A - Giải Thích Cổ Điển.
1) Toàn quẻ :
- Giải là khoan nới, là quên lo, chắc có thiệt hại, nên tiếp quẻ giải là quẻ Tổn.
- Tượng hình bằng trên Cấn dưới Đoài, là núi có trạch, lâu ngày chân núi phải hỏng. Thêm nữa, quẻ này nguyên là quẻ Thái, nội Càn biến hào Tam mà thành Đoài, ngoại Khôn biến vào Thượng mà thành ra Cấn. Tức là Tổn hạ ích thượng, nền tảng hỏng.
- Ứng vào thời kỳ người dưới (ba hào nội quái) phải chịu tốn để giúp ích cho người trên (ba hào quái).
Đó là theo nguyên tắc: thừa tất phải bớt đi, hạ quái phải chịu tổn để cân bằng với thượng quái.
2) Từng hào :
Sơ Cửu : dương cương ứng với LụcTứ đắc chính, nên giúp Tứ là phải. (Ví dụ dân chịu tăng thuế để cân bằng ngân sách).
Cửu Nhị : cũng như Sơ giúp Tứ, Nhị giúp Ngũ, nhưng Ngũ bất chính, nên Nhị phải cẩn thận hơn, kẻo bị hung vì Ngũ. (ví dụ dân chịu tăng thuế nhưng chính quyền lại dùng vào việc tăng binh bị, xâm lăng ngoại quốc).
Lục Tam : Đây là quẻ tổn hạ ích thượng, Sơ và Nhị dương cương, chịu Tổn cho Tứ, Ngũ còn khá, đến Tam là âm nhu mà Tổn cho thượng là hại. Tốt hơn là Tam đi một mình. (Ví dụ dân đã đói rét, còn phải tăng thuế thêm).
Lục Tứ : âm nhu, được Sơ Cửu giúp, rất tốt. Tứ nên biết khuyết điểm của mình để được Sơ giúp.
Lục Ngũ : cũng thế; thêm nữa, Ngũ và Nhị đều đắc trung, nên việc Nhị chịu tổn giúp Ngũ sẽ đem lại kết quả tốt đẹp.
Thượng Cửu : ở quẻ tổn hạ ích thượng, Thượng được mọi người đều hy sinh cho mình, rất tốt. Nhưng thượng được thụ ích nhiều quá, e đầy quá sẽ đổ. Nên thánh nhân răn: phải làm ích cho người khác thì sẽ được vô cựu. (Ví dụ Louis XIV được toàn dân sùng bái, nước Pháp lúc đầu được cường thịnh, nhưng đến cuối đời vua, dân kiệt quệ, và Pháp bắt đầu suy)
B - Nhận Xét Bổ Túc.
1) Ý nghĩa quẻ Tốn :
Thượng quẻ là có đầm ao dưới núi, lấy nước đầm (tổn hạ) để tưới cho cây cỏ trên núi được xanh tốt (ích thượng). Nói rộng ra, làm yếu hạ tầng cơ sở để tăng cường thượng tầng kiến trúc. Ví dụ:
- Trong việc giao thiệp, không lấy thực thà làm cốt, mà chỉ muốn phô trương bằng cách nói khéo, tiệc tùng vồn vã giả dối.
- Trong gia đình, cắt sén những chi tiêu cần thiết như ăn, mặc, giáo dục con cái, để có thể hoang phí trong các cuộc du hí xã hội, lấy sĩ diện với người ngoài.
- Trong quốc gia, bắt dân nộp sưu cao thuế nặng, không phải để mưu dân sinh, mà để thỏa mãn tham vọng đế quốc.
2) Bài học .
Lý tưởng cho bất cứ cộng đồng nào là giữ thế quân bình giữa hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc, nếu cả đôi đều tiến song song là tốt nhất. Nhưng nếu phải hy sinh cái dưới để làm lợi cái trên, thì là trường hợp quẻ Tổn này. Và bài học là:
- Nếu cấp dưới có khả năng chịu tổn và mục đích ích thượng chính đáng, như trường hợp Sơ Cửu, thì nên chịu tổn.
- Dù rằng cấp dưới còn có khả năng chịu tổn, nhưng nếu mục đích ích thượng bất chính, như trường hợp Cửu Nhị, thì phải cẩn thận hơn, chớ chịu tổn một cách mù quáng để đi đến chỗ nguy vong.
- Mục đích ích thượng đã bất chính rồi, và nếu kẻ dưới đã kiệt quệ rồi, như trường hợp Lục Tam, thì chịu tổn là ngu dại. Ví dụ vợ làm việc kiệt sức để cho chồng phung phí chơi bời, hoặc dân kiệt sức để nuôi một đạo quân viễn chinh. Tam phải từ chối không chịu tổn nữa, nên ly khai gia đình hoặc chống đối chính quyền.