Vấn đề bói Dịch, ta có thể tin hay không tin vì nó rất huyền bí, phải là người có căn cơ đặc biệt mới dễ cảm thông với các luồng điện siêu hình của vũ trụ. Nhưng phần triết lý của kinh Dịch thì khác, ai cũng có thể lĩnh hội được nếu chịu khó suy nghĩ. Đó có lẽ là quan niệm của cụ Sào Nam nên trong cuốn Chu Dịch của cụ không hề đả động đến cách bói mà chỉ trình bầy triết lý của kinh Dịch trong quẻ. (Và có lẽ, theo cụ Phan, ta chỉ nên nghiên cứu kinh Dịch, rồi có vấn đề nào nghi ngờ, khó quyết định, thì thay vì bói toán, chọn trong số 64 quẻ, quẻ nào liên quan đến vấn đề hiện tại của mình. Rồi tự xét mình và cảnh ngộ của mình trong vấn đề đang hỏi, đáng được tượng trưng bằng hào nào, từ Sơ đến Thượng trong quẻ đó. Việc lựa chọn này còn khó khăn hơn là việc bói toán máy móc, vì nó đòi hỏi ở ta một chính tâm thành ý tuyệt đối, không tự tôn mà cũng không hạ, rồi đọc lời giải trong quẻ đó).
Trở lại triết lý kinh Dịch, nó không phải là một triết lý không tưởng mà rất thiết thực, căn cứ vào sự quan sát các hiện tượng thiên nhiên và nhân sự. Nó gồm mấy nhận xét sau đây :
A - Vấn Đề Hiện Tượng Thiên Nhiên.
1) Mọi sự mọi vật đều biến chuyền, không có cái nào vẫn y nhiên mãi. Như ngày đêm thay đổi, xuân hạ thu đông, trăng tròn rồi lại khuyết, triều đại thịnh suy, đời người từ thiếu niên đến già lão, v . v . Điều nhận xét này, phàm nhân chúng ta cũng có.
2) Nhưng sự biến chuyển diễn ra vì sao (why), thì phàm nhân chúng ta không biết. Đó là chỗ huyền diệu của kinh Dịch. Đã từ 5000 năm trước, cổ thánh hiền đã biết rằng trong bản thể của vũ trụ, gọi là Thái Cực, có hai nguyên lý vừa đối chọi nhau, vừa bổ khuyết cho nhau, gọi là Âm Dương. Và khoa học ngày nay đã chứng minh rằng tất cả vũ trụ chỉ là những kết quả giao dịch của hai loại điện, một âm và một dương, của một bản thể chung là energy-matter.
3) Vẫn chưa hết. Sự giao dịch giữa âm và dương diễn ra thế nào (how), có theo một quá trình (processus) hữu lý nào không, hay là vô trật tự ? Khoa học ngày nay mới chỉ thấy vài khía cạnh, như luật Mendelieev đã nói ở trên, và luật Mendel chi phối sự di truyền (heredity), nhưng chưa đạt thành một hệ thống chung cho hiện tượng vật lý hóa, tâm lý, sinh lý, v . v . Kinh Dịnh đã dám đưa ra một quá trình diễn tiến cho khắp mọi biến chuyển. Có thể cái việc hệ-thống-hóa đó quá táo bạo, không đủ mềm dẻo để ăn khớp với mọi biến chuyển, mỗi cái có những cái đặc điểm của nó, không cái nào giống cái nào. Dù sao thì ta cũng phải công nhận rằng, sự cố gắng hệ-thống-hóa đó, với 64 quẻ và 384 hào, đã đem lại một chút rationality, một chút sáng sủa trong cái hỗn độn mịt mờ của muôn sự muôn vật. Các ngành khoa học cũng vậy, đã đi từ cái lộn xộn chỉ tả cảnh (science descriptive) mà chưa biết tiên đoán của thời Trung cổ, đến ngày nay tiến dần dần đến các định luật toán học rất xác thực, có thể tiên đoán cho một tình trạng nào đó, cái gì sẽ xẩy ra. Thiên văn học, Vật lý học, Hóa học, Sinh vật học, và cả đến Tâm lý học, Xã hội học đều tiến như thế, nhưng vẫn chưa đi đến một quá trình hệ-thống-hoá duy nhất. Phải chăng thuyết Unified Field (Thống nhất trường) của Einstein có tham vọng đó, nhưng chưa hoàn thành mỹ mãn và chưa chứng minh được?
Trở lại cái quá trình hệ-thống-hóa của kinh Dịch, nó được trình bày trong Tự quái ở mỗi đầu quẻ, và chứa ngầm 2 ý kiến sau đây:
a) Mọi biến chuyển đều theo một chu kỳ, dài ngắn khác nhau, được thể hiện bằng số ngày hoặc tháng, năm, thế kỷ, thời đại, v . v . Vũ trụ tiến hoá không theo đường thẳng (linéaire) mà theo đường trôn ốc (spirale). Ví dụ chu kỳ glaciation-réchauffement của địa cầu, không có lạnh lẽo mãi mãi, cũng không có nóng mãi mãi, chu kỳ glaciation-réchauffement này xong thì lại bắt đầu một chu kỳ glaciation-rechauffement mới. Các sinh vật cũng vậy, có thực vật, động vật chỉ sinh trưởng trong một vài ngày, trái lại có thực vật, động vật khác có thể sinh trưởng tới một vài trăm năm.
b) Trong mỗi chu kỳ, cái gì đi đến tột độ phát triển của nó thì sẽ bắt đầu suy vong, và cái gì đến tột độ suy vong của nó thì sẽ bắt đầu phát triển. Ví dụ ban ngày từ đông chí sang hạ chí ngày càng dài, đến tiết hạ chí thì ngày sẽ bắt đầu ngắn trở lại. Rồi từ hạ sang đông, càng ngắn đến tiết đông thì sẽ bắt đầu dài trở lại. Lại ví dụ thảo mộc từ trẻ đến già thì phải chết, nhưng chết rồi thì lại tái sinh nhờ hoa quả.
B - Về Các Hiện Tượng Nhân Sự.
Cái giá trị của kinh Dịch là đem áp dụng cái thiên đạo đó vào nhân đạo, gồm trong mấy ý kiến sau đây:
1) Tin vào lý nhân quả: trị, loạn, thịnh, suy, cát, hung, cái gì cũng có nguyên nhân của nó, không phải là chuyện vô cớ ngẫu nhiên.
2) Tin vào lý biến dịch, vì trong âm có dương và trong dương có âm. Thời trị không phải trị mãi đâu, ngay trong lúc đang thịnh trị đã ngầm chứa những mầm loạn có thể nẩy nở để phá vỡ nó. Và trong lúc bĩ cực chớ nên bi quan tuyệt vọng, phải nghĩ đến và giúp đỡ những mầm trị sẽ nẩy nở để phục hưng lại thời trị.
3) Nên xử sự theo thiên đạo, nghĩa là tùy thời. Kinh Dịch không bảo ta một cách cứng nhắc như Nho Giáo rằng: “thà làm cây thông cứng còn hơn làm cây gậy cong, thà làm viên ngọc vỡ còn hơn làm viên ngọc lành”. Thế cho nên, khi nên chết thì phải chết, không chịu nhục. Ví dụ Trần bình Trọng chửi vào mặt quân Nguyên mà chết, là bậc quân tử xử sự đúng với tinh thần Nho Giáo. Nhưng người quân tử trong kinh Dịch nên tiến thì tiến, nên lui thì lui để bảo toàn, không phải thân mệnh riêng của mình mà vì việc lớn của quốc gia. Quản Trọng, Án Anh không chịu chết với chủ cũ, mà để dành tấm thân hữu ích sẽ đổi nguy thành an cho nước Tề, chính là những bậc quân tử hiểu thấu kinh Dịch.
Như vậy, ta chớ nên nghĩ lầm rằng tinh thần kinh Dịch trái ngược với tinh thần Nho giáo. Kinh Dịch không khuyên người quân tử luôn luôn tìm sống lánh chết, mà chỉ khuyên người quân tử coi vấn đề sinh tử một cách rộng rãi hơn quan niệm của Nho giáo thôi, căn cứ vào lợi ích quốc gia hơn là vào sự vinh nhục bản thân. Sống chết có khi nặng bằng núi Thái Sơn, cũng có khi nhẹ bằng chiếc lông chim, câu đó mới tả rõ quan niệm của kinh Dịch.
Thêm nữa, tùy thời tiến lui không phải chỉ giới hạn trong vấn đề nên chết hay nên sống. Nó được áp dụng trong mọi công việc ở đời: ẩm thực, hôn nhân, giáo dục, thưởng phạt, thương mại, kỹ nghệ, hợp tác hay chống đối với một chính quyền, ngoại giao, chiến tranh, v . v . Bậc gia trưởng tề gia, chính khách trị quốc, giáo sư dậy học trò, thẩm phán xử kiện, thương gia kinh doanh, ngoại trưởng đi thương thuyết, tướng lãnh cầm quân ra trận nếu biết thấm nhuần triết lý kinh Dịch, thì sẽ tránh được những lỗi lầm đáng tiếc.
C - Biến Đổi Tuần Tự Hay Đột Ngột ?
Ta có thể ngờ rằng kinh Dịch chấp nhận thuyết tiến hoá chậm chạp và tuần tự (évolutionnisme) của Darwin, mà không chấp nhận thuyết Biến hóa đột ngột (mutationnisme hay Catastrophisme) của một số nhà sinh vật học và thiên văn học tân tiến (De Vries, Velikovsky).
1) Xin lấy một thí dụ : Trong quẻ Bác số 23, khí âm dần dần lấn áp khí dương, có tới 5 hào âm ở dưới xua đuổi 1 hào dương ở trên còn sót lại. Rồi tiếp đến quẻ Phục số 24, khí dương sau khi bị tiêu diệt lại xuất hiện, 1 hào dương xuất hiện ở dưới có khí thế tiến lên chống với 5 hào âm ở trên. Từ quẻ Bác sang quẻ Phục, ta thấy có một quá trình tiến hóa từ từ.
2) Tuy nhiên, ta cũng thấy trong kinh Dịch có rất nhiều quẻ hoàn toàn trái ngược nhau và đi liền với nhau. Ví dụ quẻ Thái số 11 và quẻ Bĩ số 12. Trong hai quẻ đó, đều có 3 hào âm và 3 hào dương, nhưng ở Thái thì 3 dương ở dưới đang tiến lên, còn Bĩ thì trái ngược. Ta không thể nói rằng quá trình tiến hóa từ quẻ Thái sang quẻ Bĩ là một tiến hóa từ từ được, vì sự đổi 3 hào dương sang chỗ 3 hào âm, ngược lại, đòi hỏi nhiều bước đi chứ không phải một bước là đủ như ở trường hợp quẻ Bác tiến sang quẻ Phục. Ở đây, ta thấy thế cờ lật ngược một cách đột ngột, bất ngờ, tức khắc chứ không từ từ. Rõ rệt là ở đây tư tưởng Dịch ngả theo thuyết Mutationisme của De Vries hay Catatrophisme của Velikosvsky, chứ không theo thuyết Evolutionnisme của Darwin.
Một lần nữa, ta thấy triết lý Dịch nói riêng và triết lý Á Đông nói chung, luôn luôn uyển chuyển chứ không cứng nhắc như triết lý Tây phương. Đạo Phật há chẳng nói: ‘Phi hữu, phi vô, diệc hữu diệc vô’ là gì? Và các khoa học gia Tây Phương, ngày nay mới nhận thấy chân lý đó. Ánh sáng vừa là luồng sóng từ điện vừa là quang từ (De Broglie), năng lượng và vật chất cũng là một (Einstein).