A - Giải Thích Cổ Điển
1) Toàn quẻ :
Khôn: nguyên, hanh, lợi, tẫn mã chi trinh, nghĩa là thuần âm cực thuận như đức Khôn, vẫn đủ nguyên khí được vạn vật là Nguyên, và cũng có công dụng khiến cho vạn vật phát đạt là Hanh. Nhưng vì bản chất Khôn là âm, thuận, nên chỉ theo đức kiện hành của Càn mà tiến hành, như ngựa cái thừa thuận với ngựa đực.
Địa thế Khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật, nghĩa là quẻ Khôn này, 6 hào đều âm, tầng lớp chồng chất, tượng như đất dầy mà lại thuận, nên chở được muôn vật. Quân tử nên học lấy sức rộng lớn sâu dầy của Khôn mà dung chở loài người.
2) Từng Hào :
Sơ Lục : âm hào ở dưới cùng, cũng như dưới chân đạp thấy sương, phải đề phòng băng hàn sẽ càng ngày càng nhiều. Tượng trưng cho nguy hiểm mới manh nha, phải trị ngay chứ không nên dung túng. (Ví dụ: Trần Nghệ Tông ngu tối, không biết chế ngự quyền thần Lê Quý Ly ngay từ đầu, về sau hối không kịp).
Lục Nhị : đắc chính và đắc trung, rất tốt trong quẻ Khôn. Vừa chính đính vừa nhu thuận, nên tuy âm mà cũng là bậc quân tử (Ví dụ: Lê Hiển Tông bị chúa Trịnh áp chế mà chịu nhẫn nhục, nên giữ được lộc lâu dài).
Lục Tam : âm hào cư dương vị, cương nhu bổ xung cho nhau: tốt. Lại ngồi trên hạ quái, chỉ bậc nhân thần lập được công lớn nhưng biết quy công về bề trên, nên không nguy hại đến bản thân ( Ví dụ: Trương Lương công cao mà không đòi quyền lợi như Hàn Tín, nên giữ được an toàn).
Lục Tứ : âm hào cư âm vị, nhiều âm quá thành ra nhu nhược, vô tài. Chỉ vì gần gũi Lục Ngũ nên được quyền cao, nếu biết an phận thì tránh được tai họa. ( Ví dụ: Tào Sản vô tài lại lộng quyền vì không hiểu lẽ đó, nên sau bị Tư Mã Ý đánh lừa).
Lục Ngũ : đắc trung, tức là hợp với đức Nguyên của Khôn, nên ở vị chí tôn mà vẫn khiêm tốn. (Ví dụ: Chu Công Đán kính hiền hạ sĩ).
Thượng Lục : âm lớn quá, tất phải tranh thắng với Dương, đôi bên đều hại (Ví dụ Lê quý Ly cướp ngôi nhà Trần, rồi bị họa diệt vong).
B - Nhận Xét Bổ Túc .
1)Ý nghĩa quẻ khôn :
Tượng quẻ là vũ trụ đầy khí âm nhu thuận, đang thành hình, nuôi dưỡng vạn vật. Tượng trưng cho vị trung thần, hoặc người vợ hiền, mẹ từ, vui với đạo tam tòng tứ đức. Hoặc một bậc tài trí kiên cố phi thường, biết lấy nhẫn nại đối phó với mọi hiểm nguy. Ví dụ Quan Âm thị Kính chịu hàm oan rồi đắc đạo, hoặc Joffre bình tĩnh lui quân tới sông Marne mới phản công.
2) Bài học :
Toàn quẻ tuy rất tốt, nhưng các hào tùy vị trí mà kết quả tốt xấu có khác nhau. Về hào Sơ, chúng tôi không đồng ý với lời giải thích cổ điển rằng hào này tạo hình cho tà đạo mới phát sinh, phải diệt trừ ngay, vì đại ý của quẻ Khôn là nhu thuận, trinh kiên. Vậy có lẽ nên hiểu hào Sơ Lục là bậc hiền nhân còn ở địa vị thấp (như sương buổi sáng), nhưng nếu chịu kiên trì Khôn đạo thì cũng có ngày làm nên sự nghiệp đáng kể (băng dầy).
Còn những hào Nhị và Ngũ đắc trung, và Tam cư dương vị, có âm dương bổ khuyết cho nhau, nên tốt. Trái lại hào Tứ quá nhu nhược, và hào Thượng quá ngu tối, nên xấu.
Vậy nếu bói được quẻ Khôn, thì nên theo Khôn đạo, nghĩa là bền bỉ chịu đựng, chớ tự mình vọng động, mà nên kiên trì lấy nhu đối phó với cương, thì mọi sự sẽ được tốt lành.
Bài học này đặc biệt áp dụng cho võ thuật, lấy nhu thắng cương ( Nhu đạo) và cho việc chiến tranh lấy mưu trí thắng binh cường. Nhưng nó cũng có thể áp dụng cho bất cứ vấn đề nào khi người bói quẻ ở địa vị dưới, ví dụ đạo người con, người vợ, người em trong gia đình, đạo thần tử đối với quân vương, v . v .