Ý Nghĩa Thời Gian

22 Tháng Năm 20145:03 SA(Xem: 8861)
Đa số chúng ta xưa nay hiểu lầm về hai chữ thời gian. Người đời thường ví: thời gian là vàng bạc. Vì vậy chúng ta ai nấy cũng tranh thủ làm cực khổ ngày đêm để kiếm tiền, rồi cho thời gian là vàng bạc. Cũng vì cái hiểu lầm này mà mỗi lần tôi khuyên gia đình, bạn bè hay người chung quanh niệm Phật thì họ đều trả lời với tôi rằng: “Là họ không có thời gian để niệm Phật.” Họ còn nói rằng đợi đến bao giờ có thời gian họ sẽ niệm Phật sau.
Tôi hỏi họ: “Đợi đến bao giờ mới có thời gian?” Họ đều trả lời rằng: “Đợi chuyện làm ăn, con cái, vợ chồng và gia đình được ổn định thì họ mới có thời gian.” Tôi hỏi họ: “Đến bao giờ những chuyện đó mới được ổn định?” Họ đều ngập ngừng không thể trả lời được, rồi họ còn nói sau này niệm Phật cũng chưa có muộn. Điều đáng thương là chúng ta không dám đối diện với cái chết, chúng ta luôn luôn tự gạt bản thân, luôn luôn nghĩ rằng mình sẽ sống thọ, sống đến răng long tóc bạc.
Kính thưa quý bạn! Chúng ta thử đi tới nghĩa trang nhìn lên những bia mộ, đếm thử xem có bao nhiêu sơ sinh và trẻ tuổi bị chết? Chung quanh hằng ngày trước mắt chúng ta thấy có bao nhiêu người tóc bạc đưa người tóc xanh? Thời gian vốn không có để cho chúng ta chờ đợi. Thời gian vốn ở trong tâm của chúng ta. Nếu chúng ta nghĩ có là nó có, nghĩ không là nó không. Chúng ta là người điều khiển thời gian, không phải thời gian điều khiển chúng ta. Duy chỉ có thân bệnh, già, chết là điều khiển chúng ta. Nếu như thần chết đã đến thì chúng ta có chạy đường trời cũng không thoát.
Hai chữ thời gian là vàng bạc, ý nói thời gian mạng sống con người rất là ngắn ngủi. Nếu có thể thì chúng ta nên bỏ vàng bạc ra để mua thời gian. Không phải nói chúng ta dùng thời gian mạng sống quý báu này để làm nô lệ cho bạc tiền. Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta không đi làm để kiếm tiền. Dĩ nhiên là chúng ta ai nấy cũng cần tiền, vì tiền là mạch máu, là lẽ sống để nuôi thân chúng ta. Nếu không có tiền thì thân ta sẽ bệnh chết, khi thân bị mất thì đường tu của chúng ta cũng sẽ không thành vì vậy thân ta rất quý!
Nhưng chúng ta phải biết dùng chúng để tu thì tiền và thân giả này mới là ân nhân của chúng ta, còn nếu chúng ta không biết dùng chúng để tu, mà để chúng dùng ngược trở lại mình thì đây thật là khổ sở và tai hại. Cho nên chúng ta hãy bình tâm mà suy nghĩ lại, đừng để cả đời làm nô lệ cho chúng. Khi mất thân này rồi thì thật là đáng tiếc. Tiền không thể giúp cho ta tu giải thoát, duy chỉ có thời gian mới giúp cho ta tu để thoát khỏi luân hồi.
Phật nói: “Mạng sống con người rất là ngắn ngủi như hơi thở, chỉ cần mình thở ra được mà thở vào không được thì mình sẽ mất đi thân người này.” Phật nói: “Con người chết đi được trở lại thân người ít như đất dính ở kẽ móng tay Phật. Còn số người chết đi bị đọa vào ba đường ác thì nhiều như cát sông hằng.”
Phật nói: “kiếp này chúng ta có được thân người, nghĩa là trong nhiều kiếp quá khứ chúng ta đã có tu. Vậy tại sao chúng ta không biết dùng cái thân giả tạm ngắn ngủi này để mà tu giải thoát? Lỡ mai nằm xuống mất đi thân người này thì làm sao còn cơ hội để mà tu giải thoát?”
Kính thưa quý bạn! Tôi là người rất bận rộn không thua gì quý bạn, nhưng chúng ta có thể tu trong bận rộn. Tôi ví dụ, tôi là người bận rộn đến mức độ trong 24 tiếng đồng hồ không có một phút để nghỉ ngơi thì tôi vẫn có thể niệm Phật từ hai cho đến ba tiếng đồng hồ trong một ngày. Quý bạn thử nghĩ xem dù chúng ta có bận rộn như cái máy, thì mỗi ngày chúng ta cũng phải tắm rửa, vệ sinh, nấu nướng, ăn uống, lái xe đi làm hoặc đi về có phải vậy không? Trong thời gian làm những công việc này thì tay chân, miệng mắt của chúng ta bận, nhưng tâm và đầu của chúng ta đâu có bận? Niệm Phật là dùng tâm và đầu của chúng ta để niệm không phải dùng tay chân để niệm.
 
Tại sao vọng tưởng hại chúng ta mà chúng ta cứ niệm chúng ngày đêm, thậm chí còn đem chúng vào giấc ngủ của chúng ta? Còn niệm Phật là cứu chúng ta thoát khỏi luân hồi, vậy mà chúng ta không chịu niệm, còn cứ hẹn lần hẹn mòn rồi bảo là không có thời gian. Vì cái tương lai giả tạm mà chúng ta ngày đêm làm chết sống, học cực khổ mấy mươi năm thì cho là sung sướng. Còn tương lai vĩnh cửu của chúng ta, chỉ cần mỗi ngày niệm Phật nửa tiếng đồng hồ thì cho là cực khổ làm không nổi. Thử hỏi chúng ta có khờ dại không?
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn