A - Giải Thích Cổ Điển.
1) Toàn quẻ :
- Về tới nơi là có kết quả, và kết quả phải lớn. Vậy sau quẻ Qui-Muội tiếp đến quẻ Phong (thịnh
lớn).
- Tượng hình bằng trên Chấn dưới Li, động và minh. Quân tử xem tượng ấy biết rằng mình muốn
cho thịnh trị được lâu bền, phải lấy sức mình mà hành động.
- Vậy quẻ này ứng vào thời kỳ thịnh trị hoặc cảnh ngộ vinh hoa, nhưng phải nhớ rằng thịnh rồi phải suy, phú quý rồi bần tiện là lẽ thường, nên trong cảnh thịnh trị phú quý nên lo lắng cho nó được bền. Nhưng chớ có lo suông phải giữ gìn như mặt trời đóng ở giữa trời, chiếu khắp thiên hạ.
2) Từng hào :
Sơ Cửu : ở nội quái, đối với Cửu Tứ ở ngoại quái. Tuy cả hai đều dương cương, nhưng không nhất thiết tương phản, có thể hợp tác miễn là cán cân lực lượng đôi bên ngang nhau, nếu cán cân đó nghiêng về một bên thì sẽ có tai vạ. (Ví dụ Mỹ-Nga. Lại ví dụ Liêm Pha và Lạn Tương Như).
Lục Nhị : đắc trung đắc chính, nhưng không ứng với Lục Ngũ là vị chí tôn, tượng như mặt trời bị che. Nếu Nhị theo Ngũ, e sẽ bị nghi kỵ và ghét. ở vào cảnh ngộ đó, Nhị chỉ nên giữ một lòng trung chính, không cầu cạnh ai, không đòi hỏi gì, sẽ được Cát. (ví dụ sau khi bình Sở, Hàn Tín đã bị Hán Cao Tổ nghi ngờ, còn liên lạc với kẻ phản, nên bị tru di. Trái lại, Tiêu Hà vẫn giữ trung kiên nên không việc gì).
Cửu Tam : dương cương đắc chính, nhưng lại ứng với Thượng Lục hôn ám. Trên Tam lại có Tứ cũng dương cương, như bị bịt bùng che kín, còn làm được việc gì lớn? Chỉ nên ngồi im tu dưỡng mới tránh được vạ. (Ví dụ Ngũ Tử Tư khuyên can Phù Sai không được, vì bị Bá Hi ngăn chận. Ngũ càng hăng hái khuyên can, càng nguy).
Cửu Tứ : dương cương cư âm vị, nhưng ở cạnh Lục Ngũ âm nhu ở vị cao hơn, tuy không thể thờ làm chủ, nhưng có thể kết làm đồng minh giúp đỡ. (Ví dụ Lưu Bị ở với Lưu Biểu, tuy không thờ Lưu Biểu làm chủ, nhưng cũng có sẵn Kinh Châu để làm chỗ nương tựa).
Lục Ngũ : ở vị chí tôn vào thời Phong, tuy âm nhu nhưng có sơ, Tam, Tứ đều là tôi giỏi, biết trọng đãi những người đó giúp đỡ mình, thì có thể giữ vững được nền phong thịnh. (ví dụ Tề Tuyên vương là một hôn quân, nhưng nước Tề sẵn phong phú và được Án Anh cầm quyền, nên giữ được thịnh trị).
Thượng Lục : ở vị trí rất cao mà tài hèn, kiêu ngạo, ví như cái nhà bề ngoài thì lớn nhưng bề trong trống rỗng, chẳng có ai thèm tới gần kết bạn. Tất hung. (ví dụ Trung Hoa ở thế kỷ 19. Lại ví dụ Nguyễn Nhạc, tài đã kém Huệ lại không dung nổi Huệ, nên làm vua Thái Đức chẳng được bao lâu).
B - Nhận Xét Bổ Túc.
1) Ý nghĩ quẻ Phong :
Tượng quẻ là trên sấm dưới lửa, hình dung cho trí quả quyết và óc sáng suốt. Chấn dương, Li âm, hai cái đó kết hợp với nhau được: chí quả quyết được óc sáng suốt chỉ dẫn, và óc sáng suốt được chí quả quyết thực hiện những kế sách của mình. Thật là một cuộc rồng mây gặp hội, như Khổng Minh tài trí gặp được Lưu Bị anh hùng nghĩa khí.
Vậy quẻ này rất tốt, ứng với thời kỳ phong phú, thịnh vượng. Hoặc trong gia đình chồng giỏi kinh doanh ở ngoài, vợ khôn ngoan tề gia nội trợ. Hoặc trong việc kinh doanh kinh tế, vừa có nghị lực cần lao, vừa sáng suốt đặt kế hoạch. Hoặc trong việc chính trị, vừa cứng cỏi giữ uy tín quốc gia về ngoại giao, vừa thông suốt việc nội trị.
2) Bài học :
Thời Phong tuy rất tốt, sáng sủa, nhưng chớ quên rằng cái gì cũng biến dịch, lạc cực sinh bi, tự mãn trong cảnh phong phú là dọn đường cho tai nạn mai sau.Ví dụ: thời nào thịnh trị giầu có bằng thời Đường Minh Hoàng, văn thành võ đức cùng cực? Vậy chẳng bao lâu Thịnh Đường biền thành Tàn Đường, loạn lạc lung tung. Chỉ có óc sáng suốt của Li, đâm ra ủy mị ngu tối, chểnh mảng việc binh bị, và quá say đắm bê tha vào mỹ sắc văn thơ.