LX. Thủy trạch tiết

20 Tháng Năm 201411:56 CH(Xem: 12950)
LX - THỦY TRẠCH TIẾT.
Thủy trạch tiết


A - Giải Thích Cổ Điển.

 

1) Toàn quẻ :

 

- Hoán cải mãi không được, tất đến lúc phải ngưng lại, tiết chế những hoán cải quá đáng. Vậy sau quẻ Hoán là quẻ Tiết.

 

- Tượng hình bằng trên Khảm dưới Đoài, trên đầm có nước, nước ở trong đầm có chừng mực, không khô cạn và cũng không tràn ra ngoài. Còn có nghĩa là ngoại Khảm tức hiểm, nội Đoài tức duyệt, là dùng hòa duyệt tự nhiên mà đi giữa hiểm thì được bình an. Thánh nhân xem tượng quẻ, biết rằng tiết là tốt, hanh, nhưng không nên khổ tiết một cách quá đáng. 

 

2) Từng hào :

 

Sơ Cửu : dương cương lại ở đầu thời tiết, tốt hơn là chưa nên vội theo phong trào mới hoặc phản đối, sẽ

được vô cựu.

 

Cửu Nhị : dương cương đắc trung, là người có tài và có thế lực, nhiệm vụ phải ra gánh vác việc Tiết. Nếu ngồi im là có lỗi, bỏ mất thời cơ.

 

Lục Tam : âm hào cư dương vị, bất trung bất chính, sắp lâm vào khảm hiểm, lại cưỡi 2 hào dương, nguy. Nếu biết tự kiềm chế mới được vô cựu.

 

Lục Tứ : nhu thuận đắc chính, trên thừa tiếp Cửu Ngũ, là người thích hợp với thời Tiết, hanh, vì thuận thừa đạo cương trung của Ngũ, (ví dụ Clober hết lòng phục vụ Louis XIV, tiết chế bớt những xa hoa phung phí của vua, và dùng tiền để tăng cường quân lực, khiến cho nước Pháp được bá chủ Âu Châu một thời)

 

Cửu Ngũ : ở vị chí Tôn, làm chủ thời Tiết, không những biết tiết chế cho mình mà còn biết tiết chế cả thiên hạ, nên cát. (ví dụ Lê Thánh Tông, văn thành võ đức, lập ra bộ luật Hồng Đức rất chừng mực, lại đặt ra các quan ngự sử đi thanh tra các quan ngoài, nên trong thì dân được hưởng thái bình an vui, ngoài thì các lân bang phải kính nể).

 

Thượng Lục : ở cuối thời Tiết, tức là khổ tiết, tiết thái quá, không thể lâu bền được. (Ví dụ Tần Thủy Hoàng, muốn bình định thiên hạ, tiết chế sự lộng quyền của các chư hầu dưới đời nhà Chu, nhưng làm quá, diệt Lục quốc thiết lập một chính quyền trung ương quá nghiêm khắc, không để cho các địa phương một chút quyền hành gì, nên chỉ vài chục năm sau, thiên hạ đại loạn).

 

B - Nhận Xét Bổ Túc.

 

1) Ý nghĩa quẻ Tiết :

 

a) Hạ quái là Đoài âm quan trọng hơn thượng quái Khảm dương trong thời Tiết. Nghĩa là muốn cho việc Tiết được đúng đường ,không nên quá tích cực, khổ tiết.

 

b) Vậy quẻ này, đi tiếp sau quẻ Hoán, có ý nghĩa là sau một thời gian thay đổi lung tung, cần phải lập lại trật tự, bớt những cái gì quá đáng, hoặc là tự do quá trớn, hoặc là đàn áp quá nghiêm:

 

- ăn uống cho có chừng mực, không quá no say cũng không quá kiêng khem

- tiêu pha vừa với số lợi tức, không hà tiện cũng không hoang phí

- tình bạn nên chân thật, không quá lãnh đạm cũng không quá đằm thắm

- làm việc nên vừa phải, không lười biếng cũng không say mê đến nỗi hại cho sức khỏe.

 

2) Bài học .

 

Quẻ tiết dạy cho ta biết Tiết vào lúc nào, và với điều kiện nào.

 

a) Lúc nào? khi chính sách sửa sai thực tình, hãy nên theo. trái lại, nếu chỉ là quả bóng dò xét, chớ vội hưởng ứng mà mắc họa (Sơ Cửu).Khi nguy hiểm đã gần kề vì lỗi lầm quá đáng (Lục Tam), phải vội sửa sang chớ để cho dân chúng phẫn uất mà nổi lên chống đối.

 

b) Với điều kiện nào?

 

- dương cương đắc trung như Cửu Nhị và Cửu Ngũ, khi trong tay có quyền;

 

- nhu thuận đắc chính như Lục Tứ khi phải phục vụ người trên;

 

- không khổ tiết quá đáng như Thượng Lục.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Hai 2024(Xem: 294)
02 Tháng Mười Một 2023(Xem: 996)
27 Tháng Mười Một 2022(Xem: 1608)
08 Tháng Năm 2020(Xem: 5290)
13 Tháng Sáu 2019(Xem: 6689)
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000