V. Thủy thiên nhu

20 Tháng Năm 201411:16 CH(Xem: 13309)
V. THỦY THIÊN NHU
Thủy    thiên    nhu

A - Giải Thích Cổ Điển

1) Toàn quẻ :

Mông là lúc nhân vật ấu trĩ, còn ấu trĩ tất cần phải nuôi. Vậy tiếp theo quẻ Mông là quẻ Nhu.

Đại tượng truyện: quẻ này dưới Càn trên Khảm, là mây ùn lên tận trời, chắc nay mai sẽ mưa. Quân tử ở vào thời này, chỉ nên nuôi thân thể bằng ẩm thực, và tâm trí bằng yến lạc.

Soán truyện: Nhu nghĩa là chờ đợi. Vì quẻ này Khảm ở trên Càn, là trước mặt có đám hiểm, chưa tiến ngay được, tất phải chờ đợi. Tuy nhiên, tính Càn cương kiện nên không bị sụp vào Khảm hiểm. Người xử thế mà theo quẻ Nhu, thì chắc không bị khốn cùng.

2) Từng Hào :

Sơ Cửu : người quân tử còn cách xa ngoại khảm hãy nên chịu khó làm công việc thường ngày, bồi dưỡng tự lực, chớ vội hành động. (Ví dụ Lê Lợi ẩn náu ở Lam Sơn, chờ ngày khởi nghĩa).

Cửu Nhị : đã tiến đến gần ngoại khảm, nhưng chưa gặp hiểm nhờ đắc trung và âm vị làm mềm bớt tính dương cương, nên chỉ tổn hại chút đỉnh. (Ví dụ Lê Lợi khi thất trận, rút lui về Chí Linh để bảo tồn thực lực).

Cửu Tam : đã sát hiểm, sẽ nguy. Nhưng ứng với Thượng Lục, nếu biết bổ xung dương cương bằng âm nhu thì sẽ không việc gì. ( Ví dụ Napoléon sau khi rút quân khỏi Nga, nếu biết nhượng bộ giảng hòa thì sẽ không đến nỗi mất ngôi vua).

Lục Tứ : đã sụp vào hiểm, nhưng tính chất thuần nhu vì là âm hào cư âm vị, thuận theo vận trời, nên không đến nỗi bị họa. (Ví dụ Hậu Chủ Lưu Thiện, sau khi mất Thục, chịu nhu nhược đầu hàng Tấn Vương, nên được hưởng tuổi thọ vui chơi).

Cửu Ngũ : ở ngôi chí tôn, muôn dân trông nhờ ở mình để được no ấm thái bình. Nhưng ở thời nhu chớ mê say yến lạc thì mới giữ được hạnh phúc lâu bền. (Ví dụ Lê Thánh Tông thì giữ được nước vững bền, đến Lê Uy Mục ham chơi, làm mất nước).

Thượng Lục : ở thời Nhu, tuy âm Nhu nhưng ứng với Cửu Tam có Sơ Cửu và Cửu Nhị giúp đỡ, nên thoát được hiểm. ( Ví dụ Câu Tiễn tưởng đã mất nước nhờ Phạm Lãi, Văn Chủng biết khéo nuôi dân luyện binh, nên lại khôi phục được nước Việt).

B - Nhận Xét Bổ Túc.

1) Ý nghĩa quẻ Nhu :

a) Hình như quẻ Nhu có tới 2 ý nghĩa: một là nuôi dưỡng yến lạc (theo Đại Tượng truyện), hai là chờ đợi (theo Soán truyện). Nhưng hai ý nghĩa đó bổ túc cho nhau chứ không mâu thuẫn nhau: Trước một hiểm họa, ta không nên vội xông xáo, phải chờ thời cơ thuận tiện để thắng nó, và trong khi chờ đợi phải bồi dưỡng thân thể và tinh thần.

Quẻ Nhu cũng có Khảm như những quẻ Truân và Mông, nhưng ý nghĩa có khác. Khác ở chỗ nào?

b) Ở Mông, Khảm ở dưới Cấn, tức là nước xông lên phá vỡ sức ngăn chận của núi, hoặc tinh thần mạo hiểm tấn công sự trì độn, có thể thắng được dễ dàng bằng giáo dục hoặc khuyên can.

c) Ở Truân và Nhu, Khảm ở trên còn Chấn hoặc Càn ở dưới. Thế nghĩa là có nguy hiểm đàng trước, nhưng sẽ bị sức phát động của Chấn hoặc sức bành trướng của Càn xông lên diệt trừ. Và rõ ràng là sức của Càn toàn dương hơn hẳn sức của Chấn chỉ mới có 1 dương xuất hiện. Vậy kết quả của Nhu chắc chắn sẽ thuận lợi hơn Truân. Một mặt khác, Càn toàn dương cũng mạnh hơn Khảm chỉ có 1 dương. Thế nghĩa là mặc dù có nguy hiểm đang chờ đợi, người bói quẻ đủ sức thắng nó, miễn là biết xử sự theo đúng Càn đạo, vừa cương cường vừa sáng suốt.

2) Bài học :

Bài học của quẻ Nhu nằm trong tính cương cường và sáng suốt của nội quái Càn.

- Áp dụng vào việc trị quốc, thì người cầm quyền phải nắm vững tình thế, khi nào nên mở rộng, khi nào nên thu hẹp tự do cá nhân, khi nào nên hạ thuế, khi nào nên tăng thuế, v . v . .

- Áp dụng vào việc tề gia, ví dụ như người chồng lấy phải vợ ngang ngược, đừng để cho nó xỏ mũi, nhưng phải chính mình mưu sinh kế cho gia đình, chớ ăn bám vào vợ khiến nó có cớ sinh hỗn láo.

- Và áp dụng vào việc tu thân, phải lo bồi bổ thân thể và đạo đức để có đủ sức đối phó với đời, chớ vội kiếm ăn bằng những phương tiện bất chính.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Hai 2024(Xem: 294)
02 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1000)
27 Tháng Mười Một 2022(Xem: 1609)
08 Tháng Năm 2020(Xem: 5290)
13 Tháng Sáu 2019(Xem: 6690)
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000