XLVII. Trạch thủy khốn

20 Tháng Năm 201411:49 CH(Xem: 11931)
XLVII - TRẠCH THỦY KHỐN.
 Trạch thủy khốn

A - Giải Thích Cổ Điển.

 

1) Toàn quẻ :

 

- Lên mãi tất khốn. Vậy tiếp theo quẻ Thăng là quẻ Khốn.

 

- Tượng hình bằng trên Đoài dưới Khảm, nước ở trạch chẩy xuống sông, phải cạn đi nên khốn. Hơn nữa, trong quẻ này các hào dương đều bị các hào âm vây hãm, nên khốn.

 

- Tuy vậy, đó là nói về tình cảnh, nhưng nói về đức hạnh thì khác. có vui, duyệt (Đoài) trong cảnh nguy (Khảm), nếu mình biết coi cảnh đó là một hòn đá thử vàng để tôi luyện cho đức hạnh được thêm vững bền, thì cứ nên vui.

 

- Ở thời Khốn, kẻ tiểu nhân dễ biến tâm hoặc chán đời. Duy chỉ bậc quân tử vẫn giữ được đạo trinh chính, nên kết quả được Cát.

 

2) Từng hào :

 

Sơ Lục : âm nhu, ở đáy quẻ Khốn, lại không được Cửu Tứ giúp đỡ vì Tứ bất trung bất chính. Nên sơ bị vướng mắc, không được ai cứu. (ví dụ Chiêm Vũ Hầu, thờ Trịnh Khải vô tài, nên bị kiêu binh loạn đao phân thây).

 

Cửu Nhị : dương cương đắc trung, là người tài đức. Ởthời Khốn tuy mình được giầu sang nhưng thấy thiên hạ khốn khổ cũng buồn lây. Bạo động thì hung, chờ thời thì vô cựu. (Ví dụ khi Pháp xâm lăng ta, Tuy Lý vương tọa thị thì giữ được giầu sang, còn Phan Đình Phùng khởi nghĩa thì khốn đốn, nhưng vẫn vui giữ được nghĩa lớn).

 

Lục Tam : âm nhu, lại bất trung bất chính, lại ở vị khảm chi cực. Tiến lên đụng phải Tứ như hòn đá, lùi xuống vấp phải Nhị như gai góc: hung. (Ví dụ Nguyễn Văn Tường, bị thiên hạ khinh bỉ và Pháp cũng không dong, đem đi đầy).

 

Cửu Tứ : dương hào cư âm vị, bất chính bất trung. Muốn ứng với Sơ Lục nhưng bị Cửu Nhị ngăn cách, nên tự thương thân và thẹn. Nhưng nếu tứ cố gắng thì cuối cùng Sơ cũng sẽ giúp đỡ được Tứ và kéo ra khỏi hiểm. (Ví dụ hoàng thân Lê Duy Mật. Muốn ứng với vua Lê nhưng bị chúa Trịnh ngăn cách. Vì trung nghĩa nên được một số nghĩa sĩ hưởng ứng, giữ được Trấn Ninh vài chục năm).

 

Cửu Ngũ : là vị chí tôn. ở thời Khốn, trên bị Thượng Lục đè ép, dưới bị Cửu Tứ lộng hành, nên không làm được gì. Nhưng Ngũ là người cương trung, cứ giữ lòng chí thành thì sẽ được phúc. (Ví dụ Lê Hiển tông ở giữa cảnh khốn, nào kiêu binh nào chúa Trịnh, nào Tây sơn, mà vẫn giữ được lộc vị).

 

Thượng Lục : ở thời Khốn chi cực, tất nhiên bị khốn. Nhưng cùng tắc biến, nếu Thượng biết hối quá, xét lại cách cư xử của mình chưa đúng đạo mà sửa đổi đi thì chắc được Cát. (Ví dụ Chiêu Thống không hiểu lẽ đó như tổ phụ Hiển Tông, nên bị khốn, lần lượt bị Trịnh Lệ, Trịnh Bồng, Nguyễn Hữu Chỉnh chèn ép, rồi mời quân thanh sang tái lập hư vị, nên mới ngậm hờn ở Trung Quốc. Trái lại Nguyễn Ánh cũng bị khốn đốn vì Tây Sơn, nhưng biết tự cường, chiêu tập binh sĩ, khéo dụng binh, nên sau thống nhất được đất nước)

 

B - Nhận Xét Bổ Túc.

 

1) Ý nghĩa quẻ Khốn :

 

Thượng quái Đoài có 1 âm trên 2 dương; hạ quái thì hào dương bị vây giữa 2 hào âm; và toàn quẻ thì quái âm đè lên trên quái dương: rõ rệt là thời quân tử bị khốn.

 

2) Bài học :

 

Tuy nhiên, đó là xét về vận mệnh. Nhưng xét về tâm lý, thì người ở cảnh khốn vẫn có thể vui vẻ điềm tĩnh (Đoài) chấp nhận số phận hẩm hiu mà không oán thán, để trau rồi đức hạnh của mình. Ví dụ:

 

- Tô Vũ bị rợ hồ cầm giữ, bắt chăn dê ở quan ngoại trong mười năm, vẫn trung thành với Hán.

 

- Nguyễn Công Trứ khi bị biếm làm lính đi tiền quân hiệu lực, vẫn giữ được đức độ của bậc đại thần tri mệnh.

 

- Nguyễn Đình Chiểu, đã bị mù, lại gặp quốc biến, vẫn hăng hái tham gia kháng chiến. 

 

Đó là những người trong hoàn cảnh khốn mà tâm không khốn, vẫn vui vẻ làm hết nhiệm vụ mình. ở quẻ này ta lại một lần nữa thấy rõ tính cách tích cực của Nho học thủa xưa, gần giống như tinh thần Phật giáo: gian truân để tôi luyện chí khí, khổ cực để rửa sạch tội lỗi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Năm 2017(Xem: 6828)
30 Tháng Ba 2017(Xem: 7113)
23 Tháng Giêng 2017(Xem: 12591)
Việt sử khái quát qua cuộc nói chuyện với một người bạn ngoại quốc.
31 Tháng Mười Hai 2016(Xem: 7512)
29 Tháng Chín 2016(Xem: 9398)
09 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 9534)
14 Tháng Giêng 2015(Xem: 10123)
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000