Cảnh Giới Nội Tâm

21 Tháng Năm 20145:22 SA(Xem: 8860)
Kính thưa quý bạn! Ở đây, tôi xin chia sẻ vài điều biến chuyển cảnh giới nội tâm mà tôi đã trải qua để quý bạn tìm hiểu thêm. Vì những điều này rất là quan trọng cho việc tu hành của chúng ta. Nếu hiểu rõ thì ta sẽ không còn bị thối chuyển. Nói về cảnh giới nội tâm thì là đa dạng vì mỗi người đều mang cái nghiệp nặng nhẹ và có tâm ma khác nhau.
Ở đây tôi chỉ nói lên vài điều căn bản. Chỉ cần nắm được căn bản thì ta sẽ có cách điều ngự nội tâm để đối phó với tâm ma của mình.
Như phần đầu trong bài “Tu Hành” tôi có nói đến. Nếu muốn cứu ông Phật trong ta trở lại nguyên thủy có đủ thần thông thì ta phải hợp sức trợ lực cho tâm của mình. Ngoài chuyên tâm niệm Phật ra chúng ta cần phải có đầy đủ nghị lực để đối phó với tâm ma của mình.
Sau đây là những biến chuyển căn bản mà chúng ta sẽ phải gặp. Lúc bắt đầu niệm Phật ta sẽ cảm thấy thân tâm yên ổn thoải mái. Niệm một thời gian (ngắn hay dài còn tùy theo nghiệp và tâm ma của mỗi người) thì chúng ta sẽ nằm mơ thấy ma hoặc thú dữ rượt đòi giết chúng ta. Nếu không hiểu chúng ta sẽ hiểu lầm rồi cho rằng vì niệm Phật mà nằm mơ gặp ác mộng (sự hiểu lầm này đã xảy ra trong gia đình, con cái và bạn bè của tôi).
Kính thưa quý bạn! Không phải vậy đâu mà là công phu tu niệm của chúng ta đã có hiệu quả. Tại sao? Vì một khi ông Phật trong ta đã được thức tỉnh thì tâm ma, tâm thú trong ta sẽ bị hoảng sợ. Chúng sẽ bắt đầu hợp sức để đánh ông Phật trong ta (nghĩa là đánh chúng ta). Trong thời gian này rất là quan trọng, là thời gian thắng hay bại. Nếu chúng ta thối chuyển bỏ niệm Phật là chúng ta đã chịu thua tâm ma của chúng ta và cam tâm tình nguyện để tâm ma hành hạ khổ sở luân hồi tiếp tục.
Muốn thắng được tâm ma thì ta phải quyết tâm dũng mãnh niệm Phật tinh tấn hơn, để ông Phật trong ta có đủ thần lực của Chư Phật gia trì. Lâu ngày, ông Phật trong ta sẽ đánh đuổi được ma ra khỏi người chúng ta, nên sự quyết tâm rất là quan trọng.
Vì thấy rõ điều quan trọng này mà Đấng Từ Phụ khuyên dạy chúng ta khi tu niệm Phật thì phải có đầy đủ Tín, Nguyện, Trì Danh. Nếu thiếu một trong ba điều này thì ta sẽ bị thất bại vì ma trong người chúng ta rất mạnh.
Sau khi vượt qua những giai đoạn đánh đuổi được tâm ma, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn nhất tâm. Sau khi nhất tâm chúng ta sẽ thấy được cảnh giới nội tâm hoặc cảnh giới bên ngoài. Cảnh giới nội tâm là những gì khi chúng ta ngủ mới thấy. Còn cảnh giới bên ngoài là khi chúng ta đang thức mà thấy.
Khi thấy cảnh giới nội tâm, giấc mơ của chúng ta sẽ hoàn toàn khác hẳn với những giấc mơ bình thường trước kia. Tại sao? Vì giấc mơ của nội tâm rõ ràng y như thật và mỗi một giấc mơ đều có sự kỳ diệu. Chữ kỳ diệu ở đây bao gồm nhiều ý nghĩa như là: đẹp, kỳ lạ, thần kỳ v.v. Tóm lại, khó có thể giải thích bằng lời để cho quý bạn hiểu hoặc tin vì cảnh giới đó không có ở thế gian chúng ta, chỉ có người nào tu mới hiểu được thôi.
Ở đây, tôi xin nêu ra vài điều mà tôi đã thấy (chỉ nói về cảnh giới) để quý bạn có thể hình dung, còn tin hay không là tùy quý bạn. Trong giấc mơ tôi thường thấy đủ cảnh đẹp, danh lam thắng cảnh. Tất cả đều to lớn, sông núi xanh tươi mát rượi thoải mái. Mặt nước yên tịnh, lấp lánh, trong suốt thấy tận đáy. Ánh nắng vàng nhu nhuyễn nhẹ nhàng an lạc thân tâm. Cả bầu trời đều là cầu vòng ngũ sắc, mưa ngũ sắc. Tượng rồng mỗi con đều làm bằng ngọc báu đủ màu khác nhau. Tượng nào cũng to lớn cả một góc trời. Bướm đủ màu to lớn bằng cái bàn. Chuỗi và chuông đều to lớn. Tóm lại rất nhiều, mỗi vật, mỗi động vật đều to lớn lạ thường.
Trước kia tôi thường hay mơ ước là được đi coi danh lam thắng cảnh của thế gian. Nhưng từ khi có cảnh giới nội tâm tôi không còn muốn đi đâu nữa, vì trên thế gian này không có cảnh nào đẹp bằng cảnh giới của nội tâm. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta tham đắm. Cảnh giới nội tâm tuy có nhưng chúng ta không nên chấp có hoặc chấp không. Vì cảnh giới nội tâm vốn có cũng vốn không.
Có: là nói trên công phu tu tập đã có sự chứng đắc nên ta mới thấy được cảnh giới của nội tâm. Nghĩa là chúng ta đã chứng ngộ được một phần của chân như (tức là thấy được một phần Phật tánh của mình).
Không: là nói trên cảnh của nội tâm. Cảnh tuy có nhưng không tồn tại, vì khi chúng ta thức giấc thì cảnh đó cũng tan. Tóm lại, chúng ta hãy để nó tự nhiên không nên phân biệt. Cứ coi như chúng ta đang trên đường đi tìm về Cõi Phật, dọc đường nhìn thấy được nhiều cảnh đẹp. Mỗi một đoạn đường chúng ta đi qua sẽ thấy nhiều cảnh lạ khác nhau. Vừa đi vừa ngắm không sao nhưng đừng để cảnh làm mê hoặc. Nếu bị mê hoặc thì đường tu của mình sẽ bị lạc vào ma đạo. Chúng ta cứ một lòng tiến bước đi nhanh về nhà để gặp Phật A Di Đà. Khi đến được Cõi Phật rồi thì có thiếu gì cảnh đẹp bảy báu trang nghiêm để cho ta vui chơi, thưởng thức hưởng lạc vĩnh cửu.
Kính thưa quý bạn! Có một chuyện này rất là quan trọng, tôi kể ra đây mong là câu chuyện này có thể giúp ích được phần nào cho sự tu tập của chúng ta.
Có một đêm tôi nằm mơ, tuy nói là mơ nhưng không phải, vì sau khi thức dậy hồn của tôi còn hồi hộp tới gần một tuần mới được định tâm. Trong giấc mơ tôi thấy mình bước vào một căn phòng có tấm gương lớn. Tôi nhìn vào gương không thấy tôi. Lúc đó, tôi chưa kịp hốt hoảng thì hồn tôi tự nhiên xuất ra bay xuyên qua nóc nhà, qua xóm, qua phố, bay vào hư không. Tôi hốt hoảng hoang mang lo sợ đủ thứ. Tôi sợ lỡ có ai đó vào phòng đem thân xác của tôi đi. Phần tôi lại sợ bị chúng ma hãm hại. Hồn của tôi chới với giữa hư không, thật là sợ hãi vô cùng. Sau đó, tôi dùng hết sức của mình để niệm Phật, niệm được một hồi thì hồn tôi đứng lại giữa hư không. Rồi tự nhiên tôi thức dậy thấy miệng tôi đang còn niệm Phật. Trong thời gian xuất hồn đó tôi thấu hiểu được nhiều điều. Trước kia tôi không hiểu tại sao quý Ngài Sư Tổ bên thiền tông cuối cùng đều khuyên đệ tử nên tu niệm Phật. Sau lần đó tôi mới hiểu vì cảm giác xuất hồn thật là sợ hãi. Hồn rất nhẹ, bay rất nhanh, dù một người có định lực cao cũng không thể khống chế, chưa nói là lỡ gặp chướng duyên.
Cảm giác của tôi lúc đó như bị rơi vào cơn xoáy giữa hư không. Không điểm tựa, không phương hướng, hoang mang sợ hãi. Sau khi niệm Phật tâm của tôi tự nhiên cảm thấy an ổn và cảm giác an toàn, như người sắp chết đuối gặp được cái phao. Cảm giác đó khó có thể giải thích bằng lời.
Qua lần xuất hồn đó tôi hiểu thêm được một điều quan trọng nữa đó là: Nếu chúng ta hằng ngày niệm Phật được ăn sâu vào tâm thức. Dù phút lâm chung nghiệp nặng còn nhiều, không may gặp chướng duyên làm thể xác bị đau đớn sanh tâm thù hận quên đi niệm Phật, không được Phật đến tiếp dẫn ngay lúc đó. Nhưng sau khi chết dù hồn chúng ta có bị lưu lạc tứ phương hay bị chúng ma níu kéo. Trong lúc sợ hãi đó chúng ta sẽ nhớ đến câu niệm Phật. Chỉ cần niệm Phật thì dù chúng ta đang ở trong địa ngục, Chư Phật cũng đến nơi tiếp dẫn. Nếu hằng ngày chúng ta không lo tu niệm Phật để ăn sâu vào tâm thức, khi bị nghiệp lực dẫn dắt sợ hãi hoang mang, chúng ta sẽ không dễ gì giữ được chánh niệm để niệm Phật.

Biến chuyển thân tâm
Khi bắt đầu niệm Phật, thân tâm của ta cảm thấy yên tịnh. Niệm được một thời gian thì thân tâm của ta sẽ bị hồi hộp khó chịu khi thấy những cảnh đau lòng hay coi những phim sợ hãi. Lâu ngày, chúng ta sẽ không còn muốn coi những phim sợ hãi nữa. Tại sao? Vì ông Phật trong ta đã thức tỉnh nên thân tâm và hành vi của ta cũng bắt đầu được thanh tịnh, từ bi và trí tuệ khai mở, buông xả tham đắm theo thời gian mà chính bản thân của ta không hay biết. Đây là sự nhiệm màu thần diệu của câu A Di Đà. Sau khi qua giai đoạn hồi hộp, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn định (tức định trên tâm vọng). Sau khi định chúng ta sẽ bước qua giai đoạn nhất tâm. Sau khi được nhất tâm chúng ta sẽ bước qua giai đoạn chánh định (tức là được nhất tâm tam muội). Khi tâm được chánh định thì dù đi đứng hay nằm ngồi đều an vui tự tại. Đặc biệt là những lúc tĩnh tọa niệm Phật. Chúng ta sẽ quên hết thân tâm, cảnh vật, quên cả thời gian và không gian. Chỉ còn lại mỗi câu Phật hiệu A Di Đà là hiện hữu (Có người được định trước, chứng sau. Có người được chứng trước, định sau tùy theo căn tánh của mỗi người mà có sự khác nhau).

Phần lưu ý :
Sau khi được nhất tâm, chúng ta chỉ dùng tâm để nghe tiếng nhạc niệm, không nên dùng đầu để nghe. Nghĩa là dùng tánh nghe để nghe tiếng nhạc niệm từ tâm phát ra, không phải dùng tánh nghe để nghe tiếng nhạc niệm trong đầu. Nếu chúng ta không hiểu dùng đầu để nghe thì lâu ngày sẽ bị nhức đầu và khó chịu. Tại sao? Vì niệm này quá lớn, lớn đến mức độ vượt khỏi không gian và thời gian, nên đầu của chúng ta không thể chứa nổi, chỉ có tâm Phật của ta mới chứa nổi một niệm siêu việt này. Và niệm này không phải chỉ thoát ra một lần rồi hết mà nó sẽ phát ra liên tục như một dòng suối tuôn chảy trong tâm không cùng tận sẽ theo chúng ta cho tới ngày vãng sanh (nếu chúng ta không thối chuyển.).
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000