Bàng Uẩn Ngữ Lục

20 Tháng Năm 201410:15 CH(Xem: 16294)
Bàng Uẩn Ngữ Lục
Dịch Giả: Dương Đình Hỷ

Nhượng Châu cư sĩ Bàng Uẩn tên tự Đạo Huyền là người huyện Hành Dương, Hành Châu. Gia đình vốn theo Đạo Nho, ông sớm ngộ trần lao, chí cầu chân đế.

Dù cư sĩ ở đâu, hoặc đi và tới nơi nào cũng có người đặt câu hỏi, và cư sĩ đều trả lời thỏa đáng, như vang theo trống. Ông không phải là loại người có thể đánh giá hay xếp hạng vào loại người nào được.

Đối Thoại Với Thạch Đầu.
1. -Khoảng đầu năm Đường Trinh Nguyên ông đến thăm Thạch Đầu hỏi
-Người không làm bạn với vạn pháp là ai ?

Thạch Đầu lấy tay bịt miệng ông. Ông hoát nhiên có tỉnh.

2. -Một hôm Thạch Đầu hỏi ông :
-Từ khi ông gặp lão tăng, việc hàng ngày thế nào ?
-Nếu hỏi việc hàng ngày thì con không có chỗ mở miệng.
-Vì tôi biết ông như thế nên nay tôi mới hỏi.

Ông bèn trình lên bài kệ :
Việc hàng ngày không khác
Riêng tôi tự thấy vui
Mọi việc chẳng nắm bỏ
Mọi chốn chẳng nghịch suôi
Gò núi hết bụi đời
Thần thông và diệu dụng
Xách nước, bổ củi thôi.

Thạch Đầu chấp nhận và hỏi :
-Ông sẽ mặc áo đen hay áo trắng ?
-Xin cho con theo sở nguyện.

Do đó ông không cạo đầu, không nhuộm áo.

Đối Thoại Với Mã Tổ.
1. -Sau ông tới Giang Tây tham Mã Tổ. Ông hỏi :
-Người không cùng vạn pháp làm bạn là ai ?
-Đợi tới khi ông hớp một ngụm cạn hết nước Tây Giang tôi sẽ bảo ông.

Ngay câu nói ấy ông lãnh ngộ huyền chỉ. Bèn trình bài kệ :
Mười phương đều tụ lại
Người người học vô vi
Đây là trường chọn Phật
Tâm Không trúng kỳ thi.

Ông ở lại tham học với Mã Tổ hai năm.
Ông có viết bài kệ :
Có trai chẳng cưới vợ
Có gái chẳng gả chồng
Cả nhà vui hội họp
Cùng bàn lý vô sanh.

2. -Một hôm ông hỏi Mã Tổ :
-Một người chẳng rõ bản lai, thỉnh hòa thượng ngưởng mặt.

Mã Tổ cúi mặt xuống.
-Chỉ có hòa thượng là người chơi được đàn không dây.

Cư sĩ bèn lạy. Mã Tổ trở về phòng phương trượng. Bàng Uẩn nói với theo :
-Hòa thượng khéo quá hóa vụng !

3. -Một hôm ông hỏi Mã Tổ :
-Nước không gân cốt sao mang nổi thuyền nặng vạn hộc ?
-Nơi đây chẳng có nước, cũng chẳng có thuyền, nói gân cốt cái gì ?

Đối Thoại Với Dược Sơn.
1. -Ông tới tham Dược Sơn. Dược Sơn hỏi :
-Chuyện ấy có thể chứa trong nhất thừa không ?
-Con hàng ngày lo kiếm bữa, không biết chuyện ấy có trong nhất thừa không ?
-Ông chẳng gặp Thạch Đầu có đúng không ?
-Giơ tay lên, hạ tay xuống chưa phải là hảo thủ.
-Làm phương trượng lão tăng bận lắm!
-Trân trọng !
-Giơ tay lên, hạ tay xuống là hảo thủ.
-Câu hỏi về nhất thừa đã mất rồi !
-Phải, phải.

2. -Khi ông từ biệt, Dược Sơn sai 10 thiền khách tiễn đến cửa, ông chỉ tuyết đang rơi nói :
-Tuyết đẹp thay ! Từng phiến, từng phiến không rơi chỗ khác.

Có Toàn thiền khách hỏi :
-Rơi xuống đâu vậy ?

Ông cho một tát tai, Toàn thiền khách kêu lên :
-Sao thô bạo vậy ?
-Vậy cũng xưng là thiền khách, ngay lão Diêm Vương cũng chẳng thể tha ông.
-Còn cư sĩ thì sao ?

Ông lại tát thêm một cái nữa :
-Có mắt như mù, có miệng như câm.

Đối Thoại Với Tế Phong.
1. -Ông tới thăm Tế Phong, vừa mới bước vào viện Tế Phong đã hỏi :
-Kẻ tục nhân này không ngớt tới viện để được gì ?

Ông ngoảnh nhìn hai bên rồi hỏi :
-Ai nói thế ? Ai nói thế ?

Tế Phong hét lớn .
Ông nói :
-Là tôi đây !
-Nói thẳng có phải không ?
-Còn có gì đàng sau sao ?

Ngoảnh đầu lại Tế Phong kêu :
-Nhìn kìa ! Nhìn kìa !
-Giặc cỏ đại bại !

Tế Phong không nói gì.

2. -Một hôm ông cùng Tế Phong dạo bước, ông bước lên trước một bước và nói :
-Tôi hơn ông một bước.
-Chẳng trước chẳng sau, ông già còn muốn trước.
-Khổ trong khổ không nói thế.
-Sợ tôn ông không cam tâm.
-Nếu tôi không đồng ý thì ông làm gì ?
-Nếu tôi có gậy trong tay thì nện ông một trận không thương sót.

Ông liền thoi cho Tế Phong một đấm :
-Không tốt lắm.
Tế Phong kiếm gậy ông ngăn lại ;
-Hôm nay giặc cỏ đại bại rồi.

Tế Phong cười lớn :
-Là tôi vụng về hay ông khéo léo.

Ông vỗ tay :
-Thế là hòa !

3. -Một hôm ông hỏi Tế Phong :
-Từ đây đến đỉnh núi xa bao nhiêu dậm ?
-Ông từ đâu tới ?
-Dốc không thể nói.
-Dốc nhiều ít ?
-Một, hai, ba.
-Bốn, năm, sáu.
-Sao không nói bẩy ?
-Nếu tôi nói bẩy sẽ có tám.

Cư sĩ nói :
-Ông có thể ngưng ở đó.
-Ông cứ tiếp tục.

Cư sĩ hét lớn đi ra.
Tế Phong cũng hét lớn.

4. -Một hôm ông bảo Tế Phong :
-Không nên nói trực tiếp.
-Xin Bàng công chỉ cho tôi.
-Sao ông thất thần vậy ?
-Tôi có câu hỏi nhưng ông trả lời không được.
-Đúng vậy, đúng như tôi nghĩ.

Đối Thoại Với Đơn Hà.
1. -Một hôm Đơn Hà Thiên Nhiên đến thăm ông. Vừa tới cửa thì thấy
con gái ông là Linh Chiếu đang mang một giỏ rau. Đơn Hà hỏi :
-Cư sĩ có nhà không ?

Linh Chiếu đặt rỏ rau xuống, lễ phép khoanh tay đứng im. Đơn Hà hỏi lại :
-Cư sĩ có nhà không ?

Linh Chiếu nhấc giỏ rau lên, bước đi.
Khi cư sĩ về, Linh Chiếu thuật lại cho ông nghe. Cư sĩ hỏi :
-Đơn Hà có đây không ?
-Ổng đi rồi !
-Sữa vẽ trên đất đỏ (chỉ một việc vô dụng).

2. -Sau, khi Đơn Hà đến thăm ông, mặc dầu ông thấy Đơn Hà đến, ông không đứng dậy nghênh đón hay nói một câu gì. Đơn Hà giơ phất tử lên,
ông cũng giơ trùy lên.
Đơn Hà hỏi :
-Chỉ là cái này hay còn gì nữa không ?
-Lần này gập ông không giống các lần trước.
-Chẳng tổn hại thanh danh.
-Ông vừa bị một vố.
-Nếu là vậy tôi đã bị á khẩu.
-Ông bị á khẩu là do bản phận sự của ông, và bây giờ ông làm tôi bị lây.

Đơn Hà ném phất tử xuống và bỏ đi. Ông gọi :
-Nhiên xà lê ! Nhiên xà lê !

Đơn Hà đi không ngoảnh cổ lại.
-Ông ta không những câm mà còn điếc nữa !

3. -Một hôm, Đơn Hà lại đến thăm ông, khi đi tới cửa thì họ gập nhau.
Đơn Hà hỏi :
-Cư sĩ có nhà không ?
-Người đói không chọn thức ăn.
-Lão Bàng có nhà không ?
-Trời xanh ! Trời xanh !

Bàng cư sĩ nói rồi đi vào nhà.
Đơn Hà cũng than :
-Trời xanh ! Trời xanh !

Than rồi trở về nhà.

4. -Một hôm Đơn Hà hỏi ông :
-Gập mặt hôm nay so với hôm qua thế nào ?
-Trỏ cho tôi việc hôm qua thế nào dưới con mắt Thiền.
-Thiền nhãn có thể chứa ông.
-Tôi trong mắt ông.
-Mắt tôi rất hẹp, ông kiếm đâu ra chỗ để chứa thân ông ?
-Tại sao mắt lại hẹp ? Tại sao lại phải để thân trong đó ?
-Nếu ông nói thêm một lời nữa thì đối thoại đã tròn rồi.

Đơn Hà không trả lời.
-Và lời nói đó thì không ai có thể nói được.

5. -Một hôm ông tới đứng trước mặt Đơn Hà, hai tay khoanh lại trước ngực. Đơn Hà không thèm để ý đến ông, ông đứng một lúc rồi đi ra.
Khi ông trở lại Đơn Hà tới đứng trước mặt ông, hai tay khoanh trước ngực, sau một lúc trở về phòng phương trượng.
Đơn Hà nói :
-Tôi tới ông đi, chúng ta không đi đâu cả.
-Cái ông già này tới lui không ngừng bao giờ mới xong ?
-Ông chả có chút từ bi nào.
-Tôi đã dẫn gã tới mộng.
-Lấy gì dẫn ?

Lúc đó Đơn Hà nhấc mũ trên đầu cư sĩ nói :
-Ông giống một vị sư già.

Ông giằng lấy mũ đội lên đầu Đơn Hà :
-Ông giống một người tục.
-Phải đó ! Phải đó !
-Còn tính khí xưa.

Đơn Hà ném mũ xuống đất :
-Giống như mũ quan.
-Phải đó ! Phải đó !
-Làm sao tôi quên được tính khí xưa ?

Ông phẩy tay ba lần :
-Động trời, động đất.

6. -Một hôm Đơn Hà thấy ông đang tới bèn làm vẻ đang chạy, ông nói :
-Đó là thế ném, còn thế gầm thì sao ?

Đơn Hà ngồi xuống.
Ông đứng trước mặt Đơn Hà dùng gậy viết số 7, Đơn Hà viết số 1 ở dưới.
-Vì có số 7 mới thấy số 1. Nhìn thấy số 1 thì quên số 7.

Đơn Hà đứng dậy. Ông bảo :
-Hãy ngồi lâu thêm chút nữa, hãy còn câu nữa.
-Tôi có thể trước ngữ không ?

Ông khóc 3 tiếng rồi đi !

7. -Một hôm ông cùng Đơn Hà đi dạo, trông thấy một ao nước sâu, trong; ông chỉ ao cho Đơn Hà và nói :
-Như thế đó không thể phân biệt được.
-Dĩ nhiên là không.

Ông vốc nước vẩy vào Đơn Hà.
-Đừng làm vậy ! Đừng làm vậy !
-Tôi phải làm.

Đơn Hà cũng vốc nước vẩy vào ông.
-Ông phải làm gì bây giờ ?
-Không làm gì khác.
-Hiếm người được tiện nghi.
-Ai thiếu tiện nghi ?

8. -Một hôm Đơn Hà cầm một chuỗi tràng ở tay, ông đến giật lấy :
-Hai chúng ta đều trắng tay. Bây giờ xong chuyện rồi !
-Ông già ghen tỵ không biết phân phải trái.
-Tôi không hiểu . ông, tôi không làm thế nữa.

Đơn Hà hét lớn.
-Ông thiệt đáng sợ !
-Tôi tiếc chẳng có gậy.
-Tôi già rồi không ăn gậy được đâu.
-Đánh ông vô ích.
-Dù vậy ông vẫn chưa cho tôi lời chỉ dẫn nào.

Đơn Hà đưa cho ông chuỗi hạt và đi ra.
-Đồ ăn trộm, ông không lấy lại được đâu.

Đơn Hà ngoảnh đầu lại cười ha hả.
-Ông thua rồi !

Đơn Hà nắm lấy tay ông :
-Ông đừng bảo thủ.

Ông cho Đơn Hà một cái tát.

Đối Thoại Với Bách Linh.
1. -Một hôm ông và Bách Linh gập nhau trên đường. Bách Linh hỏi ông :
-Nam Nhạc đắc lực cú, ông có chỉ cho ai không ?
-Tôi có chỉ.
-Cho ai ?

Ông tự chỉ vào mình.
-Bàng công.
-Ông thật hơn cả Văn Thù và Tu Bồ Đề.
-Ai được đắc lực cú của ông ?

Bách Linh đội nón lên đầu, bước đi.
-Đi mạnh giỏi.

Bách Linh chẳng quay đầu, đi thẳng.

2. - Một hôm Bách Linh bảo ông :
-Dù ông nói hay không nói thì cũng không thoát, hãy nói cho tôi biết ông không thoát cái gì ?

Ông nhăn mũi.
-Tuyệt diệu !
-Ông khen lầm rồi !
-Ai không ? Ai không ?
-Bảo trọng.

Ông nói rồi đi ra.

3. -Một hôm Bách Linh đang ngồi, ông vừa bước vào Bách Linh nắm lấy ông :
-Người nay nói, người xưa nói, còn ông nói gì ?

Ông cho Bách Linh một cái tát, Bách Linh kêu :
-Ông không thể nói !
-Nếu nói sẽ sai !
-Hãy trả tôi cái tát.
-Hãy tát tôi.
-Bảo trọng !

4. -Một hôm ông hỏi Bách Linh :
-Làm sao khỏi bị người vu cáo ?
-Sao tránh được ?
-Tôi biết rõ !
-Gậy không đánh người chẳng làm gì !

Ông xoay người bảo Bách Linh :
-Hãy đánh tôi !

Khi Bách Linh nhặt gậy giơ lên, ông nắm lấy Bách Linh :
-Xem ông làm sao thoát ?

Bách Linh không trả lời.

Đối Thoại Với Tùng Sơn.
1. -Khi ông cùng Tùng Sơn uống trà, ông giơ chén trà lên hỏi :
-Ai cũng có vì sao nói không được ?
-Vì ai cũng có nên không nói được.
-Vậy vì sao ông nói ?
-Không thể không nói.
-Hiển nhiên ! Hiển nhiên !

Tùng Sơn uống trà, ông hỏi :
-Ông uống trà sao không vái khách ?
-Ai ?
-Tôi !
-Sao tôi lại phải vái ?

Về sau Đơn Hà nghe chuyện này bảo :
-Nếu không phải là Tùng Sơn thì đã thua lão già này rồi.

Ông nghe được câu ấy bèn sai người nhắn với Đơn Hà :
-Sao không bắt bẻ trước khi tôi giơ tách trà lên ?

2. -Một hôm ông và Tùng Sơn cùng nhìn xem một con trâu cầy, ông chỉ trâu nói :
-Nó an lạc nhưng chưa biết mình an lạc.
-Trừ ông ra thì ai biết tâm trạng nó !
-Cho tôi biết nó chưa biết gì ?
-Tôi chưa tham Thạch Đầu nên không thể nói !
-Nếu tham rồi thì sao ?

Tùng Sơn vỗ tay ba lần.

3. -Một hôm ông tới thăm Tùng Sơn, thấy Tùng Sơn cầm gậy bèn hỏi :
-Tay ông cầm gì đó ?
-Tôi già rồi, không có cái này không bước được một bước.
-Dù vậy ông vẫn còn mạnh.

Tùng Sơn đánh ông.
-Bỏ gậy xuống, tôi hỏi ông một câu.

Tùng Sơn ném gậy xuống đất.
-Ông bạn già lời trước chẳng hợp với lời sau.

Tùng Sơn hét lớn.
-Trời xanh ! Hãy còn oán khổ !

4. -Một hôm ông và Tùng Sơn cùng đi, thấy một đám tăng đang nhặt rau, lá vàng bỏ đi.
-Nếu không xanh, không vàng thì sao ?
-Ông nói đi !
-Đối với hai chúng ta làm chủ, khách là khó nhất.
-Đến đây ông định làm chủ sao ?
-Ai không thế chứ !
-Chẳng phải ! Chẳng phải !
-Nói chẳng rơi vào xanh hay vàng rất khó.
-Nhưng ông vừa nói đó !

Ông bảo đám tăng :
-Trân trọng !
-Đại chúng tha ông lạc cơ xứ !

Ông bèn bỏ đi.

5. -Một hôm ông và Tùng Sơn đang nói chuyện, Tùng Sơn nhấc một cái thước trên bàn lên hỏi :
-Ông có thấy cái này không ?
-Có thấy.
-Thấy gì ?
-Tùng Sơn ! Tùng Sơn !
-Ông không được nói ra.
-Tại sao không ?

Tùng Sơn ném cái thước xuống, ông nói :
-Có đầu không có đuôi làm tôi phát điên.
-Chẳng phải vậy, hôm nay chẳng phải là ông không nói được sao ?
-Không đầu, không đuôi.
-Trong mạnh có yếu, trong yếu có mạnh.

Tùng Sơn ôm ông bảo :
-Bạn già chưa chạm tới nó chút nào !

Đối Thoại Với Bản Khê.
1. -Ông hỏi Bản Khê :
-Đơn Hà đánh thị giả là có ý gì ?

Đó là đại lão ông xem người dài ngắn thế nào.
-Vì tôi với ông là bạn đồng môn nên mới hỏi.
-Nếu vậy hãy thuật lại từ đầu rồi tôi và ông sẽ thương lượng.
-Đại lão ông không thể nói với ông về thị phi của người.
-Niệm tình ông già cả.
-Tội quá ! Tội quá !

2. -Một hôm Bản Khê thấy ông tới, Bản Khê nhìn ông một lát. Ông dùng gậy vẽ một vòng tròn trên đất. Bản Khê bèn bước vào vòng tròn. Ông hỏi :
-Như thế hay không như thế ?

Ông ném gậy xuống, đứng im.
Bản Khê bảo :
-Ông đến với gậy, ra đi không gậy.
-May được viên thành ! Đừng nhọc xem nó.

Bản Khê vỗ tay :
-Tuyệt diệu ! Không gì để được.

Ông nắm lấy gậy, chống mà đi.
Bản Khê nói với theo :
-Coi chừng đường !

Ông bảo :
-Vì sao ? Vì sao ?

3. -Bản Khê hỏi ông :
-Khi Đạt Ma từ Tây sang câu đầu tiên ông nói là gì ?
-Ai mà nhớ !
-Ông kém trí nhớ.
-Đừng nói chuyện được mất ngày xưa.

Bản Khê hỏi ;
-Vậy chuyện bây giờ thì sao ?
-Không có lời nào để nói.
-Nói câu đó trước mặt hiền giả là xuất sắc.
-Nhưng ông là người có mắt.
-Chỉ khi nói mà không hàm ..
-Không có vật gì để vào mắt.
-Mặt trời đang ở đỉnh đầu, ngước mắt rất khó.
-Sọ khô bị khoan thủng.
-Ai nhận ra ?
-Ông thật là tuyệt !

Bản Khê trở về phòng.

Đối Thoại Với Đại Mai.
1. -Ông đến tham Đại Mai. Vừa gập nhau ông hỏi :
-Từ lâu đã muốn gập ông, không biết mai đã chín chưa ?
-Chín rồi ! Ông cắn vào đâu ?
-Tôi thích mứt mai.
-Trả hột cho tôi !

Đại Mai nói rồi chìa tay ra, ông bèn đi.

Đối Thoại Với Đại Dục.
1. -Một hôm ông đến thăm Đại Dục ở núi Phù Dung. Đại Dục dâng cơm, ông đưa tay nhận; Đại Dục rụt tay lại bảo :
-Khi xưa Tịnh Danh chỉ trích thọ khí khi tâm động, nay cơ này ông có chấp nhận không ?
-Lúc đó Thiện Hiện chẳng phải là tác gia sao ?
-Tôi không quan tâm chuyện đó.
-Cơm đến miệng thì đoạt mất.

Đại Dục bỏ cơm xuống, Bàng Uẩn nói :
-Chẳng cần nói thêm một lời nào !

2. -Ông hỏi Đại Dục :
-Mã đại sư có bầy tỏ với ông sự thành thực giúp đỡ kẻ khác của mình không ?
-Tôi còn chưa gập Mã Tổ, làm sao biết đại sư có thành thật hay không ?
-Quan điểm này thật không đâu có !
-Ông không nên chỉ nói một chiều.
-Chỉ nói một chiều ông sẽ mất tông chỉ, nếu nói 2 chiều, 3 chiều ông còn mở miệng được không ?
-Thật không mở miệng được.

Ông vỗ tay rồi đi.

Đối Thoại Với Tắc Xuyên.
1. -Ông đến thăm Tắc Xuyên ở Thứ Châu. Tắc Xuyên hỏi :
-Ông còn nhớ đạo lý khi đến tham Thạch Đầu không ?
-Ông còn nêu chuyện này ra làm gì ?
-Tôi biết tham lâu sẽ trở thành chậm chạp.
-Ông còn lụ khụ hơn tôi.
-Chúng ta đồng thời nên khắc biệt chẳng bao nhiêu.
-Tôi mạnh hơn ông.
-Chẳng phải ông mạnh hơn, chỉ là tôi thiếu mũ của ông.

Ông bỏ mũ ra nói :
-Giờ tôi như ông.

Tắc Xuyên cười vui vẻ.

2. -Một hôm, Tắc Xuyên đang hái trà, ông nói :
-Pháp giới chẳng chứa thân người, ông còn thấy tôi không ?
-Không ai ngoài tôi trả lời ông.
-Có hỏi có đáp là chuyện thường.

Tắc Xuyên tiếp tục hái trà không thèm để ý.
-Đừng phiền câu tôi vừa hỏi.

Tắc Xuyên tiếp tục hái trà.
Ông hét lớn :
-Lão già vô lễ này, đợi tôi đem chuyện này kể cho những người sáng mắt nghe.

Tắc Xuyên bỏ rổ hái trà xuống, trở về phòng phương trượng.

3. -Một hôm Tắc Xuyên đang ngồi ở phòng phương trượng, ông trông thấy và nói :
-Ông chỉ biết ngồi thẳng, không biết có tăng đến tham.

Tắc Xuyên thòng một chân xuống. Ông đi ra, đi được hai, ba bước quay lại nhìn. Tắc Xuyên lại kéo chân về.
-Ông thật tự do, tự tại.
-Tôi là chủ.
-Ông chỉ biết có chủ, không biết có khách.

Tắc Xuyên gọi thị giả pha trà. Ông múa mà ra.
Đối Thoại Với Lạc Phổ .
Ông đến thăm Lạc Phổ, vái chào rồi nói :
-Mùa hạ thì nóng chết người, mùa đông thì lạnh cóng.
-Không sai !
-Tôi già rồi.
-Sao không nói lạnh khi lạnh, nóng khi nóng ?
-Phát hiện bị điếc có lợi gì ?
-Tha ông 20 gậy.
-Ông làm tôi câm mồm, tôi làm ông mù mắt.

Đối Thoại Với Thạch Lâm.
1. -Thạch Lâm thấy ông đến bèn giơ phất tử lên :
-Không rơi vào Đơn Hà cơ, hãy nói 1 câu xem ?

Ông cướp lấy phất tử, giơ tay lên. Thạch Lâm nói :
-Đó là Đơn Hà cơ.
-Đừng rơi vào tôi.
-Đơn Hà bị câm, Bàng công bị điếc.
-Đúng vậy !

Thạch Lâm không nói gì.
-Những gì tôi nói chỉ là ngẫu nhĩ.

2. -Một hôm Thạch Lâm bảo ông :
-Tôi có một câu hỏi, xin ông đừng tiếc lời.
-Xin cứ hỏi.
-Sao ông tiếc lời ?
-Câu hỏi này khiến rơi vào bẫy.

Thạch Lâm bịt tai :
-Tác gia ! Tác gia !

3. -Một hôm Thạch Lâm đưa trà cho ông . Ông giơ tay nhận thì Thạch Lâm rụt tay lại, hỏi :
-Giờ thì sao ?
-Có mồm chẳng nói được.
-Ông nên thế đó !
-Vô lý !

Ông phất tay áo đi ra.
-Tôi rõ ông mà !

Ông quay lại.
-Thật vô lý.

Ông không nói gì, Thạch Lâm bảo :
-Ông có thể không lời.

Đối Thoại Với Ngưỡng Sơn.
Ông tới thăm Ngưỡng Sơn bảo :
-Đã lâu tôi muốn đến thăm ông, tới nơi sao ông lại cúi đầu ?

Ngưỡng Sơn đưa phất tử lên.
-Đúng vậy !
-Chỉ lên hay chỉ xuống ?

Ông đánh vào lộ trụ bảo :
-Tuy không ai tôi vẫn muốn lộ trụ chứng minh.

Ngưỡng Sơn ném phất tử xuống :
-Ông có thể đi khắp nơi kể chuyện này !

Đối Thoại Với Cốc Ẩn Đạo Giả.
Ông đến thăm Cốc Ẩn đạo giả. Cốc Ẩn hỏi :
-Ai ?

Ông giơ phất tử lên. Cốc Ẩn không nói gì. Ông nói :
-Ông chỉ biết thượng thượng cơ, không biết thượng thượng sự.
-Thế nào là thượng thượng sự ?

Ông giơ phất tử lên.
-Đừng thô bạo.
-Khá thương ráng làm chủ.
-Người có cơ không giơ trùy, phất tử hay ngôn từ đối đáp, nếu gập người đó thì ông phải làm sao ?
-Tôi sẽ gập hắn ở đâu ?

Cốc Ẩn nắm lấy ông.
-Đó là cách ông làm đó sao ?

Ông nhổ vào mặt Cốc Ẩn. Cốc Ẩn không nói gì.
Ông làm bài kệ :
Nước lửa không có cá
Buông câu có cá đâu
Cười ông bị chọc giận
Dạy thiền cho ông râu
Bị nhổ vào ngay mặt
Có dám nhìn tôi đâu !

Đối Thoại Với Đại Đồng Phổ Tế.
1. -Một hôm ông đến thăm Phổ Tế, giơ giỏ tre đang cầm trong tay lên gọi :
-Đại Đồng sư ! Đại Đồng sư !

Phổ Tế không trả lời. Ông bảo :
-Khi Thạch Đầu tới băng tan, ngói vỡ.
-Hiển nhiên là vậy chẳng cần ông nói.

Ông ném giỏ tre xuống hỏi :
-Ai nói không đáng một xu ?
-Dù không đáng một xu, nhưng thiếu nó sao được ?

Ông múa mà đi.
Phổ Tế giơ giỏ tre lên gọi :
-Cư sĩ ?

Ông ngoảnh đầu lại. Phổ Tế múa mà đi. Ông vỗ tay :
-Về đi ! Về đi thôi !

2. -Một hôm Phổ Tế bảo ông :
-Chỉ có một lời vài người trong quá khứ và hiện tại có thể thoát được, ông có thoát được không ?
-Dạ có !

Phổ Tế lập lại câu hỏi, ông hỏi lại :
-Ông từ đâu đến ?

Phổ Tế lập lại câu hỏi nữa, ông cũng hỏi lại :
-Ông từ đâu đến ?

Phổ Tế nói :
-Câu này không chỉ người nay hỏi mà người xưa cũng đã hỏi.

Ông nhẩy múa mà ra. Phổ Tế nói :
-Tên điên này sai rối. Ai sẽ khám phá hắn ?

3. -Một hôm Phổ Tế đến thăm ông. Ông nói :
-Tôi nhớ khi còn trong bụng mẹ tôi có một lời, tôi sẽ chỉ cho ông, nhưng ông đừng coi đó là nguyên lý.
-Ông hãy còn cách đời.
-Tôi vừa nói ông đừng coi đó là nguyên lý.
-Sao tôi không kinh ngạc vì một câu làm kinh ngạc mọi người ?
-Sự hiểu biết của ông đủ để làm cho người ta kinh ngạc.
-Câu không coi đó là nguyên lý đã trở thành nguyên lý.
-Ông chẳng những cách một đời, hai đời.

Ông phẩy tay ba lần.

4. -Một hôm ông đến thăm Phổ Tế. Thấy ông đến Phổ Tế đóng cửa lại nói :
-Ông lão biết nhiều đừng đến thăm tôi.
-Là lỗi ai khiến ông ngồi một mình, mình nói mình nghe ?

Phổ Tế mở cửa, ngay khi ông bước ra liền bị Bàng Uẩn nắm lấy hỏi :
-Là ông biết nhiều hay tôi biết nhiều ?
-Hãy bỏ biết nhiều qua một bên, sự khác biệt giữa mở cửa, đóng cửa và bầy và dấu thế nào ?
-Câu hỏi này làm người ta tức chết !

Phổ Tế im lặng. Ông nói :
-Khéo quá hóa vụng.

Đối Thoại Với Trương Tư.
Ông đến thăm Trương Tư nhằm lúc Tư sắp thượng đường. Đại chúng đã tụ họp đầy đủ. Ông bước ra trước nói :
-Các ông hãy tự kiểm điểm cho tốt.

Lúc Trương Tư dạy chúng, ông đứng ở phía bên phải.
Một ông tăng hỏi :
-Không xúc phạm chủ nhân ông, xin thầy cho một lời.

Trương Tư hỏi :
-Ông có biết ông Bàng không ?
-Không biết.

Ông nắm lấy tay ông tăng than :
-Khổ thay ! Khổ thay !

Ông tăng không trả lời, ông đẩy ông tăng ra.
Lát sau Trương Tư hỏi ông :
-Ông tăng vừa rồi có ăn gậy không ?
-Đợi ông ta cam tâm nhận.
-Ông chỉ thấy đầu nhọn của cái trùy, không thấy bề vuông của cái đục.
-Câu nói này chỉ áp dụng cho tôi, còn người ngoài nghe thì chẳng lợi.
-Không lợi cái gì ?
-Ông chỉ thấy bề vuông của cái đục, không thấy mũi nhọn của cái trùy.

Bàng Cư Sĩ Đọc Kinh.
Ông đang nằm trên giường đọc kinh, một ông tăng trông thấy bảo :
-Cư sĩ, ông phải nghiêm trang khi đọc kinh.

Ông giơ một chân lên. Ông tăng không nói gì được.

Gập Một Ông Tăng Hóa Duyên.
Một hôm, ông đi bán giỏ tre ở chợ Hồng Châu gập một ông tăng hóa duyên, ông lấy ra một xu và hỏi :
-Làm sao không hạnh phụ tín thí, nếu nói được thì tôi cho ông xu này !

Ông tăng không nói được.
-Ông hỏi tôi, tôi sẽ nói cho nghe.
-Làm sao không hạnh phụ tín thí ?
-Ít người nghe, ông có hiểu không ?
-Không hiểu.
-Người không hiểu là ai ?

Gập Mục Đồng.
Một hôm ông thấy một mục đồng, bèn hỏi :
-Đường này đi đậu ?
-Ngay cả đường tôi cũng không biết.
-Thằng nhỏ chăn trâu !
-Súc sinh !
-Hôm nay ngày mấy ?
-Ngày gieo mạ.

Ông bèn cười.

Cư Sĩ Và Giảng Sư.
Ông gập vị giảng sư đang giảng kinh Kim Cương tới đoạn vô ngã, vô
nhân ông liền hỏi :
-Giảng sư nếu đã vô ngã, vô nhân thì ai đang giảng và ai đang nghe ?

Giảng sư không trả lời được.
-Tuy tôi chỉ là người thường nhưng biết chút ít.
-Ý ông là sao ?

Ông bèn đọc bài kệ.
1. Tâm như cảnh cũng như
Không thực cũng không hư
Không quản vô vì hữu
Cũng không chấp không là
Không phàm phu thì thánh.

2. Dễ lại dễ
Chân lý ngũ uẩn đây
Mười phương thế giới một thừa đó
Vô tướng pháp thậm há có hai
Vào Bồ đề nếu bỏ được phiền não
Chẳng biết đường nào hướng về Tây.

3.
Hộ sinh cần phải giết
Như thế mới an cư
Nếu hiểu được ý đó
Trên nước thuyền sắt ư.

Bà Bàng ở chùa.
Bà Bàng một hôm lên chùa lễ Phật. Một vị sư hỏi :
-Công đức này, thí chủ trao cho ai ?

Bà cắm lược vào búi tóc bảo :
-Công đức này đã truyền xong !

Nói rồi đi thẳng.

Bàng cư sĩ và con gái .
Cư sĩ một hôm ngồi trong lều cỏ bỗng nói :
-Khó ! Khó ! Khó. Mười tạ dầu mè trên đầu nước.

Bà Bàng đáp lời :
-Dễ ! Dễ ! Dễ ! như chân rời giường chạm mặt đất.

Linh Chiếu đáp :
-Cũng chẳng khó, cũng chẳng dễ, trăm đầu ngọn cỏ ý tổ sư.

Năm Nguyên Hòa (806-820) Cư sĩ Bắc du tới Nhương Hán. Linh Chiếu bán giỏ tre để mưu sinh bữa sáng chiều.
Một ngày kia, cư sĩ hỏi Linh Chiếu :
-Cổ nhân nói : “Sáng sáng trăm đầu cỏ

Sáng sáng ý tổ sư”
Con hiểu thế nào ?
-Lão lão già đầu còn nói thế ?
-Vậy con hiểu cách nào ?
-Sáng sáng trăm đầu cỏ
Sáng sáng ý tổ sư.

Cư sĩ cười lớn.
Bàng cư sĩ bán giỏ tre, xuống cầu và bị ngã. Linh Chiếu nhìn thấy chạy lại, nằm xuống một bên cư sĩ.
-Con định làm gì ?
-Thấy tía ngã, con đến giúp.
-May là chẳng có ai nhìn.

Cư sĩ mất.
Cư sĩ sắp mất bảo Linh Chiếu :
-Con ra xem mặt trời lên tới đâu. Nếu là chính ngọ thì báo cho ta biết.

Linh Chiếu ra xem rồi vào thưa :
-Mặt trời đã chính ngọ, nhưng có nguyệt thực.

Ông tự ra xem thì chả có gì cả, nhưng Linh Chiếu ngồi vào chỗ ông và đã mất rồi. ông bảo :
-Con ta lanh lợi thật !

Ông lùi lại 7 ngày. Vu công đến thăm bệnh, ông nói :
-Tất cả đều là không. Tất cả các vật đều như bóng theo hình.

Ông gối đầu lên gối Vu công mà mất.
Theo lời dặn tro cốt ông sẽ được rải trên sông hồ. Sư vãi và cư sĩ đều khóc ông, và nhà Thiền coi ông là Duy Ma Cật của Phật giáo Trung Hoa. Ông để lại cho người đời 300 bài kệ.

Lịch Đại Tản Văn
1. -Đại thừa tướng Trương Thiên Giác (1043-1121)
寧 可 饑 寒 死 路 邊
Ninh khả cơ hàn tử lộ biên

不 勞 土 地 強 哀 憐
Bất lao thổ địa cưỡng ai lân

滿 船 家 計 沉 湘 水
Mãn thuyền gia kế trầm tương thuỷ

豈 羡 芒 繩 十 百 錢
Khởi tiền mang thằng thập bách tiền.

Dịch :
Thà chết đói lạnh bên lề đường
Còn hơn phải cầu đến thổ công
Đổ cả tiền tài Tương Giang Thủy
Há sẽ tranh giành một trăm quan.

2. Kinh Sơn Phật Nhật Nại Tuệ Thiền sư (1098-1163)
無 生 本 無 說
Vô sanh bổn vô thuyết

說 著 即 話 墮
Thuyết trứ tức thoại đoạ

骨 肉 團 欒 頭
Cốt nhục đoàn loan đầu

大 虫 看 水 磨
Đại trùng khan thuỷ ma.


Dịch :
Vô sinh vốn không nói
Nói ra liền đọa lời
Gia đình vui xum họp
Đại trung nhìn nước rơi.

Cử :
Cư sĩ hỏi Mã Đại sư :
-Người không cùng vạn pháp làm bạn là ai ?
-Đợi ông hớp một ngụm cạn hết nước sông Tây Giang tôi sẽ bảo.

3 -Đông Lâm Quế lão.
大 海 波 濤 淺
Đại hải ba đào tiên

小 人 方 寸 深
Tiểu nhân phương thốn thâm

海 枯 終 見 底
Hải khô chung kiến để

人 死 不 知 心
Nhân tử bất tri tâm.

Dịch :
Biển lớn sóng lại nhỏ
Người nhỏ mà tâm thâm
Biển khô trông thấy đáy
Người chết chẳng thấy tâm.

4 - Vân Môn Cảo Công thiền sư.
一 口 吸 盡 西 江 水
Nhất khẩu hấp tận Tây Giang thuỷ

甲 乙 丙 丁 庚 戊 己
Giáp ất bính đinh canh mậu kỷ

咄 咄 咄
Đốt đốt đốt

囉 囉 哩
La la lý.

Dịch :
Một ngụm hấp cạn Tây Giang Thủy
Gíap, ất, bính, đinh, canh, mậu, kỷ
Đốt, đốt, đốt
La, la, lý.

5 -Bạch Vân Đoan hòa thượng (1025-1072)
一 口 吸 盡 西 江 水
Nhất khẩu hấp tận Tây Giang Thuỷ

萬 古 千 今 無 一 滴
Vạn cổ thiên kim vô nhất tích

要 須 黨 理 不 黨 親
Yếu tu đảng lý bất đảng thân

馬 祖 可 惜
Mã tổ khả tích.

Dịch :
Một ngụm hớp cạn nước Tây Giang
Vạn cổ ngàn kim không một giọt
Chỉ để đến lý, chẳng tu thân
Thương thay Mã Tổ miệng quá hẹp.

Cử :
Cư sĩ hỏi Ngưỡng Sơn :
-Nghe tiếng đã lâu, tới nơi chỉ thấy phủ phục.

Ngưỡng Sơn giơ phất tử lên
-Đúng đó.
-Là ngưỡng hay là phủ ?

Cư sĩ đánh lộ trụ một cái nói :
Tuy không người tham viếng nhưng cùng lộ trụ chứng minh.
Ngưỡng Sơn vất phất tử đi nói :
-Muốn kể ai nghe cũng được.

6 -Phổ Nguyện Tuấn hòa thượng.
兩 箇 八 文 為 十 六
Lưỡng cá bát văn vi thập lục

從 頭 數 過 猶 不 足
Tùng đầu số quá do bất túc

拏 來 亂 撒 向 階 前
Noa lai loạn tán hướng giai tiền

滿 地 團 團 春 蘚 綠
Mãn địa đoàn đoàn xuân tiển lục.

Dịch :
Hai lần tám văn là mười sáu
Từ đầu đã không thể đủ rồi
Trước bệ ném đi rồi ném lại
Đầy đất đều là rêu xanh thôi.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Ba 2024(Xem: 17325)
22 Tháng Hai 2024(Xem: 402)
10 Tháng Hai 2024(Xem: 567)
31 Tháng Giêng 2024(Xem: 743)
04 Tháng Giêng 2024(Xem: 872)
31 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1042)
06 Tháng Năm 2022(Xem: 4069)
06 Tháng Năm 2022(Xem: 4205)
18 Tháng Hai 2022(Xem: 4736)
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000