Hiểu Lầm Hai Chữ Buông Xả

21 Tháng Năm 20145:26 SA(Xem: 9494)
Trước kia tôi nghe quý thầy thuyết pháp thường nói rằng: chúng ta phải buông xả hết thì mới tu được, mới mong giải thoát. Tôi nghĩ: làm sao mà có thể buông xả, nếu buông xả được thì chúng ta đã vào chùa tu hết rồi? Tôi lại nghĩ: không buông xả thì không được giải thoát, vậy Phật cứu được bao nhiêu người? Sau này tôi mới hiểu thì ra hai chữ buông xả là ngụ ý nói tâm của chúng ta phải buông xả. Không phải buông xả sự việc hằng ngày của chúng ta. Công việc làm hằng ngày chúng ta vẫn giữ, trách nhiệm vẫn tròn không thay đổi, chỉ thay đổi tâm của chúng ta mà thôi. Tâm chúng ta phải biết buông xả không nên tham đắm danh, tiền, chấp trước, thị phi, lụy tình v.v. Chúng ta phải biết dùng trí tuệ nhìn rõ sự việc giả tạm của thế gian, một lòng phát nguyện niệm Phật để thành Phật.
Trước kia tôi tưởng vào chùa mới buông xả được. Thật sự không phải là như vậy. Hai chữ buông xả ở đây không liên quan gì đến trong chùa hay tại gia mà chỉ liên quan đến tâm của chúng ta. Ý nói là tâm của chúng ta có chịu buông xả hay không? Không những chúng ta phải buông xả hết tham đắm của thế gian mà trong chuyện học kinh sách và tu hành cũng phải cần buông xả một cách rốt ráo. Nghĩa là trong việc tu hành thì ta nên buông xả hết hình thức không cần thiết. Còn khi học kinh sách thì ta chỉ cần tu học một bộ kinh cho thật thuần thục. Chỉ cần hiểu thông một bộ thì các bộ kinh khác đều thông.
Khi học kinh sách chúng ta phải buông xả hết văn chương, đối đãi, danh hiệu, hoàn cảnh v.v. Tóm lại, bỏ hết đối đãi từ ngữ ra ngoài chỉ tập trung vào ý nghĩa cao thâm gốc tủy của kinh. Cũng như chúng ta đọc một cuốn tiểu thuyết tình cảm, đừng để ý cô đó tên gì, cô đi từ đâu đến mà chỉ để ý kết luận cô ta hạnh phúc hay đau khổ. Còn tên tuổi, đối đãi, chữ nghĩa v.v. chỉ là phương tiện giúp cho ta hiểu thông câu chuyện. Chúng ta càng buông xả thì càng tự tại (buông xả trên sự chấp, không phải buông xả trên sự học hiểu)
Tôi biết các bạn sẽ nghĩ: nói thì dễ làm thì khó; Kính thưa quý bạn! trên đời này không có gì là khó. Nếu chúng ta quyết tâm thì sắt cũng có thể mài thành kim. Huống chi, Phật không để cho chúng ta một mình đơn độc đi tìm con đường giải thoát. Chỉ cần chúng ta chịu cất bước thì Chư Phật sẽ gia hộ dẫn dắt chúng ta đi tới bờ giải thoát. Huống chi, câu Phật hiệu A Di Đà có thể thay đổi tất cả.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn