VIII. Các lão bà thiền vô danh.

21 Tháng Năm 20144:50 SA(Xem: 9682)
Trong thiền sử có một số lão bà thiền vô danh đã góp mặt trong một số công án trứ danh. Sau đây chúng tôi xin liệt kê một vài trường hợp được nhiều người biết đến.
1-Triệu Châu gập một bà già trên đường bèn hỏi bà đi đâu. Bà già đáp :
-Đi ăn trộm măng của Triệu Châu.
-Nếu bỗng nhiên gập Triệu Châu thì phải làm sao ?
Bà già bèn tát cho Triệu Châu một tát.
(Minh tâm kiến tánh thoại thiền tông)

Ăn trộm là một hành vi bí mật, cũng để diễn ý không thể nói được, đồng thời cũng là để khảo nghiệm Triệu Châu xem ông đối đáp ra sao. Triệu Châu cũng là một tác gia dĩ nhiên không chịu đáp bèn hỏi ngược lại. Bà già nhanh tay, lẹ mắt bèn đánh cho một tát tai. Triệu Châu vẫn không nói gì.
2-Dưới chân Ngũ Đài Sơn có một bà lão mở quán bán trà. Có một ông tăng đến đó hỏi thăm đường đi. Bà lão không chỉ phương hướng chỉ nói một câu :
-Cứ đi thẳng.
Ông tăng y lời đi. Đi được vài bước thì nghe tiếng bà lão cười nói :
-Tưởng là một ông tăng có đạo hạnh, nào ngờ lại lại nghe lời của một bà lão.
Ông tăng này không hiểu ý bà lão, khi tới chùa bèn kể lại cho Triệu Châu nghe. Triệu Châu đã nghe vài ông tăng khác thuật lại kinh nghiệm đã trải qua như vậy, bèn quyết định tự mình đi coi xem sao.
Ngày hôm sau, Triệu Châu cũng giả bộ đi hỏi đường và bà lão cũng nói :
-Cứ đi thẳng.
Triệu Châu đi vài bước lại nghe thấy tiếng bà lão cười và nhắc lại câu nói cũ. Triệu Châu không tức giận, không mắc cỡ, cũng không ngoảnh cổ lại, cứ đi thẳng về chùa. Vế tới chùa rồi, Triệu Châu bảo đại chúng :
-Tôi đã vì các ông khám phá hàm ý của bà lão rồi !
Ngoài ra không nói gì thêm.
(Danh thiền bách giảng)

Bà lão nói cứ đi thẳng là khuyên các ông tăng chuyên tâm nhất ý cầu Phật đạo, đừng để ngoại cảnh sai xử, nếu bị người cười chê, chọc giận, cũng không bị sân hận làm lay chuyển lòng cầu đạo. Con người là một động vật có cảm tính. Cảm tính rất dễ làm mất lý tính. Do đó, chúng ta nên nhờ kỹ lời bà lão :
-Cứ đi thẳng.
Để cầu chân lý chúng ta phải vất bỏ mọi sân hận đối với đối phương, hiểu biết đối phương, yêu thích ưu điểm của đối phương. Lấy ưu điểm của đối phương bổ túc cho khuyết điểm của mình. Nếu được vậy con người sẽ gần gũi nhau hơn, xã hội cũng không có đối lập, tranh chấp. Đó mới là vượt qua đối phương và chính mình.
*Một câu trả lời cố định không thích hợp cho mọi trường hợp, chân lý của đời sống là biến dịch.
(Thái Chí Trung)

3-Động Sơn lúc mới hành cước gập một bà lão gánh nước trên đường. Ông xin nước uống. Bà lão bảo :
-Tôi sẽ cho ông nước uống, nhưng trước hết hãy trả lời câu hỏi của tôi : Nước có bao nhiêu bụi ?
-Vốn không có bụi.
-Đi, đi ! Đừng làm bẩn nước của tôi.
(Động Sơn Lục)

Nước có bao nhiêu bụi ? là bà lão nêu lên vấn đề đương thời quan niệm thân người nữ có ngũ chướng không thể thành Phật được. Động Sơn trả lời ‘Vốn không có bụi’ là ông viện dẫn quan điểm của tổ Huệ Năng trong Pháp bảo đàn kinh : tự tánh vốn trong sạch thì làm gì có bụi ? Câu nói của bà lão là chấp nhận quan điểm này.
4- Có ni cô định khai đường thuyết pháp. Đàm Không nói :
-Nữ ni không nên khai đường thuyết pháp.
-Long nữ mới 8 tuổi đã thành Phật, người nói sao ?
-Long Nữ có 18 pháp biến, bà thử biến một pháp cho lão tăng coi !
-Biến được thì cũng chỉ là dã hồ tinh mà thôi.
(Thiền viên)

Trong xã hội ngày nay, ni cô dĩ nhiên có thể khai đường thuyết pháp. Người thuyết pháp không cứ là nam hay nữ, mà là có ích cho thính chúng hay không. Biến chỉ là thần thông. Thần thông nếu có chỉ là trợ duyên cho sự thuyết pháp nếu không có cũng không cần phải cưỡng cầu.
5-Đức Sơn mới đầu theo Luật tông, coi Thiền tông như cừu địch. Ông hạ quyết tâm Nam du kiếm thiền tăng để tranh luận. Ông nghiên cứu kinh Kim Cương rất thâm, vác sách chú thích kinh trên vai mà đi. Tới Hồ Nam ông dừng lại một quán bên đường định điểm tâm trước khi đi tiếp. Bà già chủ quán hỏi ông vác gì trên vai. Đức Sơn ưỡn ngực kiêu ngạo đáp là sách chú giải kinh Kim Cương của mình. Bà già liền bảo :
-Vậy sao ? Tôi có một câu hỏi nếu thầy đáp được thì được điểm tâm miễn phí, nếu đáp không được thì đi quán khác.
Đức Sơn cười bằng lòng.
Bà già gỏi :
-Kinh Kim Cương nói : ‘Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc. Thầy muốn điểm tâm là điểm tâm nào ?
Đức Sơn vốn không nghĩ đến vấn đề này, do đó không trả lời được. Bà già chỉ điểm:
-Nếu thầy chưa cam lòng, hãy tìm Long Đàm mà hỏi.
(Thiền tông dật sự)

Tâm vốn không có thực thái, chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn ngủi rồi biến mất. Tâm quá khứ đã qua rồi, tâm hiện tại chỉ trong sát na, tâm vị lai thì còn chưa xuất hiện, như vậy đều không nắm được.
*Không thể coi tâm là đối tượng để năm bắt mà phải trông cậy vào sự tự giác của chủ thể. Lúc đó sẽ thấy rằng bản tâm chính là chủ nhân ông vậy.
(Nhất nhật nhất thiền ngữ)

6-Ma Cốc, Bảo Truật, Nam Tuyền cùng hai ba người nữa đến yết kiến Kinh Sơn Đạo Khâm. Trên đường, họ gập một bà lão. Ma Cốc hỏi :
-Đến Kinh Sơn đi lối nào ?
-Cứ đi thẳng.
-Phía trước nước sâu có qua được không ?
-Chân chẳng ướt nước.
-Sao bờ trên lúa tốt, bờ dưới lúa xấu vậy ?
-Đều bị cua ăn hết.
(Thiền ngoại thuyết thiền)

Học thiền phải chuyên cần tinh tấn đừng sợ này, sợ nọ thì mới có hy vọng thành công. Ở đây bà lão là một tác gia, bà dùng lối chơi chữ để ngụ ý. Trong tiếng Hoa, con cua là bang giải. Tiếng đồng âm của bang là bang vụ, là bị cảnh nhiễu loạn. Tiếng đồng âm của giải là giãi đãi là lười, là sợ khó mà lui.
7-Ma Cốc và bạn đồng học sau khi ngộ đạo rồi, cả bọn năm người cùng đi hành cước, tham phỏng. Trời nắng gắt, năm người khát nước bèn vào một quán trà bên đường gọi năm ly trà. Bà lão bán trà thấy năm vị hoà thượng bèn hỏi :
-Các vị đi đâu ?
-Đi tham thiện tri thức.
Bà già bưng trà ra rồi bảo :
-Trà ở đây chỉ có người có thần thông mới uống được, người không có thần thông không uống được !
Năm vị thiền sư tuy đã đại ngộ nhưng thần thông chưa phát, nhìn nhau không dám nâng ly lên uống.
Bà già thấy vậy cười ha hả :
-Năm con chim ngốc này hãy coi bà là trình thần thông uống trà.
Nói rồi nâng ly lên uống cạn một hơi.
Năm người hoảng nhiên đại ngộ, bèn thưa :
-Hôm nay mới là ngày chúng tôi chân chính ngộ đạo, chúng tôi ở trong thần thông mà không biết thần thông, còn đi tìm bên ngoài, hôm nay nếu không gập bà bà thì đã sai lầm một kiếp.
(Phật pháp tu chứng tâm yếu)

Tầm thường nhật dụng chính là thần thông diệu dụng.
8-Một vị tỳ khưu ni đời Đường (có sách chép là ni cô Vô Tận Tạng) sau khi đi các nơi tham học, khai ngộ rồi viết bài thơ sau :
Trọn buổi tìm xuân chẳng thấy xuân
Giầy cỏ dẫm khắp mây đầu non
Trở về bỗng qua dưới hoa mai
Xuân ở đầu cành đà mười phần.
(Đồ Nam dịch)

Chúng ta cầu đạo cũng như đi tìm xuân. Cả ngày đi khắp sơn cùng thuỷ tận, mòn cả dép cỏ mà cũng chẳng thấy xuân đâu. Đến khi trở về, ngửi thấy mùi thơm của hoa mai trong vườn mới biết xuân đã tới rồi. Bài thơ này thuyết minh chúng ta đi tìm chân lý, trí tuệ, tìm hoài mà vẫn không thấy vì không biết hướng nội.*Tại sao tìm xuân không được ? Xuân đến muôn nơi, gió thổi là gió xuân, chim hót là khúc ca xuân, cỏ cây hoa lá đều là xuân. Tìm xuân đâu có khó ? Đây là một tỷ dụ mình đang sống trong mùa xuân mà còn đi tìm xuân ở đâu ? Ý của bài thơ là muốn đi tìm trí huệ, nhưng khi ta bỏ xuống hết ý mong cầu thì đó là trí huệ. Nếu trong tâm cầu có một cái gì để đạt được thì đã bị chướng ngại rồi. Xuân là cái gì ? Tiếng chim hót, mùi thơm của hoa, non xanh nước biếc đều là xuân nhưng chúng có vĩnh viễn tồn tại không ? Không. Chúng luôn biến đổi. Nếu có một mùa xuân vĩnh viễn không biến đổi thì đó không phải là xuân nữa.
(Công án 100)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn