Niệm Phật Đại Thừa

21 Tháng Năm 20145:24 SA(Xem: 7627)
Kính thưa quý bạn! Ngoài phát tâm bồ đề nguyện niệm Phật để thành Phật, chúng ta còn phải làm những hạnh nguyện như Phật dạy là tự độ và độ tha (tự độ: là tự cứu mình. Độ tha: là cứu người). Chúng ta đang tu tịnh độ, nghĩa là chúng ta đang tu pháp môn đại thừa cao siêu nhất của Phật. Tịnh: là tịnh nghiệp và tịnh tâm. Độ: là tự độ và độ tha. Đại thừa: là bao la vô cùng tận. Nghĩa là khi chúng ta tu niệm Phật đại thừa thì phải có tấm lòng bao la vô cùng tận như Phật.
Độ người là công đức không phải là phước đức. Nếu chúng ta có tiền thì đem bố thí để tạo phước đức. Còn nếu chúng ta nghèo không có tiền thì đi khuyên người tu niệm Phật. Công đức thì lớn hơn phước đức. Nhưng công đức mà thiếu phước đức thì cũng không được hoàn toàn mỹ mãn. Không phải chúng ta bố thí nhiều tiền thì mới có nhiều phước đức, mà phải tính ở chỗ chúng ta làm hết sức của mình.
Cũng như người giàu có, tuy họ bố thí nhiều tiền nhưng lại không lo tu niệm Phật thì họ cũng không được vãng sanh. Họ chỉ được kiếp sau làm người giàu có mà thôi, rồi cũng phải bị luân hồi sanh tử. Thời nay nhiều người chỉ lo tu phước không lo tu giải thoát, đây mới thật là đáng tiếc.
Khi chúng ta phát nguyện niệm Phật để thành Phật thì phải một lòng buông xả, tinh tấn tự độ và độ tha. Chúng ta phải quyết tâm tu để lấy được phẩm cao nhất. Quý bạn đừng hiểu lầm cho rằng chúng ta nghĩ như vậy là cống cao ngã mạn hay là tham. Thật ra không phải vậy mà đây là mục đích giúp cho ta phải quyết tâm tu để đi đến viên mãn. Vì khi chúng ta tu mà không có tín tâm quyết liệt, thì sẽ bị thối chuyển.
Trên cõi Cực Lạc có chín phẩm vãng sanh: ba phẩm thượng sanh, ba phẩm trung sanh và ba phẩm hạ sanh. Nếu chúng ta được thượng thượng sanh thì sẽ biết trước ngày giờ vãng sanh và phút lâm chung sẽ thấy được Tam Thánh đem hoa sen ngàn cánh của ta tu bấy lâu có được trên ao báu rồi tiếp dẫn đưa ta về Cõi Phật. Khi đến Cõi Phật thì hoa sen của ta liền được nở ra và ta sẽ thấy được Phật A Di Đà. Ngay lúc đó ta sẽ có kim thân to lớn, có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp và 6 loại thiên thần thông giống y như Ngài.
Còn nếu chúng ta chỉ tự độ mà không có tấm lòng độ tha, không chịu bố thí để tạo phước đức thì chúng ta chỉ được hạ hạ sanh. Chúng ta sẽ không có được nhiều ưu điểm như người chứng quả thượng thượng sanh. Tuy nhiên, chúng ta cũng được vãng sanh về cõi Cực Lạc nhưng phải sống trong hoa sen một thời gian rất lâu để tu tập. Sau khi tu tập thành công thì chúng ta sẽ gặp được Phật A Di Đà. Lúc đó, chúng ta mới có đủ kim thân vẹn toàn giống y như Ngài. Tuy nói là ở trong hoa sen tu tập nhưng cũng được sung sướng như cõi tiên, luôn luôn có Chư Bồ Tát ngày đêm dạy cho chúng ta tu hành.
Ở cõi Cực Lạc không có thai sanh, không có luân hồi, chỉ có hoa sen hóa sanh nên khi hoa sen nở ra thì là ngày chúng ta thành Phật. Vì vậy mà Phật nói: “Bất luận chúng sanh nào tu niệm Phật đại thừa thì đều có một hoa sen mọc lên trong ao báu ở trên Cõi Phật”. Hoa sen lớn hay nhỏ, màu sắc khác nhau và nhiều hay ít thần lực thì phải coi công phu tu tập và hạnh nguyện của mỗi người. Khi Chư Phật nhìn hoa sen thì sẽ biết được công phu cao thấp hạnh nguyện của mỗi người, chớ không có Chư Phật nào ngồi trên đó theo dõi hay để ý chúng ta mà chấm điểm thấp cao.
Cũng như chúng ta trồng một chậu kiểng ở trong nhà mà siêng tỉa, tưới nước, chăm sóc thì nó sẽ mọc được tươi tốt, mau có nụ, nở hoa, màu sắc rực rỡ. Nếu bỏ bê thì hoa sẽ nhỏ, héo, xấu, thậm chí còn bị chết. Khi niệm Phật cũng vậy, một câu niệm Phật là một giọt nước thần tưới cho hoa sen của ta thêm tươi tốt. Nên khi niệm Phật chúng ta phải niệm tinh tấn không được thối chuyển, không bỏ nửa chừng. Nếu bỏ nửa chừng thì hoa sen sẽ bị chết và biến mất trong ao báu.
Chúng ta có thể bỏ ăn, bỏ ngủ, bỏ làm nhưng không thể bỏ câu niệm Phật vì đây là tương lai vĩnh cửu của chúng ta, còn cuộc sống hiện tại của ta chỉ là tạm thời. Nên chúng ta hãy bình tâm mà suy nghĩ lại; đừng ham thân giả mà để mất thân Phật, cuối cùng hối tiếc sẽ không còn kịp nữa.
Khi niệm Phật thì phải niệm mỗi ngày, không nên ba hồi niệm ba hồi không, lỡ hoa sen bị chết thì công phu tu niệm của mình cũng bị mất theo. Tại sao? Vì công đức khác với phước đức. Phước đức mình tạo bao nhiêu là có bấy nhiêu không bao giờ mất; còn công đức mà bỏ nửa chừng thì sẽ bị mất hết tất cả.
Mất hết có nghĩa là mất hết công phu tu tập trước kia nhưng chủng tử của câu niệm Phật vẫn còn. Chỉ cần chúng ta quyết tâm tu lại thì chủng tử cũng như hạt giống nẩy mầm mọc lại. Tuy nói là nói vậy nhưng thử hỏi mạng sống của chúng ta rất là ngắn ngủi, nếu không cố gắng lỡ mất thân này rồi thì đâu còn cơ hội để mà trồng lại. Nếu lỡ trồng lại không kịp thì tới phút lâm chung thì chúng ta làm sao có hoa sen ngàn cánh để sanh về Cõi Phật, hầu xa lìa thế giới TA BÀ đau khổ này?
Đức Từ Phụ từ bi thương chúng sanh vô bờ bến. Ngài biết chúng sanh ngu si không đủ căn duyên, khó có thể tự tu để giải thoát, nên Ngài tìm ra môn tu niệm Phật để giúp cho ta đới nghiệp vãng sanh (nghĩa là mang theo nghiệp tội để mà sanh về Cực Lạc của Phật A Di Đà). Khi lên được Cõi Phật rồi thì cho dù chúng ta có ngu si cách mấy, cũng nhờ thần lực của Chư Phật gia hộ, giúp cho ta có đủ trí tuệ để mà tu thành Phật. Tại sao môn tu tịnh độ lại cao siêu đệ nhất? Vì chúng ta có nội lực và tha lực. Nếu không có thần lực của Chư Phật gia hộ thì chúng ta có tu bao nhiêu A tăng kỳ kiếp cũng không thể thành Phật, nói chi là một đời.
Phật nói: “Môn tu Tịnh Độ là cao siêu khó tin, nếu ai tin được là người đó đã có tu nhiều kiếp nên kiếp này cơ duyên làm Phật mới được chín mùi, mới có đủ trí tuệ và chủng tử để thâu nhập được huyền cơ cao thâm của nó”. Ngài pháp sư Tịnh Không cũng nói: “Kiếp này chúng ta gặp được môn tu Tịnh Độ cao siêu này là chúng ta may mắn còn hơn là trúng số bạc tỷ. Gặp đã là khó mà tín sâu tu niệm thì lại càng khó hơn. Quý cũng như mò kim đáy biển ngàn năm một thuở”. Ngoài môn tu này ra thiết nghĩ trên đời này không còn môn tu nào cao siêu, có thể tu trong một đời mà được vãng sanh (vãng sanh đồng nghĩa với thành Phật).
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000