XIV. Ni Cô Thật Tế.

21 Tháng Năm 20144:53 SA(Xem: 9412)
Đời mạt Đường, Câu Chi hoà thượng trú ở một am cỏ ở Kim Hoa Sơn để tu hành. Một hôm ni cô Thật Tế đến thăm, đầu đội nón tre, tay cầm thiền trượng, nhiễu quanh thiền sàng ba vòng bảo :
-Nếu thầy nói có đạo lý, tôi sẽ ngả nón.
Cô nhắc lại ba lần mà Câu Chi cũng không trả lời được bèn bỏ đi. Câu Chi rất mắc cỡ. Không lâu có hoà thượng Thiên Long tới, ông bèn thuật lại chuyện trên. Thiên Long giơ một ngón tay lên, Câu Chi tức khắc khai ngộ.
(Tứ lý thiền)

Ni cô nhiễu quanh thiền sang ba vòng là có ý gì ? Kỳ thực rất đơn giản chỉ là cô muốn nói: Tôi có thể đi, tôi có thể dừng, có thể nói. Nhưng cái có thể này là cái gì và ‘tôi’ lại là cái gì ? Nếu tôi đến đứng trước mặt một người và hỏi : Đây là ý gì ? Người đó không bảo tôi mắc bệnh điên mới là chuyện lạ. Các vị thiền sư thích mắc bệnh thần kinh này lại cũng thích hướng dẫn cho người ta mắc bệnh. Thiên Long giơ một ngón tay lên là đối chứng bệnh cho thuốc, lấy không đối không. Các ông nói coi một ngón tay này có áo bí gì ? Không có. Chính vì thế nên mới trả lời được vấn đề không có vấn đề nêu ra , nhưng ở đây nó bao hàm ý tưởng : Tôi có thể giơ ngón tay lên, cũng có thể rút ngón tay lại, tôi có thể thế này, tôi có thể thế kia v . v . Các độc giả hãy ngẫm cho kỹ.
*Khi Câu Chi mới gập ni cô Thật Tế, theo lời than của ông chúng ta thấy ông còn chấp tướng nam nữ. Do đó, ông không trả lời ni cô được. Thiên Long giơ một ngón tay lên biểu thị tự tánh bình đẳng không có tướng nam nữ, một ngón tay chỉ sự tuyệt đối. Do đó Câu Chi liễu ngộ. Về sau dùng một ngón tay để tiếp dẫn người học. Một đồng tử cũng bắt chước câu Chi , ai hỏi gì về Phật pháp cũng giơ một ngón tay lên. Câu Chi biết chuyện gọi đồng tử đến, hỏi :
-Ngươi cũng hiểu Phật pháp rồi phải không ?
-Dạ !
-Phật là gì ?
Đồng tử giơ một ngón tay lên. Câu Chi bèn rút dao dấu trong tay áo chặt đứt ngón tay ấy. Đồng tử đau quá vừa khóc vừa chạy. Câu Chi hét lớn bảo đứng lại, đồng tử quay đầu lại. Câu Chi hỏi :
-Phật là gì ?
Theo tập quán đồng tử giơ tay lên, không thấy ngón tay đâu, bỗng nhiên đại ngộ. Đồng tử không hiểu ý nghĩa chân chánh của một ngón tay, chỉ chấp hình tướng giơ tay, nghĩ rằng giơ tay là Phật pháp. Cho đến khi bị Câu Chi chặt đứt, không có ngón tay để giơ lên mới hiểu rằng Phật pháp không tồn tại ở hình tướng.
Câu Chi lúc sắp viên tịch, hướng đại chúng bảo :
-Tôi nhận được một ngón tay thiền của Thiên Long, dùng cả đời không hết !
Nói một cách công bình, nếu không có sự khích lệ của Thật tế làm sao Câu Chi nhận được một ngón tay thiền của Thiên Long ? Về tiểu sử của ni cô Thật Tế thì chúng ta không biết một tý gì cả, chỉ biết cô sống vào đời Đường, đi giáo hoá thiền pháp khắp nơi.
(Thiền chi hoa)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Bài mới nhất
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000