50- Trời sáng, gà gáy.
Có ông tăng hỏi thiền sư Nguyệt Thiền :
-Tu làm sao để thấy khuôn mặt xưa nay ?
-Chẳng cần treo gương cổ; trời sáng thì gà gáy.
Treo gương cổ chỉ cầu Phật (hư vọng)
Trời sáng, gà gáy : khi giác ngộ rồi thì tự nhiên thấy tánh.
51- Khuôn mặt xưa nay.
Ngũ tổ Hoằng Nhẫn sau khi truyền y bát lại cho Huệ Năng thì không thuyết pháp nữa. Việc trao y bát cho người tục làm cho các đệ tử bất mãn. Minh thượng tọa đuổi theo Huệ Năng và đuổi kịp ở Đại Dữu lãnh.
Huệ Năng thấy vậy : để y bát trên một tảng đá nói :
-Y, bát tượng trưng cho chính nghĩa, không dùng sức mà tranh dành, nếu ông muốn dùng sức thì hãy đến mang đi.
Thượng tọa Minh dùng sức nhưng không thể nào giỡ y, bát lên được. Minh sợ toát mồ hôi lạnh, xin lỗi nói :
-Tôi tới đây vì pháp chứ không phải vì y, bát. Xin chỉ thị tâm yếu.
-Không nghĩ thiện, không nghĩ ác lúc đó cái gì là khuôn mặt xưa nay của Minh thượng tọa?
Thượng tọa Minh tức thì giác ngộ.
Biết được khuôn mặt xưa nay thì mới đối diện chân chính với chúng sinh, với trời đất.
52- Có nhiều mặt mũi.
Một ông tăng hỏi thiền sư Hồng Tiến :
-Khuôn mặt xưa nay là thế nào ?
Hồng Tiến nhắm mắt thè lưỡi, rồi mở mắt thè lưỡi.
-Khuôn mặt xưa nay lại có nhiều dạng vậy sao ?
-Vừa rồi ông thấy gì ?
Ông tăng không trả lời được.
Khuôn mặt xưa nay chỉ bản tâm, không phải là mặt thịt. Ông tăng nhìn thấy nhiều mặt có gì để nói chứ ?
53- Tâm sinh pháp sinh, tâm diệt pháp diệt.
Lúc trước, trước cửa Nam Thiền tự, có một bà già được gọi là khốc bà (bà già hay khóc). Trời mưa bà khóc, trời nắng bà cũng khóc. Ông tăng ở Nam Thiền tự hỏi :
-Bà lão ! Vì sao bà khóc ?
-Lão có 2 con gái, đứa lớn gả cho gã bán giầy, đứa nhỏ gả cho gã bán dù. Trời nắng, tôi thương cho con nhỏ không bán được dù, trời mưa tôi thương cho con lớn, ai mua giầy của nhà nó chứ ? Tưởng tới tưởng lui tôi không rơi lệ sao được ?
-Bà lão à ! Không cần phải khóc đâu. Sao bà không nghĩ trời nắng nhà con lớn sẽ bán được giầy, trời mưa nhà con nhỏ sẽ bán được dù.
-Phải a !
Từ đó bà lão cả ngày chỉ cười ha hả.
Tâm sinh thì pháp sinh, tâm diệt thì pháp diệt; thành Phật, thành ma chỉ trong một niệm; đều do tâm khởi.
54- Khách chưa về, nhớ cố hương.
Thiền sư Nhân Dõng lên đàn bảo đại chúng :
Từng trận gió mát thổi rặng thông
Khách chưa về nhớ đến cố hương
Ai là người khách nhớ quê cũ ?
Nơi đâu lại gọi là cố hương ?
Im lặng hồi lâu lại nói :
-Nằm thẳng cẳng trên giường, có cháo, có cơm.
Bản tâm là cố hương của người học Thiền.
55- Cây bách và tôi.
Một ông tăng hỏi Triệu Châu :
-Chân lý của Thiền là gì ?
-Cây bách trước sân.
-Thiền sư đừng lấy cảnh chỉ sự.
-Tôi không lấy cảnh chỉ sự.
Quan điểm của Thiền là nhân cảnh bất nhị, vật cảnh hợp nhất.
56- Trên cửa phải viết chữ môn chứ ?
Có ông tăng già trên cửa ra vào viết chữ tâm, trên cửa sổ viết chữ tâm, trên tường cũng viết chữ tâm nữa. Thiền sư Văn Ích bảo :
-Trên cửa ra vào viết chữ môn, trên cửa sổ viết chữ song và trên tường phải viết chữ tường chứ ?
Mọi chỗ đều là tâm là chấp mê, phải tĩnh tâm lại. Cứ tuân theo tự nhiên thì thấy chân tâm.
57- Không tâm đánh không tâm.
Có ông quan chỉ cái mõ hỏi thiền sư Hồng Nhân :
-Đây là cái gì ?
-Cảnh tỉnh người buồn ngủ.
-May đến chỗ này.
-Vô tâm (người) đánh vô tâm (vật).
Mõ vô tâm, người vô tâm là không vọng niệm, mới vào được cửa không.
58- Tâm xong chuyện.
Lưu Thị Ngự hỏi Ngưỡng Sơn Huệ Tịch :
-Xin sư phụ chỉ cho con minh tâm kiến tánh, bỏ hết vọng niệm là tâm xong chuyện.
-Muốn tâm xong chuyện phải biết : không có tâm để sáng, không có vọng niệm để trừ, không có tánh để thấy, đối với vạn vật, vạn sự không có cảnh giới nào là không xong chuyện; đó là chân chính minh tâm kiến tánh.
Thiền truy tìm cảnh giới từng tâm (lặng, trong).
59- Ra cửa liền là cỏ.
Có ông tăng hỏi Thạch Sơn Khánh Chư về câu nói của Động Sơn Lương Giới :”Các ông phải tu hành thế nào để đi vạn dậm không thấy cỏ.”
-Ra cửa liền là cỏ.
Ông tăng này đem câu trả lời của Khánh Chư cho Động Sơn nghe, Động Sơn bảo :
-Đó là bậc Đạo sư của 1.500 chúng.
Tấc cỏ chỉ phiền não. Ra cửa liền là cỏ là thấy phiền não tức bồ đề cần gì phải đi vạn dậm ?
60- Văn Thù, Phổ Hiền.
Động Sơn Thủ Sơ là học trò Vân Môn có một lần có ông tăng hỏi ông :
-Hòa thượng tu hành cao thâm nếu Văn Thù và Phổ Hiền đến hỏi Đạo thì phải làm sao ?
-Tôi coi họ như trâu, lùa vào chuồng.
Mong cầu bồ tát là vọng niệm, vọng tưởng. Đối với chúng phải như chăn trâu, phải xem kỹ.
61- Quay đầu về Nam nhìn Bắc Đẩu.
Có ông tăng hỏi thiền sư Huệ Thanh :
-Thế nào là tự thân, tự tâm ?
-Quay đầu về Nam nhìn Bắc Đẩu.
Tự thân, tự tâm chỉ qua kinh nghiệm tự giác mới có thể triệt ngộ. Đó là tự tánh phản quán.
62- Trời mưa không làm ướt một người.
Có một lão thiền sư hỏi tăng chúng :
-Thời cổ có một bài kệ :
Rào, rào mưa rơi xuống hai người
Trời mưa không làm ướt một người.
Các ông thử nói lý do tại sao ?
-Một người mặc áo mưa, một người không.
-Đây là một trận mưa cục bộ, nên một người bị ướt, một người không.
-Một người ngoài đường, một người đi dưới mái hiên.
Mọi người bàn tán mà không đi đến kết quả nào.
Lão thiền sư cuối cùng nói :
-Các ông đều chấp vào câu không làm ướt một người, kỳ thực chẳng phải là hai cùng bị ướt sao ?
Đã ngộ, không thông thì tái ngộ cho thông. Chúng ta cứ chấp ngộ rồi thì tất cả đều thông. Đó là chấp trước, tự mình trói buộc mình.
63- Đáy thùng rơi xuống, trời đất một vành.
Thiền sư Lâm Tế từng nói :
-Khi chưa ngộ tôi thấy mình như ở đáy thùng sơn.
Do đó người sau hoát nhiên khai ngộ gọi là đánh vỡ thùng sơn.
Ni cô Thiên Đại, khi ở chùa Tùng Kiến, đi gánh nước, đáy thùng trước bỗng nhiên rơi ra, nước đổ tung trên mặt đất. Ni cô bỗng nhiên khai ngộ, có làm bài kệ :
Ni cô Thiên Đại đi gánh nước
Đáy thùng bỗng tự nhiên rớt ra
Nước đựng trong thùng không còn nữa
Và đâu trăng vàng chiếu sáng lòa ?
Cô đã thể nghiệm cảnh giới “bản lai vô nhất vật”. Về sau thiền sư Bàn Khuê cũng có tâm cảnh này :
Đáy thùng cũ rơi ra
Trời đất vành bao la.
Chúng ta phải tự hỏi, đáy thùng ở đâu ? Chúng ta có thể phá vỡ đáy thùng không ?
64- Cảnh Thanh hôm nay thất lợi.
Một hôm, một ông tăng tới tham Cảnh Thanh. Cảnh Thanh bèn giơ phất tử lên. Ông tăng hỏi :
-Nghe danh đã lâu nên đến bái phỏng, chả lẽ hòa thượng chỉ có thủ đoạn ấy ?
-Hôm nay trước mặt ông, lão tăng thất lợi.
Có lần Cảnh Thanh hỏi Hà Ngọc :
-Ông từ đâu tới ?
-Núi Thiên Thai.
-Ai bảo ông đến Thiên Thai ?
-Lão sư, đây là đầu hổ, đuôi rắn.
-Hôm nay tôi thất lợi.
Có lần Cảnh Thanh đọc kinh, có ông tăng hỏi :
-Lão sư đọc kinh gì vậy ?
-Tôi chơi trò trăm cỏ của người xưa, ông biết chơi không ?
-Trò nào lúc bé con cũng chơi qua.
-Hiện giờ thì sao ?
Ông tăng giơ nắm đấm lên.
-Hôm nay tôi thua ông rồi.
Tục ngữ có nói : Không chỗ phong lưu cũng phong lưu, hay suy binh tất thắng. Lùi một bước trời rộng, đất dài ẩn tàng biết bao lợi hại. Đó là thiền cơ.
65- Bỏ xuống đi !
Nham Dương tôn giả hỏi Triệu Châu :
-Con đến đây tay không, tâm bát ngát, con có ngộ thiền không ?
-Ông bỏ xuống đi !
-Con không mang gì đến đây thì bỏ xuống cái gì ?
-Vậy, ông hãy mang đi.
Không chấp một vật, nhưng đồng thời cũng không chấp một niệm thì mới là chân chính ngộ.
66- Không biết tối thân thiết.
Pháp Nhãn tham Trường Khánh nhưng không ngộ, bèn đi vân du bốn phương. Một hôm trời mưa, ẩn ở viện Địa tạng. Hòa thượng Địa Tạng thấy ông muốn đi bèn hỏi :
-Ông định đi đâu ?
-Đi hành cước.
-Hành cước làm gì ?
-Không biết.
-Không biết tối thân thiết.
Pháp Nhãn ngay đó có sở ngộ.
Đối với mọi sự đều hoài nghi. Bỗng nhiên thấu triệt thiền cảnh, hợp thành một thể.
67- Không biết cái đó có bị hủy không ?
Có ông tăng hỏi Đại Tùy :
-Khi thế giới bị lửa tiêu diệt không biết cái đó có bị hủy không ?
-Bị hủy diệt.
-Vậy là cùng thế giới hủy diệt.
-Đúng ! Cùng thế giới hủy diệt.
Cái đó chỉ Phật tánh, giả sử đại thiên thế giới bị hủy diệt thì Phật tánh tồn tại nào có ý nghĩa gì ?
68- Đơn Hà đốt Phật gỗ.
Thiền sư Đơn Hà có một lần đến Huệ Lâm tự ở Lạc Dương. Vì trời lạnh ông đem tượng Phật bằng gỗ đốt để sưởi ấm. Viện chủ nổi lôi đình :
-Ông sao lại đốt tượng Phật ?
-Để lấy xá lợi.
-Tượng Phật bằng gỗ sao có xá lợi được ?
-Nếu không có xá lợi, thì tôi có thể thiêu 2 tượng bên cạnh để được sưởi ấm không ?
Người đạo vô tâm, chỉ cần hành động theo bản tính là hoàn thành Phật đạo.
69- Lời nói không làm cho no.
Ngộ Tâm, người đời Bắc Tống chỉ học lý thuyết không có thực hành. Một hôm luận Thiền với Hối Đường; Hối Đường bảo :
-Lời nói không làm cho no bụng. Ông chỉ lý thuyết mà không có thực hành thì chả đi đến đâu.
-Như bẻ cung và tên bắn hết rồi, xin hòa thượng chỉ cho con.
-Như mắt vương một hạt bụi nhỏ cũng khó chịu. Người nhiều trí thức cũng vậy, càng nhiều trí thức càng khó gập Thiền.
Một hôm, Ngộ Tâm nghe một ông tăng cãi nhau với tín đồ, bỗng nhiên trong không có một tiếng sấm nổ. Ngộ Tâm tức khắc đại ngộ.
Chẳng biết Lư Sơn mày mặt thật, chỉ duyên thân tại ngọn núi này.
70- Nghĩa Huyền thị tịch.
Lâm Tế sắp mất bảo tăng chúng :
-Tôi mất rồi, đừng để chánh pháp nhãn tạng của tôi bị hủy diệt.
Tam Thánh, đồ đệ của ông nói :
-Không dám để chánh pháp nhãn tạng của sư phụ mất đâu.
-Nếu về sau có người hỏi thì ông trả lời làm sao ?
Tam Thánh liền hét lên.
-Chánh pháp nhãn tạng của tôi bị con lừa mù này diệt rồi !
Nói xong, ngồi nghiêm mà mất.
Vô niệm là chân chính thanh tĩnh.
71- Một giọt nước cũng không hưởng được.
Trí Thường và Nam Tuyền cùng hành cước. Có một ngày tưởng chia tay. Trong lúc đun trà Nam Tuyền hỏi :
-Lúc trước, bàn luận với sư huynh bỉ thử đều đã biết rồi, nay có người hỏi Đạo thì phải trả lời sao ?
-Chỗ này dựng am tốt.
-Việc dựng am để nói sau, chuyện ngộ đạo thì sao ?
Trí Thường nghe câu nói đó, dốc ngược siêu trà rồi đứng dậy.
-Sư huynh uống trà rồi, nhưng đệ thì chưa.
-Ông nói như thế, thì một giọt nước cũng không được hưởng.
Chuyện này không phải là chuyện thường tục không dùng lý mà giải được, càng uống trà càng hồ đồ.
72- Thạch Đầu rút đao.
Thạch Thất tham học với Thạch Đầu. Một hôm, Thạch Thất theo Thạch Đầu đi chơi núi. Thạch Đầu bảo :
-Ông phạt cây phía trước làm trở ngại tầm nhìn của chúng ta.
-Con không mang dao theo.
Thạch Đầu rút dao ra, đưa mũi nhọn về phía Thạch Thất.
-Hòa thượng đưa cho con đuôi dao chứ ?
-Cán có ích gì ?
Thạch Thất ngộ ngay khi đó.
Mọi lúc không bị ngoại cảnh chi phối mà sinh phiền não.
73- Cây bách có tặc cơ.
Ẩn Nguyên đến thăm Diệu Tâm tự hỏi :
-Khai Sơn Huệ Hiền có để lại ngữ lục gì không ?
-Không, chỉ có câu nói “Cây bách có tặc cơ”.
Ẩn Nguyên nghe rồi lạy tháp mười lần rồi lui.
Thiền giả đoạt đi phiền não của người tham thiền.
74- Đi Giang Nam, Giang Bắc hỏi lão Vương.
Có ông tăng hỏi Trí Môn :
-Hoa sen chưa ra khỏi nước thì thế nào ?
-Vẫn là hoa sen.
-Ra khỏi nước rồi sao ?
-Liền thành lá sen (hà diệp).
Đối với chuyện này Tuyết Đậu có bài kệ :
Hoa sen, lá sen bảo ông hay
Sẽ ra thế nào, khỏi nước rồi
Giang Bắc, Giang Nam hỏi Vương lão
Nghi cũ xong rồi lại nghi nay.
Nếu không quay lại mà xem mình thì không bao giờ hết nghi.
75- Thế nào không là Phật.
Có ông tăng hỏi Diên Chiểu :
-Thế nào là Phật ?
-Thế nào là không Phật ?
-Con không hiểu lời nói cao xa này xin hòa thượng chỉ một cách trực tiếp.
-Nhà ở bờ biển Đông, mặt trời mọc sẽ được chiếu trước.
Trừ bỏ không là Phật thì bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào cũng đều là Phật. Phật tại tự tâm. Có ngộ tánh này tự nhiên linh quang chiếu trước.
76- Một hòn đá trong không.
Một ông tăng hỏi Thạch Sương :
-Ý tổ sư từ Tây sang là gì ?
-Như có một hòn đá trong không.
Ông tăng đó có chỗ ngộ bèn lạy tạ.
-Ông có hiểu lý đó không?
-Con cũng chẳng rõ.
-May là như vậy, nếu không ông đã bị hòn đá đó đánh bể đầu rồi.
Nếu đã nhấc lên được thì cũng phải bỏ xuống được nếu không bị hòn đá đánh bể đầu.
77- Hư không chẳng có loại đó.
Có ông tăng hỏi Cảnh Huyền :
-Thế nào là ngộ cảnh của người dưới đáy thùng sơn ?
-Hư không không có loại này.
-Thế nào là pháp thân thanh tịnh ?
-Trâu trắng thổ ra hoa tuyết, quạ đen đậu trên ngựa ô.
Phàm người triệt ngộ thì tất cả đều hỗn nhiên.
78- Đêm tuyết thả gà đen.
Cảnh Huyền đến tham Lương Sơn hỏi :
-Thế nào là đạo trường vô tướng ?
Lương Sơn chỉ bức họa Quán Âm :
-Bức tranh này vẽ ở chỗ mỗ.
Và hỏi tiếp:
-Đó là hữu tướng, còn đâu là vô tướng?
Cảnh Huyền bèn tỉnh ngộ, lạy tạ.
-Sao không nói gì ?
-Nếu nói thì rơi vào giấy, bút.
-Câu này nên khắc vào bia đá.
Cảnh Huyền bèn làm bài kệ sau :
Lúc mới học Đạo thật si mê
Vượt qua ngàn núi, với sông hề
Mới biết chuyện ấy khó mà hiểu
May được lão sư chỉ đường mê
Nói thẳng chẳng có điều nào si
Mặt xưa, gương cổ đã soi hết
Nay người giác ngộ thấy được gì.
Đem thả gà đen dưới trời tuyết.
-Pháp của Động Sơn có hy vọng.
Không lâu thanh danh của Cảnh Huyền vang dội. Đó là cảnh giới hư vào thực của thiền cảnh.
79- Cho tôi một đồng.
Hòa thượng Bố Đại đứng bên đường, có một ông tăng hỏi :
-Ông đứng đây làm gì ?
-Chờ một người.
-Đến rồi ! Đến rồi !
-Ông không phải là người đó.
-Người đó là thế nào ?
-Cho tôi một đồng.
Chờ người là chỉ cơ; ông tăng còn chấp người nào nên Bố Đại chỉ còn cách xin tiền.
80- Như mèo bắt chuột.
Hối Đường hỏi Thảo Đường :
-Trong Đàn kinh có nói không phải gió động, cờ động, ông hiểu thế nào ?
-Con không có chỗ hạ thủ. Xin sư phụ chỉ dẫn.
-Ông đã thấy mèo bắt chuột chưa ? Lúc nó rình bắt, mắt không chớp, cẳng sẵn sàng vồ, tai mắt mũi tâm đều chú ý vào con chuột, đầu đuôi đều hướng về con chuột đó. Cho nên khi hành động thì trăm lần trúng cả trăm. Nếu ông làm được như thế, tâm không nghĩ chuyện khác, mắt, mũi, tai, lưỡi, thân ý tự thanh tĩnh thì tự mình thể ngộ.
Thảo Đường y theo pháp đó, một năm sau quả nhiên khai ngộ.
Thành bại ở như “toàn thân quán chú”.
81- Đào đất tìm trời.
Có ông tăng hỏi Thiện Chiêu :
-Khởi nguyên của Đạo là gì ?
-Đào đất tìm trời.
-Sao làm thế được ?
-Hãy nhận thức lẽ huyền.
Muốn biết khởi nguyên của Đạo là chấp mê, đi ngược lại Đạo.
82- Về tăng đường hơ lửa.
Thiền sư Trùng Hiển thượng đường nói :
-Dù nói đến trời long, đất lở, hoa thơm từ trời rơi xuống cũng không bằng về tăng đường hơ lửa.
Nói rồi hạ tọa.
Chữ nghĩa bó buộc Thiền, càng nói nhiều càng chấp mê, chẳng thà về tăng đường hơ lửa, còn gần thiền hơn.
83- Không thể được vật thật.
Một hôm, Bảo Thông đứng hầu Thạch Đầu.Thạch Đầu hỏi :
-Ông là tăng tham thiền hay tăng tụng niệm ?
-Tăng tham thiền.
-Thế nào là Thiền ?
-Nhăn mày chớp mắt.
-Ngoài nhăn mày chớp mắt ra, ông đưa khuôn mặt xưa nay ra coi.
-Bỏ ngoài nhăn mày chớp mắt, thỉnh hòa thượng coi.
-Tôi đã trừ rồi.
-Con đã trình hòa thượng xem rồi.
-Tâm ông thế nào ?
-Cùng tâm hòa thượng không khác.
-Tâm tôi không quan tâm chuyện của ông.
-Tâm hòa thượng không có vật gì.
-Tâm ông cũng không có vật gì.
-Không có vật gì mới là vật thật.
-Vật thật khó được, ông phải giữ gìn.
Hai người đối đáp như nước chẩy, đã thấy bản tâm, đã thấy Đạo. Chỉ có trừ bỏ mọi niệm mới thấy được chân tâm.
84- Vịt trời bay đi rồi.
Một lần, Bách Trượng theo Mã Tổ đi dã hành. Trông thấy bầy vịt trời bay tới. Mã Tổ hỏi :
-Con gì vậy ?
-Vịt trời.
-Bay đi đâu ?
-Bay qua rồi.
Mã Tổ bóp mũi Bách Trượng, Bách Trượng đau quá kêu lên.
-Ông chẳng nói đã bay rồi ư ?
Bách Trượng tức khắc tỉnh ngộ.
Căn bản của Thiền là vô trú. Vịt trời bay qua, nhưng tâm không thể bay theo vịt trời được.
85- Nở đã lâu rồi.
Có ông tăng hỏi thiền sư :
-Cây nở hoa chưa ?
-Nở đã lâu rồi.
-Không biết đã kết quả chưa ?
-Đêm qua sương xuống đã rụng rồi !
Nở hoa, kết quả là bản tánh của cây. Nếu chấp kết quả là chấp mê, là vọng tưởng.
86- Tử Hồ có một con chó.
Trên bia ở chân núi Tử Hồ có khắc :
-Tử Hồ có một con chó, trên cắn đầu, giữa cắn tâm, dưới cắn chân. Nếu do dự sẽ bị chôn thây mất mạng.
Lâm Tế thấy 2 ông tăng đến tham, kêu lên :
-Coi chừng chó dữ.
Hai ông tăng ngoảnh đầu lại, Lâm Tế bỏ về phòng phương trượng.
Ở giữa cắn tâm là là vô tâm, là không chấp mê. Thiền sư hét để hai ông tăng quay đầu lại tự ngộ bản tánh.
87- Chèo quậy sóng xanh, khó gập cá vàng.
Có một ngày, Thuyền Tử đậu thuyền ở bờ sông, ngồi nhàn. Có một vị quan nhân hỏi :
-Việc hàng ngày của hòa thượng là gì ?
Thuyền Tử giơ mái chèo lên hỏi :
-Ông hiểu không ?
-Không hiểu.
-Chèo quậy sóng xanh, cá vàng khó gập.
Ngồi nhàn (vô tâm) thì gần thiền cảnh.
88- Còn có giả ngộ không ?
Hòa thượng Mễ ở Trường An sai một ông tăng đến hỏi Ngưỡng Sơn :
-Người học Thiền hiện nay có cần nương vào quá trình khai ngộ không ?
-Người khai ngộ mà nói khai ngộ thì không phải là Phật pháp chân chính.
Mễ hòa thượng cho là lời đáp cao minh.
Mê và ngộ đều do mình, chìa khóa đã nắm trong tay, chỉ xem mình mở cách nào thôi.
89- Gánh tuyết lấp giếng.
Một hôm tự viện dọn cơm trễ. Đức Sơn bưng bình bát đi về tăng đường, thủ tọa Tuyết Phong trông thấy bảo :
-Ông già này ! Chuông chưa đánh, trống chưa báo, ông bưng bình bát đi đâu ?
Đức Sơn không trả lời, về phòng phương trượng coi như không có gì xẩy ra.
Chuyện này đã thành giai thoại thiên cổ. người sau kể chuyện này khen ngợi thái độ của Đức Sơn bằng câu :
“Trước theo lối cỏ mà đi, sau theo hoa rụng mà về”
Và thêm :
“Gánh tuyết lấp giếng”
Câu nói trên chỉ tâm không chấp.
90- Gập nóng, lạnh.
Có một lần, một ông tăng hỏi Động Sơn :
-Lúc nóng, lạnh thỉ đến đâu trú ?
-Sao ông không đến nơi không nóng, không lạnh.
-Đó là chỗ nào vậy ?
-Đó là chỗ nóng làm ông chết thiêu, lạnh làm ông chết cóng.
Lạnh, nóng (phiền não) đều do tâm sinh.
91- Sinh tử đến.
Có ông tăng hỏi Vân Môn :
-Sinh tử đến, làm sao để tránh ?
Vân Môn giang hai tay ra.
-Ông giao sinh tử cho tôi.
Người thiền chân chính không gọi cái gì là sinh tử. Người không bỏ được sinh tử thích nói sinh tử.
92- Hiểu không được.
Một ông tăng hỏi Vân Môn :
-Người xuất gia chân chính, phải tu sao ?
-Không người hiểu.
-Sao không để mọi người hiểu ?
-Sao ông không hiểu cái không hiểu đó.
Cái biết đến từ cái không biết.
Gửi ý kiến của bạn