VI. Thiên thủy tụng

20 Tháng Năm 201411:16 CH(Xem: 12523)
VI – THIÊN THỦY TỤNG
Thiên    thủy    tụng

A - Giải Thích Cổ Điển

1) Toàn quẻ :

- Vì ăn uống nên sinh ra tranh tụng. Vậy tiếp sau quẻ Nhu là quẻ Tụng.

- Tụng, hữu phu, trất dịch. Hữu phu là mình có tín thực mà bị người vu hãm. Trất là lấp, là có ý oan ức; dịch nghĩa là lo sợ.

- Tụng, thượng cương hạ hiểm, hiểm nhi kiện, tụng. Nghĩa là trên cương dưới hiểm, hoặc bề trong âm hiểm mà bề ngoài cương kiện, cũng chẳng khỏi tranh nhau.

- Trung, cát; chung, hung. Việc kiện cáo là việc bất đắc dĩ. Nếu sự khúc trực của mình được minh bạch rồi, thì nên thôi kiện, được Cát. Nếu cứ cố theo kiện hoài, tất chung cục sẽ xấu: hung.

2) Từng hào :

Sơ Lục : mình yếu, không nên tranh hơi với kẻ mạnh. Tuy có thể bị kẻ vu cáo vô lý, nhưng rồi lẽ phải cũng sẽ được tỏ rõ (nhờ ứng với Cửu Tứ). (Ví dụ bị báo chí nói xấu, kệ nó, không thèm thanh minh, rồi thiên hạ sẽ hiểu mình).

Cửu Nhị : dương hào cư âm vị, đắc trung, chỉ người khỏe nhưng không gây sự, mọi người xung quanh sẽ được yên ổn. (Ví dụ vị quan tốt không nhiễu dân, dân đến kiện cáo thì cố gắng giải quyết êm đẹp).

Lục Tam : bất chính bất trung, lại tài hèn, không thể tranh hơi với ai, nên an bần thủ phận là hơn. Nếu Tam biết vậy sẽ được Cát.

Cửu Tứ : cũng bất chính bất trung như Lục Tam, nhưng là dương cương, ở thời Tụng ứng vào kẻ thích tranh đấu, nhiễu sự. Nếu biết bình tâm hạ khí, lặng nghe mệnh trời, thời sẽ được trinh cát, vì Tứ vốn là người có tài.

Cửu ngũ : đắc chính đắc trung, là người hùng, vẫn giữ lòng trung chính, tranh đấu giỏi, sẽ thắng lợi. (Ví dụ Napoléon Bonaparte thời còn làm đại tướng và Premier consul, chưa quá tham lam mà lên ngôi vua).

Thượng Cửu : cứ ham tranh đấu mãi, lòng tham không chán, họa đôi khi được thắng lợi, nhưng gây ác không bao giờ có thiện quả, chốc được chốc mất. (Ví dụ Hitler)

B - Nhận Xét Bổ Túc

1) Ý nghĩa quẻ Tụng :

a) Tượng quẻ là trên Càn dưới Khảm, tượng trưng cho sức mạnh của giai cấp trên có quyền thế, và sức mạnh của giai cầp dưới bị đè nén, đấu tranh nhau bằng những biện pháp bắt bớ, tù đầy của cấp thống trị, và đình công, biểu tình của cấp bị trị: Tụng.

b) Nếu ta so sánh quẻ Tụng này với quẻ Nhu, thì thấy hai quái thượng hạ đã thay đổi vị trí, ở Nhu thì Khảm trên Càn dưới, còn ở Tụng thì Càn trên Khảm dưới. Thế có nghĩa là ở Nhu có nguy hiểm ở đằng trước, bậc quân tử sẽ phải đối phó và sẽ thắng được, còn ở Tụng nguy hiểm ở sau lưng, ở dưới xông lên đe dọa phe cầm quyền.

2) Bài học :

a) Vậy muốn thoát hiểm không thể chờ đợi thời cơ thuận tiện để khắc địch được nữa, mà phải theo một đường lối khác. Đường lối nào? Vì việc Tụng là xấu, bất đắc dĩ, nên trong 6 hào:

- Sơ và Tam biết thân tài hèn, chẳng kiện với ai nên được an lành;

- Nhị và Tứ có thể kiện được, nhưng biết tự kìm hãm, cũng được an ổn;

- Thượng là tay gây sự, nên bị nhục;

- Duy chỉ có Ngũ là người có đủ tài đức và ân uy để điều giải thắng lợi.

b) Quẻ Tụng nêu cao một đặc điểm của triết lý Dịch là : tùy thời. Người quân tử khi thấy mình ở thế kém, không thể tiến được thì lui để bảo toàn danh mệnh. Nhưng lui trong danh dự, trong ý thức biết người biết mình, trong Càn đạo, chứ không phải lui vì khiếp sợ, vì hèn nhát. Đó là bài học của quẻ Tụng, nếu mình bói được quẻ đó để tìm giải đáp cho một vấn đề tranh chấp khó giải quyết: tranh chấp với lân bang, tranh chấp nội bộ giữa đảng nọ với đảng kia, tranh chấp trong gia đình giữa vợ chồng, anh em, v . v .

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03 Tháng Mười 2018(Xem: 6627)
30 Tháng Chín 2018(Xem: 8252)
23 Tháng Chín 2018(Xem: 6473)
31 Tháng Tám 2018(Xem: 7012)
01 Tháng Mười Một 2017(Xem: 7524)
31 Tháng Năm 2017(Xem: 7567)
30 Tháng Ba 2017(Xem: 7908)
23 Tháng Giêng 2017(Xem: 13998)
Việt sử khái quát qua cuộc nói chuyện với một người bạn ngoại quốc.
31 Tháng Mười Hai 2016(Xem: 8301)