Hiểu Lầm Hai Chữ Thanh Tịnh

21 Tháng Năm 20145:26 SA(Xem: 7956)
Có rất nhiều người trong chúng ta hiểu lầm về hai chữ “thanh tịnh.” Mỗi khi tôi khuyên gia đình, bạn bè hay người chung quanh niệm Phật thì họ đều nói với tôi rằng: tâm của họ chưa được thanh tịnh thì làm sao có thể niệm Phật. Tôi hỏi họ tại sao? Đa số họ trả lời rằng là nghe quý thầy giảng và trong kinh Phật có dạy: “Là phải dùng cái tâm thanh tịnh để mà niệm Phật”. Tôi hỏi họ: “Vậy tâm thanh tịnh nghĩa là gì?” Họ đều trả lời rằng: “Là tâm không được suy nghĩ hay vọng tưởng chi cả”. Tôi hỏi họ: “Vậy chờ đến bao giờ mới hết vọng tưởng, mới có cái tâm thanh tịnh?” Họ đều ngập ngừng không trả lời được và nói rằng: “Niệm Phật sao khó quá mới khởi niệm thì vọng tưởng kéo đến dồn dập.” Vì sợ mang tội với Phật nên họ không dám niệm Phật. Cũng vì sự hiểu lầm này mà khiến nhiều người không dám niệm Phật.
Kính thưa quý bạn! Nếu tâm chúng ta được thanh tịnh thì chư Phật đâu cần đến đây dạy dỗ chúng ta làm sao tu hành để giải thoát? Chúng ta đã hiểu lầm hai chữ thanh tịnh của Phật dạy trong kinh rồi. Phật dạy: “Chúng ta phải dùng cái tâm thanh tịnh để niệm Phật”. Ý Ngài là nói trên cái chơn tâm Phật tánh của chúng ta, không phải nói trên cái tâm vọng tưởng, chấp trước của chúng ta. Trong mỗi chúng ta đều có nhiều tâm khác nhau. Chúng ta không cần đi tìm hiểu nhiều tâm khác làm gì cho nhọc. Vì càng tìm hiểu chỉ càng làm ta thêm lộn xộn phân tâm rồi sinh ra phân biệt chấp trước.
Ở đây, tôi xin tóm lại còn hai tâm:
  1. Chơn tâm Phật tánh (tâm thật của ta)
  2. Tâm vọng tưởng chấp trước (tâm giả từ thân ta mà có)
Khi chúng ta phát tâm niệm Phật là đã phát cái tâm thanh tịnh của ta rồi. Tại sao? Vì tâm thanh tịnh tức là tâm Phật của ta. Chỉ có tâm Phật của ta mới niệm được câu Phật hiệu A Di Đà. Còn tâm vọng tưởng, chấp trước là giả thì làm sao có thể niệm Phật? Chúng ta xưa nay cứ dùng cái tâm vọng tưởng, chấp trước rồi cho là tâm thật. Còn tâm thật của chúng ta thì cho là tâm giả rồi bỏ qua một bên không ngó ngàng chi cả. Vì vậy chúng ta mới hiểu lầm ý của Phật.

Khi chúng ta niệm Phật, vọng tưởng kéo đến, chúng ta lại tưởng là vì mình niệm Phật nên có nhiều vọng tưởng. Thật ra không phải vậy, vọng tưởng của chúng ta lúc nào cũng nhiều vô cùng tận. Chẳng qua trước kia chúng ta dùng tâm giả nên không thấy chúng. Giờ chúng ta niệm Phật, tâm Phật của chúng ta được thức tỉnh. Tâm Phật là ánh sáng trí tuệ soi đường cho chúng ta thấy được vọng tưởng để mà tiêu diệt chúng, để chúng không làm cho chúng ta bị đau khổ luân hồi sanh tử nữa.
Cũng như một viên ngọc bị đóng sình đất lâu năm thì ta phải cần đem đi rửa. Lúc bắt đầu rửa thì tay của ta sẽ bị dơ bẩn và thau nước cũng sẽ bị đen hôi. Nhưng chúng ta cứ tiếp tục thay nước và chấp nhận tay bị dơ bẩn thì sau khi rửa nhiều lần, tay của ta, nước và viên ngọc cũng sẽ được sạch sẽ thơm tho, chiếu sáng. Niệm Phật cũng vậy, vọng tưởng là dơ, câu Phật hiệu là nước thần rửa sạch tâm dơ bẩn của ta, để viên ngọc chơn tâm được hiển hiện. Khi ông Phật trong tâm được hiển hiện thì trí tuệ của ta theo đó mà cũng được thông, đây gọi là thần thông. Thần là thần lực ánh sáng từ tâm Phật của ta phát ra làm tiêu tan tâm ma. Thông là trí tuệ bát nhã, nhờ có thần lực ánh sáng của tâm Phật mà trí tuệ của ta được thông, hiểu biết tất cả vạn pháp từ giả tới chơn.

Tâm Niệm

Tâm ta niệm nào ngoại cảnh niệm
Chợ đông người mặc kệ chợ đông.
Khen, chê, chửi, trách chuyện của người
Mưa, nắng, đêm, ngày chuyện thiên nhiên.

Tâm ta niệm nào thân ta niệm
Bận rộn đêm, ngày chuyện của thân
Đi, đứng, nằm, ngồi không chướng ngại
Thân mất, cảnh tàn vốn tự nhiên.

Tâm đã định ngại chi ngoại động
Niệm niệm Di Đà, niệm tự tâm

Trí tuệ, chơn tâm, thần thông đủ
Cực lạc danh đề Phật vị lai! (Ta là Phật sẽ thành)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 4488)
15 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 3964)
01 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 3993)
17 Tháng Mười Một 2020(Xem: 4184)
12 Tháng Mười Một 2020(Xem: 4022)
03 Tháng Mười Một 2020(Xem: 3842)
04 Tháng Năm 2020(Xem: 4485)
08 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 5501)
03 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 5488)
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000