LXIV. Hỏa thủy vị tế

20 Tháng Năm 201411:58 CH(Xem: 12196)
LXIV - HỎA THỦY VỊ TẾ.
Hỏa thủy vị tế

A - Giải Thích Cổ Điển.

 

1) Toàn quẻ :

 

- Vật lý không thể nào tồn tại mãi được, nên tiếp sau quẻ Ký-Tế (đã làm được) là quẻ Vị-Tế (chưa làm được). 

 

- Tượng hình bằng trên Li dưới Khảm, trái ngược với quẻ Ký-Tế. ở đây lửa đặt trên nước, thủy hỏa bất giao, việc không thành. Thêm nữa, cả 6 hào đều bất chính, hoặc dương hào cư âm vị, hoặc âm hào cư dương vị. Tuy nhiên, cương nhu vẫn ứng chính, có thể làm được công việc Tế. Tuy hiện tại là Vị-Tế, nhưng tương lai có thể hanh. 

 

2) Từng hào :

 

Sơ Lục : âm nhu, không đủ tài tế hiểm, lại bước chân vào Khảm hiểm, không tự lượng, lẫn. (ví dụ Lê Anh Tông vô quyền, đòi chống lại Trịnh Tùng, bị giết).

 

Cửu Nhị : dương cương, muốn mạnh mẽ đưa Lục Ngũ qua khỏi thời Vị-Tế, e rằng sẽ không khỏi sinh mối nghi kỵ. Tốt hơn là Nhị nên thận trọng, mới được, Cát. (ví dụ Hàn Tín có đại tài, nhưng không chịu giữ gìn, khoe khoang ham tước lộc, nên bị hại. Trái lại Trương Lương làm thầy đế vương, lập kỳ mưu, nhưng nhũn nhặn, nên được toàn thân danh).

 

Lục Tam : bất trung bất chính, vô tài. Nếu hành động sẽ gặp hung. Nhưng đã tới thời Vị-Tế, nếu được Thượng Cửu giúp đỡ cho, thì có thể qua được chỗ nguy.

 

Cửu Tứ : dương cương, lại đã lên thượng quái, trên có Lục Ngũ vua tôi tương đắc, có thể được Cát. Nhưng Tứ bất trung bất chính, nên có lời răn: Phải cố giữ trinh chính thì mới được Cát, nếu cậy tài ỷ thế thì hỏng. (Ví dụ ĐổngTrác sau khi dẹp xong loạn Thường Thị, được vua cho làm thái sư, lộng quyền, nên bị hung).

 

Lục Ngũ : làm chủ thượng quái Li (sáng sủa), thời vị-Tế đã đến lúc gần hết. Lại được Nhị và Tứ giúp cho, Cát. (ví dụ sau khi Vương Mãng chiếm ngôi nhà Hán, một hoàng thân phất cờ khởi nghĩa, được dân tin theo, giết Vương Mãng, và được tôn lên làm vua Quang vũ).

 

Thượng Cửu : ở thời Vị-Tế, có thể hiểu theo 2 nghĩa. Một là thời Vị-Tế tột độ, thì hung. Hai là thời Vị-Tế đến lúc tàn, thì là tốt, vô cự. Nhưng tùy thời cơ biến chuyển là một việc, cái chính là tùy người. Nếu thượng có lòng thành tín, tu dưỡng đạo đức của mình, thì dù thời Vị-Tế cực độ cũng được vô cựu. Trái lại, nếu Thượng buông lung, thì dù thời Vị-Tế chấm dứt, vẫn bị nguy.

 

B - Nhận Xét Bổ Túc.

 

1) Ý nghĩa quẻ Vị-Tế :

 

Tượng quẻ là để thùng nước dưới lửa, làm sao chín được đồ ăn? Có nghĩa là chưa làm được, trái lại với quẻ Ký-Tế là đã làm được. Tại sao? Vì các hào của quẻ Vị-Tế đều bất chính, âm hào cư dương vị, hoặc ngược lại. Tuy vậy, chúng vẫn ứng chính với nhau. Hơn nữa, quẻ này có hạ quái là Khảm và thượng quái là Li, có nghĩa rằng thời Vị-Tế bắt đầu trong hung hiểm nhưng sẽ kết thúc trong sáng sủa.

 

Nói tóm lại, hai quẻ Ký-Tế và Vị-Tế diễn tả một tình trạng tương đương với hai quẻ Thái và Bĩ, nhưng trong phạm vi nhỏ hẹp hơn.

 

2) Bài học :

 

Trong giai đoạn đầu của thời Vị-Tế, là nguy hiểm, tốt nhất là giữ mình cho khỏi sa vào hiểm.

Bởi vậy:

 

- Những kẻ âm nhu như Sơ Lục và Lục Tam, không có tài tế hiểm, nên ẩn thân chớ hoạt động mà mang họa; 

 

- Cửu Nhị có tài tế hiểm, nhưng vì còn ở hạ quái Khảm, e sẽ mang họa, nên cẩn thận giữ mình là hơn, tránh mọi hiềm nghi;

 

Trong giai đoạn cuối của thời Vị-Tế, đã sáng sủa hơn, có thể tế hiểm được, nhưng cũng phải cẩn thận mềm mỏng:

 

- Cửu Tứ và Thượng Cửu cương cường, nếu biết cư xử mềm mỏng, sẽ thành công.

 

- Lục Ngũ vốn mềm mỏng khoan dung, sẽ thành công trong việc tế hiểm.

 

3) Kết luận.

 

Chúng ta còn có thể nhận định thêm rằng cổ thánh hiền đã đặt quẻ Vị-Tế vào cuối 64 quẻ, là có thâm ý nhắc nhở hậu thế rằng: Vị-Tế là chưa xong, việc đời chẳng bao giờ xong vĩnh viễn; thịnh, suy, trị, loạn, chẳng có cái gì bền mãi được, tất cả chỉ là những giai đoạn tạm thời, thay đổi lẫn nhau, mãi mãi, vô cùng tận. Đó là điểm chính trong tư tưởng Dịch.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Hai 2024(Xem: 292)
02 Tháng Mười Một 2023(Xem: 994)
27 Tháng Mười Một 2022(Xem: 1607)
08 Tháng Năm 2020(Xem: 5289)
13 Tháng Sáu 2019(Xem: 6689)
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000