A - Giải Thích Cổ Điển.
1) Toàn quẻ :
- Nước giếng để lâu đục, nên thỉnh thoảng phải tát đi cho sạch. Vậy sau quẻ Tỉnh tiếp đến quẻ Cách.
- Tượng hình bằng trên Đoài dưới Li, nước và lửa khó dung nhau vì nước làm tắt lửa và lửa làm cạn nước.
- Một lối giải thích khác là: Đoài là con gái út, Li là con gái giữa, hai chị em chung một nhà mà chí hướng khác nhau.
- Vậy nên có mâu thuẫn phải Cách. Nhưng sự cải cách có thể gây ra xáo trộn nên phải làm một cách sáng suốt (nội Li) mới được dân chúng vui theo (ngoại Đoài)
2) Từng hào :
Sơ Cửu : ở vị thấp, lại không ứng với ai, cách mạng lại mới ở bước đầu, chưa thành thục. Hấp tấp hành động sẽ hỏng. (Ví dụ cuộc khởi nghĩa Yên Bái).
Lục Nhị : đắc trung đắc chính, trên ứng với Cửu Ngũ, vậy là người có quyền thế. Thời Cách đã đến rồi, tiến lên sẽ gặp Cát. (Ví dụ Nguyễn Huệ khi tiến quân ra Bắc lần đầu, diệt Trịnh phù Lê).
Cửu Tam : dương cương bất trung, lại ở trên nội quái, nóng nẩy muốn làm cách mạng ngay, sẽ gặp hung. (Ví dụ Nguyễn Thái Học, nếu biết chờ đợi nhiều đồng chí (thượng Lục), thảo luận kế hoạch chín chắn, thì sẽ được kết quả hay hơn).
Cửu Tứ : dương hào cư âm vị, vậy là cương nhu hoà hợp, vô hối. Lại ở giữa hai hào dương, được họ tín nhiệm, và thời Cách đã quá nửa, hành động sẽ được Cát. (Ví dụ Tôn Văn phát động cách mạng ở Vũ Hán năm 1911)
Cửu Ngũ : ở vị chí tôn, đắc trung đắc chính, lại ứng với Lục Nhị, Cát. Thời Cách đã thành công đến 9 phần 10. (Ví dụ vua Quang Trung khi xưng đế, tiến quân ra Bắc lần thứ 2 để đáp ứng lòng dân chờ đợi được thoát khỏi sự tàn bạo của quân Thanh).
Thượng Lục : thời cách đã đến lúc cực điểm, quân tử được phát huy đạo đức tiểu nhân phải thay đổi ngoài mặt đi vào đường lương thiện. Vậy Cách không nên phá hoại nữa, sẽ hung. Nếu giữ được ôn hòa, mới cát.
B - Nhận Xét Bổ Túc.
1) Ý nghĩa quẻ Cách :
a) Có thể bổ túc cách giải thích cổ điển bằng nhận xét rằng: hạ quái Li (lửa tàn khốc) sẽ thay thế không khí hòa nhã của thượng quái Đoài, sẽ gây ra nhiều xáo trộn xã hội: Cách mạng.
b) Ta lại để ý rằng quẻ này là quẻ lộn ngược của quẻ Hỏa Trạch Khuê số 38, trong đó lửa trên nước dưới, lửa thì bốc lên, nước thì chẩy xuống, hai cái không đụng chạm nhau, chỉ không hợp nhau mà chưa đi đến chỗ cái nọ tiêu diệt cái kia. Vậy ta có thể coi quẻ Cách là bước tiến cuối cùng của quẻ Khuê.
c)Quẻ Cách áp dụng cho mọi trường hợp cần phải đổi mới hoàn toàn:
- cách mạng chính trị lật đổ một chính quyền
- cách mạng văn hóa, phong tục, triết lý, thay đổi một nhân sinh quan cũ bằng một nhân sinh quan khác
- cách mạng kỹ nghệ, thay sức lao động của chân tay bằng năng lực của hơi nước, của dầu hỏa, của nguyên tử. . .
2) Bài học.
Muốn thực hiện việc Cách cho được thành công tốt đẹp, không gây xáo trộn tai hại, thì phải dùng cả óc sáng suốt (Li) và đức hòa duyệt (Đoài).
a) Có óc sáng suốt mới nhận đúng:
- những khuyết điểm của cái cũ cần phải thay thế. Cách bừa bãi, cuồng tín như kiểu cách mạng của Mao, vứt bỏ tất cả những giá trị văn hóa cổ truyền, thì là cuồng dại.
- thời cơ Cách, tình thế đã chín mùi chưa? Cuộc khởi nghĩa năm 1930 của Việt nam Quốc Dân Đảng thất bại vì thiếu sáng suốt nhận định thời cơ (Lúc đó đế quốc chủ nghĩa còn mạnh, chưa bị lung lay mấy).
b) Có đức hòa duyệt, tức là phải lấy nhân ái mà điều động cán bộ quần chúng. Chớ làm việc Cách theo lối bạo ngược như Vệ Ưởng, Hồ Quý Ly đã làm.