Muốn Cứu Con Phải Dùng Tình Thương Cứng Rắn

21 Tháng Năm 20145:32 SA(Xem: 8268)
Tôi là mẹ nên hiểu được nỗi khổ của người làm mẹ. Làm đàn bà như chúng ta khổ vì chồng còn có thể chịu đựng nổi, nhưng không có đau khổ nào bằng cái đau khổ vì con. Thời buổi ngày nay 10 gia đình thì hết
9 gia đình đau khổ vì con. Lúc con tôi còn nhỏ, tôi đã tập cho con tôi tánh mạnh dạn và tự lập, nên những lúc con tôi té, tôi không đỡ. Tôi để chúng nó tự mình đứng dậy. Đến khi con tôi biết nói rành thì chúng thường hỏi tôi: “Tại sao con té mà mẹ không đỡ?” Tôi nói với chúng rằng: “Bây giờ con té có một chút xíu mà tự đứng dậy không nổi; vậy sau này con còn phải đối diện với biết bao nhiêu sóng gió ở ngoài đời thì làm sao con chống nổi?”
Từ đó, mỗi khi bị té là các con tôi tự động đứng dậy, có lúc bị trầy chảy máu cũng không dám than vì sợ tôi la. Tuy tôi không đỡ những lúc con tôi bị té nhưng con đau một mẹ đau mười phần. Vì muốn bảo vệ các con nên đã nhiều năm tôi không muốn bước thêm bước nữa. Tuy tôi đã cho con tôi đầy đủ vật chất và tình thương, nhưng trong tâm tôi vẫn cảm thấy có lỗi, vì tôi không cho các con tôi được một người cha tốt.
Thời gian trôi qua, con trai tôi bước vào tuổi 16, theo bạn bè bỏ học sa đọa vào chốn ăn chơi, nó về nhà đòi hỏi đủ thứ. Nếu không cho nó những thứ nó muốn thì nó sẽ bỏ học. Lúc đầu, tôi không chìu vì bản tánh của tôi rất cứng rắn. Nhưng vì cảm thấy lỗi cũng tự nơi tôi đã không cho nó một người cha tốt để dạy dỗ. Phần nghe lời bạn bè chung quanh khuyên là tôi không nên nghiêm khắc quá sẽ làm cho con tôi bỏ nhà ra đi. Lúc đó, tôi biết bạn bè tôi nói không đúng nhưng họ cứ nói: “Nó muốn gì thì cho nó đi miễn sao nó chịu học là được rồi.”
Tôi từ từ đánh mất chính tôi, còn con tôi thì nắm được yếu điểm của tôi. Nó lợi dụng tình thương của tôi để điều khiển tôi. Bắt đầu nó đòi mua xe, giầy, quần áo…tất cả đều là những thứ mắc tiền. Nếu không cho thì nó đòi bỏ học và bỏ nhà ra đi. Đôi lúc không có tiền tôi cũng mượn nợ mua cho con tôi.
Nhưng rồi càng làm theo ý nó thì nó càng hư và tôi trở thành con rối để cho con tôi điều khiển. Tôi tưởng dùng tình thương mềm dẻo sẽ cảm động được lòng con, mong con hồi đầu thức tỉnh. Nhưng nó chưa thức tỉnh thì tôi đã bị khủng hoảng sống không nổi mà chết cũng không xong. Trong cuộc đời tôi coi nặng nhất là các con của tôi; con là lẽ sống, là hy vọng của tôi. Vì con mà tôi có đủ can đảm vượt qua những bước đường chông gai nhất của cuộc đời.
Đến khi thấy con tôi bị sa đọa, lẽ sống và hy vọng của tôi không còn. Tôi cảm thấy trên đời này không còn gì để sống. Tôi quẫn trí, có đôi lần suy nghĩ thà tôi giết nó còn hơn là để nó hại người và tôi cũng muốn kết liễu đời tôi để khỏi còn đau khổ. Lúc đó, tôi quá đau khổ nên quên đi cả niệm Phật. Sự đau khổ mỗi ngày làm cho tôi như sống trong địa ngục và sự đau khổ đó kéo dài gần hai năm.
Một hôm, tôi tới đường cùng nên gọi cảnh sát. Tôi nói với họ rằng là hãy bắt tôi vào tù ngay, nếu không tôi sẽ giết người. Họ hỏi tôi giết ai? Tôi nói là giết con trai tôi và tôi. Họ sợ quá chạy lại liền. Họ đưa tôi đi bác sĩ tâm thần và hướng dẫn tôi vào học lớp học tình thương cứng rắn.
Đây là chương trình dành cho những cha mẹ bị con cái hành hạ và điều khiển. Họ dạy tôi làm sao đối phó với con tôi. Vào đây, tôi mới thấy những người chung quanh đều bị hoàn cảnh giống như tôi. Họ là những bậc cha mẹ đau khổ, nhìn ai cũng đẫm lệ, thân tàn ma dại. Vào đây, tôi mới thấy có nhiều cha mẹ còn đau khổ hơn tôi.
Sau khi học được hai khóa thì ra cách dạy con của tôi trước kia là đúng, vì nghe theo lời nói của bạn bè chung quanh mà tôi đã đánh mất chính tôi. Sau khi bừng tỉnh, tôi không còn sợ lương tâm cắn rứt. Tại sao? Vì trước kia, tôi lúc nào cũng nghĩ rằng là tôi có lỗi vì đã không cho con tôi một người cha tốt. Tôi cứ lo sợ nếu không chìu theo ý nó, lỡ nó có bề gì thì tôi là người có tội. Ý nghĩ đó của tôi hoàn toàn sai. Tôi không có lỗi vì tôi đã làm tròn bổn phận người mẹ, còn hư là tự bản thân của nó không phải tự nơi tôi.
Sau khi hiểu rõ, tôi quyết tâm đứng dậy và phải lấy lại hết khí phách, cương nghị làm mẹ của tôi để đối phó với đứa con mất dạy này. Tôi không thể vì một mình nó mà kéo cả gia đình tôi xuống vực sâu. Nó đã làm cho cả gia đình tôi đau khổ, tôi thà mất một đứa còn hơn mất cả ba.
Ở đây, tôi xin chia xẻ một chút kinh nghiệm đã trải qua của tôi, mong là một chút kinh nghiệm này có thể giúp quý bạn tự tìm cho mình một con đường giải thoát. Chúng ta phải cho con của chúng ta nếm mùi “gậy ông đập lưng ông.” Bước đi này sẽ rất là khó khăn, nhưng nếu muốn cứu con và gia đình thì ta phải can đảm.
Chúng ta phải dùng cách nhà binh không nên coi chúng là con mà phải coi chúng là những binh lính. Làm như vậy thì mỗi khi chúng nó chửi, chúng ta sẽ đỡ tức hơn. Muốn đối phó với chúng thì ta phải cần bình tĩnh thì mới làm cho chúng nó sợ. Chúng ta không cần la chửi chi cả mà chỉ cần hành động.

1. Về mặt tâm lý càng bình tĩnh càng tốt, không nên để cho chúng nắm được yếu điểm của chúng ta.
2. Hành động phải cứng rắn, rõ ràng và không nhượng bộ.
3. Phải can đảm nhìn nỗi đau khổ của con mình.

Phải cho chúng gánh lấy mọi hậu quả của chúng gây ra, không giúp đỡ chúng bất cứ điều gì ngoài bổn phận làm cha mẹ. Nếu chúng về quá giờ ấn định thì khóa cửa để chúng ngủ ngoài đường. Bỏ học thì cứ để chúng bỏ học, nhưng bỏ học thì không được vào nhà. Mắc nợ thì tự chúng trả. Bị bắt thì vào tù, không nên đem tiền bảo lãnh chúng ra. Tóm lại, bất cứ điều gì chúng gây ra thì tự chúng phải gánh trách nhiệm.
Chỉ có bị đau thì chúng mới thức tỉnh; cũng như kẻ đang say rượu chúng ta có nói gì hắn cũng không nghe, không tỉnh được. Chỉ có đánh hắn thật đau, tạt nước lạnh thật nhiều thì hắn mới tỉnh. Đối phó với con của chúng ta cũng vậy. Làm cha mẹ ai mà không đau khổ khi nhìn thấy con của mình bị đọa lạc tù tội. Con đau một, cha mẹ đau mười phần. Nhưng thà là như vậy mà chúng ta mới cứu được con của mình. Lời của ông bà mình thường nói “Đòn đau nhớ đời, té đau mới tỉnh”.
Trong lúc nhìn con của tôi đau khổ, tôi ngày đêm niệm Phật thế cho con tôi và cũng niệm cho chính tôi. Chỉ có câu Phật hiệu A Di Đà mới cứu và xoa dịu được vết thương trong lòng của mẹ con tôi. Cuối cùng, tôi đã cứu được con của tôi. Nó từ đen trở lại trắng, rất siêng năng niệm Phật và làm người tốt. Tôi xin chúc quý bạn thành công, vơi đi nỗi đau khổ và tìm lại sự bình an trong tâm hồn.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Giêng 2017(Xem: 7654)
07 Tháng Mười Hai 2016(Xem: 7666)
17 Tháng Sáu 2016(Xem: 8967)
01 Tháng Sáu 2016(Xem: 8304)
22 Tháng Năm 2016(Xem: 8506)
09 Tháng Mười Một 2015(Xem: 10648)
20 Tháng Mười 2015(Xem: 11060)
14 Tháng Mười 2015(Xem: 9664)
30 Tháng Chín 2015(Xem: 9972)
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000