LII. Bát thuần cấn

20 Tháng Năm 201411:52 CH(Xem: 12105)
LII – BÁT THUẦN CẤN
Bát thuần cấn

A - Giải Thích Cổ Điển.

1) Toàn quẻ :

- Vật lý không thể động mãi được, tất nhiên phải dừng. Vậy tiếp quẻ Chấn là quẻ Cấn .

- Tượng hình bằng hai quái đều là Cấn. Cấn là Khôn (đất) mà có một hào dương đùn lên như núi, là im lìm, dừng lại. Thêm nghĩa nữa là hào dương dụ cho cái lưng, lưng không liên can với ngoại giới trong khi ngũ quan vẫn hoạt động.

- Vậy Cấn là giữ tâm an tịnh, nhưng vẫn quan tâm đến việc đời. Tùy lúc nên dừng thì dừng, mà lúc nên họat động thì sẽ hoạt động như thế mới đúng là đạo quang minh. Quân tử tượng quẻ, luôn luôn hành hoặc chỉ theo đúng thời thế và địa vị của mình.

2) Từng hào :

Sơ Lục : ở dưới cùng, ví như ngón chân, lúc mới động thì biết chỉ ngay, sẽ được vô cựu, và phải kiên cố lâu dài mới tốt. (Ví dụ Nguyễn Du, khi Tây Sơn chiếm Bắc Hà, về quê vợ định khởi nghĩa, nhưng thấy vô ích, bèn mai danh ẩn tích).

Lục Nhị : ví như bắp chân, phải theo cẳng chân (Tam), nên Nhị không vui. Nhưng kệ Tam xuẩn động không nghe mình, Nhị cứ giữ vững chính đạo. (Ví dụ Phạm Phú Thứ, Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ,v.v. biết rõ thế lực ghê gớm của Pháp, khuyên triều đình nguyễn nên thành tâm giao hảo với Pháp và mở rộng cửa cho các cường quốc khác để kiềm chế Pháp, nhưng bọn Tường, Thuyết ngu tối, không chịu).

Cửu Tam : ví như giữa quãng thân thể, dương cương bất trung, lại không ứng với ai, tượng như người có bệnh ở giữa xương sống, bị nguy. (Ví dụ Tôn Thất Thuyết bạo động ở Mang Cá).

Lục Tứ : bắt đầu vào thượng quái, nhu hậu đắc chính, ví như thân đứng vững tuy không có công nghiệp gì lớn, nhưng cũng được vô cựu. (ví dụ Yên Đổ Nguyễn Khuyến, ra làm quan lúc phong trào cần vương còn bồng bột, biết là vô ích, nên an phận thủ thường, làm quan một dạo rồi rút về quê lánh mình).

Lục Ngũ : ở giữa thượng quái, ví như miệng mép. Đắc trung, việc gì đáng nói mới nói, nên tất được hối vong. (Ví dụ Nguyễn Công Hãng, tuy ở gần chúa Trịnh hống hách, thấy việc gì can được mới khuyên can, nên chúa Trịnh phải nể vì).

Thượng Cửu : có đức dương cương, lại ở cuối quẻ cấn, là bền vững cho đến lúc cuối cùng, lấy đức hậu mà được kết quả tốt. (Ví dụ Câu Tiễn lần đầu tiên phản công Ngô, tuy đã đạt được chút thắng lợi, nhưng thấy Ngô còn vững, bèn cho giảng hòa, chờ đến khi Ngô suy đốn cùng cực mới tiêu diệt).

B - Nhận Xét Bổ Túc.

1) Ý nghĩa quẻ Cấn :

Tượng quẻ là núi im lìm, tức là dừng, không tiến lên nữa. Nhưng dừng không phải là buông bỏ hoạt động một cách thụ động vì áp lực, mà là dừng chủ động vì đó là con đường hợp lý. Khi nên hành thì hành, khi nên chỉ thì chỉ, đó là ý nghĩa của quẻ Cấn.

Quẻ này biểu lộ triết lý biết tự kiềm chế, thuận theo thời vận, không xuẩn động khi thời thế không cho phép. Triết lý này, các bậc anh hùng quá tham lam như Napoléon, Hitler, đã không biết nên thất bại.

2) Bài học :

Đừng đòi hỏi một nghị lực rất lớn, còn hơn cả hoạt động. Thái độ này bao hàm 2 việc:

a) Không nhiễu sự đối với người dưới nếu họ tuân theo luật pháp kỷ luật. Đó là chính sách tự do (liberalisme) để cho dân tự do sản xuất; buôn bán, làm giầu trong vòng pháp luật. Chớ có đặt ra luật lệ quá phiền phức (interventionnisme). Cấp cầm quyền chỉ nên điều khiển những hoạt động lớn, như phát hành tiền tệ, an ninh xã hội, quốc phòng, ngoại giao, mà nên tránh (dừng) can thiệp vào những hoạt động cá nhân.

b) Đối với bản thân mình, gác ra ngoài dục vọng, ưu tư. Chớ ham làm giầu quá sức, chớ vọng tưởng những danh vọng mà mình không xứng đáng. Đúng với châm ngôn nhà Nho: ỏTri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc? Triết lý đó gần giống với triết lý đạo Phật: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, cả hai đều là minh triết của phương Đông.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000