Cứu Thần Thức

21 Tháng Năm 20145:29 SA(Xem: 8836)
Kính thưa quý bạn! Đây là những điều quan trọng và cấm kỵ mà chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ để cứu thần thức của người thân trong giờ phút cuối. Chúng ta luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng vì mạng sống của chúng ta rất là ngắn ngủi, không ai có thể biết trước ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra. Nếu chúng ta chuẩn bị trước, khi có tang sự chúng ta sẽ không bị bối rối. Chuẩn bị trước không có nghĩa là tiêu cực mà là ta có trí tuệ, can đảm, dám đối diện với cái chết và hiểu thấu đời là vô thường vì ai cũng phải chết. Chết không có nghĩa là hết mà là bắt đầu cho cuộc sống mới. Vậy tại sao chúng ta không dùng cuộc sống giả tạm đau khổ ngắn ngủi này, để chuẩn bị cho mình một đời sống mới trường thọ vĩnh cửu.

I. Những điều quan trọng khi có người thân đang bị hấp hối:
  • Đặt người thân nằm một chỗ thoải mái với một tư thế thoải mái.
  • Mở máy chíp niệm Phật (là cái máy nhỏ niệm Phật không cần thay băng, quý bạn nên tới chùa để thỉnh) ngày đêm bên cạnh người bệnh cho tới khi chôn hoặc hỏa thiêu. (Chỉ dùng máy trong những lúc không có người trợ niệm)
  • Lấy hình Phật để trước mặt để họ yên lòng và tưởng đến Phật.
  • Khuyên thân nhân trong nhà không được khóc. Điều quan trọng không phải là giữ lại thân xác của người thân mà là lúc rất quan trọng để cứu thần thức của người thân.
  • Khuyên mọi người trong nhà cùng nhau ngồi hoặc đứng chung quanh người hấp hối để niệm Phật trợ niệm.
  • Tiếng niệm vừa đủ nghe không được lớn quá hay nhỏ quá; nhanh quá hay chậm quá. Tóm lại, chúng ta trợ niệm làm sao giúp cho người sắp chết cảm thấy an lạc và thanh thản.
  • Trong nhà cần có một người hiểu biết một chút về Phật pháp, luôn luôn kề tai người hấp hối để khuyên họ hãy buông bỏ hết trần duyên, tình cảm, bản thân... vì tất cả đều là giả không thật.

Khuyên họ hãy mau mau niệm Phật để Phật đến tiếp dẫn về Cõi Phật. Khuyên họ biết nếu họ không chịu buông bỏ cứ nuối tiếc thì họ sẽ bị làm ma khổ sở và bị đọa luân hồi. Khuyên họ hãy niệm Phật vì gia đình ai cũng thương họ lắm, muốn họ được đi theo Phật. Nếu họ không niệm Phật, lỡ làm ma thì gia đình sẽ buồn lắm...Tóm lại, dùng lời khuyên để trấn an giúp thần thức của người sắp chết được yên tâm mà giữ chánh niệm. Vì trong lúc này người sắp chết đang hốt hoảng giằng co với tử thần, tứ đại đang bị tan rã thật là khủng khiếp và sợ hãi vô cùng (tứ đại là thân của ta gồm có bốn thứ đất, nước, gió và lửa tạo thành). Khi chúng ta trợ niệm chung quanh để khuyến tấn họ thì họ sẽ cảm thấy yên ổn an lòng mà ra đi tự tại.

II. Những điều cấm kỵ:
  • Nếu người thân chết trước khi chúng ta phát hiện thì không nên đụng hay di chuyển thân xác của họ.
  • Không nên la khóc um sùm vì sẽ làm trở ngại và hại thần thức của người sắp chết. Chúng ta khóc là hại người thân của chúng ta không được siêu thoát.
  • Không nên lôi kéo hoặc đụng đến thân thể của người chết hoặc tắm rửa thay quần áo mà phải đợi đến 12 tiếng đồng hồ sau. Tuy là người chết đã tắt thở, thể xác đã lạnh nhưng thần thức của người chết vẫn còn trong thân ngủ ấm trong vòng 8 tiếng. Chúng ta trợ niệm càng lâu càng tốt. Nếu chúng ta không hiểu đụng vào thân thể của họ thì vô tình làm cho thần thức của họ đầu thai vào đường xấu thì đây là một điều tai hại.

(Sau 8 tiếng nếu thân thể hoặc tay chân của người chết không được thẳng thì chúng ta dùng khăn thấm nước nóng đắp chung quanh khớp xương, vài phút sau thì có thể làm thân thể của người chết thẳng lại).
Vì khi người chết đi về đâu, chúng ta có thể biết được. Sau 8 tiếng đồng hồ chúng ta dùng tay dò hơi ấm của người chết. Nếu trên đỉnh đầu nóng là được vãng sanh; ngực nóng là sanh về cõi lành; lỗ rún, chỗ kín, đầu gối và dưới lòng bàn chân là bị đọa vào ba đường ác (nghĩa là súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục). Cộng vào cách chết của họ, nếu hình tướng của họ được thanh thản nhẹ nhàng thì biết họ đã lên được cõi lành. Nếu hình tướng của họ cau có khổ sở, co quắp thì bị đọa vào ba đường ác hoặc làm ma vất vưởng. Sau khi dò hơi nóng xong, biết người thân của mình bị đọa vào đường xấu thì cũng không nên nản lòng mà hãy buông xả hết mọi chuyện làm ăn, ngày đêm tinh tấn niệm Phật. Tại sao? Vì trong bảy lần bảy bốn mươi chín ngày chúng ta còn có cơ hội để cứu vong linh của người thân.
Vì người chết trong vòng 49 ngày họ sẽ không biết là họ đã bị chết. Vong hồn của họ còn ở trong nhà chung quanh người thân, chúng ta không thấy họ nhưng họ thấy chúng ta. Trong vòng 49 ngày này vong hồn của họ rất khổ sở, hoảng hốt, lo sợ, lạnh lẽo và đang bị chúng ma níu kéo. Họ kêu tên và đụng người thân nhưng người thân không ai thấy họ. Họ rất tức giận và sợ hãi (không phải người nào cũng tới 49 ngày mới đi mà có người đi đầu thai sớm hơn hoặc trễ hơn, tùy theo thần thức nghiệp lực của mỗi người mà dẫn dắt. Nhưng chúng ta cố gắng trợ niệm cho tới 49 ngày thì mới được vẹn toàn)
Trong 49 ngày này người thân không nên khóc. Máy chíp niệm Phật mở ngày đêm, người thân thay phiên trợ niệm. Bàn thờ, đèn nhang phải đầy đủ để người chết cảm thấy ấm cúng. Người thân trong gia đình luôn luôn kêu tên người chết, khuyên và nói cho họ biết rằng là họ đã chết rồi. Khuyên họ hãy mau niệm Phật để Phật đến tiếp dẫn. Nói cho họ biết nếu họ không tin họ đã chết thì hãy đi kiếm tấm gương rồi soi vào (người chết khi soi gương không thấy bóng họ trong gương.) Sau khi họ biết rõ là họ đã chết thì họ sẽ nghe lời chúng ta dẫn dắt.
Duy chỉ có 2 loại người không có bảy lần bảy bốn mươi chín ngày đó là: người niệm Phật vãng sanh thành Phật. Người niệm Phật trong lúc hấp hối thì được Chư Phật đến nơi tiếp dẫn đưa thẳng về Cõi Phật, không phải chết rồi mới đi, nên thân thể của họ rất mềm như còn sống (không phải người nào vãng sanh cũng có thân mềm mại mà còn tùy theo phẩm vãng sanh cao thấp và mỗi người đều có điềm lành khác nhau). Còn loại người thứ hai là làm toàn chuyện ác, chưa kịp nhắm mắt thì đã bị quỉ sai tới kéo thẳng vào địa ngục.
Còn phần này rất là quan trọng, nếu chúng ta biết rõ người thân sẽ bị chết thì không nên gọi cấp cứu, vì chỉ làm đau đớn thể xác và trở ngại người thân không được vãng sanh. Nếu người thân bị chết trong nhà thương thì ta nên xin nhà thương để cho người thân của mình nằm yên đến 12 tiếng (trong 12 tiếng này chúng ta phải bên cạnh trợ niệm) Sau đó mới chuyển thân xác của người thân đi chỗ khác. Nói cho họ biết đây là luật lệ tôn giáo, nếu họ nói nhà thương không cho phép làm như vậy thì chúng ta phải tranh luận tới cùng và phân giải cho họ hiểu rõ thiệt hơn, thì họ sẽ chấp nhận không làm khó chúng ta. Còn nếu chúng ta biết rõ người thân sẽ bị chết trong thời gian ngắn thì tốt nhất là nên đưa người thân về nhà, như vậy tốt cho cả mọi mặt và an toàn cho người thân của chúng ta.

III. Phần lưu ý:
Trong nhà phải luôn luôn trữ sẵn vài cái máy chíp niệm Phật khác nhau. Sau đó, dò hỏi người trong gia đình, nhất là những cháu nhỏ, coi họ thích loại niệm Phật nào, vì điều này rất là quan trọng. Đến phút lâm chung, nếu chúng ta sơ ý để loại niệm mà chúng không thích hay khác với cách chúng niệm hằng ngày thì vô tình sẽ làm chúng bị phân tâm và nổi giận. Vì mỗi người thích niệm khác nhau: có người thì thích niệm sáu chữ, có người thì thích niệm bốn chữ. Chúng ta nên chìu theo ý của người hấp hối (chỉ dành riêng cho những người chưa niệm được thuần thục, nếu đã thuần thục thì không còn phân biệt).
Trong lúc trợ niệm, nếu có đông hơn 10 người thì chúng ta nên chia ra làm hai nhóm, mỗi nhóm trợ niệm một tiếng, không nên vây quanh người hấp hối quá đông sẽ làm cho họ bị ngộp thở và khó chịu. Chúng ta nên âm thầm thay phiên nhau niệm, nhưng tránh đừng để tiếng niệm Phật bị ngưng nửa chừng. Tóm lại, chúng ta phải cố gắng tùy theo hoàn cảnh mà uyển chuyển. Dù ở nhà thương hay ở nhà xác lúc nào cũng phải để máy chíp niệm Phật bên cạnh của người thân (để loại niệm Phật không có tiếng nhạc và tiếng mõ).

IV. Không nể tình:
Kính thưa quý bạn! Phần này rất là quan trọng. Trong lúc người thân đang bị hấp hối hay là mới mất. Thân nhân hoặc bạn bè không biết tới nơi than khóc hay thương tiếc thì chúng ta nên mời họ ra ngoài ngay và nói cho họ biết rằng: “Nếu anh chị thương người nhà tôi thì xin anh chị niệm Phật trợ niệm. Còn nếu anh chị thương khóc thì vô tình sẽ hại thần thức của người nhà tôi không được siêu thoát.” Nếu họ giận bỏ đi về cũng không sao, điều quan trọng là cứu thần thức của người sắp chết, không phải là lúc sợ người thân hay bạn bè giận ghét.
Muốn bảo vệ người thân đang bị hấp hối thì chúng ta không nên báo tin cho thân nhân hay bạn bè biết nhiều, vì chỉ làm rối loạn thần thức của người hấp hối mà thôi. Chúng ta chỉ cho những người hiểu đạo hay bạn đồng tu biết để họ đến giúp đỡ trợ niệm là tốt nhất. Còn người thân hay bạn bè chúng ta cho biết sau cũng chưa có muộn.
Kính thưa quý bạn! Chúng ta là người không phải là gỗ đá. Khi người thân mất dĩ nhiên chúng ta đau buồn thương khóc, đây là chuyện tự nhiên của con người. Nếu chúng ta khóc để vơi đi nỗi đau thương ở trong lòng thì chúng ta cứ khóc (sau đám ma). Còn nếu chúng ta khóc mà trong tâm thương tiếc muốn người đó đừng bỏ mình thì không nên, vì vô tình sẽ hại thần thức của người chết không được siêu thoát. Tại sao? Vì tâm thức của những người thân rất mạnh có thể kéo thần thức của người chết ở lại. Huống chi, một thần thức của người chết làm sao có thể cưỡng lại sức kéo vô hình của nhiều tâm thức của người thân.

Tôi xin đưa ra một ví dụ:
Mẹ của chúng ta muốn đi chơi xa vài ngày để được thoải mái tinh thần sau những năm làm việc cực nhọc. Chúng ta không hiểu lại đi ngăn cản và năn nỉ: “Mẹ ơi, mẹ đừng đi chơi xa tụi con sẽ nhớ mẹ lắm, mẹ đừng đi nha mẹ”. Vậy thử hỏi người làm mẹ làm sao mà đi được? Cho dù có đi thì trong tâm cũng nặng trĩu và cảm thấy có lỗi với các con. Vô tình chúng ta làm con bất hiếu không hiểu được nỗi cực nhọc của mẹ mình (mẹ mình là người không phải là cái máy.) Nếu chúng ta có hiếu thì không nên ngăn cản mà còn khuyên mẹ mình: “Mẹ ơi! mẹ cứ đi chơi cho vui đi, mẹ đừng có lo cho tụi con và gia đình, mọi chuyện chúng con sẽ tự biết lo”. Người làm mẹ khi nghe các con nói như vậy thì mới được yên lòng mà đi chơi một cách thoải mái nhẹ nhàng. Khi cha mẹ chúng ta chết cũng vậy, chúng ta không nên thương khóc mà chỉ niệm Phật và khuyên cha mẹ hãy mau niệm Phật để Phật đến tiếp dẫn, như vậy chúng ta mới là con có hiếu.
Kính thưa quý bạn! Chúng ta có cả đời làm để kiếm tiền nhưng vong linh của người thân rất cần chúng ta trong 49 ngày này. “Cứu một mạng người còn hơn xây bảy nấc chùa” không lẽ người thân của ta mà ta không cứu được sao? Vậy thử hỏi lương tâm của chúng ta để đâu? Huống chi trong 49 ngày niệm Phật sẽ có lợi cho bản thân chúng ta rất nhiều.
Riêng chúng ta hãy tranh thủ ngày đêm niệm Phật, đừng bao giờ lệ thuộc vào người thân giúp đỡ, vì không ai cứu ta bằng chính ta cứu ta. Dù phút cuối không có người thân bên cạnh giúp đỡ trợ niệm thì chúng ta cũng giữ được chánh niệm. Vì một khi chúng ta niệm Phật đã ăn sâu vào tâm thức thì phút lâm chung sẽ giữ được chánh niệm mà vãng sanh tự tại.

V. Cầu siêu:
Kính thưa quý bạn! Khi chúng ta niệm Phật không những là sẽ cứu được bản thân, gia đình, người thân mà còn có thể cứu được vố số chúng sanh trong ba đường ác và những vong hồn đang vất vưởng đó đây.
Đây là cách cầu siêu rất là đơn giản nhưng có hiệu quả vô cùng. Cũng là một thời gian niệm Phật nhưng chúng ta có thể cứu được bản thân, gia đình và chúng sanh.

Mỗi tối hoặc mỗi sáng trước khi niệm Phật, chúng ta nên khấn nguyện rằng: “con tên A hôm nay con cầu xin 10 phương Chư Phật và Chư Bồ Tát gia hộ cho tất cả chúng sanh trong ba đường ác và những vong hồn đang vất vưởng đó đây được tin Phật, niệm Phật.” Sau đó, chúng ta nói ra tiếng và kêu gọi: “Hỡi những chúng sanh trong ba đường ác và những vong hồn đang vất vưởng đó đây, xin các bạn hãy niệm Phật theo tôi. Chỉ cần các bạn niệm A Di Đà Phật thì sẽ được Chư Phật đến nơi tiếp dẫn, các bạn sẽ không còn chịu đau khổ nữa”. Sau đó, chúng ta tịnh tâm niệm Phật (niệm ra tiếng). Sau khi niệm Phật xong thì chúng ta hồi hướng hết công đức niệm Phật của mình tới những chúng sanh trong ba đường ác và các hồn ma vất vưởng đó đây được thức tỉnh hồi đầu tin Phật niệm Phật.
Tại sao chúng ta phải niệm ra tiếng? Vì chúng ta đang dẫn dắt họ niệm Phật, nếu chúng ta không niệm ra tiếng thì họ làm sao biết mà niệm theo? Huống chi, chúng ta niệm lớn tiếng là để gieo chủng tử câu A Di Đà vào tâm của họ (người sống lẫn người chết). Trong thời gian niệm Phật chúng ta nên kêu và khuyên họ nhiều lần.
Thật ra những vong hồn khuất mặt họ lúc nào cũng đang ở chung quanh chúng ta, họ cũng có cuộc sống của họ. Chẳng qua chúng ta không thấy họ nhưng họ thấy chúng ta. Chúng ta nói gì họ cũng nghe được (đây là sự thật vì thời gian có hạn và sách cần phải ấn tống gấp nên tôi không kể cho quý bạn nghe được những chuyện ma có thật ở trong gia đình tôi, xin hẹn lại cuốn sách thứ hai. Xin quý bạn hãy đón đọc cuốn sách thứ hai vì cuốn sách thứ hai chúng tôi sẽ giải thích về Phật Pháp cao hơn và đầy đủ chi tiết). Tôi biết quý bạn sẽ nghĩ rằng: vậy địa ngục và ngạ quỷ ở xa thì làm sao họ nghe được tiếng niệm Phật của chúng ta? Kính thưa quý bạn! thần lực của câu A Di Đà bao phủ tới 6 ngã 10 phương vô cùng tận. Nếu không phải vậy thì làm sao người niệm Phật khi được nhất tâm thì nghe cả trời niệm Phật?

Phần mai táng
Kính thưa quý bạn! Về phần mai táng thì chúng ta nên hỏa thiêu là tốt nhất sẽ tốt cho cả mọi mặt. Tại sao?

Thứ nhất: Người chết ra đi sẽ được nhẹ nhàng hơn vì họ không còn nuối tiếc thân xác của họ.
Thứ hai: Nếu con cháu nghèo thì đỡ gánh nặng về chi phí và tinh thần.
Thứ ba: Nếu con cháu có tiền thì dành lại số tiền chôn cất đó để in kinh sách lưu truyền rộng ra. Làm như vậy không những là cứu được vô số chúng sanh mà còn tạo thêm phước đức cho người quá cố.
Thứ tư: Là bảo vệ được môi sinh không bị thân chúng ta làm ô nhiễm.
Thứ năm: Chúng ta có thể nhường miếng đất chôn cất đó lại cho những người còn sống để cho họ có chổ nương thân. Như vậy, sự ra đi của chúng ta mới được tròn đầy công đức và phước đức (Nếu quý bạn muốn biết thêm về vấn đề cứu thần thức và mai táng thì xin chờ đọc cuốn sách thứ hai).
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000