XXX. Bát thuần li

20 Tháng Năm 201411:29 CH(Xem: 10012)
XXX - BÁT THUẦN LI.
Bát thuần li

A - Giải Thích Cổ Điển.

 

1) Toàn quẻ :

 

- Đã gập hiểm tất phải tìm chỗ nương tựa. Nên tiếp theo quẻ Khảm là quẻ Li (Li là lệ, lệ thuộc).

 

- Tượng hình bằng trên Li dưới Li, có hai nghĩa. Một là trong mỗi quái Li, hào âm ở giữa nương tựa vào hai hào dương, tức chính đạo, thì sẽ được hanh.

 

- Hai là minh, sáng suốt. Thánh nhân e rằng minh át quá thì mất lòng dân, nên răn: Phải theo kiểu nuôi trâu cái, nghĩa là nuôi bằng đức thuận, thì sẽ được cát.

 

2) Từng hào :

 

Sơ Cửu : dương cương cư hạ, tính nóng nẩy, lại không ứng với Cửu Tứ. Phải cẩn thận giữ gìn mới được vô cựu. 

 

Lục Nhị : đắc chính đắc trung lại ở thời Li, phát huy được văn minh, lại được các tiền nhân giúp đỡ, (Ví dụ Lê Thánh Tông).

 

Cửu Tam : ví như mặt trời gần lặn, uy thế đã tàn, còn không biết hạ mình nương tựa vào chính nghĩa. (Ví dụ Trịnh Bồng, Trịnh Lệ, sau khi Tây Sơn về Nam, lại đàn áp vua Lê).

 

Cửu Tứ : bất chính bất trung, toan hãm lại Lục Ngũ, nên cả thiên hạ không dung. (Ví dụ tên Trang lừa bắt chúa Trịnh Khải nộp cho Tây Sơn, sau bị nghĩa sĩ bắt giết).

 

Lục Ngũ : âm nhu lại ở giữa hai dương (cường thần), nên hoàn cảnh khó khăn. Nhưng hiền lành nên được cát. (Ví dụ Lê Hiển Tông bị chúa Trịnh áp chế và Tây Sơn đem quân ra Bắc, mà vẫn giữ được ngôi ).

 

Thượng Cửu : cương minh cực điểm, dẹp loạn tất thành công. Nhưng e rằng quá cương dũng, nên thánh nhân răn: phải khoan dung mới được vô cựu. (Ví dụ Tấn Văn Công sau khi dẹp nội loạn, chỉ xử tử tội khôi, và khoan hồng với tùng đảng, nên nước Tấn lại phồn thịnh. Trái lại Minh Mạng sau khi dẹp xong loạn Lê văn Khôi, còn xử tử mấy ngàn người, do đó loạn lạc liên miên, thế nước suy vi).

 

B - Nhận Xét Bổ Túc.

 

1) Ý nghĩa quẻ Li :

 

Quẻ này là biến thể của quẻ Bát Thuần Khảm. Thay vì tượng trưng cho tình trạng hung hiểm và đức tính cương quyết giữ vững chính đạo qua cơn thử thách, thì quẻ Li tượng trưng cho tình trạng nương tựa vào nhau để qua hiểm, và đức tính sáng suốt nhận nương tựa vào người khi cần, tuy rằng bản thân mình vẫn phải cố gắng. 

 

2) Bài học :

 

Thế cho nên sự cát hung của các hào trong quẻ này đều căn cứ vào sự có biết sáng suốt nương tựa vào các bậc hiền tài, hay không. Chịu nương tựa người hơn mình là mục đích, sáng suốt chọn nơi nương tựa là phương cách, hai cái đó mật thiết đi đôi với nhau. 

 

Sơ Cửu, Cửu Tam, Cửu Tứ, Thượng Cửu, không hiểu lẽ đó, nên nguy. Lục nhị và Lục Ngũ, âm nhu đắc trung, trí óc sáng suốt, chính là người hiểu tình thế, nên được Cát. Và ta thấy rằng trái với quẻ Khảm trong đó có những hào tốt là những hào dương, biểu thị lòng can đảm đối phó với những khó khăn, những quẻ tốt trong quẻ Li là những hào âm, biểu thị đức tính sáng suốt nhận định tình thế. 

 

Vậy ta có thể thắc mắc nêu ra câu hỏi: Giữa hai quẻ Khảm và quẻ Li, phải chăng có sự trái ngược tuyệt đối ? Không phải thế, vì tinh thần Dịch là trong âm có dương và trong dương có âm. Hai đức tính cương quyết tự tìm cách vượt khỏi hiểm, và sáng suốt nương tựa vào người hiền để vượt khỏi hiểm, không chống đối nhau, mà chỉ là vấn đề khi nghiêng về bên này một chút, khi thì nghiêng về bên kia một chút, mà thôi.

 

Và cách giải quyết châm chước như thế áp dụng cho mọi tình trạng mâu thuẫn khác như nước-lửa, sấm-gió, núi-đầm.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Chín 2024(Xem: 573)
Sự đóng góp của giới nho sĩ trải qua các biến cố lịch sử.
15 Tháng Bảy 2024(Xem: 880)
Những định luật lịch sử
15 Tháng Hai 2024(Xem: 1765)
02 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2918)
27 Tháng Mười Một 2022(Xem: 2845)