Ý nghĩa của nghi lễ trong Phật giáo

24 Tháng Mười Một 20149:01 SA(Xem: 7167)

 

Ý  nghĩa  của  nghi  lễ  trong  Phật  giáo

 

 

Trước hết, trong Phật giáo cũng như mọi truyền thống tâm linh và tín ngưỡng, phải phân biệt mê tín và dị đoan với nghi thức. Đức tin trở thành mê tín khi nó trái ngược lý trí, không hiểu ý nghĩa sâu xa của nghi lễ. Nghi lễ có một ý nghĩa (chữ Latin  ritus nghĩa là “việc làm đúng” kia mà). Nó buộc ta suy tư quán tưởng, cầu nguyện, thiền định. Những lời tụng niệm luôn kêu gọi ta phải quán tưởng. Điều này càng đặc biệt rõ ràng đối với Phật giáo Tây Tạng. Khi xét đến ý nghĩa hàm chứa trong nghi thức, đến những bài kinh đọc thuộc lòng, ta thấy nó hướng dẫn ta đến những đề mục thiền quán như tính không, tâm từ và tâm bi. Nghi lễ là một cách tu hành thực hiện trong một khung cảnh gợi cảm hứng như tu viện, với bầu không khí càng thanh tịnh hơn nhờ lễ nhạc thiêng liêng ; nó không nhằm kích thích cảm xúc mà trái lại, khiến cảm xúc lắng dịu, giúp ta dễ định tâm quán tưởng.  Loại nhạc đó được xem là lễ nhạc cúng dường, không phải trình diễn văn nghệ. Có vài nghi lễ tiếp diễn ngày đêm không ngừng suốt  hơn tuần lễ, cốt làm người ta tham dự vào một khóa tu ráo riết. Chẳng hạn, khi thiền quán mandala (trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng), kỹ thuật tập trung tư tưởng được chú trọng, sử dụng nhiều biểu tượng rất phong phú.

                                             (Trích từ Le moine et le philosophe)

 

 

Tri  thức  không  phải  lĩnh  hội

 

Phụ cận kinh thành Xá Vệ có một vườn cây ăn trái. Ở trong đó có vị Tỳ kheo tên Ekudana. Thầy chỉ thuộc một bài chỉnh cú của Phật thuộc loại”không ai hỏi thấu, chỉ Phật tự nói”. Dẫu thuộc rất ít như vậy, nhưng thầy thấu triệt ý nghĩa chứa đựng trong bài chỉnh cú ấy. Hễ có cơ hội là thầy khuyên người tu tập Pháp, tụng bài chỉnh cú ấy cho họ nghe. Và bao giờ cũng vậy, thầy tụng xong thì những thần linh vùng rừng núi ấy vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Thế rồi có hai vị Tỳ kheo rành và thuộc rất nhiều kinh luật, với sự tháp tùng của nhiều vị tỳ kheo, ghé ở lại tịnh xá của thầy. Thầy chân thành mời họ thuyết pháp. Họ hỏi thầy ở chỗ hẻo lánh này có nhiều người đến nghe pháp không? Thầy thưa, có những thần linh vùng rừng núi này mỗi khi có thuyết pháp đều đến nghe và vỗ tay tán thưởng. Thế là hai vị Tỳ kheo luân lưu thuyết pháp. Thuyết xong cả vùng rừng núi vẫn yên lặng như tờ. Họ xấu hổ, nghi thầy nói dối. Thầy quả quyết là có. Họ mời thầy đích thân thuyết pháp. Thầy cầm đứng cái quạt che trước người và thầy tụng bài chỉnh cú đã nói ở trên. Tụng xong, thần linh tán thưởng như cũ. Những vị tỳ kheo tháp tùng hai vị kia, thấy cảnh tượng này thì công nhận thầy thánh thiện hơn. Khi về lâm viên Cấp Cô Độc, chuyện này được họ đem bạch rõ với Đức Phật. Ngài nói với họ, Như Lai không cho những ai học rộng và thuyết pháp hay là người có sự thấy biết chính xác về Pháp. Trái lại, thuộc một bài chỉnh cú thôi, mà biết thấu đáo, chính xác, và qua bài chỉnh cú ấy, biết được tư tưởng hệ của bốn Thánh Đế, chánh niệm thường xuyên hiện diện, thì người như vậy mới là lĩnh hội Pháp.

                                                                  (Truyện tích Pháp Cú 259)

 

 

Tấm lòng

 

  Chuyện kể rằng có một nhà triết gia nọ gặp một người hành khất trên một chuyến đò. Người hành khất mệt lả vì hai ngày nay không xin được gì nên không có gì để lót bụng, ông ta khẩn thiết van xin:

-Xin ông làm phước cho tôi vài đồng.

 

  Nhà triết gia vẫn cố tình lờ đi như không có sự hiện diện của ai đó trước mặt mình. Người hành khất vẫn không không nản lòng và cố năn nỉ: 

-Xin Ông động lòng thương cho kẻ hèn này, tôi đói quá đi thôi, hai ngày nay tôi không có gì để ăn cả.

 

Người hành khất van xin mãi làm nhà triết gia bực mình nói rằng:

- Thôi đuợc rồi, tôi sẽ cho anh một ít tiền nhưng với điều kiện.

 

Người hành khất lộ lên mặt nừng rỡ và nói :

-Điều kiện gì xin Ông cứ nói!

 

Nhà triết gia vốn chỉ còn một con mắt lành lặn, con mắt kia là con mắt giả đuợc bác sĩ đặt vào thay cho con mắt đã bị hỏng. Nhờ tài nghệ của bác sĩ nên nhìn bên ngoài hai con mắt giống nhau như thiệt, chỉ có người trong cuộc mới biết đâu là thiệt đâu là giả.

 

Nhà triết gia lên tiếng :

-Trong đôi mắt tôi có một con mắt là con mắt giả. Nếu anh chỉ đúng đâu là mắt giả thì tôi sẽ bố thí cho anh đồng tiền vàng này.

Chỉ trong thoáng chốc, ngừoi hành khất đã chỉ đúng con mắt giả trước sự ngỡ ngàng của nhà triết gia. Ông kêu lên :

-Làm sao anh biết đó là con mắt giả, hay là anh đoan mò!

 Người hành khất cười châm biếm :

-Đơn giản thôi, chẳng có gì phải đoan mò cả, hồi nãy giờ tôi đã van xin ông thảm thiết và tôi chỉ thấy con mắt này rớm nước mắt nên tôi nghĩ ngay nó không phải là con mắt thật của ông.

 

Chuyện chỉ có là thế nhưng nó có ý thức nhắc nhở chúng ta rằng sống trong đời cần phải có một tấm lòng. Hay đơn giản ngay cả vật vô tri vô giác đôi lúc cũng có một chút tình huống chi là loài hữu tình, Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cũng chứng kiến nhiều nỗi đau khổ của những người chung quanh. Người ăn xin tội nghiệp, em bán vé số không được đi học, bác xích lô đang đẩy một xe nặng nhọc, một người bệnh đang quằn quại trong cơn đau . . . có lẽ nhiều tới mức mà ta trở nen trơ lì với những gì đã xảy ra.  Phải nhìn nhận sâu xa ra rằng bản chất trong mỗi con người đều sẵn có một tấm lòng, bởi chúng ta là loài hữu tình. Mà có là loài vô tình đi nữa thì chắc gì đã là vô tình trơn hết được. Vì vậy nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rất thiện xảo khi cho rằng : - Làm sao em biết .. bia đá không đau! . . . ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau   .  . .

 

Tấm lòng luôn hiện hữu trong mỗi chúng ta, chỉ cần chúng ta luôn nhắc nhở đừng cho nó ngủ quên thì tự nhiên ta phải biết làm gì trước những gì chung quanh.

Nguyên Hải Châu Văn Hà

 

 

Sống ẩn dật có mục đích gì ?

 

Ích lợi của sự ẩn dật phát xuất từ chỗ nó làm mình xa các trò giải trí. Khi sống ẩn dật, mục đích chính là cô lập tâm hồn mình đối với những thú tiêu khiển, vì vậy người ta không tiếp xúc người khác và nhất là không chuyện trò, mà sự tiếp xúc này có thể dẫn đến. Nếu không thực hiện mục đích chính của sự ẩn dật, thì sống ẩn dật trong một nơi vắng vẻ, hiu quạnh, sẽ chẳng lợi ích gì.

                                            (Theo Vượt lên cả giáo điều)

 

Nội  quán  trong  Phật  Giáo là  gì?

 
Chúng ta có thể tự hỏi, đại khái như “Tâm là gì? Cái gì sinh ra nhận thức? Tâm có thể tự biết mình được không ?”.  Đáp lại câu hỏi sau cùng, chẳng hạn, trên bình diện tương đối, hiển nhiên chúng ta ý thức được tâm mình và có thể quan sát sự vận hành và bản chất những tư  tuởng trong ta.  Không ý thức những tư tưởng mình, ta sẽ không làm gì được. Nhưng, khi phân tích đến cùng, thì tư  tưởng không thể vừa suy nghĩ vừa cùng lúc tự biết mình, cũng như lưỡi kiếm không thể tự cắt hay con mắt tự nhìn thấy nó.  Vậy thì ở đây cũng như phần lớn những ví dụ thuộc loại này, người ta phân biệt hai loại lý luận: một loại căn cứ vào sự thật tương đối hay tục đế, nghĩa là theo lẽ thường, và loại kia, vào chân lý tuyệt đối , chân đế.
 
 Trong trường hợp sau này, phân tích tối hậu cho thấy là nếu ý thức hiện hữu như một thực thể độc lập, nó không thể cùng lúc vừa hiện hữu vừa tự biết mình. 
 
Trong Phật giáo, có những trường phái khác nhau:  Một số người nói ý thức có một thực tại tối hậu , độc lập, và tự ý thức được bằng một quá trình không cần có tương quan chủ thể – đối tượng, như lửa của ngọn đèn tự soi sáng, không cần nguồn sáng bên ngoài.  Một số khác đáp lại là ngọn lửa không cần gì phải “ tự soi sáng” vì nó không chứa đựng cái tối tăm và nếu ánh sáng có thể tự soi sáng, thì bóng tối cũng tự nó làm cho mình tối đi.

 

(Mathieu trong Le Moine et le Philosophe)

 

 

Cảm nhận về câu chuyện “Những vết đinh”

 

 
Những vết đinh” là một bài báo nhỏ mà tôi đọc được trên Internet như sau:
“Một cậu bé nọ có tính xấu là hay văng tục và nổi nóng. Một hôm, cha cậu bé đưa cho cậu một túi đinh rồi nói với cậu :” Mỗi khi con nổi nóng với ai đo thì hãy chạy ra sau nhà và đóng một cái đinh lên hàng rào gỗ”.
 
Ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng tất cả 37 cái đinh lên hàng rào. Nhưng sau vài tuần, cậu bé đã tập kìm chế cơn giận  của mình và số luợng đinh cậu đóng len hàng rào ngày một ít đi. Cậu nhận thấy rằng kìm chế cơn giận của mình dễ hơn là phải đi đóng một cái đinh lên hàng rào.
 
Đến một ngày, cậu đã không nổi giận một lần nào suốt ngày. Cậu đến thưa với cha và ông bảo :” Tốt lắm, vậy bây giờ nếu sau mỗi ngày mà con không hề nổi giận với ai dù chỉ một lần, thì con hãy nhổ một cái đinh ra khỏi rào”.
 
Ngày lại ngày trôi qua, rồi một hôm cậu bé vui mừng hãnh diện tìm cha mình báo rằng đã không còn một cái đinh nào trên hàng rào nữa. Cha cậu liền đến bên hàng rào. Ở đó ông nhỏ nhẹ nói với cậu :
“Con đã làm rất tốt, nhưng con hãy nhìn những lỗ đinh nhỏ bé còn để lại trên hàng rào. Hàng rào đã không còn như xưa nữa rồi.  Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói ấy cũng giống như những lỗ đinh này, chúng để lại những vết thương khó lành trong lòng người khác.  Cho dù sau đó con xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa,  vết thương đó vẫn còn lại mãi.  Con hãy luôn nhớ : vết thương tinh thần còn đau đớn hơn cả những vết thương thể xác. Những người chung quanh ta, bạn bè ta là những viên đá quý.  Họ giúp con cười và giúp con mọi chuyện.  Họ nghe con than thở khi con gặp khó khắn, cổ võ con và luôn sẵn sàng mở trái tim mình ra cho con.  Hãy nhớ lấy lời cha . . .”
 
Lời của người cha trong câu chuyện cũng là lời Thầy vẫn dạy chúng ta – hành xử không tỳ vết – thực tập lời nói ái ngữ. Tất cả những điều ấy đều xuất phát từ tâm bạn. Nếu tâm bạn được ươm trong những hạt giống trí tuệ thì sẽ kết được những hoa trái trí tuệ.  Cũng vậy, lời nói ái ngữ của bạn chỉ có được khi tâm bạn nhẹ nhàng, thanh thoát, từ bi và hỷ xả.
 
Thầy đã dạy chúng ta rằng: “ Tâm không có chân mà dẫm nát cả thế gian”. Rồi kinh Hoa Nghiêm có dạy : “ Nhất thiết duy tâm tạo” nghĩa là: “Hết thảy mọi việc đều do tâm tạo ra”.  Chính tâm sân hận của cậu bé đã tạo ra “những vết đinh” kia.  Thật tội nghiệp cho cái hàng rào!   Những vết đinh ấy đã làm cho nó không còn lành lặn như xưa.  Nó sẽ mãi mãi mang những vết thương sâu của những lỗ đinh ấy.
 
Những vết đinh” phải chăng là một thông điệp cho tất cả chúng ta hãy sống và trân trọng lẫn nhau bởi “ những người xung quanh ta , bạn bè ta là những viên đá quý”. Hãy luôn trân giữ những viên đá quý ấy, giữ cho nó mãi sáng ngời thêm, không một chút sứt mẻ nào. Đừng tạo cho nhau cái hàng rào kia, luôn mang trong mình những vết đinh vĩnh viễn.

Tâm Xuân Trương Thị Phương Mai (trích trong Từ Bi Âm)

 

Làm sao để hết sợ chết, hết ước muốn hủy hoại

và tự sát, do sợ chết mà ra ?

 
 
Phủ nhận khổ đau, tránh nghĩ đến nó là một phương cách không mấy hữu hiệu để khắc phục nó. Một phương pháp hữu hiệu hơn là nhìn thẳng vào vấn đề và phân tích nó dưới mọi góc độ. Nói cách khác, phải đương đầu với nó.
 
Với cái chết, giai đoạn tự nhiên trong cuộc đời, cũng vậy. Chết là một phần của sự sống. Tập quen với tiến trình của đời sống giúp ta quen với ý nghĩ về cái chết. Và như vậy, khi đến lúc phải chết, ta sẽ không hoảng hốt vì sắp phải chết hay sợ hãi cuống cuồng vì tính cách bất ngờ của nó. Có đức tin hay không, tu theo đạo Phật hay không, có tu tập hàng ngày hay không . .  . đấy là những yếu tố thay đổi phản ứng của ta khi gần kề cái chết. Sự khắc phục sợ hãi và lo âu kèm theo kinh nghiệm chết, là tùy thuộc vào những phương pháp ta thực hành lúc còn sống.
                                                               (Theo Vượt lên cả giáo điều)
 

 

Nhà  hoằng  pháp  nổi  tiếng tại  phương  Tây :

GESHE  KELSANG  GYATSO.

                                                                       

                           Chân  Nguyên.
 
Sinh ra và lớn lên tại Tây Tạng, được giáo dục tại các tu viện nổi tiếng và được tu học dưới sự hướng dẫn của nhiều bậc chân sư chuẩn mực, ngài Kelsang Gyatso sớm tiếp nhận nhiều tư tưởng Phật pháp cao siêu, đặc biệt là  giáo lý thuộc truyền thống Đại thừa. Sau khi hoàn tất các khóa ẩn tu và các chương trình học tập cấp cao nhất tại Tây Tạng, năm 1976, ngài rời quê hương và bắt đầu sự  nghiệp hoằng hóa của mình tại phương Tây.
 
Là một vị giảng sư đức độ, ngài được nhiều tổ chức Phật giáo ở nhiều quốc gia mời đến để thuyết giảng và hướng dẫn việc tu học của các Tăng, Ni, Phật tử. Ngài luôn mong ước rằng mọi người không phân biệt quốc gia, chủng tộc, văn hóa đều có thể chiêm nghiệm được sự vi diệu của chánh pháp. Để thực hiện được ước nguyện này, trong nhiều năm qua, ngài đã đào tạo được hàng trăm giảng sư người phương Tây thuộc nhiều quốc gia khác nhau. Một số lớn các vị này đã về nước và thực hiện sứ mệnh hoằng hóa tại quê hương mình. Tại các trung tâm Phật giáo Kadampa, các chương trình tu học đều dựa trên những tài liệu do ngài Kelsang biên soạn. Để có thể hướng dẫn một trung tâm như thế, các nhà sư phải hoàn tất những chương trình tu học do ngài Kelsang đảm nhiệm và sau đó tiếp cận với xã hội và nền văn hóa phương Tây để rút tỉa kinh nghiệm cho riêng mình.
 
Kadampa là một truyền thống Phật giáo ra đời cách đây hàng thế kỷ và hiện nay tông phái này thu  hút được rất nhiều người phương Tây. Phương Tây biết đến truyền thống Phật giáo này bắt đầu từ năm 1976 do công lao xiển dương to lớn của đại sư Kelsang.
 
Kể từ khi đến Anh quốc vào năm 1977, ngài Kelsang đã làm việc không biết mệt mỏi để đáp ứng nhu cầu tu tập của hàng ngàn người Phương Tây. Ngài đã trước tác khoảng 18 tác phẩm Phật giáo có giá trị và hiện đang được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau. Trong sự nghiệp hoằng hóa của mình, ngài đã lập ra hơn 400 trung tâm Phật học tại 36 quốc gia trên thế giới. Hàng năm các Phật tử thuộc truyền thống Kadampa và các trung tâm Phật giáo trên qui tụ về Mỹ quốc hoặc châu Âu để tổ chức những lễ hội thiền định rất qui mô.
 
Ngoài việc thành lập các trung tâm Phật giáo, hiện nay ngài Kelsang đang đứng ra xây dựng hàng loạt các ngôi chùa Tây Tạng có tầm vóc quốc tế tại những thành phố chính trên thế giới. Phần kiến trúc của những ngôi chùa này do các Phật tử địa phương đảm nhiệm sao cho mỗi ngôi chùa vừa mang nét kiến trúc Phật giáo, vừa phù hợp với văn hóa của mỗi quốc gia. Ngài Kelsang cũng thành lập một cộng đồng Tăng già nhằm giúp đỡ các cơ sở tu học về mặt vật chất cũng như tinh thần.
 
Với đức độ, trí tuệ và chí nguyện cao cả, đại sư Kelsang Gyatso đã mang lại niềm an lạc cho rất nhiều người Tây Tạng cũng như các hành giả phương Tây. Hiện ngài được mời làm cố vấn cho nhiều tổ chức Phật giáo, nhằm trao truyền kiến thức, kinh nghiệm tu tập cho thế hệ trẻ đang dấn thân trên con đường thăng hoa tâm linh và tuệ giác.
 

 

Đức  tin  trong  Phật  giáo  là  gì ?

 
 
Khác hẳn với khái niệm đức tin của các truyền thống tôn giáo khác, lòng tin trong Phật giáo được phân biệt về  bốn khía cạnh:
 
- Thứ nhất là lòng tin trong sáng phát khởi khi nghe giảng pháp hoặc truyện kể về cuộc đời của Đức Phật hay các bậc Thánh mà ta thấy quan tâm.
 
-Thứ hai là một ước vọng, khao khát hiểu biết thêm để thực hành một giáo lý, noi gương một bậc Thánh và dần đạt đến sự toàn hảo nhập thể nơi vị ấy.
 
-Thứ ba là một niềm tin xác tín có được nhờ tự mình kiểm chứng giá trị của giáo lý và hiệu lực của tu tập khiến ta càng lúc càng toại nguyện và sung mãn, như du lịch qua một miền mà càng đi càng toại nguyện và sung mãn, như du lịch qua một miền mà càng đi càng thấy đẹp  . . .
 
-Cuối cùng, khi niềm tin này không bao giờ lay chuyển dù gặp bất cứ cảnh ngộ nào, thì ta được một sự ổn định trong việc tu hành khiến ta có thể sử dụng mọi hoàn cảnh thuận nghịch để tiến lên. Niềm tin xác tín này trở thành một bản tính thứ hai, gọi là lòng tin “bất thối chuyển”.
 
Và đó là bốn giai đoạn của đức tin Phật giáo. Vậy đức tin trong Phật giáo không phải là một “bước nhảy vọt” của tri thức mà là kết quả của một khám phá tuần tự để nhận ra rằng sự tu hành thực có mang lại kết quả.
 

Đức Phật :

 Bậc đã mở rộng cánh cửa vĩnh cửu cho tất cả.

 
“Như  trong một hồ sen, giữa những cọng sen xanh, sen trắng, sinh ra trong nước, vươn lên về phía ánh sáng mặt trời – lên ngang mặt nước ; sau cùng, những cọng sen khác, vượt cao hẳn lên, không bị nước làm ướt hoa. Cũng thế, khi bậc giác ngộ nhìn vào thế gian, Ngài thấy nhiều người có con mắt trí chỉ bị tre mờ bởi một lớp bụi dầy ; Ngài nhìn thấy nhiều người có trí nhạy bén và nhiều người khác có trí nặng nề, nhiều người khó dạy, nhiều người dễ chuyển hóa, và biết bao nhiêu kẻ sống trong sợ hãi, nghĩ tới cái chết, tới những sai lầm của mình .  .  . “ sau khi thành đạo dưới cội Bồ đề, với những quán sát như vậy, Đức Phật đã quyết định chuyển Pháp luân, mở cánh cửa vĩnh cửu ra cho tất cả những ai có ý chí hướng thượng trong con đường thể nghiệm chân lý.
                                                                                        Bình An
  
                                                               (Theo Đại Phẩm, Mahavagga)

 

Bảy điều kiện để Giáo hội hưng thịnh

 

Này các tỳ kheo, ta sẽ giảng cho chư vị bảy điều kiện an lạc của Tăng chúng. Hãy lắng nghe và khéo tác ý.

 

1. Bao lâu chư Tỳ kheo thường xuyên  hội họp đông đủ, Tăng chúng sẽ hưng thịnh chứ không suy thoái.

 

2. Bao lâu chư vị hội họp trong hoà hợp, quyết định trong hoà hợp và thực hành phận sự trong hòa hợp.

 

3. Bao lâu chư vị không thiết lập những điều lệ mới và không hủy bỏ những điều lệ đã được ban hành, mà tuân thủ đúng theo giới luật.

 

4. Bao lâu chư vị tôn sùng, quý trọng và lắng nghe những bậc trưởng lão đầy kinh nghiệm đã thọ giới từ lâu, các vị cha giáo huấn của Tăng chúng.

 

5. Bao lâu chư vị không chịu tác động của tham ái đưa đến tái sanh.

 

6. Bao lâu chư vị chuyên tâm thích thú độc cư thiền tịnh.

 

7. Bao lâu chư vị tu tập chánh niệm khiến cho những bạn đồng chí hướng muốn đến với chư vị, và những bạn đã đến sẽ thấy an lạc.

 

Bao lâu chư Tỳ kheo duy trì bảy pháp này, thì Giáo hội sẽ hưng thịnh, chứ không suy thoái”.

 

(trích Trường Bộ số 16 , Kinh Đại Bát Niết Bàn, giản luợc)

 

Mười hạnh lành trong Phật giáo là gì?

 

Đó là ba hành vi liên quan đến bản thân là không giết người, không trộm cắp và không tà dâm.

 

Bốn hành vi liên quan đến lời nói: không nói dối, không vu khống, không nhục mạ và không nói lời vô ích, nghĩa là lời nói bị thúc đẩy bởi những cảm xúc chống đối. 

 

Ba hành vi cuối cùng thuộc về tâm : không thèm muốn, không ác ý và không có những quan điểm sai lầm, lệch lạc như cực đoan chấp không, hoàn toàn phủ nhận sự toàn hảo tâm thức.

 

Nói chung, những quan điểm sai lầm bao gồm những chủ trương vĩnh cửu (chấp thường) lẫn những quan điểm hư vô (chấp đoạn).  Nhưng trong muời thiện hành,  quan điểm sai lầm ám chỉ hư vô luận (ví dụ chết là hết, không có đời sau . . .) . Vậy chính nhờ đặt nền tảng trên một lối sống có kỷ luật đạo đức, ta mới không làm ngược lại, tức những hành vi bất thiện.  Ta không làm những hành vi đó, cho dù cuộc đời đầy cám dỗ, khiến ta dễ sa ngã.  Nền tảng của nếp sống đạo hạnh là tránh muời bất thiện để làm những thiện hành.

 

 

Các điểm trọng yếu của phương pháp

nghiên cứu trên cơ sở luận lý Phật Giáo

 

Trên phương diện học thuyết thì những hệ phái cao đẳng như Duy thức và Trung quán thành lập những qui luật để phân biệt giữa những lời thuyết giảng liễu nghĩa [nỵtrtha] và vị liễu nghĩa.[neyrtha]. Như vậy có nghĩa là: ngay cả khi một học thuyết nào đó được trình bày qua lời trần thuật của Đức Phật, nó cũng phải được nghiên cứu, kiểm soát theo phương diện luận lý. Nếu đã phát hiện một điểm mâu thuẫn nào đó thì chúng ta không nên dựa theo ý nghĩa hiển bày mà tìm cách thuyết minh theo quan điểm khác.

 

Tất cả bốn hệ thống học thuyết của Phật giáo - Đại tì-bà-sa bộ, Kinh lượng bộ, [sautrntika] Duy thức và Trung quán tông - đều lấy những lời dạy của Phật làm cơ sở. Có nhiều cách để xác định lời nào của Phật là liễu nghĩa, lời nào vị liễu nghĩa, cần được thuyết minh.

 

Vì tất cả các trường phái đều trích dẫn lời Phật để chứng minh quan điểm của họ nên chúng ta không thể dựa vào cách chứng minh qua văn tự trong trường hợp muốn hiểu rõ lời nào của Phật phản ánh trọn vẹn thâm ý của Ngài và lời nào được thuyết chỉ bởi vì một mục đích nhất định nào đó. Chính vì thế mà Phật nói như sau:

 

Như một người thử vàng bằng cách nung luyện, cắt, mài; cũng như vậy, các tỳ khưu, thiện tri thức nên thừa nhận lời dạy của ta sau khi nghiên cứu kỹ. Đừng chấp nhận chỉ vì muốn tỏ lòng tôn kính.

 

Vì thế nên chúng ta không nên đặt niềm tin vào những người đại diện một lý thuyết nào đó không hợp lý và cũng không nên xem họ là người có thẩm quyền về đề tài này. Cho nên, phương pháp luận lý phải được sử dụng để phân biệt những gì đã mang sẵn trọn vẹn ý nghĩa và những gì cần được làm rõ thêm.

Vậy thì áp dụng phương pháp luận lý như thế nào? Đức Phật đã trình bày Bốn điểm nương tựa như sau:

[Bốn điểm nương tựa ( tứ y) này được Ngài giảng trong Đại thừa kinh trang nghiêm luận.]

1. Đừng nương tựa vào con người mà tựa vào pháp.

2. Nương tựa vào pháp thì không nên chấp trước văn tự mà nương tựa vào ý nghĩa.

3. Đã nương tựa vào nghĩa thì không nên tựa vào nghĩa được giảng rộng, mà nương vào nghĩa toàn vẹn.

4. Nương tựa vào ý nghĩa toàn vẹn thì không nên dựa vào tâm thức bình thường mà dựa vào trí huệ siêu việt.

 

Chúng ta phải dùng bốn điểm nương tựa nói trên để nghiên cứu nhằm xác định được sự hợp lý hoặc nghịch lý của một lý thuyết nào đó.

 

Điểm quan trọng ở đây là sự nhận thức, phân biệt được giữa thâm ý của tác giả và ý nghĩa của văn bản. Nhìn như thế thì phái Cụ duyên [prsangikai] trình bày được thâm ý của tác giả - Phật-Đà -  trong khi những trường phái khác chỉ nêu được ý nghĩa của kinh sách, là ý nghĩa được thuyết giảng trong một thời điểm nhất định nào đó với một mục đích nhất định nào đó. Người nào nghiên cứu Phật giáo phải nhận thức được sự đa dạng của các hệ thống. Ai chỉ đọc một trang, học thuộc lòng và bám chặt vào ý nghĩa trong đó, tâm của người ấy sẽ tán loạn ngay khi lật qua trang mới.

Tenzin Gyatson (Đức Đạt Lai Lạt Ma)

 

Cánh  Hoa  Tình  Người

 

Trên một chiếc xe hơi láng bóng, một người mẹ dỗ dành đứa con:

- Ăn thêm cái nữa đi con!”

 Nhưng đứa bé lắc đầu:

- Ngán quá! Con không ăn nữa đâu!

Người mẹ lại nài nỉ:

- Ráng ăn thêm một cái, má thương, ngoan đi cưng!

Nhưng đứa bé cương quyết:

- Con nói là không ăn mà, vứt đi, vứt nó đi!

 

Thằng bé lắc đầu quầy quậy, gạt mạnh tay, chiếc bánh kem văng qua cửa sổ, rơi xuống đường, sát mép cống, chiếc xe rồ máy chạy đi.

 

Hai đứa trẻ đang bới móc đống rác gần đó, thấy chiếc bánh nằm chỏng chơ, xô đến nhặt, mắt hai đứa sáng rực lên, dán chặt vào chiếc bánh thơm.

 

Thấy bánh lấm láp, đứa con gái nuốt nước miếng. Nó bảo thằng con trai:

-Anh Hai thổi sạch đi rồi mình ăn.

 

Thằng anh phùng má thổi, nhưng bụi đời đã dính chẳng chịu đi cho. Đứa em sốt ruột, cũng ghé miệng thổi tiếp. Chính cái miệng háu đói của nó làm bánh rơi tỏm xuống cống hôi hám, chìm hẳn.

- Ai biểu anh hai thổi chi cho mạnh?

 Con bé nói rồi thút thít.

Thằng anh dỗ dành:

 - Ừa, tại anh, nhưng kem còn dính tay anh đây nè. Dành cho em ba ngón đó, còn anh hai ngón thôi!

 

(Câu chuyện cảm động ở Việt Nam này trích từ  chuyện ngắn với tựa đề: ''Anh Hai" của Lý Thanh Thảo)

 

Câu  chuyện  cát  đá

 

Một người nọ mỗi khi cầm tờ báo là mở xem những trang cáo phó chia buồn trước nhất. Anh ta chăm chú đọc từng dòng trên trang cáo phó dù không hề quen biết với người đã mất. Có người bạn thấy thế bèn hỏi nguyên do. Anh ta trả lời:

- À. Tôi chỉ gửi lời cám ơn đến những người này đó thôi.

Người bạn của anh ta trợn mắt ngạc nhiên nói:

- Anh nói điều gì mà tôi chẳng hiểu gì cả. Anh cảm ơn những người đã chết mà toàn là người anh chưa hề quen biết! Cái đầu của anh có vấn đề gì không vậy?

Người nọ thong thả trả lời:

- Đúng vậy. Tôi trân trọng cảm ơn họ. Vì sự ra đi của họ đã nhắc nhở cho tôi đừng quên rằng kiếp người vốn là vô thường. Cái chết đến bất chợt nào ai hề hay biết. Lúc còn sống những người này cũng có những ước mơ toan tính, những tranh giành hơn thua, những vui buồn ganh ghét. Để rồi bỗng dưng trở thành những cái xác vô tri chờ đem hỏa táng hoặc vùi sâu trong lòng đất lạnh. Họ đã đem chính sinh mạng của mình để nhắc nhở cho tôi bài học lớn trong cuộc đời như vậy chẳng lẽ không xứng đáng được nhận một lời cảm ơn hay sao, anh bạn?

 

 

Phải chăng Đạo Phậtlà một hệ thống Giáo Dục,

chứ không phải là một Tôn Giáo.

 

    
1/ Theo Từ Điển Webster, định nghĩa về tôn giáo như sau: “Một hệ thống có tổ chức về niềm tin, nghi thức và nghi lễ tập trung hướng về một đấng siêu nhiên có quyền lực, niềm tin theo đuổi do lòng thành tâm”.
 
Đạo Phật không phải là một tôn giáo bởi vì : thứ nhất, Đức Phật không phải là một đấng siêu nhiên có quyền lực. Đức Phật chỉ là một người thường đã đạt tới sự Toàn Giác về thực tế của đời sống và vũ trụ. Đời sống liên hệ tới chúng ta, và vũ trụ liên quan tới môi trường sống của chúng ta. Đức Phật đã dạy rằng mọi chúng sinh đều có thể hiểu thấu chính mình và môi trường của mình, và tự giải thoát khỏi mọi đau khổ để đạt tới hạnh phúc. Chúng sinh là Phật sẽ thành, và mọi chúng sinh với Phật có cùng bản chất. Đức Phật không phải là một Thượng Đế, mà là một Bậc Thầy dạy chúng ta con đường phục hồi Trí Huệ (sự khôn ngoan và hiểu biết) bằng cách dẹp bỏ Tham, Sân, Si (lòng tham, cơn nóng giận và sự u mê), ba điều xấu này đã trói buộc chúng ta vào hiện trạng. Danh từ “Phật” là một danh từ của tiếng Phạn, khi dịch có nghĩa là “Khôn Ngoan, Thông Hiểu”. Chúng ta gọi nhà sáng lập ra Phật Giáo là Thích Ca Phật Đà, bởi vì Ngài đã đạt tới sự Toàn Tri và Sáng Suốt về đời sống và vũ trụ. Phật Giáo là hệ thống Giáo Dục của Ngài dạy chúng ta, các lời dạy của Ngài chỉ cho chúng ta con đường theo Phật.
 
2/ Thứ hai, Phật Giáo không phải là một tôn giáo bởi vì “niềm tin vào các lời Phật dạy không phải là các niềm tin mù quáng, lòng thành tâm mù quáng và không phải là sự mê tín. Thích Ca Mau Ni đã dạy chúng ta không tin tưởng một cách mù quáng vào những điều Ngài đã nói, Ngài muốn chúng ta thử làm những lời dạy và Ngài chứng minh những lời đó cho chúng ta thấy. Đức Phật muốn chúng ta hiểu biết, không phải chỉ tin tưởng. Các lời dạy của Đức Phật xuất phát từ kinh nghiệm của chính Ngài về con đường hiểu biết bộ mặt thực của đời sống và của vũ trụ, và Ngài đã chỉ cho chúng ta một con đường để tìm ra chân lý cho chính chúng ta. Sự việc này giống như một người bạn tốt kể cho chúng ta cuộc hành trình của người đó tới Châu Âu, các cảnh trí mà người đó đã nhìn thấy, và cách thức để đi tới nơi đó và nhìn thấy mọi phong cảnh. Đức Phật đã dùng một phương pháp hoàn toàn khoa học khiến cho chúng ta thấy được thực tế theo hình thức chân thực.
 
3/ Thứ ba, Đạo Phật không phải là một tôn giáo bởi vì tất cả các “nghi thức và nghi lễ” không hướng về một vị siêu nhiên, mà về mọi người cùng nhau hội họp. Các nghi lễ trong Phật Giáo tất cả đều phục vụ một mục đích giáo dục, một cách nhắc nhở các lời dạy của Đức Phật và còn là sự khuyến khích mọi kẻ học hỏi thực hành các lời dạy này. Thí dụ, Lễ Sám Hối thực hành trong dịp Tết là để mọi người tham dự cùng nhau trau dồi một trái tim khiêm nhường và kính trọng người khác. Điểm chính của mọi nghi lễ là giúp đỡ mọi người thức tỉnh khỏi si mê và trở về với Trí Khôn Ngoan (Wisdom) và Hiểu Biết (Understanding).
 
4/ Cuối cùng, Đạo Phật không phải là một tôn giáo bởi vì lòng “thành tín” dùng trong Phật Giáo không phải là thứ đặt căn bản trên cảm xúc, mà trên lý trí. Các người tu Phật thành tâm thực hiện việc duy trì sự Thanh Tịnh của Tâm Hồn (the Purity of Mind) bởi vì cách thực hành này mang lại niềm hạnh phúc thực sự. Chúng ta thành tâm giúp đỡ kẻ khác và xã hội, để tất cả đạt tới sự Hiểu Biết và trí Khôn Ngoan hoàn toàn. Chỉ có sự Hiểu Biết và trí Khôn Ngoan hoàn toàn mới có thể thực hiện bản chất thực của chúng ta và của môi trường sống. Nền giáo dục của Đức Phật không thực sự là một tôn giáo, mà là một hệ thống giáo dục dạy chúng ta biết cách thấu hiểu sự ngu tối và đạt tới sự hiểu biết hoàn toàn về chúng ta và  về mọi sự vật chung quanh chúng ta.

 

Mục đích của chúng ta là Chân Hạnh Phúc.

(trích trên Internet do Tuệ Tiến chuyển ngữ )

 

 

 

Làm  thế  nào  hòa  hợp  Đạo  và  Đời ?

 

Về những hành vi thế tục, đạo Phật đặc biệt nói đến tám lối xét đoán theo thế tục, đó là những khái niệm mà người ta cho là quan trọng : vui và khổ, lợi và hại, danh tiếng và vô danh, khen và chê.
 
Tám xét đoán thế tục này có nhiều cấp bực khác nhau, như hoàn toàn xấu, vừa xấu vừa tốt, hoặc rất tốt. Trong những trường hợp cực đoan, người nào chỉ lo chuyện thế tục thì lúc nào cũng tính chuyện ác đức, muốn lấn người khác hay lừa dối họ để làm giầu. Trong truòng hợp ấy, người ta chắc chắn chẳng cần nghĩ đến đạo đức tâm linh.
 
Tuy nhiên, đối với những hoạt động thế tục phát khởi từ những tình cảm thanh cao, nếu lập trường và ý định của người quản trị kinh tế một nước, hay một nơi nào đó, có sự hướng dẫn cao quý của thiện tâm, ước muốn hạnh phúc cho kẻ khác, thì lúc ấy sự kết hợp Đạo và Đời sẽ thật sự dễ dàng.
                                              (Theo Au delà des dogmes).

 

 

Làm thế nào để ra khỏi cảm giác tội lỗi
sau khi phạm một việc ác cực trọng ?

 
Trong những trường hợp như vậy, khi bị mặc cảm phạm tội và có thể bị suy sụp tinh thần, Phật giáo khuyên ta áp dụng một vài lối suy nghĩ và hành động để có thể phục hồi niềm tự tin.
 
Một Phật tử có thể nghĩ : Bản chất tâm Phật vốn thuần khiết, nhưng vọng tưởng và những cảm xúc sau đó lại có bản chất khác hẳn ; vậy vì chúng ngẫu nhiên sinh ra nên có thể trừ khử được. Nghĩ đến vô số tiềm năng nằm trong thâm sâu bản thể ta, hiểu rõ bản chất của tâm ta vốn trong sáng và nhân từ, suy tưởng về tính sáng chói của nó . . .  sẽ giúp ta can đảm, tự tin.
 
Trong kinh điển, Đức Phật dạy rằng những vị toàn giác, toàn tri mà chúng ta xem như những siêu nhân, không từ lòng đất hiện ra, hay trên trời rớt xuống, mà là sản phẩm của một sự tinh luyện tâm linh. Ngày xưa, họ cũng bị nhiễu loạn như ta bây giờ, do những yếu đuối  và những lỗi lầm vẫn có trong con người bình thường. Đức Phật Thích Ca, chính ngài, trước khi đắc đạo, đã phải qua những kiếp, mà nếu không nhờ tu luyện tâm linh, có thể còn khó khăn hơn cuộc sống của chúng ta ngày nay. Nhìn nhận trong chính mình cái tiềm năng vĩ đại để đạt đến toàn hảo tâm linh, đây là cách chữa trị tội lỗi, chán nản và tuyệt vọng.
 
Bồ Tát Long Thọ nói trong ‘Tràng hoa báu – Lời khuyên vua’ rằng bi quan và tuyệt vọng không bao giờ giúp ta giải quyết được vấn đề gì. Mặt khác, kiêu căng, tự phụ cũng tiêu cực không kém. Nhưng nếu đối trị kiêu căng bằng cách hạ mình thái quá thì lại thường sinh ra thiếu tự tin, cửa ngõ dẫn đến tình trạng bạc nhược, chán nản. Người ta chỉ có đi từ cực đoan này đến cực đoan khác mà thôi.
 (Theo Vượt lên cả giáo điều)
 
Lời kinh trong lòng bàn tay
 
Đức Phật dạy hành đạo thì như khúc cây trong dòng nước; hãy theo dòng nước mà trôi đi, không vướng vào bờ bên này, không mắc vào bờ bên kia, không bị người vớt lấy, không bị quỷ thần ngăn chặn, không bị nước xoáy nhận chìm, không bị thối rã; nếu như thế thì khúc cây ấy sẽ được vào biển cả. 
 
Hành  đạo cũng vậy; không bị tà ngụy quấy phá, tinh tấn và không do dự, những người như vậy chắc hcắn sẽ chứng đạo.
(Theo kinh Tứ Thập Nhị Chứng)
 

Một  ngày  đi  qua

 

Ngày nào cũng vậy, khi hoàng hôn buông xuống, chỉ còn đọng lại những tia nắng yếu ớt của chiều tà. Cuộc sống rộn rịp một ngày dần dần trở về trong tĩnh lặng. Muông thú cũng tìm về lối cũ đường xưa sau một ngày gối mỏi chùn chân. Cũng là lúc tiếng chuông chùa bắt đầu vang vọng len lỏi vào cảnh không bao trùm trong tịch mặc. Bất chợt trước mắt tôi hiện lên hình ảnh cụ bà dáng ngả về chiều cùng đưa cháu thơ đến chùa lễ Phật, đó là việc làm hàng ngày nhưng hôm nay trong tôi bỗng dưng bùi ngùi đắn đo diệu vợi.
 
Tôi bước tới chào bà, đưa tay nựng khẽ đứa bé. Hôm nay nhìn bà thật lâu,  tôi cảm nhận nơi bà hiện lên như một bài kinh vô lượng nghĩa về cuộc đời và nhân sinh. Trông đứa trẻ càng ngây thơ đầy sức sống bao nhiêu thì tôi cũng cảm nhận sự tàn phai nét sống ở bà bấy nhiêu. Tôi bèn nắm tay bà hỏi thăm, trò truyện :
- Hôm nay bà cụ có khoẻ không ?
 
Bà không vội vàng trả lời mà hỏi lại với chất suy tư của một người sau bao năm thăng trầm với cuộc sống.
- Chú có biết bây giờ là mấy giờ không?
- Dạ, thưa hơn sáu giờ chiều rồi.
Bà cụ tiếp tục:
- Đúng vậy, đời ta cũng như thế! Đã đến lúc sắp sửa đi vào cô liêu vắng lặng như khoảng không yên tĩnh của chùa. Tôi đã sống như một ngày đi qua. Lúc đầu như ánh bình minh ló dạng đánh thức muôn loài sau giấc ngủ yên bình và bắt đầu cho một ngày mưu sinh lăn lộn với đời.
 
Dừng lại một hồi lâu rồi bà tiếp tục:
- Chú biết không, mặt trời đứng bóng nghĩa là khởi đầu của một sự suy tàn và mỏi mệt, người ta bắt đầu đặt lại những gánh hàng đời ở lại phía sau. Mặt trời dần chìm xuống là lúc con người bắt đầu khởi hành vào chuyến miên viễn. Dẫu rằng ánh sáng ấy đem lại cho đời nhiều lợi lạc và cũng không ít những đau thương bất hạnh. Nhưng ánh sáng ra đi mọi sự cũng vẫn trơ lại với cuộc đời mà thôi. Và lão tôi cũng đã đến lúc như vậy rồi, chú ơi!
 
Bà cười khẽ và nhìn sang đứa cháu và nói :
- Ngày mai mặt trời rồi sẽ lại mọc.
 
Bổng dưng tiếng chuông chùa vọng lại như kéo tôi trở về với thực tại bắt đầu cho một thời kinh tối.
Huệ Thiện
 

 

Nhớ  lại  sự  tử  tế  của  người  khác.

G.K.Gyatso
 
Một trong những phương pháp để phát triển thực chứng về tâm từ là nhớ lại sự tử tế của người khác.  Ta nên xét mình thực đã sống nhờ sự tử tế của họ.  Có vô số ví dụ về sự khó nhọc của người khác đã làm lợi ích cho ta như thế nào.
 
Chẳng hạn, thực phẩm ta ăn đã đến với ta nhờ sự tử tế của người khác: sự làm lụng khó nhọc của nông phu, những người chế biến và phân phối cung cấp.  Y phục và nhà cửa ta dùng đều được chế tạo nhờ công việc nặng nhọc của nhiều người . Sự học hành, dược phẩm trị liệu và cả đến khả năng chúng ta được đi đây đi đó bằng đường bộ, hỏa xa hay đường hàng không, tất cả những lợi ích đó đều do sự tử tế của người khác mang lại.
 
Cả đến thú vật cũng rất tốt với ta, đem đến cho ta nhiều lợi lạc. Chẳng hạn bò cái cho sữa và cừu cho len.  Nhiều súc vật phải mất mạng để cho chúng ta có cái ăn cái mặc.  Nếu không nhờ những chúng sinh khác thì đời sống chúng ta sẽ vô cùng khó khăn - khôn g biết ta có còn sống sót được hay không.
 
Cũng như trong đời hiện tại ta nhận được nhiều sự tử tế từ những hữu tình khác, trong vô số đời trước của ta vậy .  Từ vô thủy, trong vô số đời kiếp, tất cả hữu tình đều đã đóng vai mẹ ta, quên mình để thương yêu săn sóc ta.  Chỉ cần quán sát lòng tử tế của mẹ ta hiện tại, những nỗi khổ mà vì ta, chúng ta cũng có thể hiểu được rằng tất cả hữu tình – những người đã đóng vai mẹ ta trong nhiều kiếp quá khứ – đều đã tử tế với  ta một cách không ngờ.
Cho dù khó công nhận tất cả hữu tình đều đã làm mẹ mình, ta cũng nên nghĩ chắc chắn họ đã rất tốt với mình trong những đời quá khứ.  Mỗi hữu tình đều đã nhiều lần là bạn hữu và ân nhân của ta.
Tóm lại, ta nên nhớ và quán tưởng lòng tử tế của những chúng sinh khác quanh ta trong đời này.  Ta cũng nên nhớ lại lòng tử tế ấy đã từng làm lợi lạc cho ta trong nhiều đời kiếp về trước. Khi nhớ lại sự tử tế của người khác, ta nên phát triển tâm từ đối với tất cả chúng sinh.
 
 

Niềm tin trong quan niệm của Phật giáo

 
Phật giáo không ngừng nhấn mạnh đến nhu cầu liên kết niềm tin và lý trí để tiến tới con đường tâm linh.  Bồ Tát Long Thọ, vị thầy Ấn Độ ở thế kỷ thứ II tuyên bố trong cuốn sách luận nổi tiếng của ngài, "Tràng hoa quý giá" , rằng niềm tin và lý trí, hay niềm tin và sự phân tích là những đòi hỏi của khát vọng tâm linh.  Niềm tin sẽ dẫn các bạn đến sự giải thoát trọn vẹn.  Trong bối cảnh của việc thực hành tâm linh, điểm quan trọng là niềm tin phải có nền tảng là lý trí và sự hiểu biết.
 
Để phát triển một niềm tin xuất phát từ lý trí hay sự hiểu biết, một người có khát vọng tâm linh bước đầu phải tỏ ra có sự cởi mở tinh thần. Do thiếu từ ngữ thỏa đáng chúng ta có thể gọi đó là tình trạng hoài nghi lành mạnh. Khi các bạn ở trong trạng thái tinh thần cởi mở, các bạn có thể lý luận; và qua lý luận, các bạn có thể triển khai một sự hiểu biết nào đó.  Khi sự hiểu biết ấy được củng cố, nó sẽ sinh ra một xác tín, một niềm tin, một lòng cậy trông vào đối tượng ấy.  Lúc bấy giờ chánh tín, lòng cậy trông và sự tín nhiệm này sẽ rất vững chắc bởi vì nó cắm rễ trong lý trí và sự hiểu biết. Chính vì thế, chúng ta thấy đức Phật trong các kinh điển khiển trách các môn đệ chấp nhận lời Ngài chỉ vì lòng tôn kính đối với nhân cách của Ngài.  Đức Phật khuyến khích họ đem lời Ngài ra thử thách giống hệt một người thợ kim hoàn đem vàng ra thử trong lửa. Chỉ khi đó, họ mới hiểu mình có thể chấp nhận giá trị của lời Phật dạy hay không.
 
(Theo Le Dalai Lama parle de Jesus)
 

 

 

 

Nghiên cứu ra loại sơn chống bẩn

theo nguyên lý của lá sen.

 

 
Phật giáo thường lấy cây sen hay hoa sen làm tiêu biểu. Vì cây sen mọc ở nơi bùn lầy mà vẫn không nhiễm nhơ bẩn, và kết ra loại hoa tinh khiết. Nay khoa học gia Đức vừa chứng minh được lý do nào lá sen không bị nhiễm bẩn. Và từ đó họ nghĩ ra cách phát trỉển một loại chất phủ mới, có tác dụng giữ cho bề mặt của đá, giấy và vải luôn sạch sẽ, dựa trên nguyên lý tự làm sạch của lá sen. Khi phun chất này lên bề mặt vật, nó sẽ ngăn không cho nước và bụi bẩn lưu lại.
 
Vào đầu những năm 1990, nhà thực vật học Wilhelm Barthlott của Đại học Bonn (Đức) đã chứng minh ra được sự cấu tạo của lá sen khiến cho lá sen luôn sạch sẽ. Bề mặt gồ ghề khiến cho lá sen không thấm nước.  Trên mặt lá sen có vô số các "bướu" nhỏ, cao khoảng 5-10 micromét (1 micromét bằng 1 phần nghìn milimét), cách nhau từ 10 đến 15 micromét. Toàn bộ bề mặt lá được bao phủ bởi một lớp sáp mỏng, tạo thành những búi sợi gồ ghề. Khi nước mưa rơi xuống lá sen, những giọt nước thực chất chỉ tiếp xúc được với bề mặt xù xì này ở vài điểm. Do diện tích tiếp xúc nhỏ như vậy, nên khi bề mặt lá đủ nghiêng, giọt nước sẽ bị lăn đi dưới sức nặng của chính nó, cuốn theo các hạt đất cát bẩn. Chính vì vậy, lá sen luôn trơn tuột và rất sạch sẽ.
 
Áp dụng nguyên lý tự làm sạch này, Harald Keller của Phòng Nghiên cứu Polymer BASF ở Ludwigshafen (Đức) đã chế ra một loại chất phun chống bẩn, có tên gọi là Lotus Effect. Nó là hỗn hợp của các hạt ôxit silic hoặc ôxit nhôm rắn (nhỏ hơn một micromét), các polymer không thấm nước như polypropylene, sáp, và một khí nén (có tác dụng phân tán hỗn hợp dưới áp suất cao). Lotus Effect có đặc tính không thấm nước và không bắt bụi. Khi phun nó lên bề mặt vật, các giọt nước có thể lăn qua bề mặt này rất dễ dàng, cuốn đi những hạt bụi bẩn.
 
Hiện tại, sản phẩm của Keller đã có khả năng cách nước mạnh gấp 20 lần so với một bề mặt sáp nhẵn, tuy vẫn chỉ bằng nửa so với lá sen. Nhà phát minh cho biết, ông vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi tung ra thị trường loại “sơn” chống bẩn này, trong đó có việc khắc phục đặc tính dễ bị chùi đi, cũng như tính bám mỡ của nó. Ngoài ra, Keller cũng hy vọng sẽ làm cho Lotus Effect trở nên trong suốt hơn. Hiện tại, nó khiến cho bề mặt của vật hơi bị mờ đục.
                         (trích dịch theo báo Nature)
 

 

Tầm  quan  trọng  của  những  hành  vi  nhỏ  nhặt.

 
Có vài hành động dù nhỏ, cũng có thể tạo ra một lượng lớn hạnh phúc hay đau khổ. Ngay cả một hành vi cực nhỏ cũng có thể đưa đến kết quả khổng lồ, cũng như một hạt giống nhỏ có thể trơ thành cây lớn. Một số việc ác nhỏ có thể đưa đến nhiều khổ đau và một số việc lành nhỏ có thể đưa đến hạnh phúc lớn lao. Vì thế chúng ta không nên bỏ qua những hành vi nhỏ nhặt nhất trong khi ta đang cố gắng từ bỏ nghiệp xấu và tạo nghiệp tốt. Ta  cần phải nhận chân rằng điều cốt yếu là phải lọai trừ ngay cả các ác nghiệp nhỏ nhất, vì nó cũng có thể đem lại đau khổ vô biên.
 
Ăn phải một chút thuốc độc có thể đưa đến chết hay bệnh hiểm nghèo. Chúng ta có thể nói đấy chỉ là chút ít độc duợc không thể tác hại, không hề gì hay không? Nếu cứ nghĩ vậy mà ăn vào thì chúng ta có thể chết. Đối với những ác nghiệp nhỏ nhiệm cũng thế, có thể đưa đến đau khổ không ngờ. Vì thế chúng ta cần phải cố mà lọai trừ ngay cả những ác nghiệp nhỏ nhất, xem chúng như thể là độc dược chết nguời.
 
Khi chúng ta làm những việc thiện nhỏ, chúng ta không nên xem thuờng chúng hoặc do dự không muốn làm bởi vì chúng dường như không quan trọng. Chúng có thể đưa đến hậu quả hạnh phúc lớn lao. Hột xòai thì nhỏ nhưng cây xòai lại khổng lồ và có nhiều trái. Cũng như vậy, những việc lành nhỏ có thể làm phát sinh những hậu quả tích cực lớn lao cho chúng ta.
 
Lòai hữu tình đều muốn kinh qua nhiều lọai hạnh phúc khác nhau cả về thể xác lẫn tâm linh. Hạnh phúc phát sinh từ thiện nghiệp hay hành động tích cực. Ví dụ có một thân hình đẹp đẽ hấp dẫn chính là nhở kết quả của sự thực hành hạnh nhẫn nhục. Hạnh phúc của sự giàu có là do thiện nghiệp mà phát sinh, đặc biệt là do việc thực hành hạnh bố thí trong quá khứ.
 
So với những súc vật thì lòai người có hạnh phúc đặc biệt nhờ mang thân người. Hạnh phúc được làm người là kết quả của thiện nghiệp. Nhân của thiện nghiệp này là nhờ giữ giới. Mỗi lọai hạnh phúc đều có một nhân lành khác nhau, những lọai nghiệp này khá dễ hiểu.
 
Thật dễ dàng hiểu rằng sự giàu có là hậu quả của việc thực hành hạnh bố thí, vì nguyên nhân và hậu quả của nó giống nhau.
 
                                                    GESHE  KELSANG  GYATSO
                              (Trích dịch từ Buddhism in Tibetan tradition)

 

 

Thông  điệp  của  Đức  Phật
 
Đức Phật vĩ đại hơn tất cả các lý thuyết và tín điều, và thông điệp bất diệt của Ngài đã làm rung động nhân loại qua nhiều thời đại. Có lẽ không một thời điểm nào trong lịch sử quá khứ mà thông điệp hoà bình của Ngài lại cần thiết hơn cho nhân loại đang đau khổ và cuồng loạn như hiện nay.
 
Jawaharlal Nehru (1889-1964)
Thủ tướng đầu tiên của nước Ấn Độ độc lập
 
 
Tin  ai ?
 
Hỏi :  Làm sao chúng ta có được niềm tin nơi diễn giả, để tin được rằng những lời ông ta nói là sự thật? Và làm sao chúng ta có niềm tin vào ông ta , rằng ông ta sẽ dẫn dắt chúng ta một cách đúng đắn?
 
Krishnamurti trả lời :  Chúng ta đang nói về sự lãnh đạo và tín nhiệm. Bạn biết rằng chúng ta đã có đủ loại lãnh tụ, từ chính trị cho tới tôn giáo. Bạn chưa chán ngấy với lãnh tụ sao? Bạn chưa liệng quách họ qua mạn tầu, văng xuống sông, để chẳng bao giờ còn phải có lãnh tụ nữa hay sao? Hay là bạn hãy còn, dù đã sau 2 triệu năm như thế này, đi tìm cho mình một lãnh tụ? Bởi vì lãnh tụ tàn phá đệ tử và đệ tử tàn phá lãnh tụ. Sao bạn còn có lòng tin nơi bất cứ ai?
 
Diễn giả không đòi hỏi bạn niềm tin, ông ta cũng không đặt ông ta vào vị trí của kẻ có thẩm quyền nào – nhất là trong những lãnh vực thuộc về tư tưởng, về sự cảm thông, - thẩm quyền tàn phá nhiều nhất, tệ hại nhất . . . Cho nên chúng ta không đề cập đến sự lãnh đạo, hay là có niềm tin nơi lãnh tụ hoặc nơi diễn giả. Chúng ta nói rằng mỗi người chúng ta, xin nhắc lại, mỗi người chúng ta, như là một con người, phải tự mình là người lãnh đạo, là thầy, là đệ tử, tất cả đều ở trong chính mình. Mọi điều khác đều đã thất bại, từ các cơ sở tôn giáo, lãnh tụ chính trị, lãnh tụ chiến tranh, những người này muốn có một xã hội tuyệt diệu, đều không thành công. Cho nên, nay nó tùy thuộc vào chính bản thân bạn, vào chính bạn như là một con người, một con người toàn vẹn, bình thường, đó là trách nhiệm của bạn.
 
Vậy thì, bạn phải thận trọng, tỉnh giác về chính bản thân bạn, về bạn nói điều gì, nói ra như thế nào, về sự suy nghĩ của bạn và động cơ nào đã thúc đẩy bạn theo đuổi những lạc thú của bạn.
 
                                                   (Trích Talks and Dialogues)
 
 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Ba 2015(Xem: 7521)
13 Tháng Ba 2015(Xem: 6704)
24 Tháng Hai 2015(Xem: 6625)
14 Tháng Giêng 2015(Xem: 6618)
06 Tháng Giêng 2015(Xem: 7154)
06 Tháng Giêng 2015(Xem: 6220)
23 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 6673)
Những mẩu chuyện đời do Tuệ Viên sưu tập
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000