L. Hỏa phong đỉnh

20 Tháng Năm 201411:51 CH(Xem: 14731)
L - HỎA PHONG ĐỈNH.
Hỏa phong đỉnh 

A - Giải Thích Cổ Điển.

 

1) Toàn quẻ :

 

- Muốn biến các đồ sống thành đồ chín, phải dùng nồi đun. Vậy sau quẻ cách là quẻ Đỉnh.

 

- Tượng hình bằng trên Li dưới Tốn, lấy lửa để đốt gỗ, nấu đồ ăn trong nồi. Còn có hình dạng cái đỉnh: vạch đứt ở dưới là chân đỉnh, 3 vạch liền ở giữa là thân đỉnh, vạch đứt ở ngũ là hai tai đỉnh, và vạch liền ở trên là đòn khiêng đình.

 

- Ý nghĩa: biến cách được vật, hóa cương thành nhu; ngoài ra, đỉnh có dáng nghiêm trang đoan chính; quân tử xem tượng ấy, lấy thân mình làm đỉnh cho đời, phát lệnh cho người dưới theo.

 

- Quẻ này ứng vào thời kỳ trị quốc, chính vị ngưng mệnh, giữ an ninh trật tự, khác với thời kỳ cải cách là thời cải mệnh, đạp đổ cái cũ rồi mới xây dựng cái mới.

 

2) Từng hào :

 

Sơ Lục : trên ứng với Cửu Tứ, ví như cái đỉnh chổng chân lên trời, chưa bắc bếp, chỉ mới úp xuống để đổ đi các đồ dơ bụi. Tuy có vẻ trái ngược, nhưng có tác dụng thiết thực. (Ví dụ: thanh lọc hàng ngũ trước khi thi hành chính sách mới).

 

Cửu Nhị : dương cương đắc trung, tượng trưng cho lòng đỉnh đã chứa đồ ăn. Gần nhị có Sơ Lục là kẻ tiểu nhân muốn hãm hại cũng không nổi. Nhị không ác nhưng nghiêm, thế là Cát. (ví dụ Quản Trọng cầm quyền chính nước Tề, bọn tiểu nhân không làm gì nổi).

 

Cửu Tam : dương hào cư dương vị, là người cương cường. Nhưng không ứng với Thượng Cửu, ví như đồ ăn ngon có sẵn mà không đem được ra cho người ăn. Nhưng rồi Lục Ngũ cũng biết tài Tam, sau sẽ được tốt lành. (Ví dụ Bá Lý Hề tài cao, vua Ngu không biết dùng, đến sau được vua Tần mời đến chấp chính).

 

Cửu Tứ : cương nhưng bất chính bất trung, là cái vạc gẫy chân, đổ, phí của. Tượng cho người có tài, đáng lẽ phải phò Lục Ngũ lại đi hạ ứng với Sơ Lục là kẻ tiểu nhân. (Ví dụ Trần Cung không chọn minh chủ, lại đi theo Lã Bố).

 

Lục Ngũ : là quai vạc. ở vị chí tôn, quai vạc nắm vững, sẽ được lợi trinh (Ví dụ Lê Lợi trong 10 năm bình Ngô, trải nhiều gian nan mà không nản chí nên thành công).

 

Thượng Cửu : ở thời Đỉnh đã vững bền, lại là dương hào cư âm vị, có đủ cương nhu đại cát. (ví dụ Lê Thái Tổ sau khi lên ngôi, ngoài lân bang phải nể sợ, trong nhân dân được hưởng thái bình).

 

B - Nhận Xét Bổ Túc.

 

1) Ý nghĩa quẻ Đỉnh :

 

a) Cũng như đối với quẻ Tỉnh, chúng tôi thấy lối giải thích cổ điển quẻ Đỉnh là gượng gạo khi theo hình dáng nó mà mô tả cái đỉnh. Có lẽ chỉ cần chấp nhận lời giải thích giản dị rằng thổi gió hay đốt củi (Tốn) dưới lửa (Li) thì lửa sẽ cháy to, dễ nấu đồ ăn hoặc luyện sắt thành đồ dùng như dao, lưỡi cầy,v. v. Còn có thể nghĩ rằng hạ quái Tốn là khiêm nhường, khoan hồng, sẽ thay thế thượng quái li tượng trưng cho việc cách mạng sắt máu. 

 

b) Ta lại nhận thấy rằng quẻ Đỉnh là biến thể của quẻ Thủy Lôi Truân số 3, tượng trưng cho những khó khăn gặp phải khi mới mở một vận hội, quốc gia hay một tổ chức chính trị, kinh tế. Quẻ Truân biến thành quẻ Đỉnh, có nghĩa là những khó khăn lúc ban đầu đã giải quyết xong, bây giờ đến lúc cai trị, điều hành bộ máy quốc gia, đảng phái hoặc xí nghiệp.

 

Nói tóm lại, quẻ Đỉnh ứng vào một tình thế ổn định, công việc Cách đã xong rồi, bây giờ đến lúc kiến thiết, giữ cho đỉnh được vững chắc.

 

2) Bài học :

 

Muốn kiến thiết tốt, phải vừa có óc sáng suốt (Li), vừa có đức tính khoan hồng đại độ (Tốn).

 

a) Sáng suốt để nhận định cho đúng:

 

- những gì đổ nát cần phải tu bổ, tức là những nhu cầu chính yếu của dân chúng sau một thời loạn lạc

 

- những kế hoạch kiến thiết, cần có những phương tiện tài chính, kỹ thuật và nhân công nào, chớ mắc phải lỗi lầm đặt kế hoạch quá tham lam rồi làm không nổi, bỏ dở.

 

b) Khoan hòa để hàn gắn những vết thương không thể tránh được trong thời Cách mạng, ân xá những kẻ đã chống đối mình. Điều này vua Minh Trị đã làm sau cuộc cách mạng 1868, bãi bỏ chế độ phong kiến, hủy bỏ những quyền lợi quá đáng của các lãnh chúa, nên sau đó toàn dân Nhật, từ quý tộc đến thường dân, đều sốt sắng theo lời Nhật Hoàng biến nước Nhật Lạc hậu thành một cường quốc tân tiến, một chân vạc bề thế của Á đông, cùng với 2 chân vạc Âu Mỹ chia ba thiên hạ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Chín 2024(Xem: 744)
Sự đóng góp của giới nho sĩ trải qua các biến cố lịch sử.
15 Tháng Bảy 2024(Xem: 1044)
Những định luật lịch sử
15 Tháng Hai 2024(Xem: 1920)
02 Tháng Mười Một 2023(Xem: 3110)
27 Tháng Mười Một 2022(Xem: 2948)