LVII. Bát thuần tốn

20 Tháng Năm 201411:54 CH(Xem: 12108)
LVII - BÁT THUẦN TỐN.
Bát thuần tốn

A - Giải Thích Cổ Điển.

 

1) Toàn quẻ :

 

- Lữ khách ra đi, sợ không chỗ dung thân. Vậy tiếp quẻ Lữ là quẻ Tốn (thuận, nhập, gentle penetration) là phép xử thế trong thời Lữ.

 

- Tượng hình bằng hai quái đều là Tốn, mỗi quái gồm 2 dương hào ở trên âm hào, nghĩa là âm phải thuận theo dương, do đó chỉ được tiểu hanh mà thôi. Cùng nghĩa đó, 2 tốn là 2 luồng gió tiếp nhau, tượng cho trên thuận đạo và dưới thuận tùng (tiểu nhân lợi kiến đại nhân) 

 

- Tốn vốn là thuận, nhưng cũng phải dương cương như Nhị, Ngũ, thuận bằng đạo trung chính thì chí

mới phát triển được.

 

2) Từng hào :

 

Sơ Lục : là kẻ do dự, tiến lui đều không cương quyết. (Ví dụ Viên Thiệu vì quá nhu nhược do dự, khi nghe mưu sĩ này, nghe mưu sĩ kia, nên tha Tào Tháo).

 

Cửu Nhị : dương hào cư âm vị, là người cương nghị ôn hòa, ở vào thời Tốn phải chịu uốn mình nép dưới Cửu Tam, nhưng không phải là kẻ siểm nịnh. Lấy đức trung cảm động lòng người nên được Cát.

(Ví dụ Quan Công bất đắc dĩ hàng Tào, nhưng vẫn nghĩ đến chủ cũ là Lưu Bị, nên Tào Tháo vẫn kính phụcmà không nỡ hại)

 

Cửu Tam : trùng cương bất trung, không hợp với thời Tốn, tính kiêu ngạo miễn cưỡng làm ra Tốn, khiến thiên hạ khinh khi. Lẫn (Ví dụ Nguyễn Hữu Chỉnh bỏ Bắc Hà theo Tây Sơn, giả dạng trung thành với chủ mới, nhưng vẫn bị Tây Sơn nghi kỵ, cho là kẻ phản phúc nguy hiểm).

 

Lục Tứ : âm nhu đắc chính, trên toàn là hào dương, đáng lẽ phải có việc hối, nhưng ở vào thời Tốn âm nhu rất đắc địa, nên Tứ không bị nhị dương ở trên đàn áp mà còn được tin yêu. (Ví dụ Nguyễn Khản, là bào huynh của Nguyễn Du, tính xuề xòa, chỉ thích chơi bời phong lưu, rất được lòng chúa Trịnh, làm đến Quốc Sư).

 

Cửu Ngũ : ở vị chí tôn, đắc chính đắc trung. ở vào thời Tốn, vừa cương kiện vừa khiêm tốn, nên được Cát. Dù lúc đầu có điều hối, tất phải thận trọng trước và sau khi canh cải, cho đến khi không còn điều gì để hối nữa. (Ví dụ Quản Trọng cầm quyền trong nước Tề, đặt kế hoạch phú quốc cường binh cho thật chu đáo, rồi mới phát lệnh. Lệnh phát ra toàn dân đều theo hoặc nếu còn chỗ nào thiếu sót thì khiêm tốn nhận lỗi sửa sai).

 

Thuợng Cửu : ở cuối quẻ Tốn, là tốn chi cực. Bản tính Thượng là dương cương, nhưng tốn thái quá thành kẻ siểm nịnh, tất hung. (Ví dụ Thụ Điêu tự thiến để vào hầu hạ trong cung, Dịch Nha giết con làm thịt dâng vua nếm, công tử Khai Phong bỏ địa vị cao quí ở bản quốc đi làm tôi nước Tề, đều là những kẻ tiểu nhân quá tự hạ, đáng khinh).

 

B - Nhận Xét Bổ Túc.

 

1) Ý nghĩa quẻ Tốn :

 

Trong mỗi quái, 2 hào dương ở trên, 1 hào âm ở dưới phải phục tùng. Tuy phải phục tùng nhưng âm có khí thế đang lên, nghĩa là tiểu nhân sẽ lấy được lòng quân tử, nhưng đó chỉ là tiểu hanh mà thôi. 

 

Vậy quẻ này ứng vào một việc kẻ ở thế yếu phải lấy lòng người trên.

 

2) Bài học :

 

Sự phân tích các hào đã cho ta giải đáp: 

 

- không nên do dự, sớm Sở tối Tần, như Sơ Lục âm nhu bất chính. 

 

- Lục Tứ cũng âm nhu nhưng đắc chính, khéo chiều lòng người trên nên được yên thân. 

 

- Cửu Lục và Cửu Ngũ là những bậc quân tử chính đính, dù vì địa vị ở dưới Tam Thượng nên phải

theo họ, nhưng vẫn được họ kính nể. 

 

- Cửu tam và Thượng Cửu là kẻ mạnh, tuy ở hoàn cảnh đáng lẽ phải tốn mà vẩn giữ tính kiêu ngạo.

 

Tam trùng cương, nếu có làm ra tốn cũng chỉ là giả vờ, dùng bàn tay sắt bọc nhung. Thượng cư âm vị, lại ở giai đoạn Tốn cực điểm, nên quá hành hạ mình, khiến thiên hạ khinh khi. Muốn cho rõ nghĩa thêm, xin lấy một thí dụ điển hình: một gia đình bộ ba, vợ lẽ là Sơ Lục hoặc Lục Tứ, vợ cả là Cửu Nhị, hoặc Cửu Ngũ, và chồng là Cửu Tam hoặc Thượng Cửu. ở hạ quái, vợ lẽ là đứa tiểu nhân, khi nịnh chồng khi nịnh vợ cả, không chuyên nhất. Vợ cả là người chính đính, vừa chiều chồng vừa đối đãi tử tể với vợ lẽ. Chồng là tên gian manh, chiều cả hai vợ nhưng lừa dối cả hai, ở với vợ cả thì nói xấu vợ lẽ, ở với vợ lẽ thì nói xấu vợ cả. ở thượng quái, vợ lẽ là người khéo léo, thớ lợ, được cả lòng chồng và vợ cả. Vợ cả là người cương nhu gồm đủ, cầm cân nẩy mực trong gia đình. Còn anh chồng là một tên hèn, nịnh cả hai vợ một cách thái quá, nên bị khinh khi.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Chín 2024(Xem: 223)
Sự đóng góp của giới nho sĩ trải qua các biến cố lịch sử.
15 Tháng Bảy 2024(Xem: 517)
Những định luật lịch sử
15 Tháng Hai 2024(Xem: 1521)
02 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2622)
27 Tháng Mười Một 2022(Xem: 2616)