A - Giải Thích Cổ Điển.
1) Toàn quẻ :
- Gia đạo đến lúc cùng, tất có chống đối chia lìa. Vậy sau quẻ Gia Nhân tiếp đến quẻ Khuê (là chống đối).
- Tượng hình bằng trên Li dưới Đoài, có 2 nghĩa: Một là lửa bùng lên trên, còn nước thấm dưới. Hoặc Li là chị, hướng về nhà chồng, còn Đoài là em, hướng về cha mẹ. Theo cả hai nghĩa đó, đều có sự trái ngược chiều hướng. Thánh nhân xem tượng quẻ, biết rằng nên đại đồng với thế tục (dị nhi đồng), nhưng khi thế tục quá sai lầm thì thà độc lập, không đồng nữa (dĩ đồng nhi dị) mới là bậc hiền.
- Theo về đức quẻ, thì Li có đức minh, Đoài có đức duyệt, nếu nương tựa vào nhau thì dễ thành công. Nhưng ở thời Khuê, nhân dân ly tán, chỉ đủ làm những việc nhỏ là được tốt.
2) Từng hào :
Sơ Cửu : tính cương, nếu hành động sẽ hữu hối. Ở thời Khuê vẫn không nên cộng tác với kẻ ác, nhưng nếu biết nhẫn nhục hòa nhã với nó thì sẽ được vô cựu. (Ví dụ Khuất Nguyên không chịu hòa đồng với tiểu nhân nên bị bắt phải tự trầm, còn Văn Vương bị cầm tù vẫn không oán thán, nên sau được vua Trụ thả về nước).
Cửu Nhị : ở thời khác thì Cửu Nhị dễ dàng ứng với Lục Ngũ, nhưng ở thời Khuê thì khó. Nhị phải làm thế nào để cứu Ngũ là chủ mình? Phải khôn khéo mềm mỏng mới thành công. (Ví dụ Án Anh khôn khéo khuyên can Tề Tuyên)
Lục Tam : muốn nương tựa Thượng Cửu, nhưng đằng trước bị Tứ, Ngũ ngăn chận, đằng sau bị Sơ, Nhị kéo lại, nên khó gặp Cửu, bị họa. Nhưng vì có chính ứng nên về sau cũng được gặp. (Ví dụ nàng Kiều qua bao nhiêu gian truân mới được tái hồi Kim Trọng).
Cửu Tứ : ở giữa hai hào âm, ví như người cô độc giữa thù nghịch. Nhưng nếu biết kết giao với Sơ Cửu đồng chí hướng, thì có thể thành công. (Ví dụ Liêm Pha ở giữa triều đình Triệu toàn tiểu nhân, chịu hòa hợp với Lạn Tương Như, giữ được nước Triệu bình yên).
Lục Ngũ : có đức trung, thuận theo Cửu Nhị, nên được khánh. (Ví dụ Tề Hoàn Công tuy có nhiều tật xấu nhưng biết dốc lòng tin nghe Quản Trọng, nên nước Tề được cường thịnh).
Thượng Cửu : cô độc, muốn liên kết với LụcTam, nhưng thấy Tam ở giữa nhị dương, nên nghi kỵ. Sau biết rõ Tam, tạ lỗi, hóa hợp với Tam, nên đắc Cát. (Ví dụ trong truyện Nửa Chừng Xuân, Lộc con cụ Án muốn kết duyên với Mai một cô gái nghèo. Nhưng cụ Án lập kế phản gián, khiến Lộc nghi ngờ Mai và bỏ nàng. Sau Lộc hối hận được Mai tha thứ).
B - Nhận Xét Bổ Túc.
1) Ý nghĩa quẻ Khuê :
a) Đoài là nước, Li là lửa; thủy hỏa vẫn xung khắc với nhau, đó là lẽ thường của ngũ hành, ta phải đề phòng sự chống đối, nhưng chớ quá lo sợ.
b) Hạ quái đoài sẽ thắng được thượng quái Li, mát mẻ sẽ thắng được nóng bức, bất bạo động sẽ thắng được địch thủ bạo tàn.
c) Hai hào đắc trung là Nhị và Ngũ chính ứng, nhưng Nhị dương phải ở dưới Ngũ âm nên dù có thắng được sự chống đối cũng chỉ làm việc nhỏ.
2) Bài học :
Nếu bói được quẻ Khuê là điềm xấu, báo hiệu việc mình đang bói có hiểm họa chống đối. Vậy trái với bài học quẻ Gia Nhân là hợp tác, bài học của quẻ Khuê là chống đối. Nhưng chống đối cách nào? Chống đối tất nhiên rất nguy hiểm, nên cần phải theo lời dậy bảo đã chỉ dẫn trong quẻ, là lấy sức mát mẻ của nước đầm ao để trị sức nóng thiêu đốt của lửa. Nghĩa là phải lấy nhu trừ cương, đối thủ bạo tàn thì ta khoan hòa, nó tấn công thì ta phòng thủ. Đó chính là chính sách của Bái Công đắc nhân tâm để chống đối Hạng Vũ bạo tàn, đó cũng là chính sách của các chúa Nguyễn cẩn mật phòng thủ chống lại những cuộc tấn công liên tiếp của chúa Trịnh.
Nói tóm lại:
a)Phải nhẫn nhục, tạm hòa hoãn với kẻ kia, may ra được vô cựu
b) Hoặc kết giao với người đồng chí hướng, may ra có thể giữ vững được tình thế ổn định. Ví dụ: vợ chồng lục đục, muốn cứu vãn tình thế đó, hoặc vợ nhờ bạn chồng khuyên nhủ chồng, hoặc chồng nhờ chị em bên vợ khuyên nhủ vợ.
c) Nhưng không nên cõng rắn cắn gà nhà, như Nguyễn Hữu Chỉnh xui Tây Sơn ra Bắc diệt Trịnh, hoặc như Chiêu Thống cầu viện quân Thanh để dẹp loạn Tây Sơn.