X. Thiên trạch lý

20 Tháng Năm 201411:18 CH(Xem: 13520)
X - THIÊN TRẠCH LÝ
Thiên  trạch  lý

A - Giải Thích Cổ Điển

 

1) Toàn quẻ :

 

- Súc là chứa nhóm, tất cả lớn nhỏ, tốt xấu hỗn hợp. Vậy cần phải có trật tự, lễ, để chỉnh đốn. Lý là chiếc giầy cho ta đứng vững chân, nên Lý là lễ, đi sau quẻ Tiểu Súc.

 

- Quẻ này có Càn là dương cương ở trên, Đoài là âm nhu ở dưới. Đó chính là hợp với lẽ thường của Vũ trụ và nhân loại. Lẽ thường đó là Lễ. 

 

- Duyệt nhi ứng hồ Càn, thị dĩ Lý hổ vĩ, bất điệt nhân, hanh. Nghĩa là nội Đoài có đức hòa duyệt mà ứng phó với đức cương của Càn, cũng cảm hóa được, tượng trưng như dẫm phải đuôi cọp mà cọp chẳng cắn người. 

 

2) Từng hào :

 

Sơ Cửu : là người mới vào đời, theo đúng đạo, không đua đòi danh lợi với ai, sẽ được vô cữu. 

 

Cửu Nhị : đắc trung, là bậc quân tử biết giữ mình, dù bên trên có tiểu nhân là Lục Tam, cũng không đổi chí, như vậy sẽ được Cát. (Ví dụ Quách Gia, Tuân Du, tuy thờ Tào Tháo nhưng không thèm nịnh hót, nên Hán sử vẫn phải khen).

 

Lục Tam : âm hào cư dương vị, là tài hèn mà đương việc lớn, nên tự hại. (Ví dụ Viên Thiệu hữu danh vô thực, được lập làm minh chủ xử sự không công bằng, nên chẳng bao lâu thất bại)

 

Cửu Tứ : dương hào Cư âm vị, là có tài mà biết răn sợ, ví như người dẵm lên đuôi hổ (Cửu Ngũ) một cách khéo, nên giữ vững được thân danh. (Ví dụ Nguyễn công Hãng thường khuyên can chúa Trịnh, tuy chúa bị trái ý bực mình, mà vẫn phải nể sợ và theo lời ông).

 

Cửu Ngũ : ở vị chí tôn, tài giỏi, nhưng nếu độc đoán (vì trùng dương) sẽ gây nguy hiểm. (Ví dụ Trịnh Sâm là bậc tài trí hơn đời, nhưng quá kiêu, không biết đem Lễ trị dân, nên cơ nghiệp họTrịnh bị lung lay).

 

Thượng Cửu : là quân tử hoàn thành sự nghiệp giữ gìn trật tự ( vì ứng với Lục Tam), rất đáng mừng. (Ví dụ Tề Hoàn Công biết triều bái thiên tử nhà Chu, làm bá chư hầu).

 

Chú ý - Thường thường hào từ chỉ thủ nghĩa bản thân hào đó. Riêng về quẻ Tiểu Súc trước và quẻ Lý này, hào từ về Thượng nhắc nhở đến cả ảnh hưởng của toàn quẻ. Quẻ Tiểu Súc đi tới thượng quái là lúc Âm đã đến chỗ toàn thịnh, mà Thượng Cửu vẫn giữ tính cương, nên mắc họa. Quẻ Lý đi tới thượng quái là lúc công việc trật tự đã hoàn thành, nên Thượng Cửu được nguyên Cát. Xem đó thì biết rằng ý nghĩa của mỗi hào không những nằm trong bản chất và vị trí của hào đó, mà còn phải tìm hiểu hào đó thích ứng với toàn quẻ như thế nào. Cũng là Thượng Cửu cả mà ở quẻ Tiểu Súc thì xấu, ở quẻ Lý thì tốt. Trong các quẻ khác, hào từ không nói rõ, ta phải tự tìm hiểu lấy.

 

B - Nhận Xét Bổ Túc

 

1) Ý nghĩa quẻ Lý :

 

Đây lại là một quẻ có toàn hào dương, trừ một hào âm làm chủ quẻ. Và hào chủ quẻ này, Lục Tam, âm nhu, bất trung bất chính, tự nó không tốt. Nhưng nó lại là một yếu tố rất cần thiết cho một xã hội quá cương cường, là yếu tố nhu thuận, hòa duyệt, vì có trật tự trên dưới, cấp lãnh đạo ở trên có quyền hành, và quần chúng ở dưới phải vui vẻ tuân theo. Đó là tư tưởng của chế độ phong kiến, ta không lấy gì làm lạ.

 

2) Bài học :

 

Nhưng điều đáng chú ý, là tư tuởng có vẻ phong kiến cổ thời đó lại chứa đựng một bài học rất tân tiến dân chủ. Thật vậy, muốn giữ vững trật tự xã hội, dù là phong kiến, quân chủ lập hiến, cộng hòa xã hội, thì vẫn phải điều hòa âm dương, điều hòa đức tính cương cường của thượng quái Càn với đức tính độ lượng khoan hòa của hạ quái Đoài. Thế cho nên, những dương hào cư âm vị là Nhị, Tứ, Thượng, đều tốt, vì gồm cả âm dương nhị tính. Trái lại, Sơ và Ngũ trùng dương, không tốt. Sơ thì ở vị thấp, không đua đòi với ai, còn khá. Ngũ thì e sẽ gặp hiểm vì quá cương.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Hai 2024(Xem: 294)
02 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1000)
27 Tháng Mười Một 2022(Xem: 1609)
08 Tháng Năm 2020(Xem: 5290)
13 Tháng Sáu 2019(Xem: 6690)
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000