A - Giải Thích Cổ Điển.
1) Toàn quẻ :
- Thịnh quá lớn đến lúc mất chổ ở. Vậy tiếp theo quẻ Phong là quẻ Lữ là bỏ nhà ra ngoài làm khách.
- Tượng hình bằng trên Li dưới Cấn. Núi thì ở một chổ, còn lửa thì không nhất định ở chổ nào, có
thể lan tới đồng bằng. Lửa còn ở núi thì mới được sáng chiếu ra xa, hễ đi nơi khác thì bị lu tối.
- Vậy quẻ Lữ ứng vào nghịch cảnh phải bỏ quê hương ra đi, chịu tự hạ thì mắc nhục, mà làm cao thì
vướng lấy họa. Cho nên ở thời Lữ nên sáng suốt, nhập gia tùy tục.
2) Từng hào :
Sơ Lục : là kẻ hèn hạ, đã vào cảnh Lữ còn tham lam, so kè với lữ chủ từng li, chỉ tự gây hoạ thôi. (ví dụ một thiểu số đồng bào di cư còn giữ thói tham lam lợi nhỏ, làm sự phi pháp).
Lục Nhị : đắc chính đắc trung, nên trong thời Lữ tìm được chốn an lành, giữ được của cải, và có bạn bè giúp đỡ. (Ví dụ công tử Trùng Nhĩ trong khi bôn tẩu, đi đến nước nào cũng được các vua trọng đãi, và các bề tôi tòng vong trung thành).
Cửu Tam : trùng cương, lại không ứng với ai. Ở thời Lữ còn kiêu ngạo, khiến cho lữ chủ đuổi đi, và bạn bè lìa bỏ, nguy.
Cửu Tứ : dương hào cư âm vị, là có thể cương mà biết dùng nhu. Lại ở Thượng quái mà biết tự hạ, chính là người khéo xử ở thời Lữ. Giữ được tiền bạc và khí giới tự vệ. Tuy vậy, Tứ ứng với Sơ Lục âm nhu không giúp đỡ được mình, nên Tứ vẫn lo buồn không được ở địa vị xứng đáng. (Ví dụ Tưởng Giới Thạch chạy sang Đài Loan, không được dân Tầu ở lục địa nổi dậy chống cộng, nên mộng trở về không thành).
Lục Ngũ : ở vị chí tôn, là bậc anh hùng đại tài, trong cảnh thất thế biết khiêm cung đối với mọi người, nên vẫn kính trọng. ở trên còn có Thượng Cửu chèn ép, nhưng mệnh trời đã về mình, sẽ tiến lên ngôi tột bực (Ví dụ Lưu Bị khi phải tạm nương náu Tào Tháo, tuy mất tự do nhưng đó là kế tránh họa bắt buộc. Sau khi được thỏa chí tung hoành, lên ngôi đế).
Thượng Cửu : đã đi ở đậu còn kiêu ngạo đòi ở trên địa chủ. Lúc đầu đắc chí, nhưng sau phải họa. Cũng kiêu ngạo như Cửu Tam, lại có phần hơn và ở địa vị cao hơn. (Ví dụ Tống Tương Công đã mất nước, phải đi ra ngoài, đến nước chư hầu cũ còn hống hách, đòi họ ra thành rước mình vào, nên họ đóng cửa không cho vào).
B - Nhận Xét Bổ Túc.
1) Ý nghĩa quẻ Lữ :
Tượng quẻ là lửa chập chờn trên núi, lửa di động từ bụi cây này sang bụi cây khác, còn núi bất di bất động. Vậy quẻ này ứng vào tình cảnh bỏ nhà ra đi làm lữ khách. Và mở rộng ra, ứng vào tình cảnh mất thực lực của mình, phải lệ thuộc vào kẻ khác, như ông vua vô quyền bị chúa áp chế, hay ông chủ xí nghiệp phải lụy vào bọn tài phiệt.
Lại có nghĩa là lấy trí thông minh (Li) để rọi sáng vào chốn ngục tù (Cấn), tức là việc tra án, nên xét đoán tức khắc, không để cho can nhân lưu trệ ở trong ngục.
2) Bài học :
1/ Nếu theo nghĩa thứ nhất và hẹp là lữ hành, thì đây là một tình cảnh đáng thương, xẩy nhà ra thất nghiệp, dễ bị người ngoài khinh khi. Phải giữ sắc thái văn hóa của mình sẵn có (Cấn) để khỏi bị mất gốc, và đồng thời cũng phải sáng suốt (Li) biết nhập gia tùy tục để hòa đồng ở nơi quê người. Mở rộng ra, ông vua vô quyền hoặc ông chủ xí nghiệp phải lụy bọn tài phiệt, phải khéo léo tạo cho mình một thế đứng độc lập.
2/ Nếu theo nghĩa thứ hai là xử án, thì ta có thể so sánh quẻ Lữ với quẻ Thủy Lôi Phệ Hạp số 21. Cả hai đều có thượng quái là Li tượng trưng cho sự sáng suốt. Nhưng ở quẻ Phệ Hạp hạ quái là chấn, nên đòi hỏi một đức tính quả quyết để trừ gian, còn quẻ Lữ hạ quái là Cấn, nên đòi hỏi một đức tính bình tĩnh hơn, không có định kiến với những người bị tạm giam giữ, sẵn lòng trả về tự do những người xét ra đã bị bắt giữ oan uổng.