Quyển Một: Trực Tâm Là Đạo

22 Tháng Năm 20149:23 CH(Xem: 12576)
1- Trên trời, dưới trời chỉ có ta là hơn cả.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi sinh ra, tay phải chỉ trời, tay trái chỉ đất, bước đi bẩy bước, mở miệng nói :
-Trên trời, dưới trời chỉ có ta là hơn cả.

Đương nhiên, trong thực tế chỉ là một đứa bé con mắt long lanh, khóc òa một tiếng mà thôi, nhưng Thiền tông đã mang tiếng khóc này biến thành “Trên trời, dưới trời chỉ có ta là hơn cả”. Chỉ một tiếng “ta” là giải quyết mọi vấn đề. Cái gọi là kinh nghiệm Thiền lại là một loại tự giác là “không có cái ta, do đó tất cả đều là ta” tự giác. Vì ta độc tôn cùng với trời đất, vạn vật cùng căn, bình đẳng, tự do.

Tham Phật rất khó, mà cũng rất dễ. Phật đạo là biết rõ ta, có thể tham suốt nội hàm mọi người đều có Phật tánh.


2- Tâm bình thường là Đạo.
Triệu Châu hỏi Nam Tuyền :
-Đạo là gì ?
-Tâm bình thường là Đạo.
-Lấy tâm bình thường làm mục đích để tu có được không ?
-Không được, vì như thế càng làm khó đạo thật hơn.
-Nếu không khởi tâm tu Đạo thì làm sao biết đó là Đạo ?
-Đạo không thuộc phạm vi biết hay không biết. Biết là vọng giác, không biết là hư vô vậy thôi. Nếu quả đạt được chân chính không nghi một bước nữa, thì ông sẽ thấy tâm như thái không, hiểu rõ ràng, không che mờ, không nghi ngại, thì còn lời gì để thị phi nữa ?

Triệu Châu nghe lời đó bèn đốn ngộ.

Tâm bình thường là Đạo là một câu nói diễn tả bản chất của Trung Quốc Thiền. Những câu cùng loại như “Tâm là Phật” “Phiền não là bồ đề” “Tâm tâm không khác” v . v . khiến người ta từ các góc độ khác nhau mà thể ngộ.


3- Thiền gần.
Huyện lịnh Thành Đô là Phạm mỗ, nghe nói Thiền sư Viên Ngộ Khắc Cần trở về Thành Đô, trú ở chùa Viên Giác, bèn đến bái phỏng, nhờ Thiền sư chỉ cho con đường vào Đạo.
Khắc Cần kêu ông tham câu nói của Mã Tổ :
-Không phải là tâm, không phải là Phật, không phải là vật, cuối cùng là cái gì ?

Phạm mỗ tham rất lâu nhưng chả được gì, khóc nói với Khắc Cần :
-Lão hòa thượng phải dạy con, chỉ cho con con đường khiến con hiểu Thiền, có được không ?
-Ở đây tôi có một phương tiện đơn giản chỉ cần nghĩ đó là cái gì, không là cái gì.

Huyện lịnh Phạm cuối cùng khai ngộ nói :
-Thiền nguyên lai không ở xa, mà gần ngay bên.

Thiền nói xa thì xa, nói gần thì gần. Nói huyễn thì xa ngàn vạn dậm, biết bình thường thì gần ngay ở tâm.


4- Cổ Phật lâu lắm rồi.
Một ông tăng hỏi Quốc sư Huệ Trung :
-Phật pháp bất diệt là gì ?
-Ông đem bình nước lại đây cho tôi.
Ông tăng y lời, Quốc sư lại nói :
-Ông mang bình nước trả về chỗ cũ.

Ông tăng mang bình nước về chỗ cũ và nhắc lại câu hỏi, lúc đó Huệ Trung nói :
-Cái gì là Phật pháp bất diệt ? Đồ cổ ấy đã lâu lắm rồi.

Hòa thượng Huyền Sa cùng Vi tướng quân cùng ăn trái cây. Vi tướng quân hỏi :
-Phật ngữ nói : Dùng hàng ngày mà không biết, là ý gì ?

Hòa thượng nhặt một trái cây, đưa cho tướng quân :
-Ông ăn đi !

Tướng quân ăn rồi nhắc lại câu hỏi.
Lúc đó hòa thượng nói :
Đó là dùng hàng ngày mà chẳng biết. Ông rõ không ?

Diệu nghĩa của Phật pháp là phổ thông và bình thường, tự nhiên. Lúc ăn, lúc mang bình nước thể hiện đệ nhất chân đế. Cho nên cổ Phật đã qua lâu rồi, nhưng thủy chung vẫn thường tại.


5- Thế giới và gương cổ.
Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn bảo tăng chúng :
-Các ông biết không nhận thức và đối tượng nhận thức là một, khế hợp với nhau. Nếu thế giới vuông, tròn một thước thì nhận thức của chúng ta cũng vuông, tròn một thước; nếu thế giới vuông, tròn một trượng thì nhận thức của chúng ta cũng vuông, tròn một trượng.

Học trò của ông là Huyền Sa sư bị chỉ hỏa lò hỏi :
-Cái này lớn chừng nào ?
-Cùng gương cổ (nhận thức) một dạng to, nhỏ.

Gương cổ phản chiếu toàn thế giới; vạn sự, vạn vật đều dung nạp trong gương cổ.


6- Ngày nay , ngày mai.
Có ông tăng hỏi Diễn thiền sư :
-Ý tổ sư từ Tây sang là gì ?
-Ngày nay, ngày mai.

Ngày nay, ngày mai đều bình thường. Bình thường là Thiền vậy. Người chưa ngộ nói nhiều vô ích, người ngộ rồi thì ngày ngày đều ở trong Đạo.


7- Đạo lớn không khó chỉ hiềm lựa chọn.
Hòa thượng Triệu Châu bảo học trò :
-Chân lý Thiền không khó được, chỉ không sinh tâm phân biệt. Giả như tôi dùng ngôn ngữ đạt được là một loại lựa chọn phân biệt, vì ngôn ngữ văn tự là một loại lựa chọn. Tôi không lựa chọn, tự minh bạch tâm không phân biệt. Đối với tôi tâm đã không lựa chọn cũng không rõ, các ông hãy hộ trì tâm không thị phi, không phân biệt.

Lúc đó có một ông tăng hỏi :
-Nếu lão sư đã chẳng rõ sao, còn bảo chúng con hộ trì cái gì ?
-Tôi cũng chẳng rõ.
-Nếu lão sư đã chẳng rõ sao lại bảo chúng con là rõ ?
-Vì có người hỏi, không lẽ không nói. Được rồi ! Thuyết pháp đã xong.

Đạo lớn không khó chỉ hiềm lựa chọn. Là vì tìm kiếm Thiền đạo, chốn chốn đều là con đường. Chúng ta đang ở con đường, đang đi đó.

Chú Thích của dịch giả :
Triệu Châu nói ông không rõ là chỉ ngôn ngữ là một dụng dụ của thế giới nhị nguyên, có lựa chọn là có phân biệt; ông không rõ là chỉ ông không phân biệt. Ông tăng không hiểu ý này nên hỏi :
-Thầy đã không rõ còn bảo chúng con hộ trì cái gì ?

Triệu Châu lại nhấn mạnh :
-Tôi cũng chẳng rõ.

Ông tăng càng hồ đồ :
-Thầy đã không rõ sao bảo tự minh minh bạch ?

Triệu Châu thấy ông tăng không hiểu có nói nhiều cũng vô ích,nên chấm dứt đối thoại ở đây.


8- Thế nào là Đạo ?
Trần Tôn Túc hỏi một vị lão tú tài :
-Vị tiền bối này đang đọc kinh gì vậy ?
-Kinh Dịch.
-Kinh Dịch nói lão bá tánh dùng hàng ngày mà chẳng biết, không biết lão bá tánh không biết cái gì ?
-Lão bá tánh không biết sự vận hành của Đại Đạo.
-Cái Đại Đạo ấy là thế nào ?

Lão tú tài không trả lời được.

Sinh hoạt bản thân là Đạo. Lão tú tài không biết mày mặt thật của Lư Sơn, chỉ duyên thân ở trong núi này.


9- Trời lạnh phải cẩn thận !
Linh Huấn mới đến gập Quy Tông hỏi :
-Phật là gì ?
-Tôi nói ông có tin không ?
-Hòa thượng chân thành dạy Đạo, sao con dám không tin ?
-Chính là ông.
-Làm sao bảo trì ?
-Một hạt bụi vào mắt, trăm hoa rơi loạn.

Lúc Linh Huấn từ biệt để đi, Quy Tông hỏi :
-Ông định đi đâu ?
-Về Lãnh Trung.
-Ông ở đây đã lâu, xếp đặt xong hành lý thì tới đây, tôi sẽ nói Phật pháp cho ông.

Linh Huấn xếp đặt xong hành lý đến Thiền đường, Quy Tông nói :
-Đến gần đây, tôi vì ông mà nói.

Linh Huấn lại gần.
-Nhớ kỹ, trời lạnh trên đường phải cẩn thận.

Linh Huấn nghe lời nói này, những trí giải lúc trước đều quên cả.

Đạo không huyền nghĩa, chỉ bình thường. Càng bình thường càng gần Đạo. Linh Huấn quên hết trí giải lúc trước chính là bước vào cảnh giới khai ngộ.


10- Đói ăn, mệt ngủ.
Nguyên Luật hỏi thiền sư Tuệ Hải :
-Hòa thượng tu Đạo có dụng công không ?
-Dụng công.
-Dụng thế nào ?
-Đói ăn, mệt ngủ.
-Mọi người đều vậy, có cùng hòa thượng dụng công không ?
-Không cùng.
-Vì sao không cùng ?
-Có người ăn không ăn, ngủ không ngủ; trăm kế, ngàn phương khổ sở tìm cầu sách lược do đó không cùng.

Luật sư không trả lời được.

Bình thường, tự nhiên, thích hợp là Thiền vậy.


11- Nhập lý Quán Âm.
Có một lần, thiền sư Bách Trượng dẫn các ông tăng lên núi làm ruộng. Vào buổi trưa, chùa đánh trống gọi các tăng về ăn cơm. Vì Bách Trượng chưa ra lệnh cho nghỉ nên các ông tăng vẫn lao động. Nhưng có một ông, nghe tiếng trống, lập tức vác cuốc lên vai, cười vui, chạy mau về chùa. Bách Trượng trông thấy khen :
-Đó chính là nhập lý Quán Âm!

Khi về chùa, Bách Trượng hỏi ông tăng ấy :
-Hôm nay ông thấy đạo lý gì mà hành động như thế ?
-Chả có đạo lý gì cả, sáng nay con không ăn sáng, nghe tiếng trống báo giờ cơm nên con chạy về ăn.

Bách Trượng nghe rồi cười lớn ha ha !

Thiền là tối phổ thông, tối hiện thực, ăn mặc, đi đứng cứ tự nhiên là Thiền đạo.


12- Đi rửa bát đi.
Có một ông tăng bảo Triệu Châu :
-Con mới vào Thiền lâm, thỉnh sư phụ chỉ điểm.
-Ông ăn cháo chưa ?
-Ăn rồi !
-Vậy, đi rửa bát đi.

Đi rửa bát đi và tâm bình thường là Đạo đều là cụ thể hóa. Đừng bị mê hoặc bởi những giải thích và hàm nghĩa của Đạo, hãy tự mình tu tâm là tiếp cận với Thiền đạo.


13- Ăn cơm đi.
Một hôm trong giờ cơm, thiền sư Đạo U vào phòng ăn, gõ chùy cáo thị :
-Có điều muốn nói với mọi người !

Các ông tăng ngẩng đều lên nghe.
-Ăn cơm đi !

Ăn cơm là ở trong Thiền đạo, người thường không để ý đến điều này nên Đạo U gõ chùy chỉ cơ.


14- Thị giả là hai con hổ.
Có một ngày, quan sát sứ Bùi Hưu đến tham phỏng thiền sư Thiện Giác, hỏi :
-Lão sư có thị giả không ?
-Có 2.
-Ở đâu ?
-Đại Không ! Tiểu Không !

Lúc đó có 2 con hổ từ sau viện chạy ra, Bùi Hưu sợ hãi.
-Có khách tới, tạm thời hãy lui !

2 con hổ rống lên rồi lui.
-Lão sư làm chuyện gì tốt mà có quả báo này ?

Thiền sư im lặng hồi lâu rồi hỏi :
-Ông hiểu không ?
-Không.
-Sư núi thường niệm Quán Âm.

Dưới con mắt Thiền, người có Phật tánh, vật cũng có Phật tánh. Tất cả đều có Phật tánh. Con hổ dĩ nhiên là có.


15- Tùy xứ an nhàn.
Thiền sư Hoa Nghiêm mới đến Tào Động Tông Tuệ Triệt học Thiền, hỏi :
-Cổ nhân nói như quả một người có thể làm tâm thanh tĩnh thì tự nhiên cùng Đạo hợp nhất. Nói thế có đúng không, thỉnh thiền sư giải thích cho con rõ.
-Hiểu được đạo lý này thì ở chỗ nào cũng an bình. Như một người sống nơi đô thị, tai nghe, mắt thấy hàng trăm ngàn chuyện lạ cũng không cho là kỳ. Nhưng một người sống ở thôn quê chỉ nhìn hoặc nghe một chuyện đã cho là lạ, loan truyền khắp nơi.

Hoa Nghiêm nghe lời này tâm bỗng có chỗ lãnh ngộ.

Tâm bình thường là Đạo. Như người đi thuyền gập sóng gió nhưng tâm không sợ thì coi như không.


16- Đại tục, đại nhã.
Hòa thượng Lại Toản ẩn cư nhiều năm ở Hành Sơn. Đời Đường, Hoàng thất Đức Tông mến mộ danh tiếng ông, phái sứ giả đến mời ông về kinh. Sứ giả đến am hô :
-Thánh chỉ đến ! Thỉnh hòa thượng đứng dậy tạ ơn tiếp chỉ.

Hòa thượng chính đương nhất tâm sào rau đâu có để ý đến Vương pháp, thánh chỉ.

Đối với con mắt Thiền thì hiện thực sào rau và ánh dương là hiện thực đáng quý, đại tục tức là đại nhã.


17- Thân bầy gió vàng.
Có một vị tu hành hỏi Vân Môn :
-Lá rụng, cây khô làm sao tu ?

Câu hỏi thực phân minh. Cây khô, lá rụng Thiền ý là phiền não, sinh tử đã hết rồi, lá Bồ đề của Niết bàn rơi đầy trên đất, đến cái cảnh thân tâm thoát lạc này thì thiền tăng phải làm sao ?
-Thân bầy gió vàng.

Câu trả lời của Vân Môn thật cao nhã, giản khiết. Câu trả lời có nghĩa là cây khô bị gió thu thổi rơi hết.
Tuyết Đậu có bài tụng đại ý :
Hỏi cũng khéo, đáp cũng hay, như bắn tên lên không.
Thu về trên đỉnh núi Hùng Nhĩ, không thấy Tổ sư đi về, trong khoảng khoáng dã vô tận, gió mát khởi, mưa nhỏ hạt đó thật là một diệu cảnh.
Tổ sư an giấc đã lâu rồi, nhưng chân ý vẫn trường tồn trong mưa thu, gió thu. Nguyện cây sinh mạng của chúng ta hòa vào đại tự nhiên.


18- Đánh cầu trên nước chẩy nhanh.
Có một ông tăng hỏi Triệu Châu :
-Trẻ sơ sinh có sáu thức không ?
-Đánh cầu trên nước chẩy nhanh.

Ông tăng đem chuyện này hỏi Đầu Tử :
-Đánh cầu trên nước chẩy nhanh là ý gì ?
-Niệm, niệm trôi chảy chẳng ngưng.

Ý là trên mặt thì dòng nước yên tĩnh, nhưng ở dưới thì dòng nước vẫn cuồn cuộn chẩy.
Đó là trong tĩnh có động.
Đó là cảnh giới đại trí như ngu.


19- Trấn Châu sản xuất củ cải to.
Có ông tăng hỏi Triệu Châu :
-Nghe nói lão sư thân theo hầu Nam Tuyền, kế thừa đại pháp của người có phải không ?

Triêu Châu là Nam Tuyền pháp từ là người thừa kế, thiên hạ đều hay. Ông tăng đã biết sao còn hỏi ? Đó là muốn biết Thiền phong của Triệu Châu cao hay thấp. Không như Lâm Tế với Định thượng tọa, ông tin sâu rằng tâm bình thường là Đạo, nên ông đáp :
-Trấn Châu sản xuất củ cải to.

Trấn Châu thuộc tỉnh Hà Bắc, nơi ở của Triệu Châu.

Từ lời nói bình dị, Triệu Châu đã cho chúng ta biết thâm ý của Thiền. Đúng là lão nạp là học trò của Nam Tuyền, nhưng sản vật củ cải (Triệu Châu) cũng không thể thể thiếu trong sinh hoạt được.


20- Phòng ngủ không người.
Có ông tăng hỏi Giáp Sơn :
-Làm sao đạt được Niết Bàn ? Nếu đạt được rồi thì phải làm gì ?
-Như phòng ngủ to lớn mà không có người.

Không có người là vô ngã.


21- Rõ ràng không ngộ pháp.
Thiền sư Giáp Sơn cảnh giới chư tăng :
-Vạn sự, vạn vật đều rõ ràng ở nơi này. Các ông đừng chấp có một ngộ pháp, rồi dùng pháp ấy mà xem vạn vật, chỉ làm cho người ta bị mê hoặc. Đối với vấn đề này thì thà ruỗi thẳng hai chân ngủ còn hơn tính toán thật , giả làm gì.

Bản thân sinh hoạt trong Đạo. Hãy tự thể nghiệm, đừng chấp mê không ngộ. Cho nên không ngộ là chân ngộ vậy.


22- Một phiến đá trước am.
Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn đến am Đầu Tử Đại Đồng tham học.
Đại Đồng chỉ phiến đá trước am nói :
-Quá khứ, hiện tại, vị lai, ba đời chư Phật đều thuyết pháp ở phiến đá này !
-Cũng có nhiều vị Phật không thuyết pháp ở phiến đá này mà ở nơi khác.

Phật không đâu không ở, không lúc nào không tại. Nếu thấy Phật ở chỗ này là chỉ thấy một tầng lớp.


23- Cha mẹ dưới đám cỏ.
Có ông tăng hỏi thiền sư Thạch Thất Thiện Đạo :
-Hòa thượng có đi Ngũ Đài Sơn không ?
-Có đi.
-Hòa thượng có thấy Bồ tát Văn Thù không ?
-Có thấy.
-Vậy, Bồ tát Văn Thù có nói Phật pháp cao diệu gì không ?
-Bồ tát Văn Thù nói : “Cha mẹ ông đều ở dưới đám cỏ rậm này.”

Thiền sư không tìm thâm sâu, cao diệu, huyền bí. Bình thường là Đạo lớn.


24- Trăng khuyết, trăng tròn.
Thạch Thất và thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch thưởng trăng. Ngưỡng Sơn hỏi :
-Khi trăng khuyết thì trăng tròn đi đâu ? Khi trăng tròn thì trăng khuyết đi đâu ?
-Khi trăng khuyết thì trăng tròn ẩn mình. Khi trăng tròn thì trăng khuyết ẩn mình.

Cảnh trăng là cảnh Thiền. Trong tròn có khuyết, trong khuyết có tròn.


25- Ở bên bờ sông mà chết khát.
Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn bảo chư tăng :
-Các ông ngày ngày học Phật, tham Thiền, nên nhớ có người ngồi bên mâm cơm mà chết đói, có người ở bên bờ sông nước chẩy cuồn cuộn mà chết khát. Đó không phải là chuyện cười chơi đâu.

Chúng ta đang sống trong Đạo, vậy mà có người không biết, thậm chí đi ngược lại Đạo, trầm luân trong sinh hoạt, bị sinh hoạt làm điên đảo uổng phí một kiếp người.


26- Bầy khỉ và gương cổ.
Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn có lần cùng chúng đệ tử ra ngoài chơi, trên đường gập một bầy khỉ.
-Các ông không biết lũ súc sinh này trên lưng chúng đều có một gương cổ, đều có linh tánh, chúng thường ăn trái trong vườn, ruộng người.
-Những súc sanh này không có trí tuệ của người nên đều là súc sinh. Sư phụ nói chúng đều có gương cổ. Vậy là có trí tuệ của Phật sao ?
-Nói như thế thì gương cổ của ông đã phủ đầy bụi rồi !
-Hòa thượng không trả lời vào câu hỏi, ngay lời con cũng không rõ.
-Xin lỗi nhé, coi như tôi sai, có được không ?

Vạn vật đều có Phật tánh. Bụi trần trên gương cổ của ông tăng này chỉ tự ông ta lau được thôi, người khác thì vô phương.


27- Biết chỉ là chuyện đó.
Dương Kỳ Phương Hội theo học Thạch Sương Sở Viên Từ Minh lâu năm mà chưa ngộ. Một hôm, Sở Viên vừa ra khỏi cửa thì trời mưa. Dương Kỳ đoán Sở Viên sẽ theo con đường nhỏ trở về, liền đứng trên đường đợi. Khi Sở Viên tới, Dương Kỳ nắm lấy :
-Lão đầu tử, hôm nay phải đem cái áo bí của Thiền nói cho tôi biết, nếu không tôi sẽ đánh lão.
-Ông biết chỉ là chuyện đó, đến đây thì ngừng, đừng nghĩ tưởng gì nữa cả.

Chưa hết lời, Dương Kỳ đã ngộ.

Chỉ là chuyện đó là đem trời đất, vạn vật tất cả đều nói ra hết. Chúng ta từ đâu tới và đi về đâu, phải tự mình tham.


28- Gà gáy, chó sủa.
Có ông tăng hỏi Đại Thiện :
-Thế nào là chủ ý của Phật pháp ?
-Ngày Xuân, gà gáy.
-Con không hiểu.
-Trung Thu chó sủa.

Trong con mắt thiền sư đã giác ngộ về nghiệp thì bất cứ một sự việc gì cũng hàm chứa thâm cơ; gà gáy, chó sủa đều là Phật pháp.


29- Gập chỗ vui chơi.
Khắc Cần lên giảng đàn bảo chúng tăng :
-Lửa không đợi mặt trời mà nóng, gió không chờ trăng lên mà mát, hạc chân dài, vịt chân ngắn, thiên nga trắng, quạ đen. Mọi sự việc đều lộ bầy, nếu hiểu được điều đó thì ở nơi nào cũng làm chủ. Mỗi khi gập cơ duyên thì đều là Thiền chỉ, cũng như nghệ nhân đều mang gậy trúc bên mình gập chỗ thì vui chơi. Có loại người này chăng ?

Vạn vật đều hàm thiền chỉ. Ở mọi nơi, mọi thời đều có thể tham ngộ.


30- Cây nhà nào chẳng Xuân.
Có người hỏi thiền sư Quy Nhân :
-Người tục có thể hiểu Phật pháp không ?
-Có bệ đài nào không chịu ánh trăng ? Cây nhà nào không đón Xuân sang ?

Phật quang chiếu khắp, Phật tánh ở mọi nơi.


31- Năm chuyện lớn.
Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo muốn Đạo Khiêm đưa một lá thư đến Trường Sa. Đạo Khiêm tự nghĩ :
-Tôi tham thiền đã 20 năm rồi mà chả được gì, nay phải đi xa thế, thật là phí thời gian.

Cho nên không muốn đi. Bạn ông là Tông Nguyên trách :
-Ông ở trên đường không tham thiền được sao ? Tôi sẽ đi với ông.

Đạo Khiêm bất đắc dĩ phải đi đưa thư.
Trên đường đi, bạn ông bảo :
-Ông phải quên hết các chuyện của các tổ sư tham thiền, ngộ thiền ; bao gồm cả những lời giảng của lão hòa thượng Viên Ngộ, Đại Huệ v . v . ông đều vất cả đi. Trên đường đi tôi sẽ giúp ông làm mọi việc, ông không phải lo, chỉ việc tham thiền. Chỉ có 5 việc ông phải tự làm.
-Đó là những việc gì ?
-Đó là : thứ nhất mặc áo, thứ hai ăn cơm, thứ ba đi tiểu, thứ tư đi tiêu, thứ năm trên đường ông phải tự đi. 5 việc này ông phải tự làm, tôi không giúp được.

Đạo Khiêm nghe lời đó tức thì đại ngộ, tay múa chân nhẩy cẫng lên.

Ngã huyền diệu mà cũng bình thường. 5 việc lớn gồm ngã. Nói cho cùng thì ai giúp ai ? Tối thâm ảo chân nghĩa là phác thực.


32- Uống trà đi.
Một ông tăng mới đến thiền viện, Triệu Châu hỏi :
-Lúc trước đã qua đây chưa ?
-Đã qua.
-Đi uống trà đi.

Lại hỏi một ông tăng khác :
-Lúc trước đã qua đây chưa ?
-Chưa từng qua.
-Đi uống trà đi.

Sau, viện chủ hỏi :
-Sao đối với ông tăng đã qua và ông tăng chưa qua thiền sư đều bảo “Đi uống trà đi” ?
-Viện chủ !
-Dạ !
-Đi uống trà đi.

Trà là phổ thông, Đạo là bình thường, không thấy trong trà có vị Thiền sao ?


33- Chỉ thị tâm yếu.
Một ngày, Long Đàm hỏi Đạo Ngộ :
-Con tham tu đã lâu, mong được chỉ thị tâm yếu.
-Từ khi ông tới đây, không lúc nào là tôi không chỉ thị tâm yếu.
-Hòa thượng chỉ ở chỗ nào ?
-Ông mang trà lại, tôi uống; đưa cơm lại tôi ăn; ông lạy tôi gật đầu, không phải là chỉ thị tâm yếu sao ?

Long Đàm cúi đầu suy nghĩ.
-Thấy Đạo thì thấy ngay, suy nghĩ là sai.
-Làm sao giữ gìn ?
-Mặc sức tiêu dao, giữ gìn tâm phàm, ngoài ra không có gì khác.

Đạo là sinh hoạt không tu là tu.


34- Chỉ trời, chỉ đất.
Có một ông tăng đến tham Đạo Khâm, hỏi :
-Đệ tử mới tới chùa, thỉnh sư phụ chỉ giáo.
-Một tay chỉ trời, một tay chỉ đất.

Đây là truyền thuyết ngày đản sanh của Đức Phật, Thiền dạy người mới học phải phát hiện tự ngã.


35- Dùng chĩa chỉ cơ.
Thiền sư Bí Ma ở Ngũ Đài Sơn hễ có ông tăng nào lại lạy liền giơ cái chĩa gỗ lên hỏi :
-Ma quỷ nào bảo ông xuất gia ? Ma quỷ nào bảo ông hành cước ? Đáp được thì chết ngay dưới cái chĩa này, không đáp được cũng chết ngay dưới cái chĩa này ! Nói mau ! Nói Mau!

Có ít người trả lời được.

Trực tâm là đạo, nghểnh cổ lên để ông ta chĩa là xong.


36- Mây trên trời xanh, nước trong bình.
Thích sử Hồ Nam là Lý Thường nhiều lần mời Dược Sơn đến gập mặt mà thiền sư không tới. Do đó ông thân đến gập.
Dược Sơn thấy Lý Thường đến, nhưng mặc kệ vẫn xem kinh Phật. Lý Thường rất nóng lòng :
-Thật là gập mặt chẳng bằng nghe danh !

Rồi rũ tay áo định đi.
-Sao ông lại trọng tai mà khinh mắt vậy ?

Lý Thường xin lỗi và hỏi :
-Thế nào là Đạo lớn ?
-Mây trên trời xanh, nước trong bình.

Lý Thường tĩnh tâm, hoát nhiên đốn ngộ.
Ông làm một bài kệ :
Luyện được thân hình giống hạc hình
Dưới tùng ngàn gốc hai hòm kinh
Tôi đến hỏi Đạo, không thừa thãi
Mây trên trời xanh, nước trong bình.

Mây trên trời tự do bay lượn có thể thành mưa, nước trong bình không động hình thái không đồng nhưng vốn là một. Vạn sự, vạn vật nhìn, nghe đều không có cao thấp, nặng nhẹ. Chúng ta phải thể nhận chúng là bình đẳng thì mới nắm bắt được chân lý của Đạo.


37- Tôi ngộ rồi !
Thiền sư Trí Thông ở Ngũ Đài Sơn mới đầu tham học với Trí Thường. Một hôm ở tăng đường hô lớn :
-Tôi ngộ rồi !

Làm chúng tăng đang ngủ say, giật mình tưởng ông hóa điên. Hôm sau, Trí Thường lên giảng đàn nói :
-Ông tăng hôm qua nói lớn rằng mình đã ngộ, bước ra.

Trí Thường bước ra.
-Hôm qua ông ngộ cái gì, hãy nói thử coi.
-Con ngộ ni cô vốn là người nữ.

Trí Thường kinh ngạc, tán thán :
-Thật là khác thường !

Rất sâu, rất thật là rất bình thường, đó là Thiền đạo.


38- Trong tro có lửa.
Quy Sơn là đệ tử của Bách Trượng. Một hôm trời lạnh, Quy Sơn thị hầu Bách Trượng đốt lửa.
-Ông xem trong lò còn lửa không ?

Quy Sơn dùng que cời lửa quậy tro mấy lần, nói :
-Trong lò không có lửa.

Bách Trượng tiếp lấy que cời lửa, tìm được một tinh hỏa trong đống tro tàn, nói :
-Ông nói không có, vậy đây là gì ?

Quy Sơn do đó khai ngộ.

Công đáo tự nhiên thành. Trong sinh hoạt mọi chỗ đều là Thiền, có một cái bất diệt tinh hỏa, chỉ cần ta nhìn kỹ thì ta sẽ đạt được cảnh giới giác ngộ.


39- Bắt tay ở chỗ nào ?
Thiền sư Triệu Châu và thủ tọa cùng đi xem cầu Triệu Châu bằng đá.
-Cây cầu này ai xây ?
-Lý Dung xây.
-Bắt tay từ chỗ nào ?

Thủ tọa không trả lời được.

Chỗ nào chính là chỗ này. Đạo Thiền chính là ở đây, bây giờ.


40- Gió nhẹ thổi rặng tùng.
Đây là câu thơ của Hàn Sơn :
Gió nhẹ thổi qua rặng tùng, lại gần nghe mới rõ.

Người bình thường thường phân biệt chủ thể nghe và khách thể bị nghe. Nhưng thiền nhân thì không vậy, phải làm sao cho chủ, khách là một tức là vô tâm tức tự tha bất nhị.
Lại gần là phương pháp thật nhất. Cho nên trong Thiền có nói :
Chuyện tùng hỏi tùng, chuyện cúc hỏi cúc.


41- Phương Nam có cái này không ?
Khi còn trẻ hòa thượng Vô Trước có gập Văn Thù ở Ngũ Đài Sơn, cùng Văn Thù đối mặt luận Thiền. Văn Thù đưa cho Vô Trước một tách trà hiếm quý bằng pha lê, hỏi :
-Phương Nam có thứ này không ?
-Không.
-Vậy sao ? Người phương Nam dùng gì để uống trà ?

Vô Trước hiểu là Văn Thù không nói đến tách trà mà là một thiền ngữ chỉ thiền cơ. Trong lòng không an, không lòng ăn uống bèn từ biệt. Khi ra khỏi cửa hỏi đồng tử :
-Sư phụ ông nói :”Trước ba ba, sau ba ba”, là ý gì ?

Đồng tử gọi :
-Hòa thượng !
-Dạ !
-Lời đáp của ông là mấy tiếng ?

Vô Trước ngay đó có sở ngộ.

Một tức ba, một là trời đất, một là thiền tâm.


42- Vạn pháp về một, một về đâu ?
Một ông tăng hỏi Triệu Châu :
-Vạn pháp trở về một, một trở về đâu ?
-Tôi ở quê cũ Thanh Châu, may một cái bông nặng 7 cân.

Đối với câu hỏi này, câu trả lời của nhà Phật là trở về vạn pháp. Nhưng câu trả lời của Triệu Châu mở toang cửa huyền diệu khiến thâm ảo biến thành phác thực. Đó là Thiền.


43- Xuân tới, trăm hoa nở vì ai ?
Hòa thượng Tuyết Phong bảo đại chúng :
-Cả địa cầu nhỏ bằng một hạt gạo, ném vào mắt không thấy đâu. Mau đánh trống tụ chúng, xem cảnh giới này.

Tuyết Đậu đối với chuyện này có bài tụng sau :
Chẳng thấy đầu trâu cùng mặt ngựa
Gương cổ Tào Khê, tuyệt trần ai
Đánh trống mà coi, ông chẳng thấy
Trăm hoa Xuân tới, nở vì ai ?

Xuân tới trăm hoa nở vì ai ? cho chúng ta biết một hạt bụi là một thế giới, một đóa hoa là một thiên đường.


44- Mây trắng làm lọng, nước suối là đàn.
Hòa Sơn hỏi chúng đệ tử :
-Thế giới cái gì cũng không có, các ông đi đâu mà tìm tâm ?

Đó chính là câu :
Ba giới không pháp, chỗ nào cầu tâm ?

Tam giới là dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Chỉ sự tồn tại của chúng ta trong thế giới này. Đối với chuyện này Tuyết Đậu có bài kệ :
Tam giới không pháp
Chỗ nào cầu tâm
Mây trắng làm lọng
Suối reo, đàn cầm
Một khúc, hai khúc, người chẳng hay
Đêm, ao thu, nước sâu, mưa bay.

Ngửng đầu chỉ thấy mây trắng bay, nào ai để ý đến nhanh, chậm. Cúi đầu nghe tiếng suối reo nào nghĩ là đàn không dây.


45- Câu Chi ngộ Đạo.
Hòa thượng Câu Chi lúc mới xuất gia, ở trong một mái nhà tranh tu hành. Một hôm, có một ni cô tên là Thật Tế đến bái phỏng. Ni cô vào am, không bỏ nón, tay cầm thiền trượng, đi vòng quanh thiền sàng của Câu Chi ba vòng :
-Ông nói được một câu thì tôi sẽ ngả nón.

Thật Tế nhắc lại câu hỏi 3 lần mà Câu Chi vẫn không đáp được.
-Nếu ông không trả lời được, tôi xin từ biệt.
-Trời đã tối rồi, bà hãy trú tạm một đêm.
-Nếu quả ông nói được một lời, tôi sẽ ở lại.

Câu Chi cúi đầu không đáp được. Thật Tế bèn đi.
Câu Chi than :
-Ta là một gã không ra gì, đối phó với một ni cô chẳng nổi thì còn độc tu cái gì ?

Định bỏ am đi, thì gập thiền sư Thiên Long, bèn kể chuyện đã qua. Thiên Long không nói chỉ giơ một ngón tay lên. Câu Chi nhìn thấy bỗng nhiên đại ngộ.

Đối với chuyện này Tuyết Đậu có bài kệ :
Câu Chi giơ ngón tay
Ứng đối như nước chẩy
Nêu cao được tông chỉ
Thật là kỳ diệu thay.

Thiền nhận định rằng thiên sai vạn biệt cùng là một thể; những gì trong mắt ta đều là chân lý, ảo diệu vô cùng.


46- Không gì không là thuốc.
Bồ tát Văn Thù có một lần bảo Thiện Tài đồng tử đi hái dược thảo :
-Ông mang những gì không phải là thuốc ra đây. Thiện Tài đồng tử vâng lệnh đi khắp nơi kiếm nhưng chỉ thấy cây độc không làm thuốc được. Nhưng kiểm soát lại thì những chất độc này cũng có dược tánh. Do đó Thiện Tài đồng tử về báo cáo :
-Không gì không là thuốc.
-Vậy ông mang thứ gì có thể làm thuốc ra đây.

Thiện Tài đồng tử liền hái một nhánh cỏ đưa cho Văn Thù.
Văn Thù giơ cỏ lên bảo đại chúng :
-Nhánh cỏ này có thể cứu người cũng có thể giết người.

Phiền não có thể giết người cũng có thể cứu người; phiền não tức bồ đề.


47- Trước ba ba, sau ba ba.
Có một ngày Vô Trước gập Văn Thù ở Ngũ Đài Sơn. Văn Thù bảo :
-Ông từ đâu tới ?
-Từ phương Nam.
-Phật pháp phương Nam thế nào ?
-Là thời mạt pháp, ít người giữ giới luật.
-Tổng quát là bao nhiêu ?
-Từ 300 đến 500 người.

Và hỏi ngược lại :
-Tình hình nơi đây thế nào ?
-Phàm thánh cùng ở, rồng rắn hỗn tạp.
-Là bao nhiêu người ?
-Trước ba ba, sau ba ba.

Lời của Vô Trước chỉ Tiểu Thừa, lời của Văn Thù chỉ Đại Thừa. Phàm thánh cùng ở, rồng rắn hỗn tạp lại là giới, định, tuệ.


48- Phật tánh vốn không Nam Bắc.
Lục tổ Huệ Năng lúc đến tham Ngũ tổ, Ngũ tổ hỏi :
-Ông người phương nào, đến đây làm gì ?
-Con người Lãnh Nam, chỉ cầu làm Phật, không cầu gì khác.
-Ông là người mọi rợ sao thành Phật được ?
-Người có Bắc Nam, Phật tánh nào có Bắc Nam ?

Ngũ tổ thấy ông biểu thị như thế rất bằng lòng.

Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Đó là chủ trương của Phật giáo cũng như của Thiền tông.


49- Cái nào không tốt nhất ?
Bàn Sơn thấy người mua thịt heo nói :
-Bán cho tôi một cân thịt hảo hạng.

Người bán thịt bỏ dao xuống khoanh tay trước ngực, nói :
-Ông chỉ cho tôi chỗ nào không hảo hạng đi ?

Bàn Sơn đương thắc mắc về vấn đề thiện-ác và bình đẳng, nghe vậy hốt nhiên đại ngộ.

Bất cứ ở đâu, lúc nào cũng có thể khai ngộ.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Giêng 2018(Xem: 10837)
25 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 10475)
21 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 11142)
17 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 10591)
14 Tháng Mười Một 2017(Xem: 11192)
14 Tháng Mười Một 2017(Xem: 11159)
31 Tháng Mười 2017(Xem: 10435)
15 Tháng Mười 2017(Xem: 10308)
Đây là phần tóm tắt bài giảng của Hòa thượng Tuyên Hóa về Phẩm Phó Chúc.
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000