XI. Địa thiên thái

20 Tháng Năm 201411:18 CH(Xem: 13163)
XI - ĐỊA THIÊN THÁI.
Địa thiên thái

A - Giải Thích Cổ Điển.

1) Toàn quẻ :

- Có Lễ rồi mới được an ổn, nên sau quẻ Lý tiếp đến quẻ Thái.

- Được hình dung bằng trên Khôn dưới Càn, tức là khí âm trọng trọc hạ xuống và khí dương khinh thanh bay lên, như vậy nhị khí giao hòa, khiến cho vạn vật được hanh thông.

- Tượng quẻ còn có nghĩa là tuy âm dương (tiểu nhân và quân tử) ngang sức nhưng dương ở thế đang tiến, còn âm ở thế đang lui.

2) Từng hào :

Sơ Cửu : tài cao, vị thấp, cùng tiến tới Cửu Nhị, Cửu Tam, tốt. (Như học trò thông minh, mới vào học còn bỡ ngỡ, được bạn tốt dìu dắt, dễ tiến)

Cửu Nhị : tài cao, lại ứng với Lục Ngũ, được giao phó trọng trách. Thi hành đạo quân tử, gồm cả ân uy (dương hào cư âm vị, đắc trung), thì thiên hạ sẽ thái bình. (Ví dụ: sau khi lấy được đất Thục, Khổng Minh đặt ra luật lệ mới để thưởng phạt đúng mức, vẫn có độ lượng nhưng không còn quá lỏng lẻo để dân chúng khinh nhờn như với Lưu Chương)

Cửu Tam : trùng dương bất trung, đáng lẽ không tốt. Nhưng ở quẻ Thái, lại nằm trên hai dương, là bậc đàn anh quân tử, nên tốt. Tuy nhiên, cảnh Thái, đã tột độ, theo lẽ biến dịch sẽ sang cảnh Bĩ. Người quân tử không lo sợ, nếu thấy mầm loạn cứ bình tĩnh đối phó thì thái bình sẽ giữ được. (Ví dụ thời Trịnh Căn, Trịnh Cương là thời cực thịnh của họ Trịnh. Đến Trịnh Giang vô đạo nên loạn lạc lung tung. May được Trịnh Doanh lên thay, gần hiền xa nịnh, nên cơ đồ họ Trịnh còn được thịnh vượng vài chục năm nữa)

Lục Tứ : mặc dù còn ở thời Thái, mầm họa đã nẩy, Lục Tứ âm nhu, để cho nhị âm ở trên toa rập cùng làm bậy, khiến cho thế nước ngửa nghiêng.

(Ví dụ thời Linh đế nhà Hán còn tương đối vững chắc, chỉ vì bọn hoạn quan làm lộng và tướng quốc Hà Tiến ngu tối, nên gây họa Đổng Trác, mở đầu cho thời loạn Tam quốc)

Lục Ngũ : ở vị chí tôn, biết hạ mình tin theo hiền thần là Cửu Nhị, nên được Cát. (Ví dụ Thành Vương biết tin cẩn Chu công Đán, nên giữ vững được cơ nghiệp đã bị đe dọa bởi cuộc loạn do con cháu nhà Thương và chính các chú Thành Vương cầm đầu).

Thượng Lục : thời Thái đã đến giai đoạn cuối, người này lại ngu tối (trùng âm), chỉ nghe lời bọn tiểu nhân (nhị âm tứ, ngũ), nên sẽ làm hỏng cơ đồ. (Ví dụ đến Nghệ Tông, vận nhà Trần đã hết, mà Nghệ Tông ngu tối, chỉ nghe lời Lê quý Ly, nên làm mất cơ nghiệp nhà Trần).

B - Nhận Xét Bổ Túc.

1) Ý nghĩa quẻ Thái :

Tượng quẻ rất rõ rệt: các hào dương ở dưới có khí thế xông lên xua đuổi các hào âm, tượng trưng cho thời kỳ thái bình, quân tử cầm quyền, tiểu nhân không lũng loạn được.

2) Bài học :

a) Tuy thời Thái tốt thật, nhưng theo lẽ biến dịch của Càn Khôn, nên đề phòng Thái có thể biến thành Bĩ một lúc nào đó. Đề phòng bằng cách nào? Bằng đức độ bao dung (Cửu Nhị), bằng thái độ điềm tĩnh (Cửu Tam), bằng cách khiêm cung hạ sĩ (Lục ngũ). Nói tóm lại, trong quẻ Thái, bậc quân tử nên hăng hái ra giúp đời, ân uy gồm đủ, giữ vững nếp hanh thông sẵn có giữa người quân tử với nhau, và giữa quân tử (Chính quyền) với tiểu nhân (dân chúng).

b) Trong quẻ này ta thấy rõ rệt rằng tuy cùng một thời mà có thể chia thành nhiều giai đoạn nhỏ: ở ba hào Sơ, Nhị, Tam, cảnh Thái đang vững bền. Đến hào Tứ thì cảnh Thái đã bắt đầu suy. Hào Ngũ, nếu biết dùng người (Cửu Nhị) thì có thể giữ được thái bình thêm một thời gian. Đến hào Thượng thì cảnh Thái chấm dứt.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Hai 2024(Xem: 317)
02 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1041)
27 Tháng Mười Một 2022(Xem: 1636)
08 Tháng Năm 2020(Xem: 5297)
13 Tháng Sáu 2019(Xem: 6704)
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000