A - Giải Thích Cổ Điển.
1) Toàn quẻ :
- Việc không thể hằng mãi được, phải có lúc tránh lui. Vậy tiếp quẻ Hàm là quẻ Độn (tránh lui).
- Tượng hình bằng trên Càn dưới Cấn. Trời là khí dương bốc lên, núi thì đứng im, do đó không hợp nhau. Quân tử xem tượng ấy, tránh xa bọn tiểu nhân, cứ lo giữ mình trong sạch.
- Soán từ rằng: ‘Độn hanh, tiểu lợi trinh’, nghĩa là: Trong quẻ này âm trưởng dương tiêu, do đó quân tử phải độn; thân mình tuy là độn nhưng độn mình như thế mới là hanh. Làm việc lớn không thắng lợi, mà trinh chính bằng việc nhỏ cũng có lợi.
2) Từng hào :
Sơ Lục : ví như cái đuôi, chậm trễ ở lại sau khi mọi người đã độn, sẽ nguy.
Lục Nhị : ứng với Cửu Ngũ, bị cố kết vì đạo nghĩa, không chịu độn. Ví như bậc trung thần thấy nguy vẫn theo chúa, không chịu bỏ. (Ví dụ Phan Đình Phùng biết đại cuộc đã hỏng, nhưng không đành làm ngơ để cầu sống).
Cửu Tam : dương cương, nhưng bịn rịn với Lục Nhị, không chịu Độn, thế là nguy. (Ví dụ Lã Bố bị vây, không chịu bỏ thành trốn ra ngoài vì bịn rịn với vợ con). Trái lại biết, biết dùng sự vui chơi với bọn thần thiếp để che lấy chí lớn, thì việc nhỏ còn có thể cát. (Ví dụ Lê Hiển Tông bị chúaTrịnh áp bức rình mò, độn trong việc vui chơi với ca nhi cung nữ, tránh được họa.)
Cửu Tứ : có cảm tình với Sơ Lục. Khi biết Sơ tiểu nhân, nếu biết cắt đứt tư tình, thì được Cát. Nếu không biết thế, tất gặp hung. (Ví dụ Vi Tử thấy vua Trụ vô đạo, trốn đi, giữ được hương hỏa họ Ân nhà Thương. Trái lại, Trần Cung chót theo Lã Bố, rồi không nỡ bỏ, nên phải chịu chết ở lầu Bạch Môn).
Cửu Ngũ : ở vị chí tôn, dưới ứng với Lục Nhị (được lòng thần dân). Nhưng ở vào thời Độn, tự ý rút lui để giữ đạo hạnh. (Ví dụ Trần Nhân Tông sau hai lần chiến thắng quân Nguyên, chán cảnh phồn hoa, nhường ngôi đi tu).
Thượng Cửu : là bậc quân tử, dưới không ứng với ai, ra đi thong thả. (Ví dụ Trương Lương công thành thân thoái).
B - Nhận Xét Bổ Túc.
1) Ý nghĩa quẻ Độn :
Theo đúng một nguyên lý đã trình bầy, quẻ này có 2 hào âm ở dưới xông lên, 4 hào dương ở trên đang phải lui tránh, tức là ở thời tiểu nhân đang bành trướng, quân tử phải tránh nó. Độn ở đây nhẹ mục đích tránh nguy hiểm, mà nặng về chủ trương xa lánh tiểu nhân để duy trì đạo quân tử.
Nếu nghiên cứu biến thể của quẻ Độn là quẻ Địa Trạch Lâm số 19, ta sẽ thấy rằng Độn có thể đưa tới sự thành công to lớn. Vậy Độn không hẳn là điềm xấu, mà chỉ là một phương pháp tự cứu.
2) Bài học .
Vậy nếu ta bói được quẻ Độn lúc đang sống trong một hoàn cảnh bất trắc, quốc thể hoặc gia đình suy vi, khó cứu vãn, thì:
a) Nên độn kịp thời, ví dụ tỵ nạn trước ngày 30/4/1975; Từ Thứ theo kế Bàng Thống xin với Tào Tháo ra trấn thủ Tản quan, tránh được nạn Xích Bích. Có vợ mất nết, ngoại tình, nên ly dị ngay.
b) Nếu không độn được kịp thời, thì phải tranh đấu hy sinh cho chính nghĩa (phục quốc quân), hoặc nhẫn nhục sống trong cảnh đói rét tối tăm mà vẫn giữ vững chính đạo.
c) Nếu độn quá chậm, có thể nguy (boat people).
Nói tóm lại, độn là một phương pháp tự cứu và nhất là cứu vãn chính đạo, đòi hỏi một sức sáng suốt cương cường (Càn) và một ý chí quả quyết (Cấn) giữ vững chính đạo trong mọi trường hợp, hoặc tránh lui, hoặc ở lại.