A - Giải Thích Cổ Điển.
1) Toàn quẻ :
- Cấu là đụng gặp, có gặp mới thành bầy. Vậy sau quẻ Cấu tiếp đến quẻ Tụy
- Tượng hình bằng trên Đoài dưới Khôn, nước tụ ở trên mặt đất.
- Quẻ này ứng vào nhóm họp đồng chí, phải lấy lòng thành thực (hoà duyệt và thuận thụ) thì mới xong. Và tụ nhóm người đông thường sinh ra việc tranh nhau, nghi kỵ nhau, do đó phải đề phòng.
2) Từng hào :
Sơ Lục : chính ứng với Cửu tứ, nếu theo Tứ thì được tốt. Nhưng Sơ lại dại dột đàn đúm với Lục Nhị, Lục tam để làm sằng. Nếu Sơ dứt được bọn đó đi thì mới được vô cựu. (Ví dụ Dương Tu không làm tôi vua Hán mà làm chủ bạ trong phủ Tào thừa tướng, sau bị hại. Trái lại, Cam Ninh bỏ Hoàng Tổ, theo về Tôn Quyền, được nổi danh).
Lục Nhị : nhu thuận trung chính, lại ứng với Cửu Ngũ, rất lợi ở thời Tụy. Nếu kéo được cả bầy Sơ, Tam cùng làm với mình theo Ngũ thì sẽ được cát. (Ví dụ Dương Tái Công kéo cả bầy thủy khấu đầu hàng Nhạc Phi).
Lục Tam : bất trung bất chính, không tụy được với ai. Chỉ còn có cách cầu với Thượng cũng âm nhu như mình, tuy có xấu hổ chút đỉnh, nhưng vẫn là vô cựu. (Ví dụ nguyễn Hữu Chỉnh không lấy được lòng tin của Tây sơn, còn bị dân Bắc phỉ nhổ).
Cửu Tứ : dương hào cư âm vị, trên có Cửu Ngũ là bậc tài đức, dưới có quần âm tiểu nhân. Vị không đáng làm lãnh tụ họp người, phải tạo nhân tốt lành mới vô cựu. (Ví dụ Viên Thiệu nhờ công lao tổ tiên, được bầu làm minh chủ chống Đổng Trác, nhưng tham lam ngu tối nên hỏng việc).
Cửu Ngũ : ở vị chí tôn, rất xứng đáng để tụ người. Nếu còn có người chưa tin theo, Ngũ cứ việc giữ mình thành thật, thì sẽ thành công. (Ví dụ Tôn Dật Tiên, cha đẻ ra Trung Hoa dân Quốc).
Thượng Lục : tài hèn, lại ở cuối thời Tụy, nên không tụ được ai, không thể an hưởng vị trên được. (Ví dụ Viên Thế Khải muốn lập lại đế chế, nhưng thất bại nhục nhã).
B - Nhận Xét Bổ Túc.
1) Ý nghĩa quẻ Tụy :
a) Tượng quẻ là nước đầm tụ trên mặt đất, nên đặt tên quẻ là Tụy (tụ). Vậy quẻ này gợi ý sự tập hợp quần chúng.
b) Nó có ý nghĩa tương tự với quẻ Thủy Địa Tỷ số 8, nhưng khác ở điểm quẻ Tỷ có thượng quái là Khảm, nguy hiểm, tượng trưng cho quần chúng bất mãn, còn quẻ Tụy có thượng quái là Đoài, vui vẻ, tượng trưng cho quần chúng dễ bảo.
2) Bài học .
a) Ở quẻ Tỷ sự thống nhất trông nhờ vào lãnh tụ là Cửu Ngũ, hào dương duy nhất, đầy đủ ân uy, vừa cương cường vừa khoan dung đại độ.
Ở quẻ Tụy, việc họp chúng là sự nghiệp của Cửu tứ và Cửu Ngũ. Tứ vị không đáng cũng quy tụ được dân chúng vì có tài lại khoan dung (dương hào cư âm vị). Cửu Ngũ là bậc chí tôn xứng đáng quy tụ dân chúng theo mình, nhưng lại có Cửu Tứ bên cạnh nên bị chia ảnh hưởng.
b) Một mặt khác, cơ cấu quẻ Tụy cho chúng ta biết rằng những đức tính cần thiết để cho Tụy thành công là khoan hòa (Đoài) và thuận thừa, kiên trinh (Khôn).
c) Sau hết, việc quy tụ quần chúng là một việc khó, vì đám đông dân dễ bảo, hưởng ứng, thế nào mà chẳng có kẻ phá ngang? Nên muốn thành công phải:
- tuyên bố đường lối quang minh chính đại (như chư hầu tuyên bố tội trạng của Đổng Trác).
- khoan dung, chớ khắt khe, tham lam (minh chủ Viên Thiệu tham ấn ngọc của Tôn Kiên, nên đồng Minh tan rã)
- và vẫn phải đề cao cảnh giác, tự cường để đối phó với mọi biến cố bất thường. (Tôn Dật Tiên không đề phòng sự phản trắc của cáo già Viên Thế Khải).