XXVII. Sơn lôi di

20 Tháng Năm 201411:28 CH(Xem: 12603)
XXVII- SƠN LÔI DI
Sơn lôi di

A. Giải Thích Cổ Điển.

 

1) Toàn quẻ :

 

- Hễ vật đã súc tụ, thì phải nuôi. Vậy sau quẻ Đại Súc tiếp quẻ Di (nuôi dưỡng). 

 

- Tượng hình bằng trên Cấn dưới Chấn, sấm ở dưới núi, làm cho các sinh vật nhờ được khí dương mà nứt mầm mọc chồi. 

 

- Ngoài ra, trên cùng và dưới cùng đều là vạch liền, ở giữa 4 vạch đứt, trông giống như cái mồm để ăn uống. 

 

- Thánh nhân xem tượng quẻ, nghĩ ra hai cách nuôi dưỡng: dưỡng đức và duỡng thế. Dưỡng đức thì phải cẩn thận lời ăn tiếng nói, dưỡng thế thì phải ăn uống cho có điều độ. 

 

- Xem rõ cách nuôi người và tự nuôi mình thì đoán được thiện, ác, cát, hung.

 

2) Từng hào : 

 

Sơ Cửu : thể dương cương, đáng lẽ tự nuôi mình được. Nhưng lại theo Lục Tứ âm nhu, bỏ chính đạo, nên hung. (Ví dụ: con nhà khá giả, nếu chăm chỉ học hành thì làm gì chẳng phú quí? Nhưng theo bạn bè hư hỏng, bê tha cờ bạc, hát xướng, nên đi vào mạt lộ) .

 

Lục Nhị : âm nhu, không chính ứng với Lục Ngũ, cầu dưỡng với Sơ Cửu là trái đạo vì Sơ là kẻ dưới, cầu với Thượng Cửu là mang nhục vì Thượng quá cao. (Ví dụ người nước Tề có 2 vợ, không nuôi nổi vợ, lại khoe khoang giao du với người giầu sang, nhưng thật ra là đi ăn xin). 

 

Lục Tam : bất trung bất chính, không chịu tự nuôi bằng những nghề lương thiện, sinh ra trộm cắp. Hung.

 

Lục Tứ : đắc chính, là bậc quân tử. Được gần gũi với Lục Ngũ là một bậc đại hiền. Lại chịu hạ mình chiếu cố đến Sơ Cửu, tìm hiền tài cho quốc gia ( Ví dụ Tiêu Hà biết tài Hàn Tín hàn vi, liền cố gắng tiến cử lên Hán Vương).

 

Lục Ngũ : ở vị chí tôn nhưng âm nhu tài hèn, không trị nước được. Nếu biết thành tín đối với bề tôi hiền, sẽ được Cát. Nhưng không thể làm được việc gì quá to tát, sẽ thất bại. (Ví dụ Tống Tương Công tài hèn, cứ yên phận thì giữ được nước thái bình. Đòi tranh làm bá chủ, nên phải nhục với Sở). 

 

Thượng Cửu : có đức Dương cương mà ở trên hết quẻ Di, tượng cho bậc thầy đế vương, cả thiên hạ được Thượng mà được ấm no. Nhưng vì ở địa vị cao tột nên phải lo lắng sợ hãi; nếu có họa loạn xẩy ra, tự mình phải đem thân ra chống đỡ. (ví dụ Khổng Minh chịu sự thác cô của Tiên Chúa, chăm lo mọi việc quân quốc, từ việc nhỏ tới việc lớn).

 

B - Nhận Xét Bổ Túc.

 

1) Ý nghĩa quẻ Di :

 

Chúng tôi không đồng ý với cách giải thích cổ điển, và nghĩ rằng: tượng quẻ là sấm động dưới núi, gợi ý của sự yêu sách của quần chúng náo động (Chấn) đòi giới cầm quyền bất động (Cấn) phải làm sao cho dân được no cơm ấm áo. Quẻ này ở hai đầu đều là hào dương, nghĩa là có sức mạnh thực sự, nhưng ở giữa lại rỗng, nghĩa là phần di dưỡng kém, cần phải bồi bổ. Do đó Di còn có nghĩa là tuy khoẻ nhưng cần phải nuôi dưỡng cái khỏe đó, đừng để nó bị kiệt lực.

 

2) Bài học :

 

a) Quẻ Di chứa đựng một bài học tâm lý, là cứ xem cách nuôi người và tự nuôi thì có thể đoán trước được thiện, ác, cát, hung. Kẻ nuôi cha mẹ hoặc dân chúng như chó lợn, tất nhiên không thể là người hiền được. 

 

Kẻ tự bê tha trong tiệc tùng phè phỡn, cũng không thể là người hiền được.

 

b) Quẻ Di cũng chứa đựng một bài học xử thế vừa cương quyết (chấn), vừa tự kiềm chế (Cấn):

 

- Áp dụng vào chiến tranh, không vứt tất cả thực lực vào đạo quân chiến đấu, mà phải tổ chức, huấn luyện quân trừ bị.

 

- Áp dụng vào việc ăn uống, thì phải cho đầy đủ nhưng có tiết độ. 

 

- Áp dụng vào việc phát biểu ý kiến, thì phải nói rõ sự thật, nhưng chớ có chỉ trích quá nặng kẻ lỗi lầm. 

 

- Áp dụng vào việc ngoại giao, chiến tranh kiện tụng, v.v. thì phải làm cho ra lẽ, nhưng chớ có lạm dụng thắng thế của mình mà dồn kẻ địch đến bước đường cùng, phải biết ngừng ở chỗ nên ngừng, không nên đi quá xa.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Năm 2014(Xem: 9745)
A travers les traductions en français ou en anglais de certains chefs d’œuvres tels que le Đoạn Trường Tân Thanh, le Chinh Phụ Ngâm, le Truyền Kỳ Mạn Lục, le public occidental a pu constater que la littérature viêtnamienne est susceptible d’apporter au patri-moine intellectuel de . . .
21 Tháng Năm 2014(Xem: 9390)
Dans notre précédent ouvrage “ Les chefs d’œuvre de la littérature vietnamienne”, nous nous sommes efforcé de révéler au lecteur étranger les trésors de notre ancienne littérature écrite. Bien que nous ayons résolument voulu nous cantonner dans le modeste rôle de traducteur, nous avons été amené par la force même des choses à exposer sommairement l’état d’âme des anciens lettrés, . . .
20 Tháng Năm 2014(Xem: 12038)
Chúng tôi đã may mắn mượn được quyển CHU DỊCH của cụ Phan Bội Châu tự Sào Nam, và quyển I CHING của Alfred Douglas. Cụ Phan thì chuyên về giảng triết lý kinh Dịch, không cho biết cách bói Dịch, vấn đề mà Douglas đã bổ khuyết rất đầy đủ. Về ý nghĩa của mỗi quẻ và mỗi hào, cuốn của cụ Phan rất chi tiết, giải thích từng chữ từ nghĩa đen đến nghĩa bóng, . . .
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000