mặt đều sơn đen, nhưng một mặt có thêm một vạch sơn trắng rộng chừng 1.1/2” ở giữa.
Que nào ngửa đen tuyền là hào dương ___ (vì số mẫu là 1, số lẻ)
Que nào ngửa có vạch trắng là hào âm _ _ (vì số mầu là 2, chẵn)
Cách bói này giản dị nhất, chỉ việc :
1 - Đưa cả 6 que ra đằng sau lưng
2 - Rồi lăn cả 6 lên mặt bàn
3 - Xếp chúng thành quẻ 6 hào, que gần mình nhất là hào Sơ, que kế cận là hào Nhị, v.v. như vậy ta có luôn quẻ bói, nhưng không thể có quẻ biến, và do đó ý nghĩa của quẻ bói chưa được đầy đủ.
E - Biến Quẻ :
Sau khi bói bằng cỏ thi hay bằng 3 đồng tiền, ta có thể đứng trước một trong 3 trường hợp sau đây:
1 - Nếu trong quẻ không có hào chuyển (moving line) tức là không có hào thái dương hoặc thái âm nào, thì chỉ việc tìm xem quẻ đó tên là gì, và ý nghĩa của nó thế nào.
2 - Nếu trong quẻ có một vài hào thái dương hoặc thái âm, thì ngoài quẻ đó ta còn phải biến hào thái dương thành hào thiếu âm, và hào thái âm thành hào thiếu dương, để được một quẻ mới gọi là biến quẻ (new hexagram). Tại sao vậy?
Lý do là hào thiếu âm hoặc thiếu dương chỉ thời kỳ còn sung sức, chưa thay đổi, còn hào thái âm hoặc thái dương thì tới lúc quẻ sắp hết, phải biến thành hào trái ngược của nó.
Lấy một thí dụ ta bói được các hào :
Thượng 5 + 8 + 8 21 ___ thiếu dương
Ngũ 9 + 4 + 4 17 _ _ thiếu âm
Tứ 5 + 4 + 4 13 ___ o thái dương
Tam 9 + 4 + 8 21 ___ thiếu dương
Nhị 9 + 8 + 8 25 _ _ x thái âm
Sơ 5 + 8 + 8 21 __ thiếu dương
thành quẻ mẹ là : Bát Thuần Li, số XXX, và quẻ biến là : Hỏa Thiên Đại Hữu số XIV.
Nghiên cứu ý nghĩa của quẻ Bát Thuần Li là nghiên cứu tình hình hiện tại, những điều có thể xẩy ra cho vấn đề đang hỏi. Còn quẻ Đại Hữu cho biết những điều sẻ xẩy ra trong tương lai, sự biến chuyển tất nhiên của vấn đề đang hỏi. Sự chuyển biến đó đã được ghi trong những hào Nhị và Tứ khiến quẻ Li biến thành quẻ Đại Hữu. Biến quẻ này không cần phân tích từng hào như quẻ mẹ, toàn thể quẻ đó cho ta biết câu giải đáp tối hậu. Và với sự nắm được cả những tình hình tĩnh (statique) và động (dynamique) của vấn đề đang hỏi, câu giải đáp tối hậu sẽ hiện ra trong trực giác của người bói quẻ.