LXIII. Thủy hỏa ký tế

20 Tháng Năm 201411:58 CH(Xem: 11505)
LXIII - THỦY HỎA KÝ TẾ.
Thủy hỏa ký tế 

A - Giải Thích Cổ Điển.

 

1) Toàn quẻ :

 

- Đã quá hơn người tất làm nên. Vậy tiếp sau quẻ Tiểu-Quá là quẻ Ký-Tế.

 

- Tượng hình bằng trên Khảm dưới Li, nước để trên lửa tức là thủy hỏa tương giao, tất thành công. Thêm nữa, cả 6 hào đều đắc chính, và đều có chính ứng, tượng như một xã hội hoàn toàn trong đó mỗi người ở địa vị đáng với tài đức của mình.

 

- Nhưng sau mỗi hào dương đều có một hào âm, nên quân tử thấy tốt mà phải đề phòng sự xấu sẽ xẩy ra.

 

2) Từng hào :

 

Sơ Cửu : dương cương đắc chính, là người có tài. Ở đầu thời Ký-Tế, chỉ nên hành động từ từ, không nên quá vội e sẽ hỏng việc.

 

Lục Nhị : đắc chính đắc trung, trên ứng với Cửu Ngũ. Nhưng Ngũ kiêu ngạo, không chịu hạ mình với Nhị. Nhị phải kiên gan bền chí, có ngày Ngũ quay về với Nhị. (Ví dụ Bàng Thống khi mới đến Kinh Châu, Lưu Bị chưa trọng dụng ngay).

 

Cửu Tam : trùng dương, lại ở trên quẻ Li, là người quá cương cường, nên có lời răn: ở thời Ký-Tế nên an hưởng thái bình, chớ nên nghe bọn tiểu nhân hoặc tư tình súc siểm gây chuyện. (ví dụ Trịnh Sâm không chịu ở yên, vào xâm chiếm Phú Xuân, rồi bỏ con trưởng lập con thứ, nên cơ nghiệp họ Trịnh đang thịnh vượng bị suy đổ).

 

Lục Tứ : bắt đầu vào quẻ Khảm là hiểm, nghĩa là đạo Tế đã hơi dao động, phải cẩn thận đề phòng. May Tứ nhu thuận biết lo xa, nên không việc gì. (Ví dụ Hán Văn đế lên ngôi khi Triệu Đà cũng xưng đế ở phương Nam, ôn tồn sai Lục Giả tới khuyên nhủ, Triệu Đà cảm đức độ của Văn Đế mà chịu bỏ đế hiệu).

 

Cửu Ngũ : cũng đắc trung đắc chính như Lục Nhị, nhưng Nhị còn ở hạ quái, thời Tế còn vững mạnh và Nhị cũng nhu thuận nên không việc gì. Trái lại, Ngũ đã vào thượng quái, thời Tế đã rung rinh mà Ngũ lại cương cường, e sẽ mắc họa. (Ví dụ vua Ngụy Tào Mao, chống Tư Mã Chiêu, nên bị hại).

 

Thượng Lục : ở trên Khảm hiểm, là lúc thời Tế đã nguy ngập, không thể kéo lại được nữa, lệ. (Ví dụ Chiêu Thống làm vua lúc vận nhà Lê đã hết).

 

B - Nhận Xét Bổ Túc.

 

1) Ý nghĩa quẻ Ký-Tế :

 

a) Hạ quái Li sáng sủa, dần dần tiến lên thượng quái Khảm nguy hiểm, nên e rằng thời Ký-Tế bắt đầu trong thời ký thịnh vượng nhưng sẽ kết thúc trong hiểm nguy rối loạn.

 

b) Ta có thể so sánh quẻ Ký-Tế này với quẻ Thái số II, gồm có thượng quái là Khôn và hạ quái là Càn, quân tử xua đuổi tiểu nhân, nên rất tốt. Trong quẻ Ký-Tế các hào âm dương xen lẫn nhau, hợp tác với nhau nên cũng rất tốt, nhưng đó là một thế quân bình bấp bênh, khó giữ vững được lâu bền.

 

c) Vậy quẻ này ứng vào thời kỳ mới đạt được hoặc đang đạt được những thắng lợi to tát, nhưng e rằng sẽ sụp đổ nếu không giữ gìn cẩn thận. Ví dụ:

- sau cuộc đệ nhất thế chiến, chẳng bao lâu xẩy ra hiểm họa phát-xít;

 

- sau cuộc đệ nhị thế chiến, xảy ra hiểm họa cộng sản.

 

2) Bài học :

 

a) Trong giai đoạn đầu của thời Ký-Tế (giai đoạn sáng sủa của hạ quái Li có thể hoạt động được nhưng phải hoạt động sáng suốt. Những kẻ cương cường không nên hoạt động quá vội (Sơ) hoặc quá mạnh mẽ (Tam). Những kẻ nhu thuận đắc trung như Nhị thì nên giữ bền trinh chính, sẽ được Cát.

 

b) Trong giai đoạn cuối của thời Ký-Tế (giai đoạn nguy hiểm của thượng quái Khảm), lại càng phải thận trọng nữa:

 

- Lục Tứ đắc chính nhu thuận có thể giữ yên được lộc vị;

 

- Cửu Ngũ quá cương cường, liều mạo hiểm, có thể gặp nguy;

 

- Thượng Lục vô tài, lại ở lúc thời Ký-Tế cáo chung, sẽ mang họa.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000