Niệm Phật Cách Nào Để Được Nhất Tâm

21 Tháng Năm 20145:20 SA(Xem: 9046)
Niệm Phật có 48 cách niệm. Ở đây tôi xin chia sẻ với quý bạn về cách niệm Phật của tôi.
Từ khi hiểu được môn tu niệm Phật, vì cuộc sống bôn ba bận rộn nên mỗi tối tôi không có nhiều thời gian để niệm phật. Vì vậy mỗi khi lái xe đi làm, đi về hay đi công chuyện tôi đều niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” (niệm ra tiếng). Thậm chí những lúc ăn, ngủ hay làm công chuyện, tôi đều niệm Phật (niệm thầm). Khi niệm Phật tôi không lằn chuỗi, không đếm số, không câu nệ vào hình thức như: đi đứng hay nằm ngồi (nhưng ở chùa thì khác).
Khi niệm Phật, vọng tưởng kéo đến tôi cứ mặc kệ để cho nó đến, đến càng nhiều thì càng tốt, vì nếu chúng ta không để chúng tự nhiên đến thì chúng sẽ không tự nhiên đi. Khi chúng đến, chúng ta thương chúng như con, rồi dùng câu niệm Phật mà độ chúng. Nghĩa là ta cứ niệm tự nhiên rồi lâu ngày vọng tưởng tự nhiên biến mất (biến mất không có nghĩa là diệt sạch mà là chúng biến mất mỗi khi chúng ta niệm Phật.) Duy chỉ có hai điều quan trọng là: khi chúng ta niệm thì dùng tánh nghe của ta để nghe câu niệm Phật, rồi đưa câu niệm Phật vào tâm, nhưng phải niệm một cách tự nhiên nhẹ nhàng uyển chuyển theo hơi thở, như chúng ta đang uống nước, đừng dồn nén lên đầu nhiều. Tóm lại, mỗi người tự tìm cho mình một cách thích hợp, nhẹ nhàng và tự nhiên.
Kính thưa các bạn! Tôi đã dùng cách này rất là hữu hiệu, có thể giúp chúng ta dễ định tâm và phát nguyện một cách mãnh liệt. Mỗi khi chúng ta niệm Phật, niệm 6 chữ hay 4 chữ cũng được. Miễn sao niệm tới chữ “Đà Phật” thì tâm ta nghĩ chữ “Đà Phật” là “thành Phật”. Nghĩa là miệng chúng ta niệm A Di Đà Phật, nhưng trong tâm thì mỗi câu Đà Phật đều nguyện thành Phật. Như vậy vừa niệm vừa nguyện cùng một lúc thì tâm của ta sẽ được tập trung hơn, không còn bị vọng tưởng phân tâm và cũng là một cách nhắc nhở cho ta niệm Phật là để thành Phật. (Khi nghe nhạc niệm Phật chúng ta cũng nguyện như vậy)
Khi mới bắt đầu nguyện, chữ “thành Phật” trong tâm còn rời rạc. Nguyện lâu ngày, trong tâm chỉ còn lại một khối thành Phật. Khi chữ “thành Phật” đã đóng thành một khối thì dù ta có đi đứng hay nằm ngồi, chữ “thành Phật” trong tâm cũng không hề thay đổi.
Ngoài chuyên tâm niệm Phật ra, chúng ta phải biết buông xả. Điều này thì quý bạn đừng lo nhiều, vì khi niệm Phật lâu ngày quý bạn sẽ tự nhiên buông xả mà chính bản thân không hay biết. Nếu quý bạn muốn niệm Phật mau được nhất tâm thì chỉ có vào chùa tu niệm Phật thất (thất là 7, nghĩa là vào chùa tu niệm Phật liên tục 7 ngày) là hữu hiệu nhất . Sau 7 ngày niệm Phật tâm của bạn sẽ có sự thay đổi một cách không ngờ. Qua kinh nghiệm của bản thân tôi hiểu rõ, chỉ cần quý bạn quyết tâm buông xả, nguyện niệm Phật để thành Phật thì trong vòng ba năm bạn sẽ niệm Phật được nhất tâm tam muội. (buông xả trên tâm không phải buông xả trách nhiệm)

Cách niệm Phật đối trị vọng tưởng:
Chúng ta niệm vô tư như đứa bé ba tuổi. Miệng niệm liên tục, tai nghe liên tục. Niệm theo lối Kim Cang Trì (niệm ra tiếng). Nghĩa là niệm sáu chữ hay bốn chữ cũng được. Điều quan trọng là niệm mỗi chữ phải liên tục nhau không gián đoạn, như bức tường thành chận đứng không cho vọng tưởng xen vào. Miệng ta niệm liên tục, tai nghe liên tục thì vọng tưởng không có cơ hội xen vào. Vọng tưởng càng nhiều, ta niệm càng lớn. Khi vọng tưởng bớt dần thì ta niệm thầm, khi vọng tưởng kéo đến thì ta niệm lớn (đây là cách đưa vọng tưởng vào Niết Bàn, không phải chống lại vọng tưởng) Nếu chúng ta khởi tâm chống lại, vô tình sẽ bị rơi vào phân biệt chấp trước, còn chấp trước thì còn chướng ngại. Tóm lại, khi niệm Phật thân tâm của ta phải uyển chuyển nhẹ nhàng như dòng nước chảy. Có như vậy thì câu niệm Phật mới được thâm nhập vào tâm (Khi bắt đầu tập niệm xin các bạn đừng lo về vấn đề đưa tiếng niệm vào tâm chỉ niệm tự nhiên là đủ rồi).

Niệm Phật khi đi kinh hành:
Chúng ta phải niệm từ từ theo bước chân (niệm ra tiếng, niệm thầm hoặc nghe theo nhạc niệm Phật). Mỗi bước đi phải chắc, thân phải thẳng, tâm phải nguyện: ta là Phật sẽ thành. Trong lúc đi kinh hành chúng ta luôn quán tưởng: mỗi bước chân ta đi là cứu độ chúng sanh, mỗi bước chân ta tới là cứu chúng sanh thoát khỏi lầm than. Chúng ta cứ nguyện như vậy lâu ngày thì tâm của ta sẽ từ bi như tâm Phật. Rồi đến một ngày tâm của ta và tâm của chư Phật được hòa nhập hợp nhất thì lúc đó ta sẽ nhập vào được cảnh giới nhất tâm tam muội. Muốn vào được cảnh giới tam muội thì tâm của ta phải đồng nguyện và đồng từ bi như Phật.

Phần lưu ý:
Khi niệm Phật chúng ta đừng câu nệ về vấn đề nhắm mắt hay mở mắt. Chúng ta phải biết uyển chuyển theo thân thể và sức khỏe của mình (nghĩa là khỏe thì mở mắt he hé, mệt thì nhắm mắt). Niệm Phật là tâm ta niệm không phải mắt và thân ta niệm. Tâm là chính, thân chỉ là phụ trợ lực cho tâm mà thôi. Điều quan trọng là khi niệm Phật tâm của ta phải luôn luôn thức tỉnh để giữ câu niệm Phật. Nếu chúng ta câu nệ vào hình thức quá nhiều, vô tình sẽ sanh ra phân biệt chấp trước. Còn phân biệt thì còn chướng ngại, còn chướng ngại thì không đạt đến an lạc tự tại. Tóm lại, chúng ta càng buông xả thì càng tự tại.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Tám 2018(Xem: 7304)
29 Tháng Năm 2018(Xem: 7524)
10 Tháng Chín 2017(Xem: 8306)
29 Tháng Tám 2017(Xem: 7213)
Ký sự chuyến đi xem nhật thực 2017
10 Tháng Bảy 2017(Xem: 7750)
22 Tháng Sáu 2017(Xem: 6928)
10 Tháng Sáu 2017(Xem: 8412)
20 Tháng Năm 2017(Xem: 8727)
23 Tháng Giêng 2017(Xem: 12597)
Việt sử khái quát qua cuộc nói chuyện với một người bạn ngoại quốc.
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000