Chương VI

21 Tháng Năm 201410:37 CH(Xem: 7683)
Ngày hôm sau, vào khoảng 10 giờ sáng, khi Pháp Hư đang giảng cho Bảo Hy và 3 vị thầy giáo giai đoạn 3 của thiền hành, thì Xóm Chài dẫn một ông bộ trưởng và vợ ông tới, cùng với 10 vị sĩ quan cảnh sát gồm thiếu tá và trung tá. Một người có nhiệm vụ mang túi xách của mệnh phụ. Đó là một vật rất đẹp làm bằng mây giống như một dải vàng mà đàn bà Thái mặc ngày xưa, nhỏ hơn, mỏng manh hơn. Ai biết giá của túi xách này đều phải sửng sốt, vào khoảng 2.000 bat. Trang sức của mệnh phụ cho biết bà ta biết tiêu tiền. Nếu đem số tiền này xây nhà cho các ông tăng ở thì có thể xây đến 10 nhà hay hơn thế nữa. Mặt bà chát đầy phấn, nhưng cũng không dấu được những vết nhăn của năm, tháng. Nhiều người thấy bà kiêu căng và không thích làm bạn. Ông Bốn liếc bà và cảm thấy ghét. Ông nói thầm :
-Đáng tiếc, bà phải tự mang một túi xách nhỏ hơn.
Những người mới tới lạy trụ trì, và ông Bốn thấy bà mệnh phụ không quỳ lạy năm vóc gieo sát đất, khiến ông càng ghét thêm.
-Chào ông bộ trưởng, ông khỏe không ?
-Chào thầy, tôi nghe danh thầy đã lâu, hôm nay nhân có việc qua đây, tôi mới có dịp thăm thầy.
-Tình hình Băng Cốc thế nào ? Tôi thấy không được yên tĩnh lắm ?
-Vì vậy tôi mới đến hỏi ý kiến thầy, thầy nghĩ thế nào ?
-Chính trị là thế tục, tôi chỉ là một ông sư, tôi không muốn tỏ quan điểm cho ông thấy, nhưng ông đã hỏi tôi xin trả lời. Đây là nghiệp quả. Người làm tốt sẽ được quả tốt, người làm xấu sẽ gặt quả xấu. Chuyện này chưa xong đâu. Nhớ kỹ lời tôi nói.
Ông Si, ông nhìn thầy hiệu trưởng :
-Nếu ông không tin tôi, hãy ghi vào nhật ký, ngày này, tháng này nếu tôi, Pháp Hư đã nói những gì mà không xẩy ra, tôi sẽ chịu phạt 2 vạn bat.
Ông có chịu không ?
-Dạ ! Chịu.
-Được rồi ! Tôi không phải là nhà tiên tri, nhưng 3 năm nữa sẽ có một biến cố lớn, và 12 năm sau miền Nam của Thái Lan sẽ bị lụt lớn, nước sẽ dâng cao đến ngọn cây và nhiều tu viện sẽ bị hư hại. Nhiều người sẽ mất mạng trong trận lụt này. 20 năm sau cả nước sẽ bị chiếm cứ bởi ngoại bang và người Thái không có đất mà sống. Những biến cố này đều là kết quả của nghiệp lực. Đừng quên hãy ghi vào nhật ký của ông. Nếu nó không xẩy ra, ông cứ đến đây nhận tiền phạt.
Trụ trì im lặng hồi lâu rồi hỏi ông Bốn :
-Ông có thấy biển nước chưa ?
-Dạ ! Có.
-Và biển cát ?
-Chưa bao giờ, thưa thầy.
-Bộ trưởng, ông đã thấy biển cát chưa ?
-Dạ ! Có.
-Trong trường hợp này chỉ có biển nước và biển cát, nhưng 15 năm tới sẽ có biển gỗ.
Sao lại là biển gỗ, ông tăng này nói chuyện vô lý.
-Phu nhân, không phải là chuyện vô lý đâu, tới lúc đó bà sẽ hiểu biển gỗ là gì.
“Ồ, không, ông ta có thể đọc tư tưởng của tôi !”
Lần này Pháp Hư không nói nên bà bộ trưởng tưởng là ông không biết.
Thầy hiệu trưởng hỏi :
-Thưa thầy, sao những biến cố này xẩy ra ?
-Như tôi đã nói với các ông đó là luật nhân quả. Đức Phật đã chẳng nói sao ? Chúng sinh chịu sự chi phối bởi luật nhân quả. Hãy chờ xem.
Thấy ông bộ trưởng có vẻ khích động, trụ trì hỏi :
-Tôi thấy ông muốn nói chuyện riêng, có phải không ?
-Vâng, tôi muốn hỏi ý kiến thầy.
-Nếu thế các ông có thể đợi tôi ở đây.
Nói rồi trụ trì lên gác, theo sau là ông bộ trưởng. Biết là ông bộ trưởng sẽ nói điều bí mật, nên trụ trì khóa cửa phòng lại. Ông bộ trưởng nhìn quanh chẳng thấy có vật gì quý cả, chỉ có sách và sách. Chỉ có chỗ cho độ 4 người và đó là chỗ vị trụ trì ngủ. Khi ngồi xuống ông bộ trưởng hỏi :
-Tôi có chuyện quan trọng muốn hỏi thầy : Tôi muốn lật đổ chính phủ, nếu được tôi có thành thủ tướng không ?
-Đừng làm vậy, không tốt đâu.
Bà phu nhân nghe lén sau bức vách la lên :
-Tại sao chứ, chúng tôi đã hỏi nhiều vị thầy ở các tu viện khác, họ đều trả lời tốt, chỉ có ông tăng điên này là nói ngược lại.
Nghe lời vợ nói ông bộ trưởng thấy mất mặt. Trụ trì gọi :
-Xóm Chài, đuổi con mèo gào ngoài cửa cho tôi.
Xóm Chài lại gần phu nhân thưa :
-Thưa bà, xin bà xuống nhà ngồi cho.
Bà bộ trưởng làm như không nghe thấy, Xóm Chài kêu to :
-Thưa thầy con bảo con mèo rồi, nhưng nó không nghe.
-Được rồi, mặc kệ nó.
Ông bộ trưởng không dám hó hé với vợ. Ông sợ bà từ khi cưới, nhờ vợ mà ông có địa vị ngày nay.
-Khi trụ trì nói không tốt nghĩa là thất bại có phải không ? Nhưng tôi chắc sẽ thành công như vợ tôi định.
-Đó là lý do tại sao tôi nói không tốt. Tôi nói thẳng ra nó không tốt vì vợ ông.
Bà vợ bộ trưởng la to.
-Đừng la ! Hãy bình tĩnh, để tôi nói hết rồi bà muốn la cứ việc la.
-Nhưng tôi đang lên, do vợ tôi ủng hộ. Bà rất nổi tiếng và có liên hệ với những người quyền thế.
-Đúng, nhưng ông phải nhớ thủ tướng là người cao nhất của đất nước, nhưng ông còn kém nếu so với bả. Ông có hiểu lời tôi nói không ? Tôi là người thẳng thắn không thích nói quanh co.
-Vâng, thưa thầy. Tôi hiểu. Nhưng tôi muốn biết nếu tôi cứ làm thì có thành công không ? Xin thầy bảo cho.
-Nói thật ông sẽ thành công, sẽ làm thủ tướng như ông mong muốn.
Người đàn bà ở ngoài cửa nghĩ : Vậy tại sao ông lại nói không tốt. Đúng là một ông tăng điên. Bà sửng sốt khi nghe trụ trì nói :
-Tôi bảo không tốt vì ông chỉ làm thủ tướng hơn hai tháng. Sau đó là cuộc nổi dậy. Các sinh viên sẽ phản đối ông, khiến ông không tại chức nữa. Cả hai vợ chồng ông đều khổ sở. Ông hãy quyết định tự mình làm một ông bộ trưởng sung sướng hay một ông thủ tướng khổ sở ?
-Nếu vậy, để tôi hỏi vợ tôi xem.
-Không cần, tôi có thể nói ý của bả là muốn ông trở thành thủ tướng, vì bà không tin những gì tôi nói.
Phu nhân ông bộ trưởng rất kinh ngạc thấy vị trụ trì đọc được tư tưởng của bà. Còn ông bộ trưởng bối rối không biết phải theo người nào ? Ông sư này hay vợ ông ? Cuối cùng ông chọn theo vợ.
-Trong trường hợp ông không tin tôi, tôi sẽ kể cho ông bằng chứng bằng cách kể những chuyện quá khứ của ông để ông quyết định theo ý kiến người nào.
Rổi, Pháp Hư kể lại cuộc đời chính trị của ông bộ trưởng sợ vợ. Người đàn ông trong phòng và người đàn bà ở ngoài phòng câm như hến. Cả 2 người bắt đầu có lòng tin, nhưng 6 ông sư họ hỏi sáng nay thì sao ? Tin ông sư này hay 6 vị kia ? Trụ trì biết họ nghĩ gì nên nói :
-Những vị sư quý vị tham khảo sáng nay không nói dối. Bất cứ người nào hỏi họ cũng trả lời như vậy. Tôi cũng đồng ý là kết quả tốt, nhưng chỉ tốt lúc đầu, về sau sẽ xấu. Hãy tin tôi đi, tôi thành thực với tất cả mọi người và không hề lừa dối ai. Tháng trước có một vị tướng đến đây nhờ tôi giúp đỡ làm thủ tướng. Ông muốn lời khuyên của tôi khi làm một cuộc đảo chánh. Tôi biết là không thể được và tôi bảo thẳng ông. Bà vợ không bằng lòng và ra về giận dữ.
Pháp Hư không nói rõ là vợ viên tướng đang ở ngoài, ông không muốn bà bộ trưởng tưởng ông chỉ trích bà.
-Thầy có thể tìm cách nào để giúp tôi không ?
-Nếu tôi có thể, tôi sẽ làm không cần phải hỏi. Nhưng mà tôi không thể. Theo định luật nghiệp báo không ai làm được cả.
-Ai tạo ra định luật này ?
-Luật này là do nhân quả mà nên. Gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Nghiệp là do mình tự tạo, không ai tạo cho ai được. Đây không phải là số phận mà là nghiệp. Khi tạo một nhân, sẽ gặt một quả. Đức Phật đã nói : Tôi là chủ của nghiệp, là người thừa kế của nghiệp. Nghiệp là bụng mà tôi sinh ra. Nghiệp là gia đình tôi, hành động của tôi tốt hay xấu, tôi phải chịu.
Cả hai người bắt đầu thích nghe pháp. Pháp Hư biết vậy và tiếp tục giảng :
-Một người sinh ra giàu có hay nghèo nàn, hạnh phúc hay không là do nghiệp. Theo Phật giáo một hành động chỉ được gọi là nghiệp khi nó liên hệ với ý chí, hay ý chí là nền móng của nó. Đức Phật nói : Đó là ý định hay ý chí hay ý định đạo đức mà tôi gọi là nghiệp. Có ý định, người ta hành động trên thân, khẩu, ý. Nghiệp là một đề tài rất hay. Nếu ông thích và có thì giờ thì hãy đến đây một tuần lễ để bàn cãi. Tôi đã thu thập vài thí dụ về nghiệp đã xẩy ra trong tu viện này. Một vài chuyện có thể khó tin là đã xẩy ra chẳng hạn ông tăng ngồi dưới nhà là một. Ông ta đến đây để rửa nghiệp. Tôi dạy ông ta thiền tỉnh thức theo Tứ Niệm Xứ.
Ông bộ trưởng nghe mà không hiểu, hỏi :
-Thưa thầy, ông ta từ đâu tới ?
-Từ Kha La, ông ta bảo tôi một tiếng nói trong mộng bảo ông ta đến đây tìm tôi, nói rõ cả tên tôi. Ông ta nằm mộng 3 đêm liên tiếp nên đến đây thử xem. Đó không phải là mộng mà là một mimitta, là một dấu hiệu. Tôi quyết định giúp ông ta, tôi thông cảm nỗi khổ của ông.
-Nhưng thầy bảo không ai giúp được nghiệp của ai mà ?
-Tôi có ý nói là tôi giúp ông ta với hết sức mình trong thiền định. Tôi chả làm gì cho nghiệp của ông ta cả. Ông ta làm nhân thì sẽ chịu quả.
-Nhưng thưa thầy tại sao có những người làm ác mà vẫn hưởng hạnh phúc ?
-Như tôi nói nghiệp là một đề tài hay, chúng ta không thể xét đoán một trường hợp mà ta thấy. Có thể trong quá khứ, ông ta đã làm tốt. Cũng như có người làm thiện mà vẫn gập kết quả xấu. Hãy nhìn theo cách này, khi ông ngồi đây, ông chiếm một khoảng thời gian, khi ông rời đây người khác lại ngồi chỗ của ông có phải không ?
-Vâng, thưa thầy.
Ông bộ trưởng thốt ra lời, bà vợ ở ngoài cũng vâng thầm.
-Nay nếu có người nói với ông không ai làm tốt mà được tốt, trong khi có nhiều người làm xấu mà hưởng kết quả tốt. Ông phải nói với họ người làm tốt sẽ hưởng kết quả tốt, người không làm xấu sẽ hưởng kết quả tốt. Người làm xấu với kết quả tốt ví như than có dấu lửa bên dưới, nó sẽ nóng đỏ sau này. Đây là sự so sánh hợp lý, có phải không ?
-Thưa thầy nếu không làm ác thì không chịu hậu quả ?
-Phải ! Đó là lý do tại sao Đức Phật nói :
Nếu ông sợ và ghét đau đớn
Đừng làm ác công khai và bí mật
Nếu ông có chủ ý làm ác
Thì ông không tránh khỏi đau đớn
Dù là chạy hay là bay.

Ông có thể thấy trong trường hợp Đại Mục Kiền Liên (Maha Maggallama), mặc dù có thể bay, nhưng không trốn được nghiệp. Ông có nghe tên ổng không ?
Ông ta là một trong hai đại đệ tử của Đức Phật. Ông có quyền năng (thần thông đệ nhất), nhưng cuối cùng bị giết bởi đám cướp. Họ đánh ông đến xương bị gẫy vụn bởi vì trong quá khứ ông đã đánh cha mẹ. Mặc dù ông đã giải thoát, nhưng ông không tránh được phải trả quả.
-Sao ông không trốn bằng cách bay ?
-Có chứ! Ông ta chạy trốn 10 lần, nhưng bọn cướp vẫn đuổi theo. Cuối cùng, nhớ lại những hành động tiền kiếp ông tự nhủ : Tôi có thể trốn khỏi bọn cướp, nhưng không thể trốn khỏi nghiệp. Vì lý do đó ông để bọn cướp giết.
-Ông ta có chết không ?
-Nếu là một người thường thì ông ta đã chết, nhưng là người đã đạt thần thông, ông ta không thể chết như thế được. Ông dùng thần thông để nối các xương lại và bay tới diện kiến Đức Phật, báo cho Ngài biết, ông sẽ nhập Niết bàn.
Liếc nhìn đồng hồ, trụ trì nói :
-Hãy đi độ ngọ, sau đó chúng ta sẽ nói chuyện thêm. Ông không cần phải đi đâu có phải không ?
-Không, thưa thầy. Tu viện của thầy là chỗ cuối cùng. Nói chuyện với thầy đã mở mắt cho tôi.
Bà vợ ông bộ trưởng vội rời khỏi cửa trước khi trụ trì mở cửa bước ra cùng ông bộ trưởng, xuống thang.
-Đi độ ngọ đi !
Trụ trì bảo mọi người trong phòng, Bảo Hy chào trụ trì rồi lặng lẽ đến nhà ăn, sợ các ông tăng khác chờ đợi.
-Thầy không ăn sao ?
-Tôi chỉ ăn một bữa, trừ ngày lễ, các đệ tử mời tôi mới ăn 2 lần.
Thấy cách sống của Pháp Hư, lòng tin vào sư đã dần tăng trong lòng ông bộ trưởng. Những ông sư mà ông đã gập không làm ông tin như thế, vì họ sống xa hoa : ngủ trong phòng có máy lạnh, đi xe hào nhoáng. Và nhất là họ không giảng pháp xâu xa như vị sư này.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000