XXV. Thiên lôi vô vọng

20 Tháng Năm 201411:26 CH(Xem: 14483)
XXV - THIÊN LÔI VÔ VỌNG.
Thiên lôi vô vọng

A - Giải Thích Cổ Điển.

1) Toàn quẻ :

- Trật tự đã phục hồi rồi thì không nên làm càn nữa. Vậy tiếp quẻ Phục là quẻ Vô Vọng.

- Tượng hình bằng trên Càn dưới Chấn. Hoạt động này hợp với lẽ trời, không càn rỡ.

Xem tượng quẻ nhận thấy:

1- Quẻ Chấn là quẻ Khôn mà một dương mới sinh: Sơ Cửu làm chủ nội quái.

2- Lục Nhị ứng với Cửu Ngũ, tức là thu thuận phục tòng cương chính, hợp với đạo trời, rất tốt.

2) Từng hào :

Sơ Cửu : hào dương làm chủ nội quái, là người bản tính quân tử, hồn nhiên thành thực, nên làm việc gì cũng tốt trong thời tình thế ổn định. (Ví dụ Trần Nhân Tông, sau khi việc nước đã xong, bèn bỏ ngôi vua mà đi tu, thành tổ phái Trúc Lâm).

Lục Nhị : đắc trung đắc chính, lại ứng với Cửu Ngũ cũng trung chính, nên thu hoạch tự nhiên đến mà không cần cầu, hình như vô vi. (Ví dụ Tào Tham làm tể tướng tiếp theo Tiêu Hà, không cần sửa đổi gì cả mà nước vẫn được thịnh trị).

Lục Tam : bất trung bất chính, là người vọng ở thời Vô Vọng, sẽ gặp họa nếu không giữ bổn phận. (Ví dụ Richelieu đã bắt buộc các vương công phải tuân theo vương pháp, thế mà em vua Louis XIII là hoàng thân Gaston còn âm mưu gây rối).

Cửu Tứ : trên dưới không ứng với ai, thật là một người tự do, không có gì ràng buộc, và cũng không vọng tưởng giầu sang. Được vô cựu. (Ví dụ Hứa Do, Sào Phủ).

Cửu Ngũ : trung chính dưới có Lục Nhị (dân chúng) ứng với mình, thật không gì tốt bằng. Nếu chẳng may có tật bệnh gì (tai nạn), cứ yên xử như thường, không cần uống thuốc (chạy chọt), tự khắc sẽ qua khỏi. (Ví dụ Tiêu Hà bị xàm tấu, không cần biện bạch, rồi được Hán Cao Tổ biết nỗi oan).

Thượng Cửu : thời vô vọng đã cực rồi, nếu còn manh động tất nhiên sẽ gặp tai họa. (ví dụ sau khi Lê trung hưng, thiên hạ đã thống nhất, con cháu họ Mạc còn cựa quậy và thất bại nhục nhã).

B-Nhận Xét Bổ Túc.

1) Ý nghĩa quẻ Vô Vọng :

a) Tượng quẻ là sấm động dưới bầu trời, đó là một hiện tượng tự nhiên của trời đất, không có gì phải thắc mắc cả. Suy sang việc người cũng vậy tuy thỉnh thoảng kẻ tôi con hiếu động chút ít cũng chẳng sao, bậc quân vương, gia trưởng đủ sức mạnh để duy trì trật tự. Tại sao? Vì xã hội đang sống cảnh thanh bình, sự kiện tốt đẹp này được thể hiện ở hai hào đắc trung là Cửu Ngũ và Lục Nhị đều đắc chính, chính ứng với nhau.

b) Do đó mà mọi vọng động trong tình thế đó đều sẽ thất bại. Bậc quân tử chỉ nên giữ đạo thường, vô vọng (nghĩa là không nghĩ càn, không làm càn), là hơn cả.

2) Bài học :

a) Quẻ này trình bầy một triết lý hình như tiêu cực, là khi thời thế đã ổn định rồi, trong nước đã thái bình rồi, thì không nên cải cách gì cả, cứ tuân theo luật lệ cũ đã chứng tỏ hữu hiệu, mà hưởng thụ. Nói theo danh từ ngày nay, thì khuynh hướng bảo thủ (Conservatism), trái với khunh hướng cấp tiến (Radicalism).

Ta có thể không đồng ý với triết lý đó, vì ta đã biết rằng muôn sự ở đời đều biến dịch, làm sao có thể theo chính sách bảo thủ được ? Chẳng hóa ra quẻ này dậy một điều trái với tinh thần của kinh Dịch sao ?

Nhưng nghĩ cho kỹ lại thì không phải thế. Tinh thần kinh Dịch là tùy thời, nên tiến thì tiến, nên ngừng thì ngừng, chứ không phải bảo ta cứ nhắm mắt dịch hoài, tiến bừa trong mọi hoàn cảnh. Ở thời Vô Vọng, tình thế đã ổn định, thì bảo thủ là phải. Bao giờ tình thế biến đổi (và chắc chắn sẽ biến đổi, thời Vô Vọng chỉ là một giai đoạn đứng vững được một thời gian mà thôi), thì ta sẽ tùy thời có một chính sách khác, một thái độ khác.

b) Khi nào tới quẻ lộn ngược của quẻ này là quẻ Lôi Thiên Đại Tráng số 34, thì ta sẽ thấy lời khuyên bảo của thánh nhân hoàn toàn trái ngược với Vô vọng là Đại Tráng, phấn chấn xông lên.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Năm 2017(Xem: 6829)
30 Tháng Ba 2017(Xem: 7117)
23 Tháng Giêng 2017(Xem: 12598)
Việt sử khái quát qua cuộc nói chuyện với một người bạn ngoại quốc.
31 Tháng Mười Hai 2016(Xem: 7515)
29 Tháng Chín 2016(Xem: 9404)
09 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 9534)
14 Tháng Giêng 2015(Xem: 10124)
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000