LXI. Phong trạch trung phu

20 Tháng Năm 201411:56 CH(Xem: 12430)
LXI - PHONG TRẠCH TRUNG PHU.
Phong trạch trung phu

A - Giải Thích Cổ Điển :

 

1) Toàn quẻ :

 

- Đã định ra tiết chế, tất người trên phải tín thủ, người dưới phải tín tòng. Vậy sau quẻ Tiết là quẻ Trung Phu (đức tin lớn ở trong lòng).

 

- Tượng hình bằng trên Tốn dưới Đoài. Theo đức quẻ, trên khiêm tốn, dưới vui vẻ, tất sẽ tin yêu lẫn nhau. Theo tượng quẻ, thì có 2 vạch đứt ở giữa biểu hiệu cho lòng trống rỗng, không có tư tà. Thêm nữa, 2 hào đắc trung là Nhị và Ngũ đều dương cương, tức quân tử. 

 

Xem tượng ấy, quân tử nên lấy tấm lòng trung chính mà xử việc thiên hạ.

 

2) Từng hào :

 

Sơ Cửu : dương cương đắc chính, trên ứng với Lục Tứ, Cát. Nhưng Sơ phải trung thành với Tứ, nếu còn hướng về một người khác, thì khó được an thân. (ví dụ trong đạo vợ chồng, nếu chồng còn tư tưởng đến một người đàn bà khác, gia đạo sẽ hỏng).

 

Cửu Nhị : tuy không chính ứng với Cửu Ngũ, vì cả hai đều là dương hào, nhưng lại đắc trung nên có thể tin cẩn nhau được, làm nòng cốt cho sự tin cẩn của thiên hạ. (ví dụ :Tần và Tấn tuy kình địch nhau, nhưng Tấn văn Công và Tần Mục công đều là bậc quân Tử, giữ cho hai nước tránh được việc xung đột).

 

Lục Tam : âm nhu bất chính. Kẻ ứng với Tam là Thượng Cửu cũng bất trung bất chính, nên không thể tin cẩn nhau được. (ví dụ Ngô Thời Nhiệm và Đặng Trần Thường đều là kẻ bất chính, khi Nhiệm đắc chính với Tây Sơn thì khinh bỉ Thường, và khi Thường giúp Gia Long tấn cống ra Bắc, trả thù đánh chết Nhiệm).

 

Lục Tứ : âm nhu đắc chính, lại gần Cửu Ngũ, rất có quyền hành. Nhưng Tứ đắc chính, không tiếm quyền Ngũ, được vô cựu. Kể ra Tứ có thể ứng với Sơ Cửu, làm chuyện to lớn, nhưng Tứ lìa bỏ Sơ, riêng mình theo Ngũ. (ví dụ Phạm đình Trọng trung với chúa, không theo gương bạn học là Nguyễn hữu Cầu làm loạn).

 

Cửu Ngũ : ở vị chí Tôn, đắc trung đắc chính, làm chủ cho thời Trung Phu, nên thiên hạ đều tin phục Ngũ. (Ví dụ Văn Vương không cần chinh phạt mà tất cả chư hầu đều tin theo ).

 

Thượng Cửu : dương cương, bất trung bất chính, lại ở cuối thời Trung Phu, tín đã suy, chỉ còn lòe loẹt bề ngoài, mà Thượng không biết tùy thời, cứ giữ lấy tính cương, nên hung.

 

B -Nhận Xét Bổ Túc.

 

1) Ý nghĩa quẻ Trung-Phu :

 

a) Thượng quẻ là gió thổi trên mặt đầm, gió cùng rung động với nước. Gợi ý cảnh đôi bạn, hòa duyệt và khiêm tốn, rung cảm cùng một nhịp điệu, tạo nên một niềm tin sâu xa. 

 

b) Ý nghĩa quẻ này tương tự như quẻ Lôi Địa Dự số 16 trong đó thượng quái là Chấn và hạ quái là Khôn, cấp dưới có tính thuận nên sẵn lòng tin cấp trên bất cứ hoạt động nào. Sự tín cẩn ở quẻ Trung-Phu có hơi khác, không căn cứ vào tính thuận tòng của cấp dưới mà vào lòng thành thật trung tín của cả đôi bên.

 

c) Vậy quẻ này ứng vào trường hợp giao kết giữa đôi bên (hiệp ước tương trợ giữa hai cường quốc, hoặc đính hôn giữa đôi trai gái), phải lấy lòng thành thật mới có kết quả tốt, chứ nếu chỉ có lòe nhau, thì sẽ không ra gì. 

 

2) Bài học :

 

a) Nên chọn mặt gửi vàng, chỉ nên đặt lòng tin vào người chính đính. Đó là cách xử thế của Cửu Nhị và Cửu Ngũ.

 

b) Đã kết giao với người nào rồi thì phải chung thủy với hắn, chớ có giáo giở lật lọng. Đó là lời khuyên bảo Sơ Cửu. 

 

c) Tuy nhiên, nếu người mà mình chót kết giao lầm tỏ ra tàn bạo, bất chính thì cũng nên xa hẳn để tìm một tri kỷ khác xứng đáng hơn. Đó là cách xử thế của Lục Tứ, không đáng trách vì hắn không phụ người mà đã bị người phụ trước.

 

d) Người trên mà bất chính, tự kiêu tự đại, còn tin ở cấp dưới vẫn trung thành với mình khi thế lực mình suy sụp, là ngu tối, sẽ đi đến chỗ bại vong. Đó là lời răn bảo Thượng Cửu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Hai 2024(Xem: 292)
02 Tháng Mười Một 2023(Xem: 994)
27 Tháng Mười Một 2022(Xem: 1607)
08 Tháng Năm 2020(Xem: 5289)
13 Tháng Sáu 2019(Xem: 6689)
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000