Công án của Tịnh Không

20 Tháng Năm 201410:47 CH(Xem: 16693)
Công Án
Dịch Giả : Dương Đình Hỷ


Lời Nói Đầu.

Công án là những chuyện xẩy ra trong cửa Thiền. Trong quyển sách này các công án là những chuyện mà pháp sư Tịnh Không giảng trong những thời pháp của ông. Đây là những chuyện thật có ghi trong sử sách hoặc tai nghe, mắt thấy của ông. Mong độc giả đón nhận.
Người của xã đoàn.

1/ Giới thiệu đơn giản về pháp sư Tịnh Không.
Thích Tịnh Không, tục danh Dư, tên là Nghiệp Hồng, sinh năm Dân Quốc 16 tháng 2 ngày 25 ở tỉnh An Huy, huyện Lô Giang. Trước theo giáo sư Đông Mỹ Chương Gia, sau theo lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nghiên cứu triết học, học kinh Phật 13 năm, hoằng dương Phật pháp ở trong nước cũng như ở nước ngoài; giảng thuật Pháp Hoa, Hoa Nghiêm hơn 30 năm. Mở đầu phong khí, xử dụng phương pháp thính thị. Số lượng CD, VCD phân phát khắp nơi trên thế giới. Năm 1982 pháp sư xúc tiến thành lập ở nhiều nơi Tịnh Tông học hội, đề xướng chuyên tu tịnh nghiệp, chuyên hoằng hóa Tịnh Tông, 1998 lão pháp sư ở Tân Gia Ba giảng đạo Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh.

2/Phương pháp của Đại Thừa Phật giáo là Viên dung.
Tịnh Không pháp sư có một người bạn, trong thời kháng chiến ở Nam Kinh có 2 người bạn làm việc tình báo bị quân Nhật lùng bắt, họ trốn ở trước một ngôi chùa. Lão trụ trì cứu 3 người họ, họ không bị quân Nhật bắt giết. Về sau kháng chiến thắng lợi, họ trở về Nam Kinh, nghĩ đến ơn hòa thượng cứu mạng, họ muốn báo đáp bèn đặt một bàn tiệc phong phú ở một tửu lầu nổi tiếng ở Nam Kinh., mời lão hòa thượng tới cúng dường. Lão hòa thượng tới nơi thấy món ăn có gà, vịt, cá, thịt ê hề. Lúc đó 3 người mới nghĩ ra :
-Chết chưa ! Người xuất gia ăn chay mà ! Làm sao đây ? Tại sao không sửa soạn tiệc chay ? Để đền ơn cứu mạng lại làm bữa tiệc này, phải làm sao đây ?

Kết quả, lão hòa thượng rất từ bi, giơ đũa lên nói :
-Tốt ! Mọi người ngồi xuống đi.

Lão hòa thượng dùng đũa bắt đầu ăn. Điều này khiến mọi người cảm động, lão hòa thượng không phải là đã phá giới sao ? Không phải. Đó là Phật giáo giảng : Từ bi là gốc, có thể dùng mọi phương tiện. Trong tứ nhiếp pháp, Bồ tát các ngài không đùa dỡn người mà thành tâm, thành ý.

Pháp sư rất cảm kích họ, không lấy thế làm lạ. Đại chúng không ai là không cảm động. Đó là bồ tát tiếp chúng sinh. Nếu lão hòa thượng nổi giận thì cơ duyên mọi người học Phật đều bị cắt đứt. Nhưng hòa thượng có trí tuệ lớn nên lợi dụng cơ hội mà tiếp dẫn chúng sinh. Phật pháp là viên dung. Đó là Đại Thừa Phật Giáo thù thắng đáng quý.

3/ Thần tài.
Ở đại lục, thời cổ dân gian thờ cúng thần tài Đào Chu Công. Đào Chu Công là Phạm Lãi. Ông là tài thần cũng có đạo lý. Ông là người tuyệt đối thông minh, giúp cho Câu Tiễn đánh bại Ngô vương Phù Sai, lấy lại đất nước. Ông là đệ nhất công thần, sống với Câu Tiễn nhiều năm, biết rõ cá tính của Câu Tiễn. Câu Tiễn là một vị vua có thể chịu chung hoạn nạn, nhưng không thể chung hưởng phú quý. Do đó, sau khi đã hồi phục lại đất nước ông bỏ quan, đổi tên đổi họ xưng là Đào Chu Công, làm ăn buôn bán. Vì ông thông minh nên qua vài năm ông đã trở nên giầu có. Có tiền rồi, ông cho hết, sau đó ông lại buôn bán nhỏ trở thành buôn bán lớn chỉ sau vài năm. 3 lần như thế. Thật là thông minh, phát tài mà không hưởng, cứu giúp những người nghèo trong xã hội, giúp đỡ những người cần giúp đỡ. Đó là mẫu mực của người buôn bán. Tôn ông làm thần tài cũng phải, người buôn bán nên noi theo ông.

4/ Tài sản của người Đức.
Ông Dư Khánh lão cư sĩ từng kể với Tịnh Không pháp sư một chuyện thật, tự ông chứng kiến. Trước thời kháng chiến, ông buôn bán ở Thượng Hải.

Ở Thượng Hải lúc đó có một nhà buôn giầu có lớn, vốn là một người làm công, ông chủ là người Đức, buôn bán ở Trung Hoa. Lúc chiến tranh xẩy ra, người Đức này bèn về nước. Nhân vì ông chủ nhận thấy ông ta là người tốt, thành thực, có thể tin cậy được, nên tự tay đem hết tài sản, sự nghiệp giao cấp cho ông. Về sau, không có tin tức gì của người Đức này nên tài sản đều thuộc về ông. Ông biết kinh doanh, nên cơ sở cứ phát triển mãi. Ông ta cưới vợ và sinh được một đứa con trai. Vì nhà giàu có nên đứa con này rất kiêu ngạo, bướng bỉnh, cha mẹ cũng không có phép nào dạy được. Năm lên 10, đang học tiểu học. Một ngày tan học về nhà trên đường đánh mất 10 đồng (lúc đó trẻ con mang nhiều tiền như thế không phải là chuyện thường), gập ngay một ông bạn của bố nhặt được. Ông ta nói :
-Tiểu đệ, kêu ta một tiếng bá bá, ta trả lại tiền cho.

Nào ngờ đứa trẻ nói :
-Nếu ông kêu tôi một tiếng bá bá, tôi sẽ cho ông 10 đồng.

Do đó, có thể biết gia giáo đứa trẻ thế nào.
Vị phú thương đó tổ chức lễ sinh nhật. Tân khách rất đông. Chỗ tổ chức rất rộng, rất náo nhiệt. Trong khoảnh khắc ông đột nhiên thấy con mình giống ông chủ Đức của mình. Ông lập tức giác ngộ, rõ ràng con ông đến đòi nợ. Tài sản là của con, không phải là của mình. Ông là người thông minh, đương trường tuyên bố tài sản đều thuộc về con. Vì ông cảnh giác rất nhanh, biết rằng con mình là ông chủ chuyển thế, do đó giao cấp tài sản cho con. Ông lão cư sĩ nhận thức người này, biết rằng ông rất thông minh biết nhân quả báo ứng, ty hào không phạm, của người thì trả lại người. Do đó, về sau đứa con đối với ông phải phép.

5/ Phán quan của Đông Nhạc đại đế.
Cư sĩ Chu Kính Trụ là con rể Chương Thái Viêm. Chương Thái Viêm là giáo sư quốc học thời Dân Quốc. Bố vợ ông đắc tội với Viên Thế Khải bị bỏ tù. Tội thế nào ? Làm sao có tội ? Ông nói Viên Thế Khải không đáng để ông mắng chửi, do đó ông không mắng Viên Thế Khải. Viên Thế Khải rất tức giận bỏ tù ông. Cũng không phải là tội lớn lắm, do đó bỏ tù một tháng liền thả ra. Ra khỏi ngục không bao lâu, một buổi chiều, nằm ngủ thấy có 2 tiểu quỷ khênh kiệu đến rước ông, nói Đông Nhạc đại đế mời, ông liền lên kiệu. 2 tên tiểu quỷ khiêng kiệu chạy như bay, không lâu tới chỗ Đông Nhạc đại đế.

Trung Quốc có Ngũ Nhạc, Đông Nhạc cai quản 5 tỉnh, có thể thấy là đại quỷ vương. Đông Nhạc đại đế mời ông làm phán quan. Địa vị giống như ngày nay là bí thư trưởng. Ông là người sống, nên làm việc vào ban đêm; trời sáng lại đưa ông về. Ông nói Trung Quốc, ngoại quốc đều có âm gian, ngôn ngữ tương thông không có trở ngại, sinh hoạt không khác người sống bao nhiêu. Không bao giờ thấy ánh sáng mặt trời, không gian mầu xám tro, mịt mù sương khói. Có lúc ông thấy hình phạt của âm gian quá tàn nhẫn sao không trừ bỏ ? Đông Nhạc đại đế nghe được cười cười sai 2 tiểu quỷ dẫn ông ra hình trường xem thử. Đi được một quãng đường tiểu quỷ chỉ cho ông xem. Ông nhìn chẳng thấy gì, ông là người học Phật do đó đại ngộ. Quỷ đạo, địa ngục cùng tham sân biến hóa sở hiện như Địa Tạng kinh có nói : Nếu như không phải là người thọ tội thì không phải là bồ tát. Do đó, dầu địa ngục ở trước mặt nhìn cũng không ra. Đó là do người tự tạo ra, không là vấn đề tàn nhẫn hay không tàn nhẫn. Đó là do nghiệp lực của mình biến hiện, Diêm vương cũng không làm gì được.

Một tháng sau, ông viết đơn từ chức trên giấy vàng, rồi đốt. Từ đó về sau không thấy 2 gã tiểu quỷ đến rước nữa.

6/ Sổ sinh tử 3 tháng trước.
Lão cư sĩ Chu Kính Trụ có kể cho pháp sư Tịnh Không nghe :
Năm 1931 ông làm quản lý cho một ngân hàng, thông thường những ngày nghỉ đều đánh bài, gặp nhau tán gẫu. Trong bọn có một người là âm sai, mỗi tối đều đến địa phủ làm việc. Chức vị ông không cao, chỉ phụ trách truyền đạt công văn giúp cho Thành hoàng Tô châu. Tại âm gian, Thành hoàng Thượng Hải thuộc quản hạt của Thành hoàng Tô Châu. Một hôm, Thành hoàng Thượng Hải gửi đến một sinh tử bạ trình báo Thành hoàng Tô Châu. Ông tiếp nhận sổ này, hiếu kỳ mở xem coi rất khó hiểu vì tên những người chết đều là 5, 6 chữ cả. Hôm sau cùng bạn bè bàn tán không ai hiểu gì cả, vì tên người Trung Quốc thì tên dài lắm chỉ có 4 chữ là cùng. Ba tháng sau, ngày 27/1/1932 Nhật Bản phát động chiến tranh ở Thượng Hải, lúc đó mọi người mới hoảng nhiên đại ngộ, thì ra sinh tử bạ đó là danh sách các binh sĩ Nhật bị mạng vong. Cho nên nói chết oan vì chiến tranh là không đúng. Đó là do mạng định, chết lúc nào và ở đâu đều đã được định trước cả rồi.

7/ Nghĩ thành bệnh tim.

Tất cả các pháp đều do tâm sinh. Lúc trước có một vị pháp sư, ông xuất gia từ nhỏ. Năm Dân Quốc thứ 38 ông bị bắt quân dịch. Vì là người xuất gia phải cạo đầu, đi quân dịch cũng phải cạo đầu lại còn lợi khác nữa. Sinh hoạt cũng tốt, nhưng ông muốn bỏ ngũ trở lại tu hành. Vì tuổi trẻ, ông không có cách nào thối ngũ, chỉ còn cách giả có bệnh tim. Bệnh tim khó kiểm tra, tìm không ra. Ông giả mắc bệnh tim 3 năm, thì bị bệnh tim thật, cho tới ngày nay. Tim không khỏe, thường phát tác. Đó là không bệnh mà thành có bệnh vậy.

 

8/ Vẽ ngựa, nghĩ tới ngựa thì biến thành ngựa.

Cuối đời Tông, Triệu Tử Ngang là họa sĩ chuyên vẽ ngựa. Ngày ngày ông chỉ nghĩ về các tư thế của ngựa, các động tác của ngựa. Có một ngày ông ngủ ở nhà. Vợ ông khoát mùng ra, thấy một con ngựa nằm trên giường; do đó có thể thấy mình nghĩ gì thì thành cái đó. Nếu biết chuyện này là thật, tại sao ta không niệm Phật chứ ? Tâm ông niệm Phật thì ông chính là Phật. Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh; nếu có Phật tánh, nhất định sẽ thành Phật.

 

9/ Xuyên qua cửa.

Gần đây, pháp sư Viên Anh kể chuyện của mình, có một hôm, ông ngồi Thiền trong phòng, bỗng nghĩ đến một chuyện phải làm. Ông nhẩy xuống giường, ra thẳng ngoài. Ra ngoài rồi, ông bỗng nhiên nghĩ ra là cửa đóng mà mình chưa mở, làm sao đi ra ?

Ngoảnh đầu lại đẩy cửa thì quả thật cửa đóng thật đẩy không nổi. Ông trong một niệm, tưởng không có cửa, không có chấp trước : liền thông qua cửa. Lại khởi một niệm đầu có cửa, liền không qua được.

Điều này chứng minh có tướng là giả, không phải là thật. Cho nên chúng ta chấp tướng là sai. Chấp không tướng cũng là sai nốt. Phải lìa bỏ hữu tướng, vô tướng thì mới có thể vào cửa không cửa, nếu chấp vào có cửa, không cửa thì không thể vào được, không thể nào khế nhập vào cảnh giới này.

 

10/ Bồ tát ăn xin.

Ở Giang Tô có một người ăn xin, ban ngày xin cơm, ban đêm tùy tiện ở một miếu đổ nát nào đó mà ngủ. Nhưng con trai ông là một nhà buôn giầu có. Lúc đó quan niệm về luân lý cũng giống như hiện giờ. Nhiều người mắng chửi con ông là bất hiếu :

-Ông là người có tiền, lại để cho bố ra ngoài xin cơm !

Ông con này bị người nói, mất mặt bèn sai người đi khắp nơi mang ông bố về nhà.

Về nhà rồi, may quần áo mới cho ông, cung dưỡng ông tử tế. Chưa quá một tháng, lão tiên sinh thừa lúc gia nhân không để ý, bèn chạy ra ngoài và xin cơm ăn. Có người hỏi ông :

-Ông có phúc vì sao không hưởng , sao lại thích đi xin ăn ?

-Xin ăn không phải lo lắng gì cả, ngày ngày du sơn ngoạn thủy, tới đâu đều có ăn, có ở, tiêu dao, tự tại, không bị bó buộc. Về nhà bị con cháu cung dưỡng không tự tại, không tự do.

Vị ăn xin đó thật đã bỏ tất cả xuống đó. Do vậy ông ăn xin để sinh hoạt, ông tìm thấy lạc thú thật. Hạng người này không phải ai cũng hiểu.

 

 

11/ Bẩy vị tôn Phật hãy còn thân kiến.

Khi Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế sống ở dưới một gốc cây trong vườn Cấp Cô Độc, chờ xây phòng xá. Phật thấy một đàn kiến bò trên đất, bất giác mỉm cười. Các đệ tử ở bên hỏi tại sao Phật lại cười đàn kiến ? Phật liền nói : Trong quá khứ 7 vị Phật xuất thế, thì ổ kiến này đã có thân kiến. Một vị thành Phật cần 3 a-tăng kỳ kiếp, 7 vị tôn Phật cần ít nhất 21 A-tăng kỳ kiếp. Thời gian lâu như vậy mà họ không rời thân kiến. Đó không phải là thọ mạng họ dài mà là họ cố chấp thân kiến. Họ không muốn ra khỏi thân kiến, không muốn cải biến thân tướng, không có ý tưởng lìa bỏ. Đó là ngu si của súc sinh.

 

12/ Một câu nói từ vô lượng kiếp.

Khi Phật còn tại thế, có một ông lão đòi xuất gia. Người xuất giancần phải có thiện căn. Phật kêu các đệ tử xem thử ông lão này có thiện căn hay không, để thâu nhận ông làm đệ tử. Các vị A La Hán này xem rồi, đều lắc đầu :

-Không có thiện căn !

Các vị A La Hán chỉ có năng lực xem thấy 500 kiếp, trong 500 kiếp này ông cụ không có duyên với Phật do đó không có thiện căn. Phật liền nói trong vô lượng kiếp trước ông cụ là một người tiều phu đốn củi để độ nhật, trên núi ông gặp một con hổ. Ông sợ quá bèn trèo lên cây trốn, miệng kêu Nam Mô Phật. Tiếng kêu này là một thiện căn, ngày nay gặp Phật. Phật liền xuống tóc cho ông. Về sau ông tu hành chứng được quả A La Hán.

 

13/ Bảo Hương thiền sư .

Thời Lương Võ Đế và Bảo Chí Công, ở Tứ Xuyên có một vị cao tăng chân chính đắc đạo tên là Bảo Hương thiền sư. Ông trú ở Tứ Xuyên đã lâu năm rồi. Ông dùng mọi phương pháp để khuyên người trừ ác làm lành. Phong tục người bản địa mỗi khi có ngày lễ là sát sanh.

Pháp sư hàng năm đều khổ sở cầu xin họ đừng sát sanh, nhưng chẳng có ai nghe. Không những họ không nghe còn cười ông nữa. Ông thật khó chịu. Một năm nọ, một vị cư sĩ ở Tứ Xuyên đến bái phỏng Bảo Chí Công ở kinh thành. Thiền sư Bảo Chí hỏi :

-Hương ở Tứ Xuyên đắt hay rẻ ?

-Rẻ.

-Nếu là rẻ sao không đi ?

Cư sĩ không hiểu Bảo Chí Công nói gì, qua vài ngày ông về Tứ Xuyên gặp Bảo Hương thiền sư.

-Bảo Chí Công có nói gì không?

-Ông ta hỏi tôi hương ở Tứ Xuyên đắt hay rẻ, tôi bảo rẻ, ông ta bảo tôi : rẻ sao không đi, tôi chẳng hiểu gì cả!

Thiền sư Bảo Hương nghe rồi gục gặc đầu. Qua vài ngày lại có một pháp hội. Đại chúng y nhiên sát sanh rất nhiều bò, dê, heo. Bảo Hương thiền sư khác hẳn mọi ngày. Ông ở trước chùa đào một cái ao lớn. Ông tham gia lễ cúng tế cũng ăn thịt, ăn cá. Lúc trước thì khuyên mọi người đừng sát sanh, ngày này lại cùng mọi người ăn thịt, cá. Mọi người thấy rất là ly kỳ. Ăn xong, thiền sư chạy đến bờ ao, há hốc miệng nôn ra nào cá, nào gà, vịt đều còn sống nguyên, bơi lội tung tăng trong nước. Mọi người đều xem đến phát ngốc. Sau đó thiền sư giảng cho đại chúng một thời pháp về hoằng pháp lợi sanh. Nếu mọi người không tôn trọng ông, ông liền ra đi. Chuyện này đề tỉnh mọi người, khiến mọi người chân thành, tịnh tâm tiếp nhận những giáo huấn của Phật, cứ thế mà phụng hành.

 

14/ Pháp sư phơi nến.

Trong Ảnh trần hồi ức lục có ghi lại lực hạnh của một pháp sư, người sau phải bắt chước.

Đạm Hư pháp sư nói : Ngày trước tôi ở chùa Quán Tông có nghe Đế Nhàn pháp sư có một học tăng mà mọi người đều gọi là pháp sư phơi nến. Đây là ngoại hiệu mà người ta đặt ra để cười ông. Nguyên lai, ban đầu ông trú ở Thiền đường Kim Sơn làm hương đăng sư. Mỗi năm vào ngày mồng 6 tháng 6 thời tiết nắng ráo mọi người đều mang kinh tạng, quần áo ra phơi phóng. Có một thị giả biết tính ông phác thực, muốn đùa chơi bèn bảo :

-Hương đăng sư ! Hôm nay là ngày mồng 6, tháng 6, mọi người đều đem đồ ra phơi, ông không đem nến ra phơi, bị mốc thì sao ?

Thị giả vừa nói, vừa nháy mắt cho mọi người.

-Nến cũng phải phơi sao ?

-Đương nhiên rồi ! Nến không phơi sẽ bị mốc.

-Được ! Tôi đem phơi ngay.

Nói xong đem nến ra sân phơi. Chiều lại, ra lấy nến về thắp để cúng Phật thì nến đã chẩy hết ra sân. Ngày hôm sau, Duy Na sư gọi ông đến, trước mặt đại chúng bảo :

-Tri luật sư ! Với trí thông minh lớn lao như ông ở thiền đường làm hương đăng sư thật uổng phí nhân tài.

-Thật vậy sao ?

Trì luật sư không đợi Duy na nói hết, tưởng Duy na sư nói thật.

-Đúng vậy ! Ông ở đây rất uổng, mau đến chùa Đầu Đà ở Ôn Châu, ở đó có pháp sư Đế Nhàn chuyên đào tạo các pháp sư thông minh, tài trí đi hoằng pháp khắp nơi, lợi ích trời người, khi thành tài tôi sẽ để ông làm Duy na. Mọi người đều được hưởng lây vinh dự của ông, chứ giữ ông ở đây làm mai một tài trí ông thì thật là đáng tiếc.

-Được lắm ! Cám ơn Duy na đã từ bi.

-Phàm làm việc gì cũng không nên chậm trễ, ông nên đi ngay hôm nay đi.

-Dạ được. !

Đến chùa Đầu Đà, mới đầu ông được giao làm vườn, hót phân, bửa củi, gánh nước, quét chùa. Sau lại vào hành đường lau chùi bàn ghế, rửa chén bát. Sáng chiều đến Phật đường lễ Phật. Pháp sư Đế Nhàn sai người dạy ông Ngũ đường công khóa. Sau khi học xong lại dạy ông học kinh Lăng Nghiêm, Pháp Hoa. Mới đầu dạy ông vài câu, sau vài hàng.

Nước chẩy đá mòn, sau 10 năm công phu, ông thuộc làu làu, không những hiểu mà còn có thể giảng giải cặn kẽ, giúp cho pháp sư rất nhiều. Sau thời giảng pháp ông lại vào hành đường làm đủ mọi việc. Pháp sư không cho ông làm, nhưng ông không nghe, vẫn làm đủ bổn phận như cũ. Khi pháp sư phải ra ngoài giảng pháp đều giao ông thay thế pháp sư giảng pháp tại chùa.

 

15/ Có phải của ông không ?

Có một năm Tịnh Không pháp sư đến Hương Cảng giảng kinh. Có một vị cư sĩ có nhiều vàng bạc châu báu để ở hộp bảo hiểm ở ngân hàng. Một ngày kia cư sĩ dẫn pháp sư đến ngân hàng xem châu báu cho biết. Đến ngân hàng, qua nhiều lần khám xét, lại do những người bảo vệ dẫn tới kho bảo hiểm. Vào kho bảo hiểm rồi, mở hộp bảo hiểm ra nhìn xem các đồ châu báu.

-Đây là đồ châu báu của ông sao ? Sao ông không đếm ?

Lúc đó, cư sĩ không vui, ông có nhiều tài sản chả lẽ lại nói : Đó không phải là của tôi ? Những đồ châu báu này không dám mang về nhà, sợ kẻ trộm lấy mất, cũng không dám đeo trên mình sợ người cướp mất, chỉ còn cách là để ở hộp bảo hiểm của ngân hàng, mỗi tháng mở ra một lần mà xem.

-Nếu cho đó là của mình thì tất cả những tiệm bán vàng ở Hương Cảng này đều là của tôi. Vì sao ? Tôi đi đến bất cứ đâu kêu người ta cho tôi coi một vật gì đều đưa ra cho tôi ngắm nghía, sờ mó, thâu lại và bảo quản tốt. Có khác gì chứ ? Không dám mang trong mình, không dám mang về nhà sao gọi là của mình được ?

Con người mê hoặc điên đảo, ngu si đến trình độ đó thì có pháp nào cứu được ?

Ngu si đáng thương, tuy có niệm Phật, nhưng bị dẫn dắt bởi những thứ này thử hỏi có thất bại không chứ ? Chư Phật, Bồ tát, Thiên long bát bộ cũng phải chào thua hạng người này.

 

16/ Dưới 18 tầng địa ngục.

Tịnh Không pháp sư khi còn cầu học ở Đài trung, Lý lão sư có kể một câu chuyện. Chúng ta không cần để ý đến chuyện này đúng hay sai. Ông nói :

-Có một vị y sinh giúp người xem bệnh. Xem người nào chết người ấy, chết oan chất cả đống. cho nên ông có danh hiệu là thầy thuốc giết người. Ông chết rồi, Diêm vương phán ông phải xuống 18 tầng địa ngục. Ông không phục nói :

-Tôi không có lòng hại họ. Đó là y thuật của tôi không giỏi, dùng sai thuốc, và phân lượng không đúng. Họ bị chết tuy rằng tôi sai, tội không quá nặng sao tôi lại bị phán vào 18 tầng địa ngục ?

Do đó, ông dậm chân, tỏ ý không phục. Không ngờ có tiếng nói vọng lên :

-Lão huynh, ông đừng dậm chân, ông làm tro bụi rơi xuống cả người tôi.

Ông nghĩ : Lại còn tầng 19 sao ?

Người bên dưới lại nói :

-Tôi đang ở tầng 19.

-Lão huynh, ông làm gì ?

-Tôi là thầy giáo.

Đối với mọi người thì thầy thuốc giết người là tôi nặng nhưng đối với những người xuất gia gánh vác sự giáo dục của Phật Đà, nếu như dẫn chúng sanh lạc vào đường mê tín, dị đoan, chỉ sợ phải vào tầng 20 vì còn nặng hơn tầng 19 nhiều.

17/ Quỷ dữ là tăng thượng duyên.

Ở Cựu kim Sơn, Mỹ Quốc, có một vị nữ cư sĩ từng gặp ma. Bà vì công tác phải thuê nhà ở một nhà có ma. Mỗi đêm vào khoảng nửa đêm ma đều xuất hiện có mùi thối không tả. Về sau lại hiện trước mặt bà, có dạng rất khủng khiếp như muốn lấy mạng bà. Bà là người chuyên niệm Phật. Thấy ma từng bước tiến lên trước. Bà hết sức niệm A Di Đà Phật. Ma nghe thấy thánh hiệu không dám đền gần. Ngày nào cũng vậy. Tôi hỏi bà :

-Sao bà không mau dọn nhà ?

-Tôi không dọn nhà ! Ma ngày ngày bức bách, khiến tôi phải ngày ngày niệm Phật. Đó cũng có chỗ tốt của nó. Ma là tăng thượng duyên của tôi.

 

18/ Lão cư sĩ Lý Tế Hoa vãng sanh.

Tại Đài Bắc, lúc trước lão cư sĩ Lý Tế Hoa sáng lập viên của Liên Hữu niệm Phật đoàn. Ngày hôm đó ông cùng bà vợ đến tham gia niệm Phật hội cũng giống như đả Phật thất. Niệm Phật sau một thời hương tắt, sau đó là một thời khai thị không quá nửa giờ, do các lão cư sĩ thay nhau giảng.

Trên xe, lão cư sĩ bảo vợ :

-Tôi định về Tây phương Cực Lạc, bà có thấy cô đơn không ?

-Vãng sanh là việc tốt. Nếu ông có thể sanh về Cực Lạc đừng để ý đến tôi !

Hôm đó đến lượt lão cư sĩ Ngụy giảng. Ông nói với ông Ngụy :

-Chúng ta hãy đổi một lần đi, hôm nay tôi sẽ giảng.

Ông lên đài giảng một nửa giờ, khẩn thiết khuyên mọi người niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh độ. Giảng xong ông hướng mọi người từ biệt. Nói muốn về nhà. Lão cư sĩ đã hơn 80 tuổi, giảng nửa giờ, mọi người tưởng lão cư sĩ bị mệt nên về nhà nghỉ ngơi, không ngờ xuống giảng đàn, cư sĩ ở phòng khách tọa thiền. Ông vãng sanh về Tây phương thế giới. Đó là chuyện những người tham gia niệm Phật, tự mình thấy. Lúc đó tôi đang ở Đài Trung. Tại Đài Bắc, ký giả Tân Sanh báo có tham gia niệm Phật; cách ngày có báo cho tôi niệm Phật vãng sanh là có thật, không giả. Ông thân chứng kiến cũng như Cam lão thái thái, hôm đó còn gõ mõ dẫn ông Lý vãng sanh, không bệnh tật gì cả.

 

19/ Ông Chu Quảng Đại vãng sanh.

Năm 1988 tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Mỹ Quốc có một vị tiên sanh tên là Chu Quảng Đại trước 3 ngày niệm Phật vãng sanh. Ông mắc bệnh ung thư máu. Y sĩ cũng chịu. Lúc đó gia đình ông hoảng loạn, cả nhà không có một người tin theo một tôn giáo nào. Nhà có một tiệm bán mì. Lúc đó mọi người đi khắp nơi cầu thần, khấn Phật hy vọng có kỳ tích xuất hiện. Đó có thể nói là vận may thù thắng gập được cư sĩ Cung Chấn Hoa của Phật giáo hội. Cư sĩ Cung là một người thành tâm niệm Phật, chuyên tu Tịnh thổ, tâm thẳng miệng nhanh, dễ đắc tội với người. Ông Chu gặp người này. Vừa gặp ông liền nói :

-Người đời quá khổ, như ông bị bệnh còn khổ hơn, sống có nghĩa lý gì ? Chẳng bằng vãng sanh Tây phương Cực lạc thế giới, đến đó làm Phật, Bồ tát, trở về độ gia nhân quyến thuộc không phải là tốt hơn sao ?

Chu Quảng Đại nghe rồi thấy có đạo lý, liền tin theo. Ông yêu cầu vợ, con giúp ông niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh thổ chứ không cầu khỏi bệnh.

Các đồng tu ở Phật giáo hội cũng có vài vị giúp ông niệm Phật. Niệm Phật 3 ngày, 2 đêm không ngừng. Niệm đến ngày thứ 2 ông thấy Bồ tát Địa Tạng tới. Ông mô tả hình dạng thì mọi người nhận biết là bồ tát Địa Tạng. Cư sĩ Cung lập tức đề tỉnh ông :

-Bất cứ là ai, ông cũng đừng theo chỉ một lòng niệm A Di Đà Phật thôi.

Không bao lâu ông không thấy bồ tát Địa Tạng nữa. Đến ngày thứ 3 thì ông thấy Tây phương Tam thánh là A Di Đà, Quán Âm, Thế Chí cưỡi mây lành đến tiếp dẫn ông.

Đây là chuyện hiện đại, ở nước Mỹ, ông Chu không biết gì về Phật giáo, lúc sắp chết gặp ông Cung, rõ ràng về Tây phương là chuyện hiếm có và chân thật không giả vậy.

 

20/ Pháp sư Tu Vô Pháp vãng sanh.

Pháp sư Tu Vô Pháp là một người thợ nề xuất thân. Hoàn cảnh của ông không tốt, kiếm tiền khó khăn. Do đó ông cảm thấy thế giới này chỉ có khổ, không có vui, ông nghĩ cách bỏ khổ được vui. Sau nghe nói niệm Phật tốt, ông phát tâm niệm Phật lâu dài. Về sau xuất gia ông mới chính thức nghe Phật pháp.

Ông hết lòng niệm Phật, thường khuyên người niệm Phật. Năm Dân Quốc 18 ở chùa Hạp Nhĩ Tân mời Đế Nhàn pháp sư đến diễn giảng và truyền giới. Tu Vô Pháp tự nguyện săn sóc các bệnh nhân, lúc đó pháp sư Định Tây là giám viện cấp cho ông một gian phòng ở ngoại liêu. Ở được chừng 10 bữa, ông bảo muốn đi. Pháp sư Định Tây nói :

-Ông phát tâm săn sóc bệnh nhân, sao chưa tới 10 ngày đã định đi rồi ! Sao tâm thay đổi vậy ?

-Tôi không đi đâu, chỉ là muốn vãng sanh thôi. Xin giám viện từ bi cho tôi một ít củi. Sau khi chết tôi muốn được thiêu.

-Bao giờ ông đi ?

-Trong khoảng 10 ngày trở lại.

Nói xong ông đi về phòng. Hôm sau ông kiếm pháp sư Định Tây từ biệt :

-Từ biệt pháp sư, hôm nay tôi đi. Xin pháp sư cho một căn phòng trống và vài người hộ niệm.

Định Tây pháp sư y lời. Trước khi ông đi, những người đưa nói :

-Ông đi hôm nay, nên làm một bài thơ hay một bài kệ để kỷ niệm chứ?

-Tôi xuất thân là công nhân, rất ngu không biết làm thơ, làm kệ, chỉ có một kinh nghiệm bảo cho các vị là nói mà không làm, đó không phải là trí tuệ.

Mọi ngưới nghe nói thấy rất thật, do đó đều đồng thanh niệm Phật. Tu Vô Pháp ngồi quỳ hướng Tây niệm Phật chưa tới một khắc đã vãng sanh.

Tuy trời rất nóng nhưng tuyệt nhiên thân không có mùi hôi nào, cũng không có ruồi nhặng bu tới. Đế Nhàn pháp sư và tín chúng đến coi đều cho là một việc ít có.

 

21/ Cư sĩ Trinh Tích Tân vãng sanh.

Cư sĩ Trịnh Tích Tân, người Quảng Đông nguyên là một thương nhân, học Phật được vài năm, không buôn bán nữa. Ông giảng kinh A Di Đà không sai, đi khắp nơi giảng kinh A Di Đà khuyên người niệm Phật. anh, em ông đều không hiểu ông, cho rằng ông bị mê khi học Phật. Họ rất bất mãn với ông. Có một lần ông giảng kinh xong, mọi người đều giải tán chỉ còn lại vài người bạn thân, ông bảo họ :

-Tôi muốn đi, nhờ các ông thuê phòng hộ.

-Ông muốn đi còn thuê phòng làm gì ?

-Tôi không phải đi đâu mà là về Tây phương Cực lạc, sợ chết ở nhà người kỵ húy cho nên muốn thuê phòng.

Đồng tu nghe ông muốn về Tây phương Cực lạc thì không kỵ húy gì cả, đều nói :

-Về nhà tôi đi !

Mọi người đều hoan nghênh ông. Ông liền đến nhà bạn. Các bạn nói với ông :

-Ông vãng sinh là một việc tốt. Cổ nhân trước khi đi đều làm một, hai bài thi kệ. Mong ông cho chúng tôi chút kỷ niệm. Ông ngồi về hướng Tây nói :

-Không cần vậy, mọi người thấy tôi đến, đi tự như, cứ theo cách tôi mà làm thì đó là kỷ niệm tốt nhất.

Nói xong, mọi người niệm Phật. Chưa tới một khắc công phu ông ngồi trên giường mỉm cười mà vãng sanh.

Về sau anh em ông thấy ông đi như vậy, khởi lòng tin niệm Phật. Ba năm sau em ông cũng vãng sanh. Đây là chuyện thật vậy.

 

22/ Nữ cư sĩ Trương thị vãng sanh.

Nữ cư sĩ Trương thị, người Thanh Đảo, có một con trai, một con gái. Gia cảnh bần hàn, chồng làm phu xe ngựa. Trương thị trú ở gần Trạm Sơn tinh xá. Tinh xá có thành lập hội Phật học, mỗi ngày chủ nhật đều có pháp sư do chùa Trạm Sơn phái đền đó giảng kinh. Mọi người nghe giảng kinh xong đều niệm Phật cho hết một que hương. Trương thị do nhân duyên đó mà quy y tam bảo, được nghe Phật pháp, tin vào Đức Phật, thường ở nhà niệm Phật. Ngày lễ thì dẫn 2 con đến Phật học hội nghe kinh, nghe rồi cùng mọi người niệm Phật. Cuối năm Dân Quốc 26, một hôm vào sáng sớm, bà bỗng bảo chồng :

-Ông hãy trông con cho tốt nhé ! Hôm nay tôi sẽ về đất Phật.

Chồng bà bận rộn về kinh tế, không để ý gì đến Phật pháp, tức giận nói :

-Đừng nói xàm ! chúng ta nghèo còn chưa đủ ư, bà còn nói bậy gì nữa !

Nói rồi, ông không thèm để ý đến vợ, bèn đi đánh xe. Trương thị dặn dò 2 con :

-Hôm nay mẹ sẽ về thế giới Tây phương Cực lạc, các con phải nghe lời bố bảo, đừng ngỗ nghịch.

Lúc đó các con bà, đứa lớn chưa đến 10 tuổi, đứa bé chừng 5, 6 tuổi không hiểu mẹ nói gì, theo lệ chạy ra ngoài chơi. Trương thị thu vén chuyện nhà xong, rửa mặt, chải đầu, vì nhà nghèo không có quần áo mới chỉ thay quần áo cũ đã giặt sạch, ngồi về hướng Tây niệm Phật rồi vãng sanh.

2 con bà chạy ra ngoài chơi rất lâu, đói bụng, về nhà ăn cơm. Thấy mẹ ngồi trên giường không nấu cơm, bèn gọi không thấy trả lời, dùng tay sờ cũng không động. Lúc đó các trẻ mới biết mẹ chết. Do đó khóc lóc đi báo tin cho hàng xóm biết. Họ chạy đến thấy Trương thị như người sống đủ biết công phu niệm Phật rất sâu.

Về sau ông chồng đánh xe ngựa về, thấy khóc một trận. Vì gia đình quá nghèo, nên đều do Phật học hội lo hậu sự.

 

23/ Tham thiền thành thần thổ địa.

Pháp sư Đế Nhàn có một người đồ đệ. Ông tự mình phát tâm xuất gia. Đương nhiên rất thành tâm, gia đình cũng không quản, cũng không bàn bạc với vợ. Con gái mới chỉ được vài tuổi, gửi tại nhà em. Vợ ông không tưởng thông, nhẩy sông tự tử. Ông cũng không quản vợ sống hay chết quyết tâm đi tu, tham thiền.

Pháp sư Đế Lão để ông tu hành ở Kim Sơn thiền đường. Ông thật sự tu hành 10 năm trời. Tu thiền rất có danh, thâu nhiều đồ đệ. Mọi người tôn ông là thủ tọa. Có đồ đệ lại có người cung dưỡng ăn, mặc không thiếu gì. Do đó, liền khởi tâm tham. Có ăn, có ở, lại có người cung kính liền sanh lòng tự mãn, dương dương tự đắc. Các người trong gia đình ông 10 năm trước cản trở ông không cho xuất gia, nay thấy ông có công phu chân thật, có hộ thần bảo hộ, ma quỷ không dám đến gần mê hoặc, đều tín phục. Vì vọng tưởng tham, đắc ý nên tu hành bị thoái chuyển. Hộ thần bỏ đi, ma liền ám thân ông, ông muốn nhẩy sông.

Chùa Kim Sơn bốn phía là sông. Ông không tự chủ được bèn nhẩy xuống sông. Có người trông thấy bèn cứu ông. Cách vài ngày ông lại ra nhẩy xuống sông, lại có người cứu được ông. Phương trượng Kim Sơn nói :

--Không được rồi ! Thủ tọa bị ma nhập, ông không biết bơi có thể bị chết đuối. Phải mau báo cáo cho sư phụ ông là Đế Nhàn pháp sư rước ông về.

Đế Nhàn pháp sư nghĩ ông là đồ đệ của mình để người khác đi đón thì không được, bèn tới Kim Sơn tự. Gọi ông đến ông không đến, kêu ông đi ông không đi. Kỳ thực ông đã bị quỷ ám, hồ đồ rồi. Đế Nhàn nói :

-Đi đi ! Ông đừng quấy rối nữa, nay nhẩy sông, mai nhẩy sông, đây toàn là người tu hành cả. hãy đi cùng tôi!

Lúc đó di chuyển bằng đường thủy là chuyện thường. Đế Nhàn ở phòng cuối thuyền, còn ông có địa vị thủ tọa có một phòng riêng ở mũi thuyền. Thuyền đi vài ngày không có chuyện gì. Một hôm, trong bữa ăn sáng, không thấy ông Đế lão sai người đi mời ông thì thấy trong phòng không có người mà cửa sổ mở toang. Đế Nhàn nói :

-Không xong rồi, đáng lẽ cửa sổ phải đóng mới phải, ông ta từ của sổ này mà ra. Đi nhẩy sông rồi !

Bèn sai người trong nhà chùa đi tìm, trong vòng nửa dặm thì phát hiện ông đã bị chết đuối. Kéo thây lên, mang về chùa tụng kinh siêu độ rồi mai táng.

Lúc đó, con gái ông khóc lóc đến chùa bảo Đế Nhàn tối qua nằm mộng thấy bố mẹ đi nhậm chức. Đế Nhàn hỏi nhậm chức gì ? Cô gái nói bố cô làm thần thổ địa và mẹ cô thành bà thổ địa. Do đó Đế Nhàn bỗng hiểu ra. Gần đấy cách nhà chùa không xa có một cái miếu mới xây. Đế Nhàn nói :

-Hôm nay ông là thần thổ địa, chúng tôi đến siêu độ cho ông, nếu ông có hiển linh hãy cho chúng tôi coi !

Lúc đó, một trận gió thổi qua rất mạnh. Đế lão nói đó là ông hiển linh. Ý Đế lão là người tu thiền sai một niệm sẽ rơi vào tình trạng ấy.

 

24/ Tội phạm ở Tân Gia Ba niệm Phật vãng sanh.

Ở Tân Gia Ba những người buôn bán độc phẩm đều bị tội treo cổ. Người mua bán độc phẩm rất nhiều, phần lớn là thanh niên. Sau khi bị phán tội, họ đều bị giam trong ngục chờ ngày lên đọan đầu đài.

Cư sĩ Lý Mộc Nguyên đến nhà giam khuyên tội nhân niệm Phật. Ông khuyên họ niệm Vô lượng thọ kinh hoạc kinh A Di Đà cầu sinh Tịnh độ. Đa số phạm nhân tiếp thọ. Nhà giam giống như Phật đường tổ chức Phật thất vì họ đều biết một ngày nào đó họ phải vãng sanh. Do đó họ bỏ xuống hết, thành tâm niệm Phật. người không niệm Phật toàn thân tê dại, đi phải có người dìu. Khi treo cổ, thất khổng chẩy máu. Người niệm Phật thì không thế. Tự mình đi, không sợ hãi khi chết vẻ mặt như sống, không thể nghĩ bàn, đem thiêu nhặt được nhiều xá lợi, mầu sắc đẹp to, cứng như kim loại, ném xuống đất không có tiếng vang. Nếu một người bị xử, cả phòng đều niệm Phật đưa tiễn. Chứng minh rằng nếu một người thành tâm niệm Phật một ngày hay 7 ngày cầu sanh Tịnh độ nhất định sẽ thành công. Đó là sự thực.

 

25/ Đồ tể Trương Thiện Hòa vãng sanh.

Đời Đường, Trương Thiện Hòa là một đồ tể. Giết bò là nghiệp của ông. Cả đời ông không biết đã giết biết bao nhiêu bò.

Vì đời này ông không gặp được duyên lành, nên làm đồ tể, tạo nhiều ác nghiệp. Lúc sắp chết ông thấy nhiều người đầu bò đến đòi mạng. Đó là quả báo hiện tiền, cũng là địa ngục hiện tiền. Nhưng trong nhiều kiếp trước ông đã niệm Phật thâm sâu nên lúc sắp chết thần chí rõ ràng, không bị mê hoặc, ông kêu to lên :

-Có nhiều người đầu bò đến đòi mạng quá ! Mau cứu tôi !

Vừa may, lúc đó có một vị xuất gia đi qua, nghe tiếng kêu cứu, rõ sự tình bèn đốt một thẻ hương đưa cho ông bảo niệm A Di Đà Phật. Ông cầm lấy thẻ hương miệng niệm A Di Đà Phật một lòng cầu xin về Tây phương Cực lạc thế giới. Ông niệm vài tiếng A Di Đà Phật thì không thấy những người đầu bò đến đòi mạng nữa, và thấy Phật A Di Đà tới rước. Ông bèn cùng Phật A Di Đà đi.

Đó là lời kinh Vô lương thọ, lời nguyện thứ 18. Lúc sắp chết chỉ cần 10 niệm là có thể vãng sanh nếu tâm chân thành.

 

26/ Pháp sư Doanh Kha, triều Tống vãng sanh.

Ông là một người xuất gia không giữ giới luật, tạo nhiều tội nghiệp, nhưng ông có một điểm tốt là tin có nhân quả báo ứng. Tự nghĩ những việc mình làm suốt đời tất sẽ xa địa ngục, thì sợ hãi, thỉnh giáo bạn đạo, có cách nào cứu vớt không ?

Có người cho ông quyển Vãng sanh chuyện. Ông xem xong rất cảm động, rơi lệ, thống khóc, Ông phát tâm cầu Phật vãng sanh Tịnh thổ. Ông khóa chặt liêu phòng. Không ăn uống, ngủ nghỉ hết lòng niệm Phật 3 ngày, 3 đêm. Chỉ niệm A Di Đà Phật. Phật A Di Đà báo cho ông biết ông còn 10 năm để sống, đến ngày ông vãng sanh Phật sẽ tới rước.

Pháp sư Doanh Khả nói :

-Căn cơ con chậm lụt, trong khỏang 10 năm, 6 căn sẽ bị nhiễm 6 trần tạo nên không biết bao nhiêu tội nghiệp, có khi tương lai không có cơ hội vãng sanh tịnh độ. Con không cần sống thêm 10 năm nữa chỉ muốn đi cùng ngài.

-Được ! 3 ngày nữa tôi sẽ đến đưa ông có được không ?

-Dạ !

Ông mở cửa liêu phòng, tuyên bố với đại chúng 3 ngày nữa Phật A Di Đà sẽ đến đón ông. Mọi người trong chùa cho là ông bị điên, một người ác làm sao vãng sanh trong 3 ngày ?

Nhưng 3 ngày không phải là thời gian dài, mọi người đều chờ coi. Tới ngày thứ 3, ông tắm rửa, thay quần áo mới. Trong khóa lễ buổi sáng, ông yêu cầu mọi người không theo thường lệ mà niệm Phật tiễn ông vãng sanh. Ông không có bệnh tật gì, cùng mọi người niệm Phật. Đọc kinh xong ông niệm tên Phật 10 lần rồi từ biệt mọi người.

-A Di Đà Phật đến rước tôi, tôi sẽ đi cùng Ngài !

Nói xong ông liền mất. Đây là chuyện có thật ghi chép trong lịch sử.

 

27/ Nhân duyên học Phật của cư sĩ Chu Kính Trụ.

Cư sĩ Chu Kính Trụ giảng nguyên nhân mình học Phật. Trong thời kỳ kháng chiến, ông là chủ quản Tây Khang, Tứ Xuyên. Có một chiều ông cùng bè bạn đánh mạt chược, trời đã khuya mới tan. Vào khoảng 1, 2 giờ đêm. Về nhà khoảng vài dặm xa. Trong thời kháng chiến, đèn đường 1 khoảng dài mới có, lại nữa đèn sáng mờ mờ khoảng 20 watt, không được sáng sủa như ngày nay. Đi đằng trước ông không xa là một người con gái, ông cũng không để ý. Ông đi một lúc lâu, bỗng nghĩ sao nửa đêm mà thân con gái lại đi một mình ? Tóc ông dựng đứng, toát mồ hôi lạnh. Nhìn kỹ thì chỉ có một nửa phần trên, còn nửa dưới thì không có. Ông sợ đến chết. Đây không phải là ảo giác vì ông đi đã lâu, không phải là hoa mắt vì thân tự thấy, tự kinh lịch. Tự đó ông tin Phật giáo. Trong quá khứ nghe được nhiều chuyện, nhưng ông không tin nay tự chứng kiến toát mồ hôi lạnh, mới xem kinh Phật, vào cửa Phật. Ông nói đó là Quán Thế Âm bồ tát khai thị vì thế mà ông nghe Phật pháp.

 

28/ Ra khỏi chướng ngại đố kỵ.

Lượng của phàm phu và thánh nhân không đồng. Lòng đố kỵ của phàm phu nặng, thấy người khác thành tựu, bề ngoài ngợi khen nhưng trong lòng không cao hứng. Tỏ rằng ông không như tôi, tâm tôi khó chịu.Thầy trò cũng vậy, không ra ngoài nguyên tắc này. Triều Hán, đại nho Trịnh Huyền có thầy giáo là Mã Dung. Ông học 3 năm với Mã Dung, toàn bộ kiến thức của Mã Dung ông đều học được mà còn hơn thầy nữa. Mã Dung sanh lòng đố kỵ. Mã Dung thích nghe ca, tự mình nuôi một ban nhạc. Khi giảng học một mặt giảng học, một mặt nghe âm nhạc. Phòng học rất rộng, dùng một màn che, nhiều học trò nhìn lén, nhưng Trịnh Huyền không một lần ngó.

Thầy tuy miệng khen, nhưng lòng không bỏ qua. 3 năm đã qua, Trịnh Huyền muốn về nhà. Thầy tiễn trò 10 dặm, lại sai học trò mỗi người mời 3 ly. Trịnh Huyền uống 300 ly, mục đích Mã Dung là thừa lúc ông say sai người giết ông trên đường đi. Không ngờ tửu lượng của ông khá, không đổi sắc mặt, không thất lễ với thầy và bạn. Trịnh Huyền biết dụng ý của thầy. Ông nói cho bạn học biết mình đi đường nào, nhưng giữa đường ông đổi đi đường khác. Quả nhiên thầy sai sát thủ đến nhưng không gặp.

 

29/ Cư sĩ Lý Bỉnh Nam giáo huấn về ăn, uống.

Cư sĩ Lý Bỉnh Nam hơn 70 tuổi nhìn chỉ độ hơn 40 tuổi. 90 tuổi còn minh mẫn, chân tay linh hoạt, đến 95 tuổi cũng không cần người giúp đỡ. 2 năm gần đây vì trúng độc thực phẩm, người ta làm mì cho ông. Nấu mì rất lâu, cho đến khô hẳn. Khi người ta nấu cho ông ăn, ông cứ ăn như cách người ta nấu làm người nấu hoan hỷ dù biết đó không đúng với tập quán, có hại cho mình. Ăn xong ông uống nước giải. Ông là một người hiểu Trung y, dùng thuốc hóa giải không sao. Vài tháng sau lại gặp tình trạng ấy, ông lại ăn, lại uống thuốc giải. Nhưng lần này không kịp, chất độc quá nhanh, bị bệnh 3 tháng. Pháp sư Tịnh Không đến thăm ông. Ông bảo :

-Đừng vào quán ăn hàng, nếu ăn phải cẩn thận !

Đó là lần trúng độc thứ nhì.

Lần thứ ba, ông uống nước mía. Không biết là nước mía hư hay có bệnh gì. Chất độc không hóa giải được cho nên ông bị trúng độc. Sức đề kháng giảm, 97 tuổi ông mất. Trước đó 2 tuần ông vẫn giảng kinh như thường.

 

30/ Hà Đông tước sĩ phu nhân vãng sanh.

Sau thế chiến thứ II, Hà Đông tước sĩ phu nhân là mẹ tướng quân Hà Thế Lễ. Toàn gia theo Cơ Đốc Giáo chỉ có phu nhân là tin Phật. Con cái phi thường hiếu thuận, trong nhà có bàn thờ Phật. Họ không hề xung đột. Việc vãng sanh của bà đã khai thị nhiều người ở Hương Cảng. Ngày vãng sanh bà cho gọi con cái họ hàng đến. Bà nói :

-Nhà tôi tôn giáo tự do, nhưng hôm nay tôi muốn về Tây phương Cực lạc thế giới. Mọi người hãy niệm A Di Đà Phật tiễn tôi. Đó là lời yêu cầu cuối cùng của tôi.

Tình lý đều thông, do đó mọi người y lời.

Ngay đó, bà ngồi tọa thiền ngay ngắn. Không quá một khắc thì bà đi. Do đó cả nhà bà quy y Phật. Bà bình thời ít nói. Khi sắp chết mới biểu diễn cho mọi người coi. Kết quả độ cả nhà. Ở thế gian mọi chuyện đều là giả cả, chỉ có chuyện này là thật.

 

31/ Cư sĩ Lý Mộc Nguyên khỏi bệnh ung thư.

Cư sĩ Lý Mộc nguyên ở Tân Gia ba là một tín đồ Phật giáo. Ông rất hộ trì Phật giáo, dốc toàn tâm, toàn sức. Năm 1987 tôi quen ông, lúc đó ông là hội trưởng của thanh niên hoằng pháp đoàn, mời tôi đến Tân Gia Ba giảng kinh, tôi thường đến hàng năm.

Năm 1989 ông bị ung thư. Bác sĩ nói ông chỉ sống được 6 tháng là cùng. Ông chiếu X-ray 6, 7 tấm, lục phủ ngũ tạng đều không khá. Ông bàn giao buôn bán cho vợ, con. Tài sản đều phân chia cả. Ngay thẻ tín dụng ông cũng trả ngân hàng. Ông chuyên làm nghĩa công ở chỗ Lâm cư sĩ, không cần báo đáp, chỉ chờ vãng sanh. Ông không đi khám bác sĩ, không uống thuốc. Ông nói tôi sắp chết hà tất phải khổ sở. Do đó một lòng một ý phục vụ cho Phật giáo. Quá 6 tháng cũng không thấy đau đớn gì, lại qua một năm ,rồi 2 năm càng ngày, càng mạnh. Ông đi kiểm tra thì thấy không có bệnh gì cả. Bác sĩ nói không thể nghĩ bàn, kỳ tích. Tư liệu là một phong bì lớn, ông chỉ cho tôi coi. Đó là học Phật không bệnh. Ông nguyên biết là mình bị bệnh nặng, bỏ tất cả xuống, chỉ đợi vãng sanh. Tham, sân, si dần hết. Do đó bác sĩ nói kỳ tích. Tôi nói đó là chuyện bình thường, một người suy lão vì tâm lý có độc. Đó là 3 độc tham, sân, si ở trong, ở ngoài thì văn danh, lợi dưỡng mê hoặc làm sao ông không sanh bệnh, lão, tử. Lý Mộc nguyên khỏi bệnh là do ông trừ bỏ mọi chất độc bên trong, tánh hồi phục thanh Tịnh, chân thành, từ bi. Các tế bào được cấu tạo lại, theo tự nhiên. Thuận theo tự nhiên thì mạnh khỏe.

 

32/ Nhìn phá được, bỏ xuống được.

Lúc mới tu, tôi có cơ duyên gặp gỡ Chương Gia đại sư. Ông là một đại đức Mật tông. Lần thứ nhất gặp ông, tôi hỏi :

-Con biết là Phật giáo thù thắng, rất tốt muốn nhập môn, xin đại sư chỉ thị cho con phương pháp.

Chương Gia đại sư không nói, chỉ chăm chú nhìn tôi, đến nửa giờ. 2 người đều nhập định. Ông nhìn tôi, tôi nhìn ông. Tôi vẫn chờ ông trả lời. Chừng nửa giờ sau ông nói một tiếng :

-Có.

5 phút sau, ông mở miệng nói :

-Nhìn phá được, bỏ xuống được.

Lần thứ nhất gặp mặt, 2 giờ mắt đối mắt, không nói. Sự nhiếp thọ rất lớn cả đời không quên. Lời nói của ông đơn giản, ngắn gọn không thừa. Tôi lại hỏi :

-Hạ thủ ở chỗ nào ?

Lại 20 phút mới trả lời :

-Bố thí.

Đó là lần gặp thứ nhất, một chữ cũng không quên. Tôi cáo từ. Ông tiễn ra tận cửa dặn dò :

-Hôm nay tôi dạy ông 6 chữ, ông phải thực hành trong vòng 6 năm.

 

33/ Niệm Phật 3 năm đứng mà vãng sanh.

Đế Nhàn pháp sư có một đồ đệ. Ông đồ đệ hơn 40 tuổi, kém tuổi pháp sư không xa. Họ là bạn chơi lúc nhỏ. Gia đình Đế Nhàn khá hơn, ông được đi học. Còn bạn ông được ông bác dẫn đi, dạy nghề hàn nồi. Ông thể hội cuộc đời là khổ. Ông biết bạn cùng chơi hồi nhỏ xuất gia làm hòa thượng. Do đó ông kiếm Đế Nhàn :

-Tôi muốn xuất gia.

-Vì sao ?

-Người đời quá khổ, tôi nhất định xuất gia.

-Ông nói chơi sao ? Ở vài ngày ở chùa rồi đi làm ăn chứ. Làm sao cho ông xuất gia ? Ông đã già rồi, 40 tuổi hơn, không có sức lực, lại không biết chữ, niệm kinh cũng không được, cho ở chùa người ta nói thì sao ?

-Tôi nhất định xuất gia, không làm ăn nữa.

-Cũng được! Ông muốn xuất gia thì phải theo các điều kiện.

-Không có vấn đề, tôi nhận ông là thầy. Ông nói sao, tôi nghe vậy.

-Tốt lắm, tôi cạo đầu cho ông, ông không cần thọ giới, cũng không phải ở chùa. Ở Ninh Ba có nhiều tiểu miếu, miếu hoang, ông chọn một chỗ mà ở.

Pháp sư chỉ định, một tín đồ ở trong vùng phụ cận mỗi tháng cấp cho ông một ít tiền, ít gạo. lại chỉ định một bà lão hàng ngày giặt giũ quần áo và nấu cơm cho ông. Lại dạy ông niệm A Di Đà Phật.

-Ông cứ niệm câu Phật hiệu này, mệt thì nghỉ, nghỉ xong lại niệm, nhất định sẽ có kết quả tốt.

Một người không đọc kinh, không nghe giảng kinh, thành thực chỉ một lòng niệm Phật. Ông không vào thành thăm bạn bè thân thích. Hôm đó, ông bảo bà lão :

-Ngày mai, bà không cần nấu cơm cho tôi.

Bà lão nghĩ 3 năm không đi ra khỏi cửa, có lẽ có bạn mời nên bảo bà không nấu cơm.

Hôm say bà lão tới buổi trưa xem ông đã về chưa, cửa miếu không khóa. Ông đứng trong liêu phòng, mặt hướng về cửa sổ, tay cầm niệm châu. Kêu gọi mà ông không trả lời chạy tới trước mặt mới biết là ông đã đi rồi. Bà lão kinh ngạc, cả đời không thấy người đứng mà vãng sanh. Vội đi báo cho các vị hộ pháp.

Các vị hộ pháp không biết phải làm sao, bèn cho người đi báo Đế Nhàn. Lúc đó không có xe cộ như bây giờ, cũng không có điện thoại di động, đi về phải mất 3 ngày. Mọi người thấy ông đứng vãng sanh, phải đứng 3 ngày đợi sư phụ đến lo hậu sự. Đế lão xem rồi khen ngợi :

-Ông không xuất gia từ nhỏ, không nghe kinh, không giảng kinh. So sánh với các vị trụ trì các chùa danh tiếng thật không ai sánh bằng.

Chỉ một câu A Di Đà Phật không gián đoạn, không pha tạp đã thành công vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 14949)
Các công án liên quan đế Bồ Đề Đạt Ma
26 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 15193)
Các ngữ lục của thiền sư Triệu Châu
26 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 14913)
Ngữ lục của Thiền sư Bạch Vân
26 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 14337)
Các ngữ lục của thiền sư Pháp Nhãn
26 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 14218)
Nói tới các Ni sư Trung Hoa
26 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 15141)
Nói về Thiền sư Tiên Nhai Nghĩa Phạm
26 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 15022)
Nói về Thiền sư Diệu Thiện
25 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 16150)
23 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 15657)
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000