Hiểu Lầm Trí Tuệ Của Phật

21 Tháng Năm 20145:28 SA(Xem: 7167)
Trước kia khi chưa hiểu đạo, tôi hiểu lầm về trí tuệ của Phật. Tôi thường nghĩ rằng: “Tại sao người đời nói Phật là Đấng Từ Phụ từ bi cứu khổ; nói Phật là có trí tuệ toàn năng viên mãn, là Phật cao nhất? Nếu thật sự Ngài có đủ trí tuệ như người đời ca tụng thì Ngài đã tìm ra cách tu đơn giản để hạp cho từng căn cơ của mỗi chúng sanh, giúp tất cả chúng sanh có cơ hội tu giải thoát.”

Tu ở chùa là những bậc có thượng căn, họ tu khổ hạnh mà còn chưa nắm được phần chắc vãng sanh, vậy những chúng sanh ở ngoài làm sao có cơ hội tu để giải thoát? Tôi nghi ngờ rồi thất vọng, không còn mong được tu giải thoát mà chỉ còn bám vào hai chữ tu phước, mong là kiếp sau được lại thân người và có phước phần hơn. Cũng vì vậy mà chúng ta xưa nay chỉ lo tu phước, không dám nghĩ đến tu giải thoát, vì đường tu giải thoát quá xa vời.
Đến khi biết được môn tu niệm Phật, nghe nói niệm Phật sẽ thành Phật. Tôi nghĩ thầm: “Trên đời này làm gì có chuyện dể dàng như vậy, nếu niệm Phật sẽ thành Phật thì thế gian này đâu còn ai?” Nhưng vì thương cha mẹ, phần hoàn cảnh của tôi không cho phép chọn các môn tu khác, nên tôi mới tu niệm Phật. Thật sự là trong tâm của tôi không dám nghĩ đến phát nguyện niệm Phật để thành Phật. Đến khi thấy được bằng chứng thì tôi mới dám phát nguyện. Nhờ phát nguyện mà tôi niệm Phật được nhất tâm.

Sau khi tỉnh ngộ hiểu được chân lý của sự thật, tôi mới hiểu ra tại sao mười phương Chư Phật phải cúi đầu đãnh lễ và tôn danh Phật A Di Đà là Phật Trung Chi Vương? (nghĩa là Phật cao nhất ở 10 phương cõi Phật). Vì chỉ có Ngài mới có đủ trí tuệ viên mãn tìm ra môn tu niệm Phật cao siêu này. Một môn tu đơn giản đến mức độ thành không:
  • Không ràng buộc
  • Không luật lệ
  • Không giới hạn
  • Không đòi hỏi căn cơ
  • Không đòi hỏi thời gian
  • Không đòi hỏi hoàn cảnh
  • Không đòi hỏi tu khổ hạnh…

Không: không có nghĩa là không cần tu, chữ “Không” ở đây là nói trên cái hình thức, căn cơ, hoàn cảnh và thời gian... Trong cái không tức nhiên phải có cái có. Cái có ở trong cái không mới là vĩnh cửu bất hoại. Cái có đó là chơn tâm (Phật tánh) của chúng ta. Tâm mới là chính, mới là tu, là gốc tủy của việc tu hành. Khi tâm đã tịnh thì thân theo đó mà được tịnh. Chúng ta tu mục đích chính là chuyển cái tâm Phật của chúng ta. Khi tâm đã chuyển thì tất cả pháp và thân đều chuyển. Vì vậy mà Phật dạy rằng: “tâm là tất cả, tất cả là tâm”; “không tức là có, có tức là không.” Những cái có hình tướng mà chúng ta đang thấy hằng ngày đều trở thành không. Những cái không có hình tướng mới là những cái có tồn tại vĩnh cửu (Điển hình như chơn tâm Phật tánh của ta).

Chúng sanh khi tu môn tịnh độ sẽ không bị:
  • Không bị thối chuyển
  • Không bị loạn tâm mê hoặc
  • Không bị thế gian mê hoặc
  • Không bị hành động điên đảo
  • Không bị đọa luân hồi…

Tóm lại, môn tu tịnh độ hạp cho sáu ngã mười phương chúng sanh mọi loài. Chỉ có môn tu này mới đạt tột đỉnh ý nghĩa từ bi và trí tuệ viên mãn của Phật A Di Đà.

Sau khi tỉnh ngộ tôi mới hiểu ý nghĩa của hai chữ Phật pháp cao siêu. Ngụ ý nói phương pháp cứu chúng sanh của Đấng Từ Phụ A Di Đà quá cao siêu, cao siêu đến mức độ vượt ra ngoài tưởng tượng, tư tưởng của chúng sanh. Khiến cho chúng ta không dám tin đây là sự thật. Nếu như chúng ta ai nấy cũng tin được thì Phật đâu gọi môn tu này là môn tu cao siêu khó tin. Cũng như chúng ta thường cho: chữ nghĩa lời nói văn hoa bóng bẩy mới là cao thâm tài giỏi có học. Chúng ta nào ngờ chữ nghĩa, lời nói mộc mạc mới là chân thật, dễ hiểu và hạp cho tất cả căn cơ của mỗi chúng sanh. Giờ tôi mới hiểu: càng đơn giản thì càng đạt đạo, càng phức tạp thì càng lạc vào ma đạo.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000