LXII. Lôi sơn tiểu quá

20 Tháng Năm 201411:57 CH(Xem: 11616)
LXII - LÔI SƠN TIỂU QUÁ.
Lôi sơn tiểu quá 

A - Giải Thích Cổ Điển.

 

1) Toàn quẻ :

 

- Đã tin rồi vội hành động ngay, có thể đi quá trớn. Vậy sau quẻ Trung-Phu tiếp đến quẻ Tiểu-Quá. Tại sao lại nhỏ? 

 

- Vì tượng hình bằng trên Chấn dưới Cấn, là tiếng sấm bị nghẹt với núi, không lan rộng được. thêm nữa, trong quẻ này hai hào đắc trung là Nhị, Ngũ, đều âm nhu, còn hai hào dương là Tam, Tứ, đều thất vị, nghĩa là thời có thể làm được việc nhỏ mà không làm được việc lớn.

 

- Vậy quẻ này ứng vào thời kỳ mà đi quá một chút lại hay. Ví dụ đi đường hơi chệch về Tây, bây giờ nhích lại hướng Đông là vừa đúng. Hoặc một chính sách quá thiên tả,bây giờ nhích lại hữu là vừa đúng, nên được hanh.

 

Nói tóm lại, tốt hơn hết là giữ sao cho đạo trung dung được bền bỉ, nếu quá cương thì phải lái nhẹ về nhu, và ngược lại như vậy. Không nên vì đã nhầm đi về phía này một chút mà lái quá mạnh về phía kia.

 

2) Từng hào :

 

Sơ Lục : âm nhu bất chính, lại ứng với Cửu Tứ, nên hăng hái hoạt động mặc dù tài hèn. Ví như con chim còn nhỏ mà đòi bay cao, sẽ nguy. (Ví dụ tiến sĩ Dương ngọc Tế, khi Tây Sơn đã rút vào Nam, xun xoe phò Trịnh Lệ rồi Trịnh Bồng áp bức vua Chiêu Thống,lập lại quyền Chúa. Sau bị Nguyễn hữu Chỉnh diệt).

 

Lục Nhị : âm nhu đắc chính, đáng lẽ cầu dương cương mới phải. Nhưng ở thời Tiểu quá, không gặp được vua (tức là không làm được việc lớn), chỉ gặp được bề tôi của vua (tức là chỉ làm được việc nhỏ). Như vậy là tốt rồi, vô cựu. (Ví dụ Chiêu Hổ sinh bất phùng thời, gặp loạn Tây Sơn chẳng làm được gì, chỉ cợt nhả văn chương với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, tuy mang tiếng vô hạnh, nhưng vẫn giữ được lòng trung với nhà Lê)

 

Cửu Tam : trùng dương, đắc chính bất trung, là người quân tử quá cương. ở vào thời tiểu nhân cầm quyền, e bị nguy. (ví dụ các nhà cách mạng chân chính dưới thời Ngô triều).

 

Cửu Tứ : dương hào cư âm vị, nếu biết hạn chế tính cương sẽ được vô cựu. Có lời răn: thời tiểu nhân cầm quyền, không nên chê bai hăng hái, sẽ nguy. (Ví dụ Nễ Hành vô lễ với Hoàng Tổ liền bị Tổ giết; Trái lại Đông phương Sóc hí lộng vua Hán vì những lỗi nhỏ của vua, nên không việc gì).

 

Lục Ngũ : ở vị chí tôn, nhưng ở thời Tiểu-Quá, đành kết bạn với Lục Nhị cũng âm nhu. (Ví dụ Lê Hiển Tông bị chúa Trịnh áp chế, đành vui thú với bọn ca nhi cung nữ, giữ được an ổn).

 

Thượng Lục : âm nhu mà thượng quái Chấn có tính hiếu động, thế là dở. Tượng như con chim không tự lượng sức mình, bay lên trời quá cao, sẽ kiệt lực. Hoặc như người tài hèn mà có tham vọng quá cao, tất nguy ở thời Tiểu Quá là thời chỉ thuận lợi cho những việc nhỏ chứ không thuận lợi cho những việc lớn.

 

B - Nhận Xét Bổ Túc.

 

1) Ý nghĩa quẻ Tiểu-Quá :

 

a) Ta có thể nhận địng rằng quẻ này trái ngược với quẻ Trung-Phu có 2 hào âm ở giữa, chung quanh bao bọc bởi 4 hào dương. Còn ở quẻ tiểu-quá thì 2 hào dương ở giữa bị bao bọc bởi 4 hào âm, nên ở đây không còn có sự tin cẩn nữa mà chỉ có sự va chạm giữa hai khuynh hướng trái ngược nhau là Chấn và Cấn, hiếu động và hiếu tĩnh, khi nghiêng về bên này khi nghiêng về bên kia.

 

b) Bởi vậy quẻ Tiểu-Quá chỉ thời làm việc nhỏ thì được, làm việc lớn không được, tức là thời kỳ tương đối an ổn, chỉ nên sửa chữa những lỗi lầm chi tiết, không nên thay đổi chính sách một cách quá triệt để. Ví dụ dưới thời vua Louis-Philippe, chính thể dân chủ được tăng tiến dần dần, không gây xáo động đáng kể. Nhưng những người cấp tiến muốn đi nhanh hơn, gây cuộc cách mạng 1848, rối loạn lung tung rồi kết thúc bằng việc lập lại đế chế. 

 

c) Ta lại có thể so sánh quẻ Tiểu-Quá này với quẻ Đại-Quá số 28, cả hai đều có những hào dương ởgiữa, trên dưới bao bọc bởi những hào âm. Nhưng ở quẻ Đại-Quá thì có 4 hào dương, đạo quân tử là chủ yếu, còn ở quẻ Tiểu-Quá thì chỉ có 2 hào dương, đạo quân tử phải nhường chỗ cho đạo tiểu nhân, Đại nhường chỗ cho Tiểu, những chính sách vĩ đại để quốc phú dân cường không thi hành được, chỉ có thể giữ vững quyền vị bằng những thủ đoạn tiểu xảo, khi nghiêng tả, khi nghiêng hữu, khi nhượng bộ, khi cứng rắn.

 

2) Bài học :

 

Ở thời Tiểu-Quá: 

 

- Những kẻ âm nhu vô tài như Sơ Lục và Thượng Lục, không tự lượng tài mình cứ đòi hoạt động mạnh, sẽ bị thất bại. 

 

- Tuy âm nhu nhưng đắc trung, như Lục Nhị và Lục Ngũ, biết tự lượng sức mình, chịu ẩn nhẫn, sẽ được vô cựu. Cửu Tam và Cửu Tứ đều là những người có đức cương cường, nhưng Tam trùng cương, quá hăng hái, sẽ gặp nguy, còn Tứ cư âm vị, khéo léo hơn, có thể được vô cựu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Chín 2024(Xem: 223)
Sự đóng góp của giới nho sĩ trải qua các biến cố lịch sử.
15 Tháng Bảy 2024(Xem: 517)
Những định luật lịch sử
15 Tháng Hai 2024(Xem: 1520)
02 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2622)
27 Tháng Mười Một 2022(Xem: 2616)