XXXI. Trạch sơn hàm

20 Tháng Năm 201411:30 CH(Xem: 12647)
XXXI - TRẠCH SƠN HÀM
Trạch sơn hàm

A - Giải Thích Cổ Điển.

 

1) Toàn quẻ :

 

- 30 quẻ trên đây thuộc về Thượng kinh, bắt đầu bằng Càn, Khôn, và lấy Khảm, Li làm trung tâm điểm của vũ trụ. Bắt đầu từ quẻ này trở đi là thuộc về Hạ kinh, bắt đầu bằng Hàm, Hằng, làm đầu mối cho nhân sự.

 

- Quẻ Hàm tượng hình bằng trên Đoài dưới Cấn, có thể hiểu theo 2 nghĩa:

 

Một: Đoài là nhu và duyệt, còn Cấn là cương và chỉ. Hai khí âm dương đó cảm ứng nhau mà hòa hợp.

 

Hai: Đoài là nữ, Cấn là nam, nam ở dưới phải cầu nữ ở trên thì việc hôn nhân mới tốt, mới chính đính.

 

Vậy cả hai cách hiểu đó đều đưa đến kết luận: quẻ Hàm tượng trưng cho sự cảm ứng, mà là cảm ứng chính đính, vô tư tà.

 

2) Từng hào  :

 

Sơ Lục : cầu Cửu Tứ, nghĩa là thấp với cao. Mới có ý thế thôi, chưa hành động, nên chưa nói cát, hung.

 

Lục nhị : cũng như Sơ, nhị cầu Cửu Ngũ nghĩa là thấp với cao, xấu. Nhưng Nhị vốn trung chính, nếu biết giữ đức đó, cầu mà vẫn tự trọng, thì sẽ được Cát. (Ví dụ con trai nhà nghèo mà mơ tưởng tiểu thơ con quan. Nếu ve vãn thì xấu. Nhưng nếu chịu khó học hành thi đỗ, thì sẽ có ngày được toại nguyện).

 

Cửu Tam : quá nóng, đã vội đi cầu người hơn mình, không biết tự trọng. Tư cách hèn hạ.

 

Cửu Tứ : dương hào cư âm vị, nghĩa là quyết cầu người và lễ độ cầu người. Nếu vô tư thì tốt, người sẽ cảm ứng lại. Còn nếu có lòng tư tà, dùng mẹo vặt, thì không chính đại. (Ví dụ Lưu Bị ba lần tới cầu Khổng Minh, không phải vì mình mà vì thiên hạ, nên được Khổng Minh cảm ứng ra giúp. Trái lại họ Ngô dùng danh lợi để mua chuộc gia nô nghị sĩ, củng cố gia đình trị thì khi hữu sự, gia nô bỏ).

 

Cửu Ngũ : đã ứng với Lục Nhị, đáng lẽ phải một lòng với Nhị, lại còn ve vãn Thượng Lục, nên đê mạt. (ví dụ chồng có vợ hiền, lại còn đi ve vãn một cô gái xinh)

 

Thượng Lục : âm hiểm, ở thời Hàm, dùng miệng lưỡi để o bế Cửu Ngũ, có ý gian, kết quả xấu. (Ví dụ Võ Hậu mê hoặc Cao Tông, hoặc Đặng thị Huệ mê hoặc Trịnh Sâm).

 

B - Nhận Xét Bổ Túc.

 

1) Ý nghĩa quẻ Hàm :

 

a) Tượng quẻ là cái hồ trên đỉnh núi, hồ trang điểm cho cảnh núi thêm xinh, và núi nâng cao giá trị của cảnh hồ thêm hùng vĩ. Cũng ví như cặp trai tài gái sắc, tài cao của kẻ sĩ xây được nhà vàng để chứa người ngọc, và sắc đẹp của giai nhân tô điểm nhà vàng thành bồng lai tiên cảnh. Vậy quẻ Hàm có nghĩa là sự cảm ứng giữa nam nữ, giữa sức đẹp hào hùng và vẻ đẹp quyến rũ, giữa ý chí sắt đá và tình cảm thắm thiết.

 

b) Trong hai quái Cấn và Đoài thành lập quẻ này, các cặp Sơ-Tứ, Nhị-Ngũ, Tam-Thượng đều một âm dương, chính ứng với nhau, nên được gặp nhau, thông cảm nhau trong sự chính đính và hòa duyệt vui vẻ. Đó là ý nghĩa của quẻ này, nên đặt tên cho nó là Hàm, cảm ứng.

 

2) Bài học :

 

Một cây làm chẳng nên non, nên bất cứ trong kế hoạch nào, dù tự lực mình hay yếu, cũng nên tìm ngoại viện. Do đó đặt ra vấn đề: Nên cảm ứng với ai? Nên làm sao cho họ cảm ứng với mình ? Thánh nhân dạy:

 

- Kẻ cầu cảm tình của người khác phải biết tự trọng, chớ vọng cầu chỗ quá cao sang mà mang nhục. Người dưới vẫn có thể cầu người trên, nhưng phải cố gắng tỏ ra mình tuy ở địa vị thấp kém nhưng là người quân tử, có tài trí, xứng đáng với kẻ mình đang cầu thân.

 

- Nếu là người ở địa vị trên muốn cầu người ở địa vị dưới, thì phải dùng lễ độ, và lòng cầu hiền phải dựa vào công ích chứ không vì tư lợi. Bài học này đắc dụng nhất cho việc cầu công danh, hoặc kết liên giữa các cường quốc, đảng phái chính trị, hoặc giữa các xí nghiệp kinh tế. Nhưng cũng có thể áp dụng cho mọi vấn đề, khuyên bảo ta nên tìm vây cánh ở ngoài để thêm bạn bớt thù, chớ tự tôn tự đại mà thành cô lập.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Hai 2024(Xem: 294)
02 Tháng Mười Một 2023(Xem: 996)
27 Tháng Mười Một 2022(Xem: 1608)
08 Tháng Năm 2020(Xem: 5289)
13 Tháng Sáu 2019(Xem: 6689)
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000