Có người cho rằng đọc công án chỉ là nhai lại những ý kiến của cổ nhân. Quan niệm này là sai lầm, có tính tiêu cực, bị động. Nếu khi đọc công án, chúng ta tự đặt mình vào vai trò của các nhân vật trong công án thì lại khác. Ta phải biết ông tăng chấp cái gì ? và Thiền sư giải quyết vấn đề đó ra sao ? Nếu là ông tăng thì chúng ta có chấp như thế không ? Và nếu là thiền sư thì ta sẽ hành động như thế nào ? Ý kiến của người thuật lại công án đó ra sao ? Ý kiến của chúng ta thế nào ?
Do đó, chúng ta không coi công án như một bài toán đố có lời giải nhất định, mà lời giải là thước đo trình độ giải thoát của mỗi người. Có bao người đọc công án thì có bấy nhiêu lời giải. Tâm gồm chân và vọng. Khi vọng tâm triệt tiêu thì chân tâm sẽ hiện bầy. Do đó công án là những bài tập tâm lý để chúng ta trừ bỏ vọng tâm mà đến gần chân tâm hơn. Khi vọng tâm chấm dứt thì tâm ta sẽ ở một trạng thái mà Thiền gọi là trạng thái vô niệm hay giải thoát. Lấy một ví dụ cụ thể khi đọc công án “Uống trà đi” (Bài 32) trong Bồ đề Linh Quang, chúng ta thấy có 4 nhân vật :
-Ông tăng 1 trả lời có,
-Ông tăng 2 trả lời không,
-Thủ tọa nhận thấy có cặp đối đãi “có-không:
-Triệu Châu vượt lên khỏi cặp đối đãi đó.
Nếu đặt địa vị vào ông tăng 1 và 2 thì chúng ta cũng trả lời “có”, “không” như các ông tăng đó, vì đó là sự thực. Nếu ở địa vị của thủ tọa ta có thể hỏi khác đi, thí dụ như :
-Vậy thầy coi Có là Không sao ?
Và nếu ở địa vị của Triệu Châu chúng ta sẽ trả lời :
-Sắc tức là không.
Sau hết chúng ta cũng đồng ý với người thuật truyện là : Tâm bình thường là Đạo”.
Thí dụ 2 : Đạp đổ tịnh bình (Bài 134). Trong công án này chúng ta có 3 nhân vật :
-Thủ tọa : người nói câu : Không thể gọi là bình gỗ.
-Quy Sơn : không nói, đạp đổ tịnh bình.
-Bách Trượng : làm trọng tài, đặt tịnh bình trên đất.
Kết quả : Quy Sơn thắng.
Thủ tọa khi nói : Không thể gọi là bình gỗ, ông đã chấp vào danh tướng. Nếu đứng vào vai thủ tọa ta có thể nói :
-Gọi là gì mà chẳng được ?
Và nếu là Bách Trượng ta có thể phê bình :
-Nói thế là trừ danh, còn tướng thì sao ?
Quy Sơn không nói mà đạp đổ tịnh bình là không dùng ngôn ngữ, văn tự là không chấp vào danh tướng nên thắng cuộc.
Thí dụ 3 : Trong công án Ni cô Như Đại (Bài 63).
Trong công án này ta chỉ có một nhân vật là ni cô Như Đại, khi đi gánh nước, đáy thùng nước bỗng vỡ ra. Cô hoát nhiên khai ngộ.
Cô ngộ cái gì ? Cô thấy rằng : có đã trở thành không. Đương có nước trong thùng bỗng trở thành không có nước trong thùng. Đang có bóng trăng trong nước nay không có nước thì đâu còn bóng trăng ? Cặp đối đãi “Có, Không” trước khi gánh nước đã trở thành một, tức là có bằng không.
Cô ngộ ra rằng bản chất của pháp chỉ là không và các pháp không có sai biệt gì.
Kết luận là ở bản thể giới không có cặp đối đãi nào cả. Nói tóm lại quá khứ và tương lai đều là vọng tưởng, chỉ có ở đây và bây giờ là ta có thể kiểm soát được. Do đó, Thiền chú trọng vào điểm này.
Gửi ý kiến của bạn