Vài Ý Nghĩa Về Pháp Thiền Tứ Niệm Xứ

21 Tháng Năm 201410:49 CH(Xem: 8774)
Theo như tên bản kinh, chúng ta phải quan sát 4 chỗ là : Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Nhưng chúng ta chỉ thọ cảm giác chứ không thọ tư tưởng, và cảm xúc cũng là một pháp. Vì vậy thiền Tứ Niệm Xứ có thể hình dung bằng hình vuông và 4 đỉnh là : Cảm giác, Thân, Cảm xúc, Tâm.

Cảm giác↓ ↓ Cảm xúc
 Thân→ ←Tâm


Chúng ta thấy :
1- Cảm giác xẩy ra trên thân.

Thí dụ : ngứa, lạnh, nóng . . .

2- Cảm xúc xẩy ra trong tâm.
Thí dụ : Lòng lão thân buồn khi tựa cửa.

3- Cảm giác sinh ra cảm xúc.
Thí dụ : Thấy người hoạn nạn thì thương.

4- Khi cảm giác nổi lên ở thân thì cảm xúc cũng nổi lên ở tâm. Và ngược lại.

5- Quan sát cảm giác là quan sát gián tiếp tâm dù theo chiều thuận của kim đồng hồ : cảm giác →cảm xúc→tâm, hay chiều nghịch của kim đồng hồ : cảm giác→thân→tâm. (xem hình vẽ)

6- Khi quan sát thì ta phải làm 2 việc :

a/ Trung thực: có gì thì nói đó không thêm, không bớt, không làm một cố gắng nào.
Thí dụ : Một người soi gương giơ tay lên thì bóng trong gương cũng giơ tay lên, người soi gương hạ tay xuống thì bóng hạ tay xuống. Bất cứ người soi gương làm một cử động nào thì bóng cũng làm y như thế. Và gương không làm bất cứ một sự cố gắng nào.

b/ Niệm.
Khi ta nghe chó sủa, chim hót ta chỉ niệm : nghe ; khi ta ngửi mùi thơm hay thối ta chỉ niệm : ngửi; khi ta nếm cay hay đắng ta chỉ niệm : nếm . . .; khi ta nhìn thấy xấu hay đẹp ta chỉ niệm : thấy; khi ta tiếp xúc với một người khác có thể thô bạo hay êm ái ta chỉ niệm : tiếp xúc.

Đây là xả Thức dụng Căn. Ta dùng Căn-Trần-Thức để tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Bỏ Thức đi thì chỉ còn lại Căn và Trần. Nhưng ở đây ta chỉ dụng Căn, nên không cần biết đến Trần, nghĩa là không cần biết nguyên nhân nào đã tạo ra cảm giác: thời tiết (nóng, lạnh), thức ăn (ngon, không ngon), tư thế (đi, đứng, nằm, ngồi), sự việc . . . Cường độ của cảm giác mạnh thì ta nhận thấy ngay còn yếu thì ta không thấy, nhưng nếu những cảm giác này tích tụ lại thì nó sẽ trở nên mạnh. Nhưng cảm giác là một pháp nên nó sẽ bị hủy diệt theo tiến trình : sinh, trụ, hoại, diệt. Mặc dầu nó bị hoại diệt, nhưng ta vẫn phải niệm vì ta phải tỉnh thức trong mọi lúc.

7- Tại sao ta phải quan sát cảm giác ? Vì cảm giác có liên quan đến tiến trình của tâm.

Thực vậy : con người = vật chất + tinh thần
Hay : con người = sắc + (thọ+tưởng+hành+thức)

Theo pháp thiền Tứ Niệm Xứ thì :
Thức : ghi nhận sự kiện
Tưởng : so sánh với những việc trong quá khứ rồi xếp loại.
Thọ : xẩy ra trên thân khi thức bắt đầu và khi tưởng bắt đầu thì nó sinh ra cảm giác.

Có 3 loại cảm giác là :
-Lạc
-Xả : không vui, không khổ
-Khổ : không vui.

3 loại cảm giác ảnh hưởng đến Hành. Tiến trình có thể tóm tắt như sau : Thức → Tưởng → Thọ → Hành.

3 giai đoạn đầu : Thức, Tưởng, Thọ chỉ là thụ động, chỉ giai đoạn 4 : Hành (sự phản ứng) mới là chủ động.
Các tiến trình trên xẩy ra trên thân (sắc) rất nhanh. Các cảm giác đều mang mầm mống khổ ở trong.
Cảm giác vui : chúng ta sợ vui hết : đó là hoại khổ.
Cảm giác khổ :chúng ta khổ vì muốn chúng hết đi, thí dụ ta bị đau, muốn hết đau : đó là khổ khổ.
Còn cảm giác xả thì ta có khổ xả. Như một thi sĩ đã mô tả cái khổ này bằng 2 câu thơ :
Thà một phút bùng lên rồi chợt tắt
Còn hơn đèn le lói suốt năm canh.

Hành cũng là một duyên trong 12 nhân duyên mà Đức Phật đã tìm ra. 12 nhân duyên này là :
Vô minh sinh Hành
Hành sinh Thức
Thức sinh Danh sắc
Danh sắc sinh Lục căn
Lục căn sinh Xúc
Xúc sinh Thọ
Thọ sinh Ái
Ái sinh Thủ
Thủ sinh Hữu
Hữu sinh Sinh tử.

Khi cảm giác tiêu diệt thì Hành cũng ngưng và Thức cũng ngưng, do đó chuỗi 12 nhân duyên cũng ngưng vì Hành là một khuyên của nó. Nếu đi sâu hơn thì ta phải nhận ra là cảm giác đó là cảm giác vui, khổ, xả. Những cảm giác vui sẽ khiến chúng ta thích thú muốn kéo dài hơn và tạo nên lòng tham. Những cảm giác không vui khiến chúng ta chán ghét và tạo nên lòng Sân. Và những cảm giác Xả sẽ tạo nên lòng Si. Chúng ta phản ứng lại (Hành) bằng Thân, Khẩu, Ý. Theo thường thức thì tác dụng của thân lớn hơn Khẩu và Ý vì bị đánh thì nặng hơn bị chửi và ý khinh bỉ. Nhưng theo thiền Tứ Niệm Xứ thì Ý có tác dụng lớn nhất.
Thí dụ : Cô Loan trong truyện Đoạn Tuyệt của Nhất Linh giết chồng là ngộ sát chứ không phải là cố sát.

Nói tóm lại làm sao diệt được Tham, Sân, Si thì Hành sẽ ngưng, nghĩa là không tạo nghiệp nữa; nghĩa là ta đã diệt nhân trong định luật Nhân Quả, do đó không tạo ra quả nữa. Khi cảm giác bằng không thì ta cũng không phải niệm nữa. Do đó, ta được vô niệm, là một trạng thái không có vọng tưởng và chân tâm xuất hiện. Đó là sự giải thoát khỏi khổ. Khi một sự việc xẩy ra ở tâm thì sẽ có 2 hiện tượng liên quan xẩy ra ở thân.
1/ Cảm giác
2/Hơi thở.
Vì vậy, muốn quan sát tâm ta có thể quan sát cảm giác hay hơi thở.
Quan sát hơi thở bình thường thì tâm an định, hơi thở gấp gáp thì tâm bị cảm xúc chi phối. Hơi thở là gạch nối giữa thân tâm, nghĩa là nó hoạt động cả trong ý thức và vô ý thức. Chúng ta có thể thở mạnh hay nhẹ, dài hay ngắn : đó là ta điều khiển hơi thở là hoạt động trong cõi ý thức. Nếu chúng ta không để ý đến hơi thở, nhưng nó vẫn hoạt động. Nhưng điều quan trọng là hơi thở không tạo ra tham, sân, si như các cảm giác.

8- Khi quan sát cảm giác chấm dứt thì cảm xúc cũng chấm dứt, tức là ta đã diệt khổ từ trong trứng nước. Muốn có cảm giác thì ta phải có thân và tâm. Nếu có thân mà không có tâm thì không có cảm giác. Thí dụ : người chết không có cảm giác.

9- Trong kinh nói quan sát thân trong thân, thọ trong thọ, tâm trong tâm, pháp trong pháp, chỉ là sự quan sát một cách khách quan không thêm, không bớt.

10- Chúng ta phải kinh nghiệm tứ pháp ấn trên cảm giác :
a/ Vô thường : cảm giác luôn thay đổi lúc thế này, lúc thế khác.
b/ Vô ngã : ngã cũng là một pháp nên cũng chịu luật vô thường.
c/ Khổ : có cảm giác là có khổ (xem đoạn 7)
d/ Không : có sinh thì phải có diệt.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn