I. Bát thuần càn

20 Tháng Năm 201411:12 CH(Xem: 19380)
I - BÁT THUẦN CÀN.
Bát  thuần  càn

A - Giải Thích Cổ Điển

1) Toàn quẻ :

- Càn : nguyên, hanh, lợi, trinh. (Nguyên: khởi đầu, lớn. Hanh: thông suốt, đạt tới. Lợi: tiện lợi, nên. Trinh: bền chặt, kiên trì).

- Quẻ Càn tượng trưng tính tình của trời, hoàn toàn dương cương, và lại trung chính. Tài đức mà cũng được như Càn, thì làm việc gì cũng có thể được to lớn, lợi tiện, mà lại kiên cố mỹ mãn.

2) Từng hào :

Sơ Cửu : ở vị thấp nhất, nên tượng trưng bằng tiềm long, rồng còn ở trong hang.

- Vật dụng: chớ nên xuất hiện vội, tuy lánh đời mà không lấy thế làm buồn ( Ví dụ: Lã Vọng câu cá chờ thời ở Bàn Khê).

Cửu Nhị : dương hào cư âm vị, đắc trung, là hiện long tại điền, rồng đã ra khỏi vực.

- Lợi kiến đại nhân: nếu gặp được minh chủ thì sẽ làm được sự nghiệp to tát. (Ví dụ: Lã Vọng, tức Khương Tử Nha, sau khi được Văn Vương mời về cầm quyền chính, phạt Trụ, lập nên cơ nghiệp nhà Chu).

Cửu Tam : dương hào cư dương vị, trùng dương, lại ở chênh vênh trên cùng hạ quái và dưới thượng quái, một địa vị khó xử, nên có lời răn:

- Chung nhật kiền kiền, nghĩa là phải suốt ngày hăng hái tự cường mà như có điều lo sợ. (Ví dụ: Tư Mã Ý được vua Ngụy thác cô, rồi bị dèm pha nghi kỵ, phải giả vờ giả lẫn, cáo lui để bảo tồn tính mệnh).

Cửu Tứ : cũng ở chênh vênh như Tam, nhưng hơn Tam ở chỗ Tứ đã ở quẻ trên có thể tiến thoái dễ dàng hơn nên Thánh nhân bảo:

- Hoặc dược, tại uyên, vô cữu, nghĩa là biết xử sự tùy thời, thì sẽ không mắc lỗi. (Ví dụ: Lưu Bị vào Tây Xuyên, thấy Lưu Chương hèn yếu, có thể cướp nước mà không mất lòng dân, cứ tiến. Và Trịnh Tùng, sau khi khôi phục Thăng Long, có thể lên ngôi vua, nhưng thấy lòng dân còn tưởng nhớ nhà Lê, nên chỉ lập vương nghiệp mà không chiếm đế hiệu).

Cửu Ngũ : đắc trung, ở vị chí tôn, nên tượng trưng bằng phi long tại điền rồng bay trên trời, bậc lãnh tụ tung hoành thiên hạ.Lợi kiến đại nhân, là gặp vị hiền tài để cùng làm việc lớn.( Ví dụ: Hán Cao Tổ bình được thiên hạ nhờ công của Trương, Tiêu, Hàn).

Thượng Cửu : tuy ở trên Cửu Ngũ, nhưng Ngũ đã là vị chí tôn rồi, nên Thượng chỉ có thể là bề tôi. Nên gọi là kháng long, rồng lên cao cùng cực, bậc nhân thần được quí hiển tột độ.

Hữu hối: sẽ có việc phải hối nếu không biết thoái lui để giữ mình (Ví dụ: sau khi diệt được Ngô rồi, Văn Chủng không biết theo gương Phạm Lãi cáo lui, ở lại bị Câu Tiễn giết).

B - Nhận Xét Bổ Túc.

1) Ý nghĩa quẻ Càn :

Quẻ càn có 6 hào đều dương, hình dung một cảnh vật, một tình trạng sáng sủa và cương cường cực độ. Tuy mạnh mẽ nhưng không tàn bạo, vẫn giữ chính nghĩa của đạo trời che chở muôn vật, của đạo quân tử giúp đời an dân. Nói tóm lại, hai đặc tính của quẻ Càn là mạnh mẽ và sáng suốt, mạnh mẽ để có khả năng hành động và sáng suốt để hướng dẫn hành động.

2) Bài học :

Tuy quẻ Càn nói chung rất tốt, nhưng cũng phải để ý đến vị trí của mỗi hào biểu tượng cho địa vị riêng của người bói quẻ. Dù là rồng nhưng không phải bao giờ cũng tung hoành được đâu, có khi phải ẩn nấp hoặc thoái lui.

Vậy nếu bói được quẻ càn, nên theo Càn đạo, nghĩa là dũng dược tiến lên nếu tự xét mình có đủ tài hành động, và ở hoàn cảnh thuận tiện. Hai thời kỳ hoặc loại người tốt nhất để hoạt động là hào Nhị và Ngũ vì đắc trung. Còn hai hào Tam, Tứ thì nên đề phòng cẩn thận, tùy thời tiến thoái.

Bài học này đặc biệt áp dụng cho việc mưu cầu công danh và hoạt động kinh tế, nhưng cũng có thể áp dụng cho bất cứ vấn đề nào khác. Như hôn nhân chẳng hạn, bói được quẻ Càn là điềm tốt, trừ phi ở trường hợp Cửu Tam (với quá cao là Thượng Cửu, sẽ bị khinh khi), hoặc ở trường hợp Thượng Cửu (mình đã giầu sang rồi, cầu hôn ở đâu chẳng được, hà tất phải đi tranh hơn với kẻ khác, gây thị phi).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Hai 2024(Xem: 292)
02 Tháng Mười Một 2023(Xem: 994)
27 Tháng Mười Một 2022(Xem: 1607)
08 Tháng Năm 2020(Xem: 5289)
13 Tháng Sáu 2019(Xem: 6689)
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000