XXXIV. Lôi thiên đại tráng

20 Tháng Năm 201411:31 CH(Xem: 12799)
XXXIV - LÔI THIÊN ĐẠI TRÁNG
Lôi thiên đại tráng 

A - Giải Thích Cổ Điển.

1) Toàn quẻ :

- Vật lý không thể lui mãi, hết lui sẽ tiến lên rất mạnh. Vậy tiếp theo quẻ Độn là quẻ Đại Tráng.

- Theo tượng quẻ thì trên Chấn dưới Càn, sấm động trên trời. Hai hào âm đang lui, 4 hào dương đang lên, vậy nên thịnh.

- Theo đức quẻ, thì Càn dương ở trong, Chấn động ở ngoài, thế là lấy đức dương cương mà động, vậy nên thịnh, bởi vì Càn hàm nghĩa chính nghĩa. Quân tử xem tượng ấy, tự cường bất tức, hễ cái gì không hợp lễ không thèm làm. 

2) Từng hào :

Sơ Cửu : ở hạ vị, hăng lên mà chỉ dùng ngón chân nên sẽ vấp ngã. (Dụ cho những người chỉ hăng bằng đầu lưỡi, không làm gì thiết thực, sẽ bị vạ miệng.

Cửu Nhị : dương hào cư âm vị, biết tráng mà không quá chừng, rất tốt. (Dụ cho những bậc quân tử hành động ăn khớp với tình thế biến chuyển) 

Cửu Tam : trùng dương, lại ở cuối quẻ Càn, là người cực kỳ tráng, có thể gặp nguy. Quân tử gan liền còn thế, huống hồ tiểu nhân làm càn, như dê húc dậu sẽ bị gẫy sừng. 

Cửu Tứ : đứng đầu các hào dương, bên trên là các hào âm bắt đầu suy, ví như bức tường đã có lỗ hổng,gặp cơ hội đó Tứ có thể ra lệnh tấn công, sẽ thành công. (Ví dụ Lê Lợi sau khi chiếm được Tây Đô, thế quân Minh đã suy, bèn ồ ạt tiến quân ra Bắc, vây Đông đô, giết Liễu Thăng, bắt Mộc Thanh, thế như chẻ tre). 

Lục Ngũ : ở vị chí tôn, bị quần dương ở dưới tiến lên mạnh, Ngũ không địch nổi. Nhưng Ngũ nhu thuận, nên may ra không việc gì. Tuy vậy ở thời Tráng mà Ngũ chỉ nhu hòa, không xứng đáng. (Ví dụ Hiến Đế bị Đổng Trác, rồi Lý Thôi, Quách Dĩ, rồi Tào Tháo hiếp chế). 

Thượng Lục : ở cuối quẻ Tráng, nghĩa là nếu háu táu làm càn, sẽ bị nguy. Nhưng cùng tắc biến, nếu Thượng biết chịu nhẫn nhục nuôi chí khí, thì sẽ được Cát. (Ví dụ Phù Sai khi Việt đã đem quân tấn Ngô, còn đi tranh bá chủ với Tề, tất nguy. Trái lại Câu Tiễn sau khi thua trận Cối Kê, nhẫn nhục chờ thời, sau phục hưng được Việt).

B - Nhận Xét Bổ Túc.

1) Ý nghĩa quẻ Đại Tráng :

 Quẻ này có tới 4 hào dương ở dưới, xua đuổi 2 hào âm ở trên. Tức là thời quân tử đang thắng thế, hăng hái xông lên. Chữ Đại Tráng ở đây không có nghĩa là mạnh lắm, mà là cái mạnh của đạo quân tử (đại chỉ quân tử). 

2) Bài học :

Hăng hái thừa thắng xông lên, trên nguyên tắc vẫn là tốt, nhưng cũng phải thận trọng chọn đúng lúc và áp dụng kế hoạch hữu hiệu. 

a) Hăng hái suông, lúc thời thế thuận lợi mới chớm nở, chưa chín mùi, e sẽ bị vạ miệng. Ví dụ các nhà nho lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục, ngây thơ để lộ chí phục quốc, bị sa vào bẫy của mật thám pháp mà không biết. Hoặc phong trào Nhân Văn Giai Phẩm của các nhà văn Bắc, sau bị cộng sản tiêu diệt . 

b) Hăng hái thực sự, nhưng hấp tấp, còn thiếu kế hoạch chuẩn bị kỹ càng, cũng có thể nguy. Ví dụ Việt Nam Quốc Dân Đảng hoạt động năm 1930. 

c) Hăng hái có tính toán, căn cứ vào tình thế biến chuyển, sẽ thành công. Ví dụ Trung Hoa Quốc Dân Đảng lật đổ Mãn Thanh năm 1911.

 Trên đây tuy chỉ nói về việc cách mạng, nhưng bài học quẻ Đại Tráng có thể áp dụng cho mọi lãnh vực khác như: cải cách giáo dục, chấn hưng kinh tế, chấn hưng Phật giáo, v.v. Và điểm cốt yếu không được quên là hoạt động phải theo chính nghĩa (đại tráng) thì mới thu hoạch được kết quả chắc chắn còn xử dụng những mưu mô xảo trá, lừa dối, thì dù có được kết quả nhất thời cũng không thể bền vững được.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Chín 2024(Xem: 561)
Sự đóng góp của giới nho sĩ trải qua các biến cố lịch sử.
15 Tháng Bảy 2024(Xem: 847)
Những định luật lịch sử
15 Tháng Hai 2024(Xem: 1736)
02 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2887)
27 Tháng Mười Một 2022(Xem: 2819)