A - Giải Thích Cổ Điển.
1) Toàn quẻ :
- Lâm là lớn, biểu thị cái gì lớn quan sát khắp chung quanh, và cũng được mọi người thấy rõ. Vậy sau quẻ Lâm tiếp đến quẻ Quán.
- Tượng hình bằng trên Tốn dưới Khôn, là gió đi trên mặt đất. Tiên vương bắt chước tượng đó, tuần xét bốn phương.
- Quẻ gồm hai quái đều âm, hạ quái Không chỉ dân chúng tòng phục, thượng quái Tốn chỉ cấp lãnh đạo khiêm tốn, lấy chí thành mà xem xét và cảm hoá kẻ dưới.
- Quán là xem xét, xem xét người và cũng xem xét ngay cả chính mình. Vậy quẻ này trỏ bảo đường lối quan sát.
2) Từng hào :
Sơ Lục : đã âm nhu lại ở vị dưới cùng, cũng như đứa trẻ dòm ngó, không đáng trách. Nhưng nếu người lớn mà có hành động như thế thì đáng xấu hổ. Ví dụ người đa sự, hay xoi bói việc nhà của người ta.
Lục Nhị : cũng ý trên, ví dụ người con gái dòm ra cửa sổ, mơ tưởng ông hoàng tử cao quý (Cửu Ngũ), đó là nhi nữ thường tình, không đáng trách. Nhưng nam nhi mà xét việc hồ đồ như thế thì đáng xấu hổ.
Lục Tam : âm hào cư dương vị, lại ở trên hạ quái, dưới thượng quái, nửa tiến nửa lùi. Hãy tự xét mình, không nên cầu may rủi. nếu thấy hoàn cảnh thuận lợi cho việc tiến thân (ứng với Thượng Cửu) thì cứ tiến. Nếu tự xét không đủ tài thì an phận là hơn.
Lục Tứ : đắc chính, lại gần Cửu Ngũ, ví như một hiền thần giúp vua quan sát dân tình một cách chính xác, trung thực. Được vậy vì Tứ nhu thuận với Ngũ, và bản thân đắc chính, nghĩa là có tài quan sát.
Cửu Ngũ : vị chí tôn, cả thiên hạ trông vào. Ngược lại, nếu muốn biết mình tốt hay xấu, cứ quan sát dân chúng sướng hay khổ, sẽ biết.
Thượng Cửu : không ở vị chí tôn như Cửu Ngũ, không có trách nhiệm trực tiếp với quốc gia, nhưng vẫn được quốc gia trông vào vì tài đức lớn. Không nên vì chính mình không giữ chức vụ nào trong chính quyền mà buông thả bỏ mặc việc đời. Miễn là giữ vững chính đạo thì sẽ được vô cựu. (Ví dụ Nguyễn bỉnh Khiêm đã từ quan nhưng vẫn lo chỉ giáo cho những người tìm đến hỏi kế: Bảo đám học trò là Phùng Khắc Khoan, Lương hữu Khánh vào Nam giúp việc trung hưng cho nhà Lê, bảo chúa Mạc nếu sau này thất bại thì cố thủ Cao Bằng được thêm vài đời, bảo Nguyễn Hoàng lánh vào Nam).
B- Nhận Xét Bổ Túc :
1) Ý nghĩa quẻ Quán :
a) Tượng quẻ này gợi ý một cái gì ở trên cao nhìn xuống dưới, hoặc ở dưới nhìn lên: Quán.
b) Vì cả nội quái và thượng quái đều âm, nên quẻ Quán chứa đựng một khuynh hướng xung đột hơn là ứng hợp, nghĩa là quan sát với ác ý hơn là thiện ý. Thêm nữa, có tới 4 hào âm dưới, có vẻ lấn áp 2 hào dương ở trên. Nên quẻ Quán còn gợi ý một xã hội trong đó cấp lãnh đạo nhu nhược, bị dân chúng dòm ngó phê bình.
2) Bài học :
a) Quẻ Quán nhấn mạnh đến sự quan sát, cả tri bỉ và tri kỷ, để thủ thắng. Tuy nó hình như đặc biệt áp dụng vào việc tình báo khi có ngoại xâm, hoặc dò la dư luận trong việc nội trị, nhưng nhu cầu tri bỉ tri kỷ thật ra được đặt cho mọi vấn đề: cầu hôn nhân, diễn thuyết, cạnh tranh thương mại, đi xin việc, chọn bạn, v . v .
b) Và thánh nhân đã cho biết, qua các hào từ, thái độ thích ứng với người bói quẻ:
- Kẻ dưới là Sơ, Nhị, Tam, chớ nên đem dạ tiểu nhân mà đo bụng anh hùng, chớ có xàm ngôn, chỉ trích vô trách nhiệm.
- Tứ là bề tôi nhu thuận và chính trực, được gần quân vương, nên đem tài ra giúp quân vương quan sát dân tình một cách trung trực.
- Cửu Ngũ là vị lãnh tụ, phải tự xét mình qua sự sướng khổ của dân chúng.
- Thượng Cửu tuy ngoài vòng cương tỏa nhưng vẫn nên chỉ giáo cho đời.