XXI. Hỏa lôi phệ hạp

20 Tháng Năm 201411:24 CH(Xem: 14039)
XXI- HỎA LÔI PHỆ HẠP.
Hỏa lôi phệ hạp

A - Giải Thích Cổ Điển.

1) Toàn quẻ :

- Nhận thấy nhân tình khả quan, sau mới thấy chỗ hợp. Bởi vậy tiếp theo quẻ Quán là quẻ Phệ Hạp. Hạp là hợp, và Phệ Hạp là cắn tan những mối gián cách có thể gây chia rẽ.

- Tượng hình bằng trên Ly dưới Chấn, lửa có sức sáng, sấm có đức động. Lại hình giống như hàm trên hàm dưới miệng người ta, ở giữa có một cái quai cản ngang. Tiên vương xem tượng đó mà biện minh hình phạt, trừ khử kẻ gian, thì sẽ được hanh thông.

2) Từng hào :

Sơ Cửu : tượng trưng cho đứa gây chia rẽ, còn non, ở thời Phệ Hạp phải trừng trị, nhưng mới phạm tội nhỏ, nên phạt nhẹ để giáo hóa.

Lục Nhị : đắc chính đắc trung, rất hợp với dụng cụ dụng hình. Dám dùng hình phạt nặng đối với kẻ gian ác. Vô cựu, vì tội tại người thụ hình, không phải tại người dụng hình. (Ví dụ Bao Công đời Tống).

Lục Tam : ở trên hạ quái, nên ở thời Phệ Hạp cũng có quyền dụng hình. Nhưng vì bất trung,nên làm việc dụng hình gặp khốn nạn, người thụ hình không tâm phục. (Ví dụ Lê Quý Đôn khi xử án Trịnh Khải).

Cửu Tứ : cương trực, dám đối phó với khó khăn, có thể làm nổi việc dụng hình. Nhưng vì tứ bất chính trung, e sẽ có việc lầm, nên thánh nhân khuyên nên giữ vững chính đạo mới được Cát. (Ví dụ Đặng trần Thường vì tư thù sai đánh Ngô Thời Nhiệm đến chết, sau chính Thường cũng bị Gia Long xử tử).

Lục Ngũ : ở vị chí tôn, âm nhu, nhưng được Cửu tứ là người minh đoán giúp đỡ, nên vượt qua được mọi khó khăn. Nhưng ở thời Phệ Hạp, có nhiều kẻ ly gián, nên phải cẩn thận xa chúng mới được vô cựu. (Ví dụ Tống Nhân Tông nghe lời Bao Công, trị được gian thần; trái lại Ngô Phù Sai cự lời gián can của Ngũ tử Tư, chỉ theo lời xiểm nịnh của thái tể Bá Hi).

Thượng Cửu : cũng như Sơ Cửu, cường ngạnh, nhưng tộị ác lớn hơn nhiều, cần phải trừng phạt nặng. (Ví dụ Hitler khi lên cầm quyền, làm loạn Âu Châu, mà các cường quốc Anh-Pháp cứ nhượng bộ hoài, nên sau gây vạ lớn).

B - Nhận Xét Bổ Túc.

1) Ý nghĩa quẻ Phệ Hạp :

a) Nương theo tượng quẻ hình dung một hàm răng (Thượng Cửu và Sơ Cửu), giữa là cái mồm bị vật gì ngáng (Cửu Tứ), cổ nhân cho rằng quẻ này ứng với một tình thế bị một yếu tố ngang trở khiến nó không được thông suốt, phải trừ bỏ cái yếu tố ngăn trở đó đi. Bởi thế nên đặt cho quẻ này cái tên Phệ Hạp, là cắn đứt cái ngang trở đó đi, tức là vấn đề trừng trị, hình phạt.

b) Tuy nhiên, chúng tôi không hoàn toàn đồng ý với quan niệm đó, vì đến quẻ sau, quẻ Sơn Hỏa Bí số 22, chúng ta cũng thấy tượng quẻ có 2 hào dương ở hai đầu trên dưới, ở giữa 3 hào âm, và 1 hào dương ngăn cách, không ở vị trí Tứ mà ở vị trí Tam. Cả hai tượng quẻ đều hình dung một cái mồm bị ngáng, nhưng cách cắt nghĩa lại khác nhau.

c) Thế cho nên chúng tôi bỏ hình ảnh Phệ Hạp mà chỉ muốn giữ lại hình ảnh Lửa trên Sấm dưới, sự hợp tác của trí tuệ soi sáng (lửa) và quyền lực đàn áp (sấm) để làm một cái gì. Cái gì đó có thể là việc dụng hình trừ gian, nhưng cũng có thể là bất cứ vấn đề gì : giáo dục, hôn nhân, ngoại giao, binh bị, v . v . đòi hỏi người giải quyết phải có cả hai đức tính trí tuệ sáng suốt và can đảm dùng võ lực nếu cần.

2) Bài học :

Quẻ Phệ Hạp này hình như xấu, báo điềm có một trở ngại ngăn trở công việc của mình, nhưng thật sự là hanh nếu biết đập tan nó đi. Đập tan bằng cách xử dụng cả trí tuệ soi sáng (lửa) và quyền lực đàn áp (sấm) như đã nói ở trên, nghĩa là không từ nan đàn áp khi cần, không nhân nghĩa rút rát kiểu đàn bà như Chamberlain, Daladier. Nhưng không đàn áp mù quáng, luôn luôn dùng trí tuệ sáng suốt để phân biệt khi nào nên đàn áp, khi nào nên không. Nhà Ngô không biết lý do, đã phệ hạp càn, đàn áp Phật Giáo một cách vô lý, nên mới bị xụp đổ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Hai 2024(Xem: 292)
02 Tháng Mười Một 2023(Xem: 994)
27 Tháng Mười Một 2022(Xem: 1607)
08 Tháng Năm 2020(Xem: 5289)
13 Tháng Sáu 2019(Xem: 6689)
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000